CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

ĐỖ PHẤN MẢI MIẾT VỚI TRIỀN SÔNG HÀ NỘI

Thứ sáu ngày 3 tháng 10 năm 2014 12:00 AM
Những triền sông Hà Nội” diễn ra trong khuôn khổ Hội sách kỷ niệm 60 giải phóng Thủ đô. Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, với sự tham gia của các diễn giả TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nhà phê bình Hoài Nam. 

Tiêu đề của buổi giao lưu dựa theo một tựa sách xuất bản gần đây của Đỗ Phấn, “Dằng dặc triền sông mưa”, một cuốn sách viết về/cho tuổi thơ của tác giả nhận được sự đồng cảm từ nhiều bạn đọc đồng thế hệ, những người cùng có chung một tuổi thơ gắn bó với Hà Nội thời chiến. 

Từ nhiều năm nay, bạn đọc vẫn biết đến một họa sĩ Đỗ Phấn với những tản văn đều đặn trên các báo. Những năm gần đây, Đỗ Phấn dường như đã chuyển trọng tâm từ cầm cọ sang cầm bút. Với sức làm việc đáng nể, anh đã cho ra đời hơn mười đầu sách, những sáng tác của anh tập trung vào một đề tài duy nhất: Hà Nội. Đỗ Phấn tâm sự, anh cầm bút vẽ đã hơn 40 năm, trong lĩnh vực mĩ thuật cũng có một vài thành công nhỏ nhỏ, được khán giả xem tranh biết đến. “Vẽ tưởng không liên quan đến văn chương, nhưng thực ra liên quan rất nhiều. “Tôi viết dựa trên nền tảng ký ức về hình ảnh. Tôi viết bắt đầu bằng hình ảnh, kết thúc cũng bằng hình ảnh. Hình ảnh làm nên cách viết của tôi”, tác giả tâm huyết với đề tài Hà Nội tự nhìn nhận.



Buổi giao lưu trò chuyện với nhà văn Đỗ Phấn
tại Hội sách kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô.

Kể từ tập bản thảo truyện ngắn đầu tiên có tên Thác Hoa khi Đỗ Phấn đưa cho nhà văn Nguyễn Việt Hà xem, đến nay, sau bảy năm, hơn mười đầu sách đã được anh hòan thành và xuất bản, trong đó có 5 tiểu thuyết (Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Ruồi là ruồi). Nhìn vào số lượng này, nhà phê bình Hoài Nam nhận xét, nó cho thấy sức lao động nghiêm túc của Đỗ Phấn.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, người mà Đỗ Phấn đã chia sẻ khá nhiều về văn chương, cảm nhận: Khi đọc tiểu thuyết đầu tay “Vắng mặt” của Đỗ Phấn anh thấy Đỗ Phấn như đoạn phố chiều muộn, đoạn phố ấy có vài cô gái ăn sương, vài ba công chức, vài biệt thự dở dang chia năm xẻ bảy… “Phi thường” là từ tác giả “Cơ hội của Chúa” dùng để mô tả sức làm việc của Đỗ Phấn. “Như tay cao bồi già đi đi lại lại trên con phố cũ, dù con phố ấy chẳng còn cỏ”. Đỗ Phấn cũng chia sẻ, lúc nào trong máy anh cũng có hai, ba cuốn tiểu thuyết viết song hành. Vẽ chán anh quay sang viết, viết cuốn này tắc hay cần giải lao lại quay sang viết cuốn kia.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, mỗi thành phố đều có ký ức, mỗi thị dân trong thành phố ấy đều có lịch sử cá nhân. Đỗ Phấn đã viết bằng lịch sử cá nhân của mình. Đó là những ký ức về thành phố mà mỗi thị dân cần giữ lại. Như ở “Dằng dặc triền sông mưa” chị và những người đồng thế hệ bắt gặp Hà Nội thời bao cấp, có những đứa trẻ đi sơ tán, hòa mình vào vùng quê, điều mà trẻ con Hà Nội hôm nay không có. Ấn tượng về cầu Long Biên, các triền đê của sông Đồng bằng Bắc Bộ hiện lên trong tác phẩm Đỗ Phấn gần gũi mà thân thương. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng bị cuốn hút bởi “Dằng dặc triền sông mưa” bởi anh thấy “chính là mình”, thấy một Hà Nội thời chiến tranh xa vắng và buồn bã, mọi thứ gói trong cuộc rời xa thành phố về nông thôn của những cậu bé tản cư. Nguyễn Ngọc Tiến thích Đỗ Phấn ở sự chậm rãi, kể chi tiết với một giọng văn rất thanh. 

Nói về cuốn sách này, Đỗ Phấn chia sẻ: “Những người như tôi sinh ở thập kỷ năm mươi thế kỷ trước, sân chơi chủ yếu là cầu Long Biên, bãi sông Hồng, vườn Bách Thảo… Rõ ràng thành phố này được định hình bên dòng sông Hồng, với cây cầu Long Biên mà suốt tuổi thơ tôi thả xe đạp xuống dốc Hàng Khoai không biết bao nhiêu lần... Những thứ ấy thân thương như đồ chơi trong nhà mình. Đó là những ký ức đẹp về hình ảnh”. 

Về nghiệp chữ gắn với Hà Nội, Đỗ Phấn chia sẻ, nhiều độc giả coi suốt đời anh chỉ viết một đề tài, một cuốn sách, về Hà Nội, cụ thể là về con người Hà Nội. Con người thị dân sống thế nào giữa đất Hà Nội đang biến đổi từng ngày như thế? Như con sông Hồng giờ có quá nhiều thay đổi, với một vài người có thể khiến họ vui thích, như thay vì đi đò thì họ có thể đi qua sông trên bốn, năm cây cầu. Tác giả tâm huyết với đề tài Hà Nội cho rằng, con người Hà Nội cũng phải thay đổi theo đời sống. “Người Hà Nội cũng phải mới lên để phù hợp với cuộc sống, với những đổi thay”, anh nói. Và như thế, cộng với áp lực di dân rất lớn, theo anh, không có khái niệm người Hà Nội gốc, Hà Nội cũ mà chỉ có người ở Hà Nội lâu hơn mà thôi.



Độc giả mua tác phẩm của Đỗ Phấn tại Hội sách để xin chữ ký tác giả.

Đỗ Phấn bước vào nghề văn với một thể loại mà theo anh tưởng như dễ nhưng lại rất khó: tản văn. Sau này viết tiểu thuyết thì anh vẫn trung thành với thể loại nhập môn, và đến giờ Đỗ Phấn vẫn cho rằng, tản văn là thứ khó nhất, đòi hỏi nhiều chữ nghĩa nhất. 

Đỗ Phấn viết về cái gì? Không có gì khác ngoài thành phố mà Đỗ Phấn đang sống. Hà Nội của Đỗ Phấn, Hà Nội của ngày xưa, của thời bao cấp mà Đỗ Phấn trải qua bằng tuổi thơ của mình. “Nếu bạn đọc nào tìm ở tiểu thuyết Đỗ Phấn một câu chuyện thì sẽ không thấy, nhưng anh tạo ra cảm giác về đời sống”, nhà phê bình Hoài Nam nhận xét. Hoài Nam nói rằng, không nên tìm Đỗ Phấn ở việc làm mới một cái gì cả, anh chỉ là người kể chuyện, kể lại những gì đã chứng kiến. Và như nhiều người vẫn nhận xét, dù nghiệp văn của Đỗ Phấn chỉ trung thành với một đề tài Hà Nội thì theo Hoài Nam, mỗi cuốn sách của anh vẫn là một thế giới khác. 
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook