CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

MIỀN LƯU DẤU VĂN NHÂN - VÂN LONG

Thứ năm ngày 8 tháng 5 năm 2014 12:00 AM

KHOẢNG TRỜI CỦA CÁNH CHIM BẰNG
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

Bước sang giai đoạn Đổi Mới, các nhà xuất bản sách mọc lên như nấm sau mưa. Một môi trường rộng lớn cho các cây bút trẻ thử bút là các trang mạng cá nhân phát triển. Và từ đó họ tự đánh giá được (một phần) sức cuốn hút những trang văn của họ, để cân nhắc có nên in ra hay không. Đặc biệt ở giai đọan này không phải người cần sách là người đọc, mà nhiều khi (nhất là ở lĩnh vực thơ) chỉ người viết cần cho ra đời cuốn sách đó. Cũng bởi điều kiện ra sách cũng khá dễ dàng, chỉ với yêu cầu tối thiểu về mặt nội dung: sách không vi phạm những điều cấm kỵ và người viết chịu kinh phí in sách, tự phát hành. Vậy là một danh sách bất tận những tên tác giả mới toanh, khiến người đọc vào một hiệu sách lớn như sa mê hồn trận.
 

Một loại sách hỗ trợ phần nào cho người đọc là thể chân dung văn học, gần đây cũng đang phát triển, giúp ta khi muốn tìm hiểu về một tác giả tuy đã quen tên nhưng nhân thân, hành trạng, tác phẩm của họ là những gì, hẳn là người viết chân dung nhà văn đó biết hơn chúng ta, đã mất công dựng lại. Cũng vì vậy,  nhận được cuốn sách của Nguyễn Tham Thiện Kế gửi tặng, với danh mục các nhân vật tôi chỉ biết một phần đời của họ, tôi đọc ngốn ngấu, sau đó lại đọc kỹ, để bổ sung những điều tôi còn chưa biết, và tìm hiểu cách viết của tác giả.

Thiện Kế có cách dựng nhân vật của mình: Ngoài những điều anh trực cảm, đối thọai với nhân vật, anh hay dẫn ra những nhân vật phụ, liên quan đến nhân vật chính của mình để qua những tiếp xúc, va chạm ấy, nhân vật chính sẽ  bộc lộ thêm tính cách. Chỉ nói riêng trong lãnh vực các nhà nghiên cứu văn học, anh lồng ghép Đỗ Ngọc Thống vào sự nể phục bậc đàn anh của mình là Nguyễn Đăng Mạnh để thấy khuynh hướng đang vươn tới của anh. Về các tác giả đang “ăn khách”, anh để Đỗ Ngọc Thống khẳng định tài năng Tạ Duy Anh để thấy sự công bằng của người cầm trịch trên văn đàn, biết phát hiện những giá trị mới xuất hiện chưa lâu. Rồi cũng qua Nguyễn Đăng Mạnh để thấy ông này còn bậc đàn anh là Hoàng Ngọc Hiến mà ông đang thán phục, cảm mến. Thiện Kế tung một mẻ lưới cho xuất hiện ngần ấy nhân vật cho người đọc, nhất là giới nhà văn thấy được đẳng cấp của giới nghiên cứu văn học, trong đó cận cảnh là Đỗ Ngọc Thống. Một trong những điều tôi quan tâm đặc biệt là câu nói của Đỗ Ngọc Thống:“Tôi vẫn thường nghĩ: Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một nhà văn lớn hay nhỏ là xem vốn chữ của người ấy. Hiện thực cuộc sống là muôn màu và hết sức tinh tế, tinh vi, bất tận. Trong khi ngôn ngữ của con người thì rất có hạn….Đó là chưa nói thế giới tình cảm con người là hết sức phức tạp, người viết xúc động, run rẩy, xôn xao…nhưng liệu có đủ chữ để thể hiện đúng và trúng những trạng thái đó không?”

Tôi hiểu Đỗ Ngọc Thống nhiều hơn qua những nhân vật phụ Thiện Kế đã dẫn ra, nhưng trực tiếp, khái quát những nét lớn của nhân vật, Kế chỉ cần phác ra vài nét là ta đã hình dung được một Đỗ Ngọc Thống văn phong trong sáng mà vẫn uyên bác, khoa học mà vẫn dư ba, phiêu lãng: “Với Đỗ Ngọc Thống nghề và nghiệp đan xen, bện thắm vào nhau, thống nhất trong mỗi câu chữ và vọng ngôn bổ sung cho nhau, làm nên một phong cách văn chương mạch lạc, trong sáng khoa học nhưng không thiếu vắng dư ba, phiêu lãng vượt ngưỡng. Thăng hoa mà vẫn chùng mực tiến đến sự giản dị cho mọi đối tượng độc giả…Viết về những giá trị Nguyễn Tuân, Nam Cao sợ rằng chỉ có sự nhắc lại những gì thiên hạ đã khẳng định thì Thống vẫn tìm ra được  ý tưởng mới và hệ thống hóa của riêng mình, không những không mâu thuẫn với những giá trị mặc định mà chỉ làm sáng tỏ hơn những gì người ta biết còn mù mờ.”

Độc giả đã đọc văn Nguyễn Tham Thiện Kế, biết những thiên bút ký hàng vạn chữ của Thiện Kế, đã thấy vốn thiên nhiên, vốn sống dẫn đến vốn chữ phong phú của Thiện Kế thì ở đây lại là sự kiệm văn, bởi đây là bến bờ của ngôn ngữ học thuật. Đây là vốn chữ trong nghề và nghiệp văn chương, chỉ mươi dòng trên, cùng với danh tính những người Đỗ Ngọc Thống nể phục: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến…mà nhắc đến, đã hiện rõ môi trường họat động của ông và các mối quan hệ của giói nghiên cứu, phê bình mà nhiều nhà văn còn chưa biết tới.

Có thể tôi chưa dám xen vào lĩnh vực còn có phần lơ mơ này với tôi mà Thiện Kế đã thể hiện quá giỏi. Tôi chi muốn điểm đến vốn nhân vật  của anh với bao số phận khác nhau, bao cá tính sắc cạnh do hoàn cảnh hoặc do…thiên phú tạo nên, để thấy anh đáp ứng đòi hỏi “chữ” ở dạng khác của đời sống thế nào!

Thí dụ một trong những nhân vật tiêu biểu nổi tiếng của thời hiện đại là nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, người cùng thế hệ với tác giả, có lẽ anh sẽ hiểu được bạn mình qua một phần nào đó trong con người anh: Chỉ cái tên bài đã thấy sự dụng công: Hồng Thanh Quang, kẻ thành thật trong mỗi gương mặt. Nghĩ nhanh một chút mới thấy lộ ra ẩn nghĩa: Đây là con người có nhiều gương mặt. Nhưng ngay lập tức, nghĩa xấu “người nhiều mặt” được xóa đi bởi đôi chữ thành thật. để nêu bật lên bản lĩnh người làm báo, người nổi tiếng của Hồng Thanh Quang. Được khen giữa lúc say, anh vẫn đủ tỉnh táo để đẩy lời khen ấy sang màu cờ sắc áo tờ báo đang ăn khách của ngành anh và của người chỉ đạo. Đang giữa không khí bạn nhậu, có người đụng đến những vấn đề nhạy cảm, thì “gã phẩy tay đàng hoàng và hơi quá rành mạch”: “Bổn phận và công việc của tôi không cho phép bàn luận những vấn đề này!”. Thiện Kế rút ra kết luận: Làm người nổi tiếng thời hiện đại là luôn phải đi trên dây căng giữa hai bờ vực của trạng thái riêng và công cộng.

Nhưng con người bản lĩnh như nhà thơ, nhà báo  HồngThanh Quang, để có thể ứng xử với cộng đồng, đứng vững trên vị trí của mình, lại thành thực hơn ai hết trong  trong lĩnh vực riêng tư, để thế hệ trẻ có thể liên hệ đến những mối tình bươm bướm dễ đậu, dễ bay của lứa tuổi mình, tất nhiên chắc bạn đọc cũng thông cảm với nhà thơ đôi khi phải thậm xưng để nhấn mạnh ý mình, khi so sánh:

Yêu như lao xuống dòng nước xoáy

Giữa trời rơi không chịu mở dù


hoặc:

Nếu hạnh phúc cho nhau

Luật trời ta cũng sửa


(Hồng Thanh Quang)

Nhưng hẳn bạn đọc đã biết tác giả những câu thơ quyết liệt ấy là người có quyền hơn ai hết, viết những dòng này, khi đã sống, đã yêu còn hơn cả phần cuồng nhiệt trong thơ, vì anh đã phải (hay được) đổi một phần tuổi trẻ quan trọng trong đời mình cho thiên tình sử nghệ sĩ ấy. Tôi đã được chứng kiến buổi biểu diễn nghệ thuật, Lê Dung hát một ca khúc (mà tôi không nhớ tên bài và tác giả) phổ bài thơ của Xuân Quỳnh, nội dung biết ơn người mẹ đã sinh thành người chồng cho mình. Khi hát lên lời biết ơn cảm động nhất, nghệ sĩ Lê Dung đã nửa như quỳ xuống, cúi xuống phía bà mẹ chồng ngồi ở hàng ghế đầu trước tiếng vỗ tay râm ran hội trường nhỏ của một khu phố cổ. Có lẽ sự đồng điệu và mối tình của hai đôi nghệ sĩ (Lưu Quang Vũ với Xuân Quỳnh và Hồng Thanh Quang với Lê Dung) có những điểm song trùng, đã mở đầu nghệ thuật ca ngợi, biết ơn người mẹ chồng, mà văn học truyền thống dường như chỉ khơi ra những mâu thuẫn của hai người phụ nữ dễ xung đột vì tình yêu con trai và tình yêu người vợ yêu chồng chẳng dễ dung hòa!

Một nhân vật khác cùng thế hệ với Thiện Kế, cũng là một tài năng, nhưng ở dạng đối lập với Hồng Thanh Quang cả về hạnh phúc và bất hạnh lẫn sự lộ diện tài năng khác nhau: Họa sĩ Hoàng Hữu. anh trình bày bìa sách nổi tiếng một thời, khiến các nhà xuất bản ở Hà Nội phải cử người về Việt Trì đặt anh vẽ bìa, rồi hẹn ngày về lấy. Về miêu tả hình thức Hồng Thanh Quang, Thiện Kế viết:

Sải bước dài, dứt khóat. Quân phục in nếp nhàu đường xa. Quân hàm đại tá   công an chói lói. Đâu đó còn một Hồng Thanh Quang trong bộ đồ sẫm màu, láng mượt dưới ánh đèn sân khấu, không kém phần trang nghiêm.                                                           

Còn Hoàng Hữu thì: Có hơi thở và bước chân sẽ sàng phía sau lưng. Tôi quay lại. Một người đàn ông mảnh mai khiến tôi liên tưởng đến thứ thủy tinh   trong suốt, tan giòn…Tôi định lấy lá thư tay trình anh thì không hiểu vì sao, lá thư tuột tay lượn nghiêng xuống mũi bàn chân Hòang Hữu. Ánh mắt rực lên, anh định cúi xuống, nhưng không thể, một cái nhăn mặt, khí sắc xanh xám, anh phải tựa vai vào cánh cửa sắt.

Thì ra Hòang Hữu bị mổ tim từ 11 năm trước đó. Anh leo lét như ngọn đèn trước gió, Vợ được cử đi học một lớp tập huấn, đã phải mang cả hai con đi theo. Vì anh chỉ lo cho bản thân và công việc của anh chưa xong, với một   chồng các tác phẩm xếp cao chờ chực được vẽ bìa…

Thiện Kế phải thuyết phục mãi mới được cõng Hòang Hữu vượt con dốc 45 độ lên khu tập thể giáo viên. « Cảm giác về  trọng lượng cơ thể anh trên lưng tôi chỉ như bó rạ hong nắng đã lâu, nhưng nhịp đập trái tim anh thì quằn quại như con chim bị nhốt trong hộp giấy. Mà bất cứ lúc nào con chim cũng có thể ngừng đập cánh hoặc hộp giấy sẽ bị vỡ oạc  để con chim thóat ra bay đi…

Anh nắm bắt ngọai hình nhân vật và cảm giác của bản thân anh đã tài, anh còn khơi gợi thế nào đấy để nghe được những lời tâm sự, chỉ một người leo lét tới giọt sống cuối cùng mới buột thốt được những lời này:

--Em thấy lạ không? Khóm hoa sim này, nếu không bị ai đó cắt làm củi, thì tự   nó có thể sống đến cả trăm năm. Nó cũng là sự sống, ta cũng sự sống sao khác nhau đến thế! Sự sống của con người có tình yêu, có ý thức vậy mà ngắn ngủi vô cùng so với chỉ một lòai cây dại. Con người tuyệt diệu thế, chết đi, vậy đằng sau thân xác hẳn là còn năng lượng tinh thần  phải chuyển đổi vể trạng thái không gian nào đó chứ nhỉ?...Thời gian của anh sắp kết thúc rồi…Bây giờ mới nhận ra là còn bao việc phải làm và bao nhiêu người mình còn nợ. Anh đang đếm từng giây phút sống của mình buột qua chính nhịp đập trái tim mình

Bên cạnh một Hoàng Hữu trong trẻo, tinh tế « thủy tinh dễ vỡ» triết luận về  con người và thực vật, lại ngờ nghệch trong tình yêu, là đám bạn văn của anh, mỗi người một vẻ, chỉ một câu nói đã hé lộ tâm tính, xuất thân của mỗi người: Lão nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn tuy không lăn lộn tình trường bao lăm, nhưng lại mách nước rất cụ thể: « Để tiếp cận thì việc đầu tiên là giả vờ phủi bụi trên áo, trên tóc nó đã. Sau thấy nó im thì mới dấn tiếp như nắm tay, ôm vai nó hiểu không…nó im nữa thì mới được sờ ti… »

Thế rồi một hôm Hoàng Hữu trở về nhẩy cẫng giữa sân Hội hoan hỉ thông báo: «Thành công rồi, thành công rực rỡ rồi !.. »

Mọi người đổ dồn hỏi thành công đến độ nào, Hoàng Hữu thì thầm :

--Tôi đã nắm được tay nó rồi !

Cười không đặng, mắng không xong, ông Chủ tịch Hội Cao Khắc Thùy lại chép miệng: « Kiểu này thì phải đến vài năm Hữu mới chiếm lĩnh được Bộ tư lệnh tiền phương, chưa nói đến Tổng hành dinh tối cao… »     

 Đọan văn ấy là một nụ cười làm dịu phần nào nỗi bất hạnh Hoàng Hữu ! Tôi đã từng gặp Hoàng Hữu trong một chuyến về  thăm đất Tổ, từng bình bài thơ tuyệt đỉnh của anh Hai nửa vầng trăng, đến hôm nay được đọc lai lịch bài thơ với mối tình một chiều, vô vọng của Hòang Hữu mới càng thấy thấm đẫm lòng tiếc xót cuộc đời ẩn chứa trong mối tình tuyệt vọng ấy: Bản thân Hoàng Hữu tên khai sinh là Dũng, nên anh vận vào đời  anh như chữ D hoa:

Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa

Tên anh như nửa trăng mờ tỏ

Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời


Tên người tình lý tưởng của anh cũng mở đầu có chữ D hoa, thế mà hai nửa vầng trăng đó không bao giờ chập lại tròn đầy như anh mơ ước…

Bài thơ được giải Nhì báo Văn Nghệ,  không được giải Nhất vì buồn quá (!), nhưng giám khảo nhà thơ Xuân Diệu đã tiên lượng: « Những bài giải cao khác người ta sẽ quên, nhưng bài này thì còn mãi… »           

Đọc "Hoàng Hữu - Trái tim đập giữa phập phồng lau cỏ", sự hiểu biết của tôi về Hoàng Hữu đã từ chữ D hoa thành chữ O tròn! Chỉ riêng chữ D hoa của Hoàng Hữu thì vẫn vậy: Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/  Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau!      

Bài thơ đọc hết mà cứ mãi dư vang một vọng âm buồn, nỗi buồn mang mang, ẩn ức một màu buồn nhân thế, ẩn chứa nét đẹp tình người ra đi gửi người ở lại…Có cái gì cao hơn, lớn một số phận…

Cảm nghĩ của tôi được tròn đầy cũng nhờ công phu khai thác tâm thế Hoàng Hữu của Nguyễn Tham Thiện Kế:

--Chỉ khi nào con người được ấn định trước thời gian cụ thể về cái chết, thì mới tự thức tỉnh được giá trị thực của sự sống. Người ta sẽ dốc sức làm việc và sống cho có ý nghĩa đến giây phút cuối cùng…Chỉ tiếc rằng những người khỏe mạnh đôi khi có nghĩ đến điều ấy, nhưng đó chỉ là những hạt mưa rơi trên lá sen…

Thiện Kế đã huy động được bao góc nhìn của mọi người về anh. Niềm hạnh phúc lớn của con người bất hạnh Hoàng Hữu là được bao bọc trong tình thương yêu của mọi người. Và chính bản chất nhân hậu của Hoàng Hữu đã đánh thức, đã góp phần tạo lập được một không gian nhân văn cỡ ấy!

Những chân dung mà Thiện Kế khắc họa phần lớn được anh tóm bắt  những nét độc đáo, chân xác. Về ngoại hình, như Nguyễn Lương Ngọc: « Cái chạm vai thân thiết. Quay lại, ngực bỗng nhói lên vì khuôn mặt đỏ lịm, mọi đường nét đều thái quá, tóc dài quá, quăn quá, cầm nhọn quá, mắt lồi to quá, trán dô cao quá,và cái miệng đang cười rộng quá... »Người chưa gặp Ngọc bao giờ, chỉ căn cứ vào ngần ấy thứ « quá », có thề nhận ra Nguyễn Lương Ngọc khi đến vùng thành cổ Sơn Tây. Cho đến chân dung tính cách, phẩm chất nhà văn như Hồ Anh Thái, Thiện Kế cũng bộc trực, công bằng với nhân vật mình thán phục sau những bực dọc ban đầu. Anh thú nhận: Thì ra một phần cái tài chế giễu, cay chua trong văn Hồ Anh Thái đã kịp chạm nọc độc vào da thịt vốn đầy tự ái của tôi. Mà về tính châm biếm, đôi khi hài hước này, không mấy ai thâm trầm, pha chút nanh nọc hơn Hồ Anh Thái trong văn học Việt đương đại. Nhận xét của Thiện Kế thật thấu tình, đạt lý, nhất là khi anh khen những đức tính của nhà văn này sau khi bị tự ái nghề nghiệp.

Anh thừa nhận, nhấn mạnh đức tính này mà tôi (V.L.) cũng nhiều lần bắt gặp ở Hồ Anh Thái: « Dường như Hồ Anh Thái luôn thèm khát được chia sẻ, luôn là sợi dây liên tài xâu chuỗi mọi người cầm bút viết văn lại với nhau. Và ai đó một khi được Hồ Anh Thái  nhận đọc giúp tác phẩm thì như đã giao được bản thảo cho một cơ quan bảo hiểm văn chương. Dù người ấy già hơn dù người ấy trẻ hơn, dù người có tị hiềm thì Hồ Anh Thái vẫn sẵn sàng đọc. Mới đầu thì anh cũng hơi ngại ngần, nhưng hễ đã nhập qua đôi ba trang, thì tác phẩm ấy ở tình trạng nào, Hồ Anh Thái đã « lên cơn » văn chương thì lăn xả vào mà đọc, sửa, khen, chê những trang viết xa lạ say sưa như bị bệnh trời hành…Trong bản mệnh nhà văn này có một ông quan tòa công minh chính trực. Sự khen chê của HAThái luôn căn cứ trên văn bản thực tế, không dựa vào tem nhãn. Không cần lấy lòng ai và cũng không cần ai lấy lòng mình vì những chuyện văn chương. Chính HAThái đã khởi nguồn cho một tiền lệ đẹp. tiền lệ hiếm có ở văn chương Việt. Đó là sự từ chối, quyền được từ chối  giải thưởng. Theo anh, khi tác phẩm được xuất bản, tự nó đã là một giá trị độc lập. Lúc đó nhà văn cũng có quyền phán xét chính tác phẩm của mình…

Bài viết về Hồ Anh Thái là lời tâm huyết bạn văn nói với bạn văn, những người cùng nghề trò chuyện với nhau. Anh nhận định: « Hồ Anh Thái nổi tiếng trong giới ở trong nước và nước ngòai nhiều hơn là trong công chúng.    Tác phẩm của anh kén bạn đọc, đòi hỏi bạn đọc phải cập nhật đến một mức độ nào đó ». Thiện Kế cô đúc những đặc đỉểm đồng thời cũng là những ưu điểm của bạn trong một số chữ đặc quánh:«Thương hiệu HOANHTHAI đã tạo ra thứ văn phong thiên về chiều dương, hơi căng, đẹp, hiện đại, chuẩn xác, giữa mỗi câu bao giờ cũng còn một khỏang trống dành cho bạn đọc. Và nhất là tính hấp dẫn thì không bao giờ thiếu. Đã đọc thì phải đọc kỳ hết. Mệt thì lên gân mà đọc. Kỹ thuật dùng tiếng Việt hòan hảo đến nghệ thuật. »

Tôi đã thử kiểm lại nhận định của mình về văn  của Thái, so với nhận định của Thiện Kế, xem có thêm được chữ nào nữa không, có bớt được chữ nào không, thì đành chịu, không thể vẽ ngựa thêm chân, hoặc bớt chân cho…rết. Một lần nữa, tôi lại thấy dụng công đặt tên bài của Thiện Kế thường giống như cái tứ bài thơ được khái quát: Người đứng sau cánh gà mang hoa đào trên phố. Chưa đọc nội dung, ngỡ tên bài đặt tùy tiện. Nhưng không: Vế đầu nói về vai trò đạo diễn của HAThái, chỉ đạo đủ thứ việc cho diễn xuất, nhưng vẫn không cho ai nhìn thấy mặt (Khi anh làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hoặc trong Ban chấp hành Hội Nhà văn VN). Vế sau là tính thích chia sẻ với bạn: Giữa chiều muộn 30 Tết, nhà anh và các bạn văn đều đã sắm được cành đào ưng ý. Nhưng cành đào núi Sapa đẹp quá, anh vừa từ đó về, ý muốn chia sẻ của anh bao giờ cũng mạnh hơn lý lẽ. Anh cứ mua, và bây giờ là lúc lang thang cho hết chiều nay, mong gặp được người bạn nào đang thiếu một cành đào cắm Tết! Như lúc anh mua đến dăm cuốn một tác phẩm anh yêu thích, chỉ để tặng bạn, để bạn có thể đọc ngay, chứng thực hoặc phản đối luận điểm của anh…

Thiện Kế ở một góc tỉnh ngòai mà rất thấu đáo những tinh hoa Hà Nội: « Được gần những người bạn như Hồ Anh Thái, tự nhiên người ta sẽ bị cuốn theo luồng xoáy vô hình mà anh tạo ra bằng những ngồn ngộn thành quả lao động văn chương. Ta sẽ bị kích thích để làm việc… »      

Nhờ đọc bài viết của Thiện Kế, tôi nhớ lại Tuyển tập Văn Mới 5 năm đầu thế kỷ đã hấp dẫn trước tiên về hình thức một kẻ làm thơ như tôi về tuyển truyện ngắn hàng năm này. Và tôi mới biết linh hồn của trò chơi văn chương kỳ công và tốn kém này là Hô Anh Thái, thêm một cú hích của đời sống văn học trong nước mấy năm đầu thế kỷ. Và trước đó vài năm, Hồ Anh Thái đã cùng nhà văn Mỹ Wayne Karlin cặm cụi tuyển dịch sang tiếng Anh gần nghìn trang tuyển tập truyện ngắn VN đương đại Love After War (Tình yêu sau chiến tranh) xuất bản ở Hoa Kỳ. Thiện Kế gọi đó là một nghĩa cử xây cây cầu mong manh với cả hai nền văn học Mỹ Việt còn quá thiếu thông tin về nhau sau cuộc chiến…Bên cạnh cách huy động những nhân vật phụ để tăng phần nhận định khách quan về nhân vật chính, Thiện Kế còn sử dụng cách khắc họa nhân vật của một nhà văn viết truyện, thu hẹp cách kể tả chủ quan, dễ làm nản người đọc… 

Giữa hàng trăm « vai phụ » suốt cuốn sách gồm 30 chân dung, 500 trang này, bài viết của tôi cũng chỉ mong làm một vai phụ, chứng nhân một phần nhỏ hiệu quả của cuốn sách!  

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook