CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

MỘT BÀI THƠ HAY CỦA HƯƠNG HOÀNG VỀ "THỊ MÀU" - PHAN CHÍ THẮNG

Thứ ba ngày 23 tháng 9 năm 2014 12:00 AM

Tác giả bài thơ THỬ HỌA TRANH

Tôi đọc thơ Hương Hoàng đã mấy năm nay. Có cảm giác tác giả là một người đàn bà Hà Nội xưa, học thức, đoan trang, thùy mị trong sự kìm nén những cảm xúc sâu kín. Tôi hình dung đó là một người đàn bà ngồi sau khuôn cửa sổ, thả hồn đi lang thang với sương, gió, hoa lá cỏ cây. Với những khát vọng của một người phụ nữ cấm cung. Cấm cung trong công việc, cấm cung ngay trong bốn bức tường của gia đình mình. 

Thơ Hương Hoàng thường cố gắng thoát ra khỏi thực tại, nhưng bản thân tác giả thì vẫn im lìm trong phòng vắng. 

Vì vậy thơ Hương Hoàng tuy chỉn chu, ngôn từ chọn lựa kỹ càng, hình ảnh đẹp đẽ, song chỉ dừng lại ở mức hay, chưa bật đến mức khiến người đọc  sửng sốt thích thú.

Hôm nay tôi thật sự bất ngờ, thật sự vui khi được đọc bài thơ "Thử họa tranh" của Hương Hoàng.



THỬ HỌA TRANH

 
Ừ thì đây chẳng cần ngoan
Xéo đuôi con mắt giựt toang nâu sồng
Vít tay cho trẹo coong coong
Tứ thân tơi tả, nảy ngồng lả lơi


Chiều em một chút, tiểu ơi...
Ngoài kia nắng cũng sắp rời ngày đi
Mũ ni che được những gì
Ngàn năm con sóng ai bi vỗ hồn

Chiều em đi kẻo mưa cuồng
Nghiến đay táo rụng, buông tuồng thả rơi
Chiều em một chút, tiểu ơi...
Thiên đàng, địa ngục... rã rời vì nhau.


Ngắm tranh mà ra thơ. Hay là lấy tranh làm duyên cớ để viết bài thơ?

Không cần rào đón, không cần e ngại, tác giả tuyên bố ngay:

Ừ thì đây chẳng cần ngoan

Cái sự ngoan ấy như cái mặt nạ, bị tác giả bỏ xuống không thương tiếc, thật dứt khoát. Hay nó là một thứ không có giá trị gì đối với Thị Màu. Cái "Ừ thì đây chẳng" rất ngúng nguấy. Chỉ với bốn chữ thôi, tác giả cho ta thấy rõ tính cách của Thị Màu.

Xéo đuôi con mắt giựt toang nâu sồng

Đuôi con mắt mà giựt toang được nâu sồng, kể cũng ghê gớm?

Vít tay cho trẹo coong coong
Tứ thân tơi tả, nảy ngồng lả lơi

Những động từ rất mạnh Giựt toang, Vít. Trẹo, Nảy ngồng và những trạng từ, tính từ rất bạo coong coong, tơi tả, lả lơi được sử dụng.

Tôi rất thích hình ảnh nảy ngồng. Nó lạ.

Đọc khổ thơ đầu ta thấy có "tinh thần thơ" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chắc hẳn không phải vì Hương Hoàng cũng tên là Hương?

Mạnh bạo, quyết một phen tơi tả lả lơi, xé bỏ xiêm y. Rất sexy, rất ngang tàng. Mà vẫn không hề tầm thường dung tục.

Sau "đòn tấn công" như vũ bão, vượt qua cả giới hạn thông thường của người đàn bà, ta thấy hiện lên hình ảnh một người đàn bà thực sự yếu đuối, thực sự thèm khát yêu đương:

Chiều em một chút, tiểu ơi...
Ngoài kia nắng cũng sắp rời ngày đi
Mũ ni che được những gì 
Ngàn năm con sóng ai bi vỗ hồn

Nếu cứ suồng sã và bạo liệt không thôi thì bài thơ chưa lên được đỉnh cao. Nàng không áp đặt mà van nài, thuyết phục. Đời có bao nhiêu mà hững hờ? Nắng sắp tắt, mũ ni chỉ là một miếng vải vô hồn, chàng tiểu ơi!

Hết van nài, chuyển qua đe dọa một cách dễ thương:

Chiều em đi kẻo mưa cuồng
Nghiến đay táo rụng, buông tuồng thả rơi

Ở đây tác giả dùng từ cũng rất có chủ ý. "Mưa cuồng", "Nghiến đay", "Buông tuồng". Ta như cảm thấy hầm hập hơi thở Thị Màu sát má.

Đe dọa ở đây là nếu chàng tiểu không "Chiều em một chút", thì em chết mất! Cũng là duyên lắm chứ?

Và ta khó có thể tin rằng đó là ngôn từ của một người làm thơ luôn dịu dàng, tinh tế và khuôn phép như Hương Hoàng.

Câu kết:

Chiều em một chút tiểu ơi...
Thiên đàng, địa ngục... rã rời vì nhau.

Lại van xin. Van xin để tận hưởng phút giây Thiên đàng, địa ngục... rã rời vì nhau.

Viết thật khéo!

Lồ lộ cái thực tế ai cũng hiểu đó là gì, mà vẫn thanh tao. 

Thơ dạng này khó vì giới hạn giữa thi ca và "tạp nham" quá mỏng manh, nhạy cảm.

Bài thơ gây ấn tượng mạnh. Trước hết vì mới và lạ. Mới và lạ từ cách diễn đạt, ngôn từ và hình ảnh được sử dụng cho đến sự dũng cảm thoát ra khỏi mọi ước định ràng buộc đối với một người phụ nữ gia phong. Mới và lạ so với chính tác giả, nếu ta không muốn so với các nhà thơ nữ khác.

Khó lắm thay!

Cảm ơn Hương Hoàng!

Phan Chí Thắng, ngày 19-9-2014  

 


*Phan Chí Thắng là tác giả của các tập sách: Mùa em (Thơ-NXB Văn học), Xanh ngày tháng cũ (Thơ-NXB Hội Nhà Văn), @Lão Hâm (Tản văn - NXB Hội Nhà Văn), Nhà số 10 (Truyện ngắn&Tản văn - NXB Lao Động)... 

Chia sẻ trên Facebook