Nếu như trong âm nhạc những bài hát về Hà Nội không bao giờ vắng mặt trong các giai đoạn lịch sử và đã tạo được dấu ấn riêng “bài ca Hà Nội” thì trong văn học, một thời gian dài thập kỷ 1960 – 1990 tác phẩm về đời sống đô thị Hà Nội khá thưa thớt. Phải từ khoảng đầu những năm 2000 đến nay có thể nói dòng văn học về “thị dân Hà Nội” mới tái xuất sau những tác phẩm nổi tiếng trước năm 1954. Diện mạo của Hà Nội và “người Hà Nội” nửa thế kỷ qua hiện ra như những nét chấm phá hay như bức tranh toàn cảnh, đậm nhạt mảng màu hay sắc sảo ký họa trong từng tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, Lê Minh Hà, Đỗ Phấn…
Với tôi, một người đã có trọn tuổi thơ ở Hà Nội nhưng đã sống xa Hà Nội gần 40 năm, tác phẩm của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn dù là tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn thực sự là những triền ký ức dằng dặc khôn nguôi… Đời sống đô thị Hà Nội được ông khai thác ở hầu hết các tác phẩm, nhất là trong bộ sách 5 cuốn mà Nhà xuất bản Trẻ phát hành gần đây.
Không gian Hà Nội trong tác phẩm của Đỗ Phấn chủ yếu là những con đường những ngôi nhà thuộc khu “phố cũ”, như trải theo tuyến đường tàu điện leng keng từ chợ Mơ qua chợ Hôm, đến Bờ Hồ rồi sang chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, ta chỉ thấy thấp thoáng khu phố “Tây” với biệt thự bình lặng sau hàng rào, hàng cây xanh cao vút trên vỉa hè rộng rãi, lướt qua khu phố cổ nhộn nhịp cửa hàng buôn bán chật chội nhà cửa mà vẫn cố giữ vẻ phong lưu. Nhưng không gian Hà Nội của Đỗ Phấn phần nhiều là hai bên bờ sông Hồng. “Thành phố hai bên bờ sông đã hòa làm một. Những tụ điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng đã tìm sang bờ bên kia tản mát vào các xóm làng. Những gánh gồng lam lũ nhếch nhác đã tràn sang bờ bên này len lỏi vào mọi ngóc ngách phố phường…”. Dù nội đô hay ngoại thành, Hà Nội của Đỗ Phấn vẫn là một Hà Nội cũ, tù túng, có phần nhếch nhác nhưng vẫn còn gì đó nền nếp chỉn chu. Đôi lúc , đọc Đỗ Phấn tôi thấy không gian Hà Nội chỉ như một cây cầu Long Biên giả nua cũ kỹ nhưng mặt cầu thân cầu đầy dấu vết hư hỏng chắp vá, chật chội chen chúc các loại phương tiện giao thông thô sơ và hiện đại, dưới kia sông Hồng cũng cạn dòng trơ những bãi bồi… Vậy mà nói đến Hà Nội ai cũng nhớ cái dáng dấp thanh tao, duyên dáng nhẹ nhõm của cây cầu trên trăm năm tuổi…
Thời gian Hà Nội trong những câu chuyện của Đỗ Phấn là giai đoạn Hà Nội đang phân vân, dung dằng, có lúc vật vã chuyển từ đô thị cổ mang dáng dấp của “một cái làng lớn” sang đô thị hiện đại với cuộc sống không từ từ như vòng quay xe đạp mà hối hả xe máy thậm chí xe hơi. Giao thời cũ nhiều mới ít, cũ tràn lan mà mới đã lóe lên… Thời gian Hà Nội qua Đỗ Phấn cũng giống hệt như những nhân vật chính của ông: người đàn ông trung niên, chưa đủ già để chiêm nghiệm, vẫn muốn thay đổi dáng vẻ bề ngoài từ trang phục đến lời ăn tiếng nói, nhưng cũng không còn trẻ trung để có thể thoải mái vứt bỏ bộ quần áo đang mặc vì không còn hợp mode hay dùng ngôn ngữ tuổi teen một cách tự nhiên… Thời gian Hà Nội qua Đỗ Phấn thậm chí uể oải cả trong những cuộc làm tình nóng bỏng. Thời gian trong cảm thức của những nhân vật của Đỗ Phấn dường như không phù hợp với thời gian vật chất của một Hà Nội có vẻ ngoài ngày càng trở nên xa và lạ với chính “người Hà Nội”.
Xuyên qua không – thời gian đó là người Hà Nội mà tác giả vẽ nên, những gương mặt đàn ông đàn bà, trẻ già đủ mọi nghề nghiệp… Diện mạo tính cách từng người cụ thể nhưng vẫn nhòe vào đám đông, có cảm giác như ở câu chuyện nào tác giả cũng luôn băn khoăn “những con người làm nên cuộc sống và bộ mặt phố phường. Họ là ai thế nhỉ???”. Những người đàn bà trong câu chuyện của Đỗ Phấn ở lứa tuổi nào cũng nồng nhiệt yêu và dịu dàng dâng hiến… Thường thấy trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn một “người đàn bà đẹp” chấp nhận mối tình nửa vời , quyết định rồi chủ động có con với người mình yêu và lẳng lặng ra đi, tác giả nhìn theo họ như một giấc mơ và có phần lý tưởng thoát khỏi cuộc sống toan tính chi ly hàng ngày. “Vắng mặt”, “Gần như là sống”, “Chảy qua bóng tối”… không chỉ là tựa sách mà còn là số phận nhiều – người – Hà – Nội.
“Dằng dặc triền sông mưa” là cuốn tiểu thuyết của Đỗ Phấn viết cho những người cùng thế hệ từng có tuổi thơ ở Hà Nội. Ký ức, không, là nỗi nhớ trỗi dậy cồn cào qua từng trang văn đẹp và buồn như tranh Bùi Xuân Phái. Đỗ Phấn cho tôi nhớ về một Hà Nội của những cậu bạn trai cùng tuổi, luôn có cái vẻ ngơ ngác, chậm khôn hơn các cô bạn gái cùng lứa. Những cậu trai này hồn nhiên, chất “Hà Nội” ở họ trong trẻo tinh khôi hơn các bạn gái sớm khôn sớm biết điệu vì ý thức được vẻ đẹp và sự quyến rũ của mình. Với tôi, “con giai phố cổ” giữ được chất “Hà Nội” lâu hơn, đậm đặc hơn, chính vì họ không ý thức được rằng họ là “người Hà Nội”.
Trong cuốn tiểu thuyết “Vắng mặt” có chi tiết rất thú vị, một gia đình tản cư mang theo cái tủ chè lâu đời. Cũng chẳng biết để làm gì nhưng dù khổ sở đến mấy cũng cố gánh gồng mang theo… Đến nỗi cậu bé con phải nghĩ, cái tủ chè chẳng có chức năng gì ngoài mỗi việc chứng tỏ gia đình mình thuộc đẳng cấp “có tủ chè”. Sự tự trào hóm hỉnh nhưng nói được chính xác phong vị của nhiều “người Hà Nội”.
Có lần tôi hỏi Đỗ Phấn, vì sao vài năm gần đây anh dồn dập cho ra đời nhiều tác phẩm văn học như vậy? Còn hội họa, thời gian và tâm sức nào anh dành cho nó? Đỗ Phấn trả lời: Cứ mỗi lần triển lãm tranh là một lần anh “mất đi” nhiều tác phẩm của mình. Sự trống rỗng như khi mất một đứa con, một người yêu, một tri kỷ làm anh phải viết để dịu lại… Những ghi chép, viết ngắn như những bức phác họa, ký họa để anh dựng nên bức tranh Hà Nội từ nhiều góc nhìn khác nhau trong những cuốn tiểu thuyết của mình.
Vì vậy, đọc sách của Đỗ Phấn cũng giống như xem tranh. Cùng chất liệu cùng bút pháp mà vẫn phải lúc nhìn “cận cảnh” lúc lại phải lùi xa, khi nheo mắt chăm chú khi mở to mắt bao quát cả bức tranh. Và cũng như hội họa, tác phẩm của Đỗ Phấn mang lại nhiều cảm xúc hơn là nội dung câu chuyện, bởi nó làm người đọc trở về với dằng dặc triền ký ức của tác giả, và của cả một thế hệ…
Hà Nội 30/9/2014