Vượt qua cây cầu Thị Nại dài nhất nước, xe chúng tôi đi qua Khu công nghiệp Nhơn Hội còn ngổn ngang đào đắp. Những đồi cát vàng ong dưới nắng mật cồn lên vài vũng gió dưới chân đám phi lao non ánh bạc.
Không một bóng người, mùa xuân ở nơi đây là khoảng trời xanh đến chóng mặt. Những đám mây sà xuống bên kia dãy núi Phương Mai trầm tĩnh, thong dong như tà áo thiếu nữ phất phơ. Vài hồ nước trong suốt thả những bè nuôi tôm vuông vắn bên cạnh con đường còn dang dở những vệt gầu máy xúc.
Có một cái gì rất trẻ sôi nổi, ồn ào, hãnh diện sắp có mặt ở nơi này.
Vòng vèo qua những ngọn núi thấp trên con đường vừa san ủi tiến sâu vào bãi biển Hải Giang nổi tiếng - nơi hoang dã có những con rùa biển về đẻ trứng hằng năm. Quy Nhơn đang có kế hoạch biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng cao cấp quy mô lớn. Những rừng cây sú vẹt mùa khô bạc lá, những bụi dứa dại cao quá nóc nhà vẫn còn nguyên nét hoang sơ ngàn năm sóng gió.
Bãi cát vàng Hải Giang hiện ra trong eo biển êm đềm. Những chiếc thúng chai và thuyền nhỏ phơi mình trên mặt cát. Thuyền đánh cá lớn đậu ngoài vịnh san sát. Xa xa phía chân trời là những chiếc tàu trọng tải lớn đậu im lìm chờ vào cảng Quy Nhơn.
Rất hiếm thấy ở đâu mặt biển đông đúc như nơi này. Cái đông đúc tất bật ở mặt biển trái ngược hẳn với thơ mộng bình yên trên bờ.
Hơn 30 năm mới có dịp quay lại Quy Nhơn khiến chúng tôi hoàn toàn như người lạ. Những phố, những hè đã được chỉnh trang ngay ngắn.
Làng chài nhếch nhác ven biển kéo suốt từ eo Nín Thở vào trung tâm thành phố đã được di dời, nhường chỗ cho con đường Xuân Diệu rộng rãi thẳng băng đi sát bờ biển hội tụ tại một quảng trường lớn có bức tượng đài Chiến Thắng Quy Nhơn. Những lùm hoa giấy đỏ rực tháng hai khoe sắc dưới bóng những vườn cây cau vua, cây phượng vĩ, cây muồng vàng lực lưỡng vươn cao.
Hai người bạn Quy Nhơn đến đón tôi ở khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn cùng với cô bạn gái xinh đẹp là họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế từ cuối thập kỷ 1970. Cô ấy cũng đã kịp trở thành một cán bộ sở văn hóa về hưu. Vẫn rất đẹp. Và giọng Huế dịu dàng cũng chưa hề pha trộn chút nào nắng gió Quy Nhơn. Trên bãi biển Hải Giang lộng gió này, tất cả chợt bắt gặp lại thời thanh niên sôi nổi của mình.
Bạn nhắc nhiều đến những tháng năm nghèo khổ mà đầy nhiệt huyết khi cùng chúng tôi góp phần xây dựng nên nhà triển lãm Quy Nhơn ở cuối eo Nín Thở. Giờ thì nhà triển lãm đã bỏ hoang và biến thành khu đất vàng đáng ao ước nằm trên con đường lớn ngay sát bờ biển. Chẳng biết nên vui hay buồn khi giá trị của khu đất tăng lên đã chiếm chỗ của kỷ niệm.
Anh chàng ngư dân Hải Giang gương mặt chắc nịch phong trần mang chồng ghế nhựa cao quá đầu từ trong nhà ra bãi biển mời chúng tôi ngồi nghỉ chân dưới một mái lá thấp dựng trên những cột tre kheo khư trước gió. Ánh mắt của anh ấy không rời cô bạn xinh đẹp của chúng tôi dù vẫn đang rành rọt giới thiệu từng món ăn với trưởng đoàn.
Bát đũa khệ nệ bưng ra. Rượu Bàu Đá bạn mang theo rót ra chén thủy tinh nhỏ sủi tăm mắt cua giục giã. Chất rượu thơm lừng sánh đặc. Gió là món đưa cay đầu tiên. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao cũng rượu ấy bạn mang ra Hà Nội uống mà chẳng mấy ấn tượng. Nó thiếu hương gió biển mặn mòi tần tảo nơi này.
Cá mú hấp, mực cơm luộc, ghẹ cốm chắc nịch đỏ au lần lượt mang ra. Nước mắm nguyên chất dầm ớt xanh cay xé. Cát dưới chân chuyển chỗ rì rào. Nắng trắng và biển xanh. Tưởng như chẳng còn gì thần tiên hơn thế.
Lan man nghĩ ngợi. Chỉ sợ rằng nơi này mai kia lại biến thành một resort như muôn vàn. Rồi những con rùa biển sẽ biết tìm đâu ra chỗ đẻ trứng như ngàn năm đã từng? Và mình 30 năm nữa?
Bạn chạm chén gật gù, 30 năm nữa thì tôi biết chúng ta ngồi uống rượu ở đâu rồi!