Trong giáo trình luận bàn về văn chương Pháp «thời hiện tại», giáo sư Dominique Viart, nhà nghiên cứu phê bình cảnh báo nguy cơ biến mất của nền văn học Pháp bởi không còn «nhà văn lớn».
Bắt đầu từ cuộc bút chiến những năm 1990 quanh việc chính giới đón nhận dễ dãi «nghệ thuật hiện đại» trong đó những tranh cãi không ngần ngại tấn công lĩnh vực văn chương. Tạp chí Esprit thẳng cánh chỉ trích giới phê bình quá ưu ái các nhà văn «xoàng». Ông Jean-Marie Domenach, nguyên giám đốc tạp chí, xuất bản cuốn «Hoàng hôn của văn hóa Pháp», báo động: độc giả đang ngáp dài. Chẳng tăm hơi bóng dáng Malraux phía chân trời, Camus mới giờ ở đâu, ai đây có thể sánh cùng với Kafka - Flaubert hay Proust, chỉ ao ước văn chương phảng phất Maupassant mà cũng vô vọng. Nhà văn Henri Raczimow, trong cuốn «Cái chết của một nhà văn lớn» năm 1994 cho rằng «Đối với chúng tôi, ở Pháp hôm nay, văn chương là một câu chuyện đã được khép lại!». « Hôm nay » là kể từ sự ra đi của Sartre (1980). Với ông, dường như chỉ chế độ độc tài mới có khả năng sản sinh ra các tác phẩm quan trọng.
Phải chăng người Pháp nặng lòng luyến tiếc thời huyền hoặc của văn chương Pháp nên mới nhìn cực đoan tình hình văn học hôm nay? Lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn này đòi hỏi những người quan tâm phải tự nguyện lăn vào thực tế, thấm trải mặt trái đa dạng của xã hội từ tỉnh lị, ngoại ô đến thành phố và không loại trừ cả việc ôn quá khứ, lật lại những thành công từng được khẳng định. Một thế hệ mới đang phát triển, một giai đoạn thẩm mĩ mới bắt đầu được định hình tác động tới các nhà văn. Những khái niệm thể loại lạ như «tự giả tưởng», «trữ tình mới», hay «lãng mạn không xúc cảm»… mở ra kỷ nguyên mới cho nền văn học hôm nay.
Nhận định thế nào về văn học «thời hiện tại» để không bị nhầm lẫn, không ảo tưởng về tác giả mà thành công chỉ có thể kéo dài được một mùa, không bỏ qua tác giả khác đang ngầm xây trong bóng tối tác phẩm cho ngày mai, chưa từng được nhắc đến hôm nay nhưng tương lai sẽ được nhắc và nhắc mãi? Rủi ro càng lớn bởi các nhà phê bình Pháp có xu hướng đánh giá các tác phẩm tuân theo những gu đã được định hình, hoặc thuận theo chiều dư luận, phóng đại các tác phẩm bằng cách gây xì căng đan vì mục đích thương mại. Càng không thể tin tưởng vào tiêu chí của báo này chính xác hơn báo khác. Công việc người phê bình không phải là dựng nên một tháp ngà của những tiêu chí mà cố gắng hiểu và mò mẫm, vạch ra được quá trình hình thành và phát triển của văn học hôm nay ngoi ngóp giữa đại dương những thủ thuật của thời đại kinh tế và thương mại.
Nguồn thống kê Pháp, năm 2012, 76.205 cuốn sách mới được phát hành. Loại trừ các sách rất thịnh về nấu ăn, trang trí nhà cửa, nghệ thuật làm vườn, du lịch… thì có 18.783 cuốn sách văn học. Tính ra cứ một giờ lại có 2 sản phẩm tinh thần chào đời, phong phú với cùng gia vị tiểu thuyết lịch sử pha tình cảm, văn học viễn tưởng, trinh thám xen lẫn lãng mạn, khiến cho độc giả liên tưởng tới mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất một cách tinh vi. Đó là thứ văn chương đồng thuận, văn chương thủ công có tính giải trí mà các nhà nghiên cứu văn học tuy không đánh giá cao nhưng bắt buộc phải kể vì nó ảnh hưởng ngày một quan trọng đến thị hiếu đọc trên thị trường.
Đáp ứng thời đại, xu hướng và thị hiếu độc giả, còn một loại hình văn học khác máy móc nhưng phổ biến, gây tiếng vang, gợi sốc cho mặt trước của rèm sân khấu văn hóa: những hồi ký, tự truyện mang nhiều chi tiết tình cảm và quan hệ cá nhân của các nhân vật đang nổi, công bố những cảnh nóng bằng thứ văn ẩm ướt hoặc trơ trẽn, được ghi lại bởi những cây bút tên tuổi. Nó hòa nhịp với các show quảng cáo, các bài báo và các phỏng vấn trên đài và tivi, dưới nhãn mác văn chương. Thứ văn này sống khá ồn ào một thời gian. Nó còn thuyết phục được độc giả về giá trị hiện thực của văn chương là tái hiện con người và cuộc sống. Dù không có chỗ đứng trong định nghĩa «phẩm hạnh», nhưng nó cũng phần nào phản ảnh được hành vi của của xã hội ở một thời điểm nhất định.
Hai loại hình «văn học» trên cùng chia nhau chỗ đứng, đốt nóng truyền thông, chiếm vị trí đầu bảng trong các «best-sellers», với số lượng bản in ào ạt đến nỗi người ta nghi ngờ đó mới chính là văn học giá trị nhất vì tự nó có giá nhất, vì nó bán chạy nhất. Và trên thực tế, chính nó đã nuôi sống các nhà xuất bản - nhà sách để họ có kinh phí tài trợ số ít tác phẩm văn chương được gọi là chất lượng.
Sự phát triển kinh tế biến đời sống văn chương «thời hiện tại» thành một hệ thống mà trong đó các nhà văn, nhà xuất bản, nhà phê bình có mối quan hệ chằng chéo đa dạng, mù mờ. Không còn thời những người sáng lập như Calmann-Lévy hay Bernard Grasset vừa là ông chủ của nhà xuất bản đó. Gaston Gallimard, Paul Flamand (NXB Seuil), Jérome Lindon (NXB Minuit)…trực thuộc vào một hệ thống truyền thông, kề vai sát cánh các cổ đông lớn nhỏ làm việc vì hiệu quả tối đa và lợi nhuận tức thì. Việc xuất bản văn chương chỉ là phần nhỏ trong tổng thể giao lưu khác lớn hơn của thế giới thương mại. Với số lượng sách phát hành khổng lồ, mối quan tâm đầu tiên là làm sao cho cuốn sách vừa ra đời nằm trong tầm chú ý của độc giả. Người đọc chỉ có một thời gian ngắn để khám phá một tác phẩm vừa được giới phê bình để tâm.
Họ tìm ra một phương thức mới bằng việc tham gia vào băng chuyền định lượng giải thưởng văn học mỗi mùa thu. Chỉ các nhà xuất bản lớn với hệ thống quảng cáo truyền thông và phương tiện chuyên nghiệp mới dành được sự thu hút của công chúng chú ý vào các sản phẩm của mình. Mười bốn giải thưởng Goncourt những năm qua cho ta thấy chỉ quay quanh những tên tuổi xuất bản Gallimard, Albin Michel, Grasset, Flammarion giống như một bảo đảm. Bên cạnh giải thưởng Goncourt, nhiều giải thưởng khác được sáng lập : Giải thưởng tháng Mười Hai, giải France-Inter, giải Goncourt của học sinh, giải Tiểu thuyết đầu tiên, giải Da màu…đã cho phép đông đảo các tác gỉả bước ra ánh sáng. Các thành phố, vùng, miền, ngay cả các thư viện, các hội hiệp nhà bán sách, hội độc giả cũng thi nhau tự sáng lập không ít giải thưởng. Dù giải thưởng không thay đổi được chất lượng sách, việc xếp hạng thường xuyên bị phê phán cảm tính không cơ sở, nhiều cuốn được mệnh danh là «ngu ngốc» lọt giải nhưng đó cũng là cách thức và là cái cớ cho người đọc cùng khám phá và chia sẻ cảm xúc và văn hóa đọc. Nhiều vụ kiện tụng bê bối quay quanh các giải thưởng xảy ra, nhất là với giải thưởng Goncourt. Những tranh luận nóng bỏng «Văn chương không dạ dày » (P.Jourde); «Có ai sợ văn chương?» (J.P Domecq) phản ánh những vấn đề thời sự của văn chương như lưu đày, chủng tộc nhưng cũng không ít để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân. Mười năm thăng trầm của Houllebecq với giải thưởng để mãi đến năm 2010 mới được Goncourt mỉm cười.
Cuộc sống quay cuồng quanh văn chương với các triển lãm sách. Triển lãm tại Paris và ngoại ô Paris (Montreuil), Hội chợ sách, Xuân của các thi nhân, làng sách, liên hoan sách đã đẩy các tác giả lập tức trực tiếp đối diện với công chúng, không cần qua trung gian báo chí hoặc phê bình. Các nhà văn hôm nay không sống bằng ngòi bút mà phần lớn làm những nghề gần với văn hóa và giảng dạy. Các nhà văn đua nhau tham gia vào các lễ ra sách tổ chức trong nhà riêng, các thư viện, các hiệu bán sách hoặc làm MC cho các trại tập viết văn. Việc đọc của họ cũng vội vã trên tàu, trong các hiệu sách hoặc trong thư viện cùng với món fast food nào đó. Christine Angot, tác giả của «Rời thành phố» quá lo lắng về thứ hạng của mình trong các hiệu sách, số lượng sách xuất bản và số lượng bán được thú nhận: Mối quan tâm duy nhất của bà không phải là chất lượng tác phẩm mà là giá trị của nó trên thị trường. Daniel Pennac châm biếm các nhà xuất bản đương đại sản xuất các «best-sellers» như sản xuất một thứ xà phòng giặt.
Trên nền văn hóa thị trường mong manh và biến động, văn học Pháp phản ảnh một thực tại bệnh hoạn, mất thăng bằng bởi hệ thống các giải thưởng chi phối bởi các nhà xuất bản. Houellebecq với tâm trạng bất ổn trong một cơ thể xã hội bị dày vò. Martin Winckler với cuốn « Bệnh của Sachs» cần đến bác sĩ tâm thần để nghe người bệnh. Tiểu thuyết của Leslie Kaplan «Nhà tâm lý học» đào sâu những rối loạn tâm tư. Một thực tại không «chốn nương thân» cũng được thể hiện rõ ràng trong một số tác phẩm. Emmanuel Darley, với cuốn «Những kẻ bần cùng» (2011) đã trình diễn màn cảnh cuộc sống bên lề đường. Có tác giả chứng minh con người có thể lấy sống vô gia cư, không nhà, không luật và ngoảnh mặt với cám dỗ vật chất.
Phải chăng văn chương Pháp không còn hào quang của thuở hôm qua nhưng thế giới vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng về những giá trị được xác lập qua các giải thưởng?
Tư liệu tham khảo:
- Tạp chí : Le Figaro số 13.11.2010 - Hiện tượng Houellebecq
- La critique littéraire – Cursus – Fabrice Thumerel
- La littérature francaise au présent – Bruno Vercier et Dominique Viart
- Discours de réception de Danièle Sallenave à l’Académie française.
*Ảnh: Phòng làm việc của bộ phận lý luận phê bình văn học báo Le Figaro