CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

KẺ LÃNG TỬ HÀ THÀNH - TRẦN VŨ LONG

Thứ sáu ngày 10 tháng 10 năm 2014 12:00 AM


Thưa họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn, trong vòng dăm bảy năm lại đây mà ông đã cho ra đời 14 cuốn (8 tiểu thuyết, 3 tạp văn, 3 truyện ngắn). Cũng có thể xem như là một hiện tượng về sự lao động chữ nghĩa của một kẻ ngoại đạo bước vào tay ngang. Và đến bây giờ thì ông có thể cho biết thời gian cũng như tình yêu dành cho hội họa hay văn chương nhiều hơn?

ĐP. Với tôi, rất khó để phân biệt rạch ròi hai việc này. Hội họa chiếm rất nhiều chỗ trong căn nhà của tôi nhưng văn chương lại kềnh càng không kém chiếm chỗ trong tâm trí. Tuy nhiên, dù vẽ hay viết thì tôi cũng đều có một mục đích “truy lùng” cái đẹp. Một chút hoài niệm trong những bức tranh và điều đó lặp lại trong văn. Một chút bay bổng ước vọng ở cả văn và tranh. Và một phần không nhỏ là những dằn vặt. Với tranh, người xem có thể sẽ khó phát hiện hơn bởi vì dù sao đây cũng là loại hình nghệ thuật được xem bằng cảm xúc một cách có kiến thức. Văn chương có thể trực diện hơn nhiều. Bạn đọc không khó khăn gì để thấy điều tôi muốn nói.

Tôi vẫn thường dành phần lớn thời gian cho việc vẽ. Vì như bạn biết đấy, nghề vẽ có đến gần một nửa là lao động chân tay. Tư duy nhiều khi cũng nảy sinh từ các thao tác nghề nghiệp. Thậm chỉ có hẳn trường phái “hội họa hành động”. Nghĩa là bức tranh hoàn toàn ra đời bằng logic của các thao tác về màu sắc, hình ảnh. Cầm bút lông đã hơn 40 năm, phải chuyển nhà bốn lần do không còn chỗ để vẽ và lưu giữ tranh. Nhưng suy nghĩ và ham muốn sáng tạo thì lại không thể ngừng. Tôi muốn viết trước hết là để ghi lại những khoảnh khắc hội họa chưa làm được. Kể ra thì cũng hơi ngược đời. Người ta vẫn nói rằng hội họa bắt đầu từ chỗ văn chương kết thúc.

Từ một họa sĩ đã được định danh, cho đến khi luống tuổi rồi ông đột ngột chuyển sang viết văn. Mà viết với tốc độ chóng mặt. Có điều gì thôi thúc ông với công việc chữ nghĩa một cách ghê gớm đến vậy?

ĐP. Như tôi đã nói ở trên, hội họa còn rất nhiều khoảng trống thuộc về ký ức. Những điều bức tranh làm được nhiều khi không đáp ứng nổi những nhu cầu thuộc về kí ức. Một trang sách thôi là người ta có thể tái hiện phong cảnh sinh động nhiều chiều của một làng quê trong kí ức. Trong khi một bức tranh rất khó để làm điều đó. Một bức tranh hiện thực muốn diễn tả điều đó có lẽ cần đến rất nhiều tài liệu hình ảnh, nhiều thời gian và công sức thể hiện mà chưa chắc hiệu quả đã bằng một trang viết.

Năm mươi tuổi tôi mới in cuốn sách đầu tiên nhưng thực ra vẫn âm thầm đều đặn nghĩ và viết những thứ không công bố. Nhiều cái viết bỏ đi hoàn toàn. Đó là con đường của một người viết không được đào tạo về nghề viết. Vài thứ còn lại trong mấy năm nay tôi thu thập, chỉnh lí, viết lại. Công việc cuốn mình đi từ lúc nào cũng chẳng biết. Nhưng với tôi bây giờ có lẽ hạnh phúc nhất là được ngồi trước bàn phím. Những thao tác đơn giản hơn việc ngồi trước giá vẽ rất nhiều. Và tư duy thì cũng vẫn  như vậy thôi.

Là một họa sĩ chuyển sang viết văn, vậy thì tư duy hội họa có giúp gì nhiều cho ông trong việc viết lách không?

ĐP. Với tôi, tư duy hội họa không phải là có giúp gì cho việc viết hay không mà là tất cả. Tôi bắt đầu viết bằng chính tư duy hội họa. Kí ức về hình ảnh màu sắc luôn là điểm khởi đầu cho mọi thứ viết của tôi. Không giống như những nhà văn chuyên nghiệp cần phải ghi chép bằng chữ nghĩa, tôi quan sát và vẽ kí họa hoặc chụp ảnh. Hình ảnh- bản thân nó đã là một câu chuyện bất tận. Có lẽ tôi là người viết đã dùng rất triệt để quan sát hình ảnh của mình. Đơn giản vì cũng chỉ có mỗi thứ “vũ khí” ấy thôi. Văn chương có một lợi thế hơn hẳn hội họa đó là viết ra được cả những điều mình lắng nghe. Và tôi cũng là người thích nghe.

Nói thật tôi mới chỉ đọc một vài cuốn sách của ông nhưng được biết trong tất cả các tác phẩm đã in, ông đều viết về Hà Nội và để lại ấn tượng trong lòng độc giả. Vậy thì, thiết nghĩ nếu bây giờ nhắc đến tên những nhà văn viết về Hà Nội không thể không nhắc đến Đỗ Phấn. Và hình như, việc ông tìm đến với văn chương không phải với mục đích làm một điều gì to tát, điều gì đó mới mẻ cho văn chương mà chỉ đơn giản để kể lại cuộc đời mình gắn với mảnh đất Hà Nội mà ông luôn yêu thương, trăn trở?

ĐP. Nhà văn Việt Nam phần lớn sống ở các đô thị. Riêng Hà Nội cũng phải có đến nghìn hơn nghìn kém. Và tôi tin chắc rằng trong đời viết của mình thể nào họ cũng thường xuyên “chạm ngõ” mảnh đất Hà Nội này. Chẳng biết là may hay rủi, gia đình tôi được sống ở mảnh đất này cũng đã nhiều đời. Thực ra tôi không có một quê hương thứ hai nào khác để yêu dấu. Ngoại trừ mấy năm ở lính phải sống xa Hà Nội còn lại suốt gần 60 năm tôi chỉ quanh quẩn ở nơi này. Buồn ở đây và vui cũng ở đây. Buồn nhiều hơn vui. Hà Nội tôi ví như mặt nước Hồ Tây và con người sống ở đây như những giọt mực. Không có cách nào khác người ta phải hòa nhập vào nhau. Loãng ra. Nhạt. Tôi hình như thích viết về sự nhạt nhẽo của đời sống thị dân. Có thể cái viết của tôi làm cho Hà Nội bớt nhạt nhẽo đi chăng? Dĩ nhiên việc tìm kiếm một lối viết hay cách tân lối viết cũ không phải là việc của một người ít học hành. Và nhất là với một người thích viết về cái nhạt nhẽo như tôi. Biết làm thế nào được, tôi là người Hà Nội khá nhạt.

Đọc văn của ông tôi có một sự hình dung thế này, Đỗ Phấn giống như một lãng tử Hà Thành cứ đủng đà đủng đỉnh đi đi lại lại trong các con phố như để tìm lại chính mình. Và rồi, anh ta bàng hoàng vì không tìm thấy gì cả. Xót xa, đau đớn vì sự mất mát đó, anh ta đã lao vào con đường chữ nghĩa để phục dựng lại nó bằng những hoài niệm, những kí ức. Anh có đồng ý với sự liên tưởng và nhận xét đó không?

ĐP. Bạn đã nói ra hộ tôi điều mà tôi luôn nghĩ ngợi. Với tôi, một Hà Nội ngói nâu tường cũ chẳng quan trọng gì. Ký ức về nó họa sĩ Bùi Xuân Phái đã kể cho chúng ta nghe bằng sự nghiệp hội họa của ông rồi. Thế là đủ. Ở Hà Nội theo tôi biết còn rất nhiều người đủng đỉnh đi lại trong hoài niệm phố của mình. Họ mất khả năng tự pha loãng mình và dĩ nhiên ký ức về hình ảnh đã hoàn toàn biến mất cùng với sự phát triển ồ ạt của thành phố. Nếu không còn những ký ức về cư xử, về lối sống, về một thành phố đã từng như nó thì chắc chắn họ sẽ hoang mang tột độ. Nhưng biết đâu đấy, cái nhốn nháo tranh giành ở chỗ bán hàng hạ giá hay tiệm ăn miễn phí ngày hôm nay ở Hà Nội lại chẳng làm cho người ta hình dung và nhớ đến da diết một Hà Nội êm đềm xưa? Cái mất mát về phong cách sống mới thực sự quan trọng. Hôm vừa rồi đọc trên mạng thấy có một chuyện vừa buồn vừa vui như thế này. Có một cô gái xinh đẹp chen hàng vào mua xăng bị người bán hàng Hà Nội từ chối. Anh ấy bảo cô gái rằng cô không có thai cũng không tàn tật thì phải quay lại xếp hàng. Cô gải chửi bậy và nói rằng nếu có thai thì sẽ có thai với bố anh. Và hậm hực phóng xe đi. Anh bán xăng phân trần với khách hàng, nếu hôm nay không bận bơm thì em sẽ cho con này biết tay! Khách hàng hỏi anh định làm gì nó. Anh cười, chẳng cần đến ông cụ nhà em, chỉ cần em rời cái vòi bơm này ra là nó sẽ chửa lên chửa xuống! Vui ở chỗ vẫn còn một cốt cách thật là Hà Nội ở anh bán xăng. Nhưng buồn ở chỗ những người như anh có vẻ đã ở đâu đó xa lắm rồi. Hình như sắp bước chân vào sách đỏ?

So về tuổi tác, tôi còn thua ông rất nhiều. Tôi cũng không phải người Hà Nội gốc, nhưng được sinh ra và lớn lên ở đây. Nhiều khi tôi thấy tiếc cho một Hà Nội đã qua, thương cho một Hà Nội đang có và tôi luôn nhung nhớ về một Hà Nội của riêng mình. Xin được hỏi, hiện nay ông đang sống như thế nào trong Hà nội của mình?

DP. Đúng ra là tôi đang sống trong thói quen về Hà Nội của mình. Cũng không có ý định tự cải tạo. Thói quen ấy hình như được truyền lại từ hồi ông nội tôi còn sống. Nghĩa là buổi sáng thức dậy đi tập thể dục ở bên cái hồ gần nhà. Đứng tập ở đúng chỗ hôm qua. Về nhà tắm xong xách xe máy lên phố. Tôi chuyển nhà ra vùng Kim Mã đã gần chục năm rồi vẫn chưa bỏ được thói quen ăn sáng và uống cà phê trên phố. Chỗ tôi ở bây giờ bát phở to như cái chậu thau gấp mấy lần sức ăn của tôi. Ăn sáng uống cà phê ở những hàng cố định. Thậm chí cũng không bao giờ ngồi sai chỗ hôm qua đã ngồi. Cái gìn giữ cho riêng mình ấy của tôi không ảnh hưởng đến ai nên cũng chẳng cần thay đổi. Hà Nội trật tự hay nhốn nháo chính là ở mỗi người. Nhà tôi sơn màu tường và cửa sổ giống như một cơ quan nào đó. Chẳng có gì nổi bật. Trồng cây cảnh trên ban công cũng hiếm khi xén tỉa. Cứ để cho nó mọc lòa xòa tự nhiên. Từ ngày không còn đi dạy học nữa thì thường mua quần áo may sẵn để mặc theo tiêu chí những thứ không phải dùng đến bàn là. Tôi có chiếc bàn là mua mười năm vẫn mới. Thỉnh thoảng tụ bạ bạn bè uống rượu say hết mình. Thường là gửi xe lại quán cho nên cũng hiếm khi đến quán lạ.

Tôi cũng không có nhiều bạn lắm. Quanh đi quẩn lại chỉ có vài ông nhà văn quen mặt và hai ba ông đồng nghiệp nghề vẽ. Một số bạn gái tuổi từ 70 cho đến 50 chơi với nhau vài chục năm rồi. Tạm có thể gọi là “ăn tinh nghịch dại”.

Đọc văn của ông người ta có thể cảm nhận rất rõ chất dân gian thành thị. Và, dường như chính nhờ yếu tố đó mà bạn đọc cảm thấy thích thú khi đọc tác phẩm của ông. Vậy, chất dân gian đó có thực sự là con người Đỗ Phấn và của người Hà Nội không?

ĐP. Điều đó là đương nhiên. Như tôi đã nói ở trên, thực ra tôi không có kiến thức gì về văn chương qui củ cho nên phải lấy cuộc sống quanh mình làm tư liệu để viết. Việc một thành phố mở rộng ra như bây giờ cùng với hàng triệu người nhập cư chắc chắn không bao giờ hết cái để viết. Tôi có lợi thế về việc quan sát. Thêm lợi thế về tuổi tác cũng không còn nhỏ. Những gì trải qua có thể kiểm chứng so sánh dễ dàng. Người sống lâu ở Hà Nội không nên còn khái niệm về một gốc gác Hà Nội nữa. Đó là việc chúng ta phải nghĩ ngợi hàng ngày. Gốc gác chẳng quan trọng gì. Thậm chí rất chán. Khi nói ta là người có gốc gác ở đây cũng đồng nghĩa với một nguy cơ mất gốc đang rình rập. Chính cái khí chất thị dân mà bạn gọi là dân gian thành thị là điều quyến rũ hơn hết. Và nó rất phong phú. Không phải chỉ có những thanh lịch văn minh mới làm nên đô thị. Bên cạnh nó luôn có cái phần nhếch nhác kèm theo. Điều đó để đánh giá một thành phố đáng sống đến mức nào. Tôi thường rất sợ mỗi khi có việc phải sang Singapore. Ngay ngắn, sạch sẽ, lề luật và đắt đỏ đến phát chán. Cứ như đang dạo chơi trong một vườn trẻ đầy lễ phép với những con thú nhựa.

Có người đã đưa ra một nhận xét rằng, trong các tác phẩm văn chương, đặc biệt là tản văn, khi viết về Hà Nội thì người ta hay viết về Hà Nội trong kí ức, còn khi viết về Sài Gòn thì hay viết về hiện tại. Tất nhiên Hà Nội có một bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa rất khác. Tuy nhiên, hình như còn có một yếu tố nào khác về con người Hà Nội và Sài Gòn hiện nay. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐP. Yếu tố con người là quan trọng hơn cả. Sài Gòn là đất mới dĩ nhiên toàn dân nhập cư cũng như Hà Nội nghìn năm trước. Tôi chắc chắn rằng thời vua Lý Thái Tổ không có khái niệm giữ gìn bản sắc Hà Nội. Đơn giản vì nó chưa có.

Hà Nội có những thay đổi đột ngột trong vài chục năm qua. Chính vì thế làm thức dậy trong mỗi người Hà Nội vùng kí ức chưa xa.

Tôi nhớ, đã có lần ông bảo, có thể xem tất cả các cuốn sách của ông chỉ như là một tác phẩm, bởi nó cùng một đề tài, một không gian, đó là Hà Nội. Vậy ông có định làm mới mình ít nhất là trong việc chuyển để tài và không gian trong sáng tác không?

ĐP. Không. Những thứ tôi sắp viết ra thì nó cũng sắp xuất hiện trong cuộc sống. Tôi tin là nó luôn xuất hiện và vì thế chẳng cần phải thay đổi làm gì khi nó luôn mới. Không gian và con người ở nơi này còn quá nhiều thứ phải viết.

Với tư cách là một họa sĩ đồng thời là một nhà văn ông có nhận xét gì về sự chuyển động trong hội họa cũng như văn học hiện nay?

ĐP. Hội họa ì ạch và văn chương thì bùng nổ. Nhưng tác phẩm của cả hai ngành mĩ thuật và văn học cũng chưa có thành công gì đáng kể cho lắm ngoài việc xét về số lượng.

 

Xin cảm ơn họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn.

 


Chia sẻ trên Facebook