CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

TÁM ĐIỂM ĐỔI MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SAU 2015

Thứ ba ngày 30 tháng 9 năm 2014 12:00 AM

Chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 12 hiện hành được triển khai theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội (năm 2000) đã áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay (2014).
 
Qua nhiều hội thảo[1]  tổng kết, đánh giá chương trình và việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành; nhìn chung nhiều ý kiến đánh giá khá thống nhất với nhận định tổng quát sau đây:

Chương trình, sách giáo khoa hiện hành cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu về đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 40; đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các chương trình trước, phù hợp xu hướng quốc tế; đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua; sách giáo khoa đã bám sát mục tiêu, cụ thể hoá được các yêu cầu của chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bất cập nhất là chưa đáp ứng yêu cầu mới về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa chú trọng yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng phản biện, thói quen tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, năng lực ngoại ngữ và tin học… 

Thực hiện các nghị quyết của Đảng và yêu cầu của Quốc Hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay dự thảo Đề án đã hoàn thành, đang chờ xin ý kiến của Quốc Hội vào kỳ họp thứ 8, tháng 10-2014 này.

Một câu hỏi lớn đặt ra là Đề án lần này có những điểm gì mới so với lần đổi mới chương trình giáo dục năm 2000? 

Là thành viên ban soạn thảo đề án, xin được nêu lên một số điểm đổi mới cơ bản về chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông lần này để bạn đọc được biết và rộng đường dư luận.

1. Mới về cách tiếp cận mục tiêu giáo dục
Chương trình hiện hành về cơ bản vẫn là chương trình tiếp cận nội dung. Tiếp cận nội dung là cách nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực/ môn học nào đó. Tức là tập trung xác định và trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết cái gì ? Cách tiếp cận này chủ yếu dựa vào yêu cầu nội dung học vấn của một khoa học bộ môn nên thường mang tính “hàn lâm”, chạy theo số lượng, nhồi nhét kiến thức; nặng về lý thuyết và tính hệ thống, nhất là khi người thiết kế ít chú đến tiềm năng, các giai đoạn phát triển, nhu cầu, hứng thú và điều kiện của người học.

Chương trình mới chuyển sang cách tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; là cách tiếp cận nêu rõ kết quả - những năng lực mà học sinh mong muốn đạt được vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường ở một môn học cụ thể. Cách tiếp cận này đòi hỏi chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống; phát triển các năng lực chung mà mọi học sinh đều cần có đồng thời phát triển các năng lực riêng của từng em; tập trung vào việc: dạy và học như thế nào? Học sinh biết làm gì và làm như thế nào? Nói cách khác, cách tiếp cận này nhằm trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết và có thể làm được những gì?

Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận này sẽ chi phối và buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học thay đổi: nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; cách thức quản lý và thực hiện…

2. Mới về cấu trúc nội dung các môn học và hoạt động giáo dục
Trong chương trình giáo dục hiện hành, các môn học được thiết kế tương ứng theo các bộ môn và lĩnh vực khoa học, làm cho nội dung dạy và học mang mang nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời cuộc sống. Chủ trương thiết kế chương trình môn học theo vòng tròn đồng tâm, lặp lại và nâng cao về lý thuyết là đúng, nhưng trong thực tế kết quả không được như mong muốn: rất nhiều nội dung giáo dục bị trùng lặp giữa các cấp, lớp; vừa thừa, vừa thiếu.

Chương trình giáo dục mới được thiết kế theo phương châm coi trọng cả tính khoa học và tính sư phạm, dễ hóa các vấn đề khó; chỉ lựa chọn có chủ đích một số đơn vị kiến thức tinh giản, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…), của học sinh phổ thông, gắn với cuộc sống, tăng cường thực hành, yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Kết hợp giữa cấu trúc đồng tâm và tuyến tính một cách phù hợp nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo kiến thức. Chương trình được thiết kế theo 2 lĩnh vực hoạt động và giáo dục chính: hoạt động dạy học các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 

3. Mới về cách tổ chức, thực hiện tích hợp và phân hóa 
Nội dung chương trình hiện hành chủ yếu tích hợp ở Tiểu học; lên trung học cơ sở có một vài môn thực hiện tích hợp. Hình thức phân hóa bằng phân ban của chương trình hiện hành cứng nhắc, thiếu linh hoạt và mềm dẻo dẫn đến thiếu hiệu quả, chưa phù hợp với nguyện vọng, sở trường của học sinh.

Nội dung chương trình mới sẽ tăng cường tích hợp cả ở Tiểu học và Trung học cơ sở. Ngoài các môn tích hợp khá triệt để như Cuộc sống quanh ta ( lớp 1-2); Giáo dục lối sống ( lớp 1-5), Tìm hiểu tự nhiên; Tìm hiểu xã  hội ( lớp 3-5); ở THCS thực hiện tích hợp liên môn (các môn lý, hóa, sinh thành môn Khoa học tự nhiên; các môn sử, địa… thành Khoa học xã hội) và các chủ đề tích hợp; khắc phục tình trạng học sinh phải học quá nhiều môn học. Thực hiện phân hóa bằng hình thức tự chọn, nhất là ở THPT, chỉ học một số ít các môn bắt buộc, còn lại học sinh được tự chọn các môn học và chuyên đề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, tiếp cận với định hướng nghề nghiệp sau THPT.

4. Mới về phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học
Cách dạy và học trong nhà trường hiện nay về cơ bản vẫn là: Thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức; Trò tiếp nhận và ghi nhớ máy móc kiến thức của thầy. Việc kiểm tra, thi và đánh giá lại yêu cầu nhớ nhiều, học thuộc nhiều đã làm cho học sinh bị quá tải, một trong những nguyên nhân của tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan.

Chương trình mới sẽ coi việc truyền thụ kiến thức không còn là mục tiêu chính, mà là phương tiện, là cách thức để giúp học sinh từng bước hình thành phẩm chất, năng lực của con người mới. Người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà quan trọng là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học. Trong các hoạt động giáo dục, nhất là các Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh sẽ được học theo nhóm, được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, được lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn; khuyến khích tư duy độc lập, những ý tưởng và phương pháp sáng tạo…

5. Mới về thi, kiểm tra-đánh giá
Chương trình hiện hành kiểm tra nghiêng về yêu cầu nhớ lý thuyết, ít yêu cầu vận dụng, giải quyết các vấn đề gần gũi với cuộc sống; chỉ chú trọng bài kiểm tra hoặc bài thi cuối cùng, coi nhẹ kiểm tra để hướng dẫn quá trình học tập thường xuyên trên lớp…

Kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới sẽ tập trung đánh giá năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh, nhất là kỹ năng vận dụng những kiến thức. Tăng cường ra đề “mở” gắn với các vấn đề thời sự của đất nước để học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp, trình bày ý kiến cá nhân, bài làm có thể khác nhau nhưng vẫn nhận được điểm số cao giống nhau nếu có những trình bày hợp lý. Khắc phục tình trạng thuộc lòng những bài văn mẫu, những câu trả lời được chuẩn bị sẵn. Đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp làm căn cứ cho tuyển sinh.

6. Mới trong quan niệm về chương trình và sách giáo khoa
Chương trình hiện hành chưa tách bạch rõ chương trình và sách giáo khoa; phần lớn giáo viên quan niệm sách giáo khoa là chương trình; sách giáo khoa mang tính pháp lý, nhất nhất phải tuân thủ, từ dạy học đến đánh giá, thi cử…Do cách hiểu yêu cầu của Luật Giáo dục “sách giáo khoa được sử dụng thống nhất trong toàn quốc” thành “duy nhất” nên chỉ có một bộ sách giáo khoa; trên thực tế ở THPT có 2 bộ ( Cơ bản và Nâng cao) nhưng thực chất vẫn chỉ là một bộ sách…

Đề án đổi mới lần này chủ trương tách bạch chương trình và sách giáo khoa. Chỉ có chương trình và chuẩn chương trình mới có tính pháp lý. Nghĩa là việc viết sách giáo khoa, chỉ đạo dạy học và kiểm tra, đánh giá… đều phải căn cứ vào chương trình và chuẩn chương trình. Thực hiện chủ trương 01 chương trình nhiều sách giáo khoa. Các bộ sách giáo khoa khác nhau đều phải được Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, xem xét và cấp phép nếu đạt tiêu chuẩn. Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai các tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá sách giáo khoa để làm cơ sở cho việc biên soạn và thẩm định. Đa dạng hoá các tài liệu dạy học; giáo viên và học sinh có thể vận dụng sách giáo khoa và tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu và chuẩn chương trình.

7. Mới về cách xây dựng, tổ chức và quản lý thực hiện chương trình
Chương trình và sách giáo khoa hiện hành xây dựng và biên soạn theo kiểu cắt khúc các cấp học; không tạo được sự liên thông; thiếu sự mềm dẻo và linh hoạt, chưa đáp ứng được yêu cầu khác nhau giữa các vùng miền và đối tượng học tập.

 Chương trình mới được thiết kế theo một cách nhất quán, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với yêu cầu tương ứng hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản gồm Tiểu học và THCS, học xong 9 năm đầu bắt buộc, về cơ bản học sinh đã được trang bị xong những tri thức nền tảng, cơ bản của học vấn phổ thông; Giáo dục định hướng nghề nghiệp gồm cấp THPT: 3 năm cuối là dạy học phân hóa theo hình thức tự chọn, chuẩn bị tốt cho việc học tiếp sau THPT và tiếp cận định hướng nghề nghiệp.

Với chương trình quốc gia, sẽ quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

8. Mới về cách tổ chức Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Lâu nay Chương trình GDPT Việt Nam đã có hoạt động giáo dục nhưng chưa được chú ý đúng mức; chưa hiểu đúng vị trí, vai trò và tính chất của các hoạt động giáo dục; chưa xây dựng được một chương trình hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú và chi tiết với đầy đủ các thành tố của một chương trình giáo dục; chưa có hình thức đánh giá và sử dụng kết quả các hoạt động giáo dục một cách phù hợp. Nhìn chung là còn nghiêng nhiều về hình thức.

Chương trình GD mới sẽ chú trọng Hoạt động trải nghiệm sáng tạo với các yêu cầu: a) Các hoạt động này phải thông qua thực hành, thông qua làm, hành động với kinh nghiệm của mỗi cá nhân; b) Đề cao sáng kiến, yêu cầu sáng tạo, nuôi dưỡng tính sáng tạo; c) Đề cao tinh thần nhân văn; làm cho việc giáo dục ở nhà trường trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học, biết vận dụng một cách tích cực những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời biết chia sẻ và quan tâm tới người xung quanh. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện qua nhiều hình thức: hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, thăm quan, dã ngoại…

Trên đây là 08 điểm đổi mới được nêu một cách ngắn gọn và khái quát nhất. Việc triển khai cụ thể sẽ được Chính phủ tiến hành sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa vào kỳ họp thứ 8 này.

Đ.N.T - Hà Nội, 22 tháng 9-2014

 


[1] Đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam… Đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (năm 2012); đánh giá để phục vụ Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (năm 2013). Tháng 7 năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 40 của Quốc hội và đối chiếu với Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook