CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

VUI NHẤT CÓ CHỢ ĐỒNG XUÂN

Thứ hai ngày 29 tháng 9 năm 2014 12:00 AM

Rất nhiều năm qua chúng ta bị nhầm lẫn giữa khái niệm di tích và phế tích. Việc bảo tồn phục chế thường ngốn những khoản chi tiêu khổng lồ cuối cùng chỉ để cho công trình lại bước vào một chu kỳ hoang phế tiếp theo. Chợ Đồng Xuân là một di tích lịch sử văn hóa hiếm hoi của Hà Nội vẫn đang tồn tại ở dạng vật thể và phi vật thể một cách sống động đúng nghĩa như một di tích.

Người Pháp quy hoạch lại vùng đất và xây dựng nên chợ Đồng Xuân mới chỉ từ năm 1890. Trước đó, Hà Nội và các vùng nông thôn Việt chưa có khái niệm về một ngôi chợ có quy mô lớn được xây dựng bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất của châu Âu đương thời. Chợ làng thường chỉ là một bãi đất trống dựng lên lều lán bằng cây que tạm bợ lợp lá dùng để bán mua trong vùng địa lý hẹp với những mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt bản địa. Cái khái niệm đi chơi chợ hình như chỉ phổ biến ở mạn đồng rừng của các dân tộc thiểu số.

Với lũ trẻ đầu những năm 60 thế kỷ trước ở Hà Nội thì chợ Đồng Xuân luôn là niềm mơ ước mỗi khi được đến chơi. Trẻ con nội, ngoại thành theo sáu tuyến đường xe điện lên chơi chợ Đồng Xuân vào ngày nghỉ cùng với bố mẹ. Lớn hơn một chút có thể đi một mình. Trẻ con quanh khu vực Hoàn Kiếm coi chợ Đồng Xuân như là nơi vui chơi giải trí hàng ngày. Chúng say mê không gian rộng lớn bên trong chợ chính với những bộ vì kèo thép tán đinh ri-vê nuột nà hùng vĩ tít mãi trên cao. Đó là ngôi nhà to nhất trong thành phố được vào ra tùy thích. Mùi măng, mùi quế, mùi hồi sực nức bên những dãy hàng khô. Mùi vải mới thơm lừng cùng với những áo quần trẻ em may sẵn sặc sỡ. Mùi khói bếp củi hàng bún chả váng vất bay sang từ bên chợ Bắc Qua ấm áp. Những dãy hàng bán chim, cá cảnh nằm giữa hai chợ Đồng Xuân - Bắc Qua như một thiên đường thu nhỏ. Những con cá vàng mắt lồi bơi lượn trong chiếc cóng thủy tinh trong veo. Những con cá chọi xòe vây xanh đỏ trước miếng gương con thả trong chiếc bể kính vuông xinh xắn. Xôn xao trong những chiếc lồng tre phủ vải đỏ là giọng hót chuyện mê mẩn của lũ chim họa mi. Con khướu bạc má tung mình nhẹ nhàng trong chiếc lồng lớn lảnh lót những âm thanh núi rừng. Lũ chuột lang hiền lành cặm cụi nhấm nháp những cọng rau trong chiếc lồng lưới sắt. Lũ chó mèo non dò dẫm những bước chệch choạc quanh người chủ hàng nghiêm nghị nhưng rất hiền lành. Trẻ con được phép bế những con vật ấy lên ngắm nhìn ve vuốt thoải mái. Những đứa trẻ nhà nghèo Hà Nội coi đó là một vườn bách thú thân thương nhất của mình có thể đến bất cứ lúc nào cũng được.

Trải qua mấy cuộc chiến tranh bom đạn và nhất là vụ cháy năm 1994 đã tưởng như vĩnh viễn người Hà Nội mất chợ Đồng Xuân. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ hệ thống khung dầm thép tuyệt mỹ do bàn tay những người thợ ở phố Lò Rèn dựng lên hoàn toàn thủ công cùng với cây cầu Long Biên vĩ đại bắc qua sông Hồng. Nhưng rất may, người ta đã kịp nhận ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của kiến trúc mặt tiền ngôi chợ. Nó còn là ký ức sâu đậm của người Hà Nội và những ai đã từng đến nơi này. Chợ được xây dựng phục chế lại mặt tiền như nguyên bản. Chỉ có hệ thống vì kèo bên trong phải chế tạo công nghiệp do điều kiện lúc ấy chưa dư dả như bây giờ.

Chợ Đồng Xuân ngày nay cũng là một khu chợ hiếm hoi trong thành phố còn giữ lại những nền nếp bán mua xưa cũ. Những thiếu nữ Hà Nội lịch lãm trong trang phục nhã nhặn ngồi bán hàng có cách giao lưu vừa đủ trân trọng nhưng không vồ vập với khách hàng như vài chục năm trước vẫn thế. Họ buôn bán với bạn hàng bằng tín chấp chứ không cần phải thế chấp bao giờ. 

Chợ Đồng Xuân được sinh ra trong khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Và bây giờ nó mang niềm kiêu hãnh ấy đền đáp lại ân tình của người Hà Nội. Công ty cổ phần Đồng Xuân của thành phố Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức những phiên chợ đêm lấy trung tâm là cổng chợ. Từ đó lan tỏa ra các con phố lân cận Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… Hàng quán dựng lên san sát trong các con phố tạm thời đi bộ vào tối thứ bảy. Công ty Đồng Xuân còn đóng hàng chục bộ bàn ghế gấp bằng tre rất dân dã nghệ thuật bày ra phố cho các hàng quán sử dụng miễn phí. Gánh hát của “ông bầu không lương” nhạc sĩ Thao Giang kê sân khấu trước tượng đài Cảm Tử hát chầu văn, hát xẩm. Xúng xính khăn chầu áo ngự trong tiếng trống phách rộn ràng. Nón lá áo nâu cất giọng bài “Xẩm tàu điện” đã vắng bóng hơn hai chục năm kể từ ngày thành phố dỡ bỏ xe điện. “Vui nhất có chợ Đồng Xuân/Mùa nào thức ấy xa gần bán mua…”. Tiếng nhị réo rắt dồn dập như vang vọng đâu đây tiếng cần vẹt xe điện ngày nào. 

Một di tích đã và đang sống như thế.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook