CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

MÃI KHÔNG VỀ

Chủ nhật ngày 16 tháng 2 năm 2014 12:00 AM

Hình như với người Á Đông và nhất là người Việt, hành trình trở về bao giờ cũng mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả nhất. Đất nước mấy nghìn năm giặc giã chiến chinh có biết bao nhiêu con người không thực hiện được chuyến hành trình thiêng liêng nhất ấy.

Những ai đã từng khoác trên mình bộ quân phục màu xanh lá đều biết rõ cái ao ước trở về cháy bỏng từng giờ đến thế nào. Ao ước đến phi lí khi xả thân nơi bom đạn không tiếc gì máu xương hy sinh chỉ để mong một ngày trở về. Người lính có nhiều cách gọi hành trình ấy tùy theo hoàn cảnh của riêng và của từng đơn vị. Tụt tạt qua nhà trên đường công tác, hành quân gọi là “tranh thủ”. Về “tranh thủ” thực ra là một hành động có thể coi như “đảo ngũ có thời hạn ngắn”. Khi quay về đơn vị dĩ nhiên kiểm điểm phê bình. Nhưng chuyện ấy có thấm tháp gì khi được về ghé qua nhà. Về phép thì tất nhiên là một niềm vui không tả xiết nhưng chỉ sĩ quan mới có tiêu chuẩn ấy. Họ dành dụm tiền bạc quà cáp chuẩn bị cho việc về phép ngay từ khi quay lại đơn vị trả phép năm cũ. Và cuối cùng là ra quân, phục viên, chuyển ngành. Một cuộc trở về từ biệt màu áo lính.

Từ ngàn xưa đã có rất nhiều thơ ca và phong tục nhắc nhở người ta trở về. Về với nguồn cội tổ tiên, Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba. Những vị đỗ đạt khoa bảng có lễ vinh qui bái tổ như một lề luật cho việc trở về, “Nghi vệ đóng hai bên đàng/ Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau…”. Thương nhân thành đạt mang tiền bạc về quê xây dựng đường xá cầu cống và nhà thờ họ như một nghĩa vụ và cũng là niềm tự hào của dòng tộc. Quan chức về thăm làng với bộ dạng trịch thượng khệnh khạng được miêu tả giống một bệnh nhân sa đì, Kể chuyện ông huyện về quê/ Có hai hòn dái kéo lê dọc đàng. Trò chơi dân gian được ghi nhớ, Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Có rất nhiều “thì về” như thế của lễ lạt hội hè quanh năm trong ca dao tục ngữ. “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống chè hương sen”… Nhưng lại có một nơi đã đến chẳng ai muốn về. Đó là Hội Lim. Liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh lưu luyến hát khúc Người ơi người ở đừng về trước khi tan hội đến mấy ngày. Hát thế thôi nhưng hết hội vẫn phải về đi cày.



Đặc điểm tâm lý của người Việt là luôn hướng về quê nhà. “Anh về quê cũ thôn Vân/ Sau khi đã biết phong trần ra sao/ Về đây lại tắm ao đào/ Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi” (Nguyễn Bính). Người Việt ở xa Tổ quốc thường chọn ngày tết để về thăm quê. Ngày thường kéo nhau về khó mà gặp mặt được đông đủ những nhớ nhung vạn dặm. Công nhân ở các khu công nghiệp và các thành phố lớn cũng về quê vào những dịp nghỉ lễ tết kéo dài. Thành phố những ngày tết vắng teo. Bớt đi đội ngũ đông đảo những người làm việc thời vụ, nhân công dịch vụ ở các nhà hàng cửa hiệu. Người giúp việc đồng loạt về quê ăn tết là nỗi lo lắng thường niên của những gia đình có nhu cầu. Không ít các cụ ông cụ bà ở thành phố lúc gần đất xa trời muốn được về quê khi trăm tuổi. Dù cho các cụ có khi ở thành phố đã vài đời. Con cháu được một phen tất bật nháo nhào về quê lo lắng đất cát cỗ bàn. Làm thế nào được. Người già luôn đúng. Đó có thể coi như bài học cuối cùng các cụ dạy con cháu phải nhớ về quê nhà. Hướng về quê nhà một cách vô thức kể cả tội phạm sau khi gây án ở thành phố cũng thường hay chạy trốn về qua quê mình tìm nơi ẩn náu. Công an dựa vào tâm lý tội phạm này mà đón lõng bắt được vô khối.

Người phương Tây hình như không có nhu cầu về quê vào dịp nghỉ tết. Bằng chứng là ở các khu du lịch nước mình thường đón rất nhiều khách khứa ngoại quốc vào dịp noel, tết dương lịch. Có hẳn những chương trình quảng cáo và chuẩn bị hết sức chu đáo của các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng để chờ đón khách ngoại quốc thường niên. Dân Hà Nội bây giờ cũng bắt đầu có thói quen rời thành phố đi chơi xa vào dịp tết. Chẳng biết đó là một tiến bộ vượt qua lễ giáo cổ truyền hay đơn thuần chỉ là tránh khỏi cái ngột ngạt sáu triệu người của hơn ba trăm ngày phố xá?

Cô em gái bé nhỏ của tôi định cư ở nước Đức xa xôi đã gần ba thập kỉ. Cô ấy lấy chồng Đức và sinh được hai thằng cu tóc vàng rượi nhí nhoáy nói tiếng Việt. Cô ấy cũng không còn thói quen về quê ăn tết nữa. Thậm chí về nước vào ngày thường cũng không bao giờ ở Hà Nội lâu quá hai tuần. Vợ chồng cái con kéo nhau đi du lịch Vũng Tàu, Sa Pa, Cửa Lò, Móng Cái. Thừa thời gian lại lượn chơi một vòng Hongkong vài ngày trước khi về nước. Mỗi lần chia tay ở Việt Nam nó chào cả nhà, em về đây! Nghe cứ đắng đót thế nào? Chốn đi của em đã dần trở thành nơi về từ bao giờ chẳng biết. Cuối cùng thì phận gái làm dâu xa nhà cả ở tây lẫn ta vẫn cứ theo thói cũ nghìn năm “Xuất giá tòng phu”.

Cuộc chiến tranh kéo dài suốt hơn hai mươi năm trên mảnh đất Việt Nam đã có biết bao nhiêu người lính ra đi vĩnh viễn không về. Vài người vì những lí do rất đơn giản đã trở thành “liệt sĩ” ngay cả khi vẫn đang còn sống. Bom đạn ác liệt đã cướp đi của họ kí ức về một nơi chốn từ đó ra đi. Phải nhờ đến tấm lòng bền bỉ của nhiều người hảo tâm cả trong và ngoài nước họ mới có cơ hội trở về để làm người còn sống. Nhưng đó vẫn còn là một may mắn.

Có một ngày cách đây đã hơn bốn mươi năm rồi tôi không thể nào quên nổi. Một ngày bình thường với tất cả mọi người và mọi xứ sở. Đó là ngày 31 tháng 5 năm 1971. Người anh trai duy nhất của tôi lên đường nhập ngũ. Huấn luyện vài tháng ở Miếu Môn xong là hành quân vào chiến trường Quảng Trị chuẩn bị cho những trận đánh ác liệt. Anh bặt tin với gia đình cho đến tận tháng 8 năm 1972. Một người bạn cùng phố nhập ngũ với anh cùng ngày đảo ngũ từ chiến trường Quảng Trị về báo tin cho gia đình tôi biết, anh bị thương rất nặng ở bờ sông Thạch Hãn và đã được chuyển ra Bắc. Bố mẹ tôi nháo nhào tìm cách hỏi thăm hơn một tháng trời khắp các quân y viện mới biết anh đã được chuyển ra nằm điều trị ở khu thương bệnh binh Sài Đồng-Gia Lâm. Tôi đèo mẹ bằng xe đạp sang Sài Đồng tìm anh. May mà các y bác sĩ rất tận tình giúp hai mẹ con tìm ra tên tuổi và số gường bệnh anh nằm. Hình ảnh một con người quấn băng trắng kín mít từ đầu đến chân chỉ hở mỗi gương mặt mê man bất tỉnh đã làm mẹ tôi bật khóc. Tôi bàng hoàng không thể hình dung ra cái cuộn băng trắng toát kia lại có thể là anh mình. Các bác sĩ quân y cho biết anh bị trúng đạn pháo chụp với 26 mảnh găm khắp người. Năm mảnh ở bên hông chèn trúng dây thần kinh chi dưới không thể mổ gắp ra có tiên lượng anh sẽ tàn phế chân trái suốt đời. Những mảnh đạn nguy hiểm trên mình và chân tay đã được phẫu thuật gắp ra gần hết. Những mảnh nhỏ mỡ bao nhiều năm sau thỉnh thoảng chồi lên dưới da cũng lần lượt được mổ lấy ra. Nhưng vài mảnh nằm sâu trong sọ não y học đành bó tay.

Những năm sau anh phải cà nhắc một bên chân để tự lo liệu lấy những sinh hoạt của mình. Chỉ là những sinh hoạt cơ học mà thôi. Ý thức đã hoàn toàn ngừng vận hành từ ngày bị thương trên chiến trường. Hỏi gì cũng chỉ nhăn mặt gắt, hỏi vớ vẩn! Rất nhiều chế độ đãi ngộ của Xí nghiệp ốc vít thép Quân khu thủ đô cũng chỉ đủ để giúp anh tồn tại như một cái tên trong giấy tờ hành chính. Di chứng vết thương thần kinh sọ não đã làm anh không bao giờ có thể về với gia đình được nữa. Những lúc mê man trong bệnh viện tâm thần, tôi chỉ nghe anh lầm bầm nhắc đi nhắc lại đúng ba chữ, “Mãi không về…”. Sau đó là điên loạn chạy trốn chui nhủi khắp những nơi tăm tối trong nhà thương. Cứ như thế suốt ba mươi nhăm năm đằng đẵng anh vẫn không thể về với người thân.

Chuyến trở về cuối cùng của anh là vào trưa ngày 21 tháng 5 năm 2007. Về với cát bụi. Anh sinh vào tháng 9 năm 1953. Ngày 31 tháng 5 năm 1971 nhập ngũ khi vẫn chưa tròn mười tám tuổi…

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook