Nhà trong ngõ nhỏ cửa đóng im ỉm suốt ngày. Mối liên lạc duy nhất với bên ngoài chỉ là tiếng động. Những ngày xuân mưa phùn ẩm ướt mới thoát được tiếng khoan, đục phá bê tông xây dựng. Năm nào cũng thế, nó hành hạ dân phố suốt mấy tháng gần tết. Chẳng hiểu sao người ta cứ nhằm ngày cuối năm mà sửa chữa nhà cửa làm cho cái bận tíu tít thêm bội phần. Được thể, vật liệu và tiền công cũng tăng giá đến chóng mặt.
Con ngõ êm đềm mưa bụi nghe rõ từng tiếng rao bên ngoài cửa sổ. 4 giờ sáng là người bán bánh khúc, xôi đạp xe rao bằng loa. Tiếng loa vang rền trên những con phố ngái ngủ vọng vào tất cả các ngõ ngách. Tiếng rao đều đều ọc ạch trong loa nghe như “Bánh khúc đây, tôi là bánh khúc đây”. Món xôi lạc bị nghe thành “tôi là”. Ngày trước người bán bánh khúc chỉ rao một thứ bánh khúc thôi. Quãng 10 giờ đêm mới đội thúng bánh ra đường. Giọng rao lên bổng xuống trầm tùy theo sức khỏe. Khi thúng bánh vơi gần đến đáy cũng là lúc tiếng rao chùng xuống uể oải mệt nhoài.
6 giờ sáng đến lượt bánh mì, bánh rán, bánh sừng bò dạo qua ngõ năm lần bảy lượt. Dân trong ngõ nghe tiếng rao mở cửa ra mua của đúng người bán mình quen. Người bán bánh mì vẫn nghễu nghện trên đầu chiếc thúng như vài chục năm trước. Duy có tiếng rao nhỏ nhẹ và chỉ khi vào ngõ mới cất giọng. Ngoài mặt đường giờ này đã ồn ào tiếng xe cộ. Chẳng sức nào rao át nổi.
Khoảng 9, 10 giờ là hàng rau, hàng thịt. Họ đặt gánh ngoài đầu ngõ và chỉ rao đúng một câu. Tiếng rao chiếu lệ ấy chỉ những người đặt hàng trước mới chú tâm nghe thấy. Thời gian còn lại người bán đi đến từng nhà treo mớ rau, túi sườn heo lên cánh cửa theo lời dặn trước.
Sau 10 giờ sáng là đến món quà trưa đầu tiên trong ngày. Tào phớ. Chữ “tào” cất lên rất nhỏ gần như biến mất. Chữ “phớ” vang rền đầy hơi sung mãn. Chưa thấy đàn bà đi bán tào phớ bao giờ. Nếu đàn bà rao tào phớ ở Hà Nội có lẽ người ta sẽ phì cười. Những ông bán tào phớ có tiếng rao mang thổ âm rõ nét vùng Hải Hậu - Nam Định. Hỏi 10 ông thì có đến 9 người ở Hải Lạng. Món ăn mềm mại thanh cảnh thơm mát mùi hoa nhài được ra đời dưới những bàn tay nông dân thô tháp đầy tin cậy. Chớm sang tháng 3 âm lịch còn có thêm cô hàng bánh trôi, bánh chay, tiếng rao mỏng mảnh như mây. Nghe tiếng rao tưởng như có mùi hoa bưởi sực nức làm nền.
Giấc trưa của dân ngõ ngày nào cũng bị quấy rầy bởi ít nhất 3 ông mua đồng nát. Xe đạp õng ẹo lượn vào tận cuối ngõ. Tiếng rao phát ra từ chiếc loa thùng khọt khẹt đủ sức xua tan mọi giấc ngủ ngày. “Quạt máy, survolter, ti vi, tủ lạnh, máy bơm, máy giặt… bán đê…”. Sau đám đàn ông mua đồng nát hung hăng lại đến đồng nát đàn bà rao ít chuyện nhiều. Chai lọ, sách báo, giày dép, đồ dùng gia đình nhẹ nhàng chất lên những chiếc xe đạp tróc sơn rỉ ngoèn. Trèo lên xe đạp loạn xạ vẫn còn tíu tít buông thêm câu: “Ngày nào cũng được thế này thì thằng chồng ở nhà mới bớt tinh tướng”. Đồng nát vừa đi thì ông mài dao kéo lại xình xịch đến. Ông này có thái độ lao động kém phần ngay ngắn. Chỉ hạ đồ nghề khi khách thuê mài từ 3 con dao trở lên. Nếu không đủ lại quay đầu xe máy sang rao ngõ khác.
Thời chưa nhiều kênh thông tin báo chí và quảng cáo, muốn bán gì ở Hà Nội tất thảy đều phải rao. Nhỏ như cái tăm hay lớn như xe củi tạ nếu không rao đều ế hàng. Tiếng rao bằng thổ ngữ địa phương của những người bán hàng thường bị lũ trẻ cố tình xuyên tạc đi rất nhiều. Cô bánh trôi, bánh chay thường bị trẻ con nhại giọng khi cùng rao với ông tào phớ. “Ai lấy tôi lấy ngay” (Ai bánh trôi bánh chay). “Nào tớ” (Tào phớ). Cô bán rươi bị nhại thành “Ai mua dưới ra mua”. Người bán thuốc bả chuột bị chế lời rao thành ra “Thuốc bả chuột, chuột ăn là chuột lăn chuột chạy”…
Nửa thế kỷ Hà Nội đã giảm bớt tiếng rao khá nhiều. Nghề tẩm quất, thợ mộc dạo và vài món quà quê như sứa, như rươi, như cốm dần vắng tiếng rao. Phở và cà phê thì tuyệt đối không còn ai rao nữa. Bán kem que, lạc rang húng lìu, cắt tóc và hàn nồi cũng vậy. Tiếng rao Hà Nội giờ cũng phải náu mình trong những con ngõ nhỏ. Ngoài phố đã quá đủ tiếng ồn không giọng nào rao nổi. Lại còn thêm cái loa phường chưa bao giờ bỏ lỡ bất kỳ buổi phát thanh nào suốt mấy chục năm rồi.