CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Bút ký

Vịnh Hạ Long nơi miền Trung nước Pháp

Thứ hai ngày 19 tháng 8 năm 2013 12:00 AM

«Con mau về! Về Thérondels nghỉ, mang thêm cho ông già bà lão này tiếng trẻ cười và chút nắng nóng Paris…»

Thérondels, nếp làng nhỏ gần như quên lãng trên góc núi hẻo lánh miền Trung nước Pháp, nơi ông bà Charlie và Yvonne rời hẳn Paris trở về sống mươi tháng nay. Trước kia chúng tôi thường đi tàu lửa đến ga Aurillac cách làng năm mươi cây rồi chờ ông bà ra đón. Năm nay, hai cụ đã trên tám mươi nên tôi tự lái xe về.

Xa Paris sáu trăm cây số, nếu là ông Charlie chỉ cần bảy tiếng. Không quen đường núi, sau mưa đường trơn ướt, xe tôi chạy mười tiếng đồng hồ. Máy GPS thi thoảng lại dẫn tôi vào những ngách rừng cụt mà vệ tinh chưa kịp cập nhật thông tin. Mỗi lần quay xe là một lần tim muốn nhảy ra ngoài. Bên này sườn núi đá đập vào mắt những hình thù đe dọa. Bên kia thung lũng hút sâu. Tầng tầng núi. Rừng đấy suối đấy rồi lại ngay vách đá. Thoắt trượt thoắt trèo. Ngoặt nghoẹo trên trập trùng lút xanh của miền Auvergne. Chấp chới tầm nhìn từ núi lửa Cantal tới những tháp chuông, tu viện, hay đỉnh lều nhọn. Mái nhà lợp đá như lưới vảy cá bủa vây. Mãi khi trời tối xẩm tôi mới lần được tới nơi. Làng không có tên đường nên giọng nam trên GPS bỗng bặt tiếng. Xung quanh đồng cỏ dại, vài căn chòi không đèn, cửa đóng im thít. May sao, hai ông bà lòa xòa áo khoác dò dẫm đứng chờ chúng tôi dưới sương núi vài dặm trước làng.


Ngôi nhà được xây lại cuối thế kỷ XIX, giống những ngôi nhà truyền thống trong làng. Tường đá tảng dày cả  bốn gang tay người lớn, nhiều lần chỉnh trang, dát gỗ. Bếp các gia đình nông thôn Pháp đều có mùi thơm đặc biệt. Mùi thơm của gỗ, của lúa mì, hay mùi bơ đằm quyện mà sao gần gũi ấm cúng như muốn níu khuỵu bước chân kẻ lang thang đã rã rời sau ngày dài mưa lạnh. Và chiếc giường trải nệm rơm trên sàn gỗ bình dị, tấm ga phủ rua trắng thêu tay, những cuốn tạp chí Marie-France sưu tập mẫu đan úa vàng li ti mọt mối trên giá gỗ lỗ chỗ vết đinh… Thơm…một mùi thơm cổ tích, cuốn tôi vào giấc ngủ. 


Nhà Charlie và Yvonne

Tôi chập chờn cảm giác đã sống ở đây từ thời thơ ấu. Nhưng không, có lẽ chỉ là ký ức về một ngôi nhà hằn in trong trí tưởng. Ngôi nhà mẹ Barberin của chú bé Rémi trong cuốn «Không gia đình». Tình cờ, Chavanon mà tác giả nhắc đến trong cuốn sách, một trong những làng nghèo nhất miền trung Pháp, lại không xa mấy với làng Thérondels này.
 
Người xa nhà, còn gì dễ chịu hơn vào buổi sáng đầu thu thoảng hương đồng nội, co tròn trong chăn mỏng mà lắng nghe tiếng lửa reo. Tỏa thơm lừng mùi bánh mì đang nướng. Một mái đầu bạc như bà như mẹ đang nghiêng nghiêng bên bếp chăm chút cho bữa sáng của mình. Vẳng ngân trong trẻo hồi chuông nguyện từ phía Nhà Thờ…

Bánh mì bà Yvonne làm vỏ không vàng ruộm, không giòn công cốc, ruột không trắng, không dài như nửa chiếc đòn gánh giống bánh ở Paris chỉ sau vài giờ đã cứng. Bánh của bà, to nhỏ đều tròn vạnh hình mặt trăng, mặt trời, vỏ đen đủi, ruột nâu sậm. Vậy mà thơm ngùi ngẫm khó quên. Ra khỏi lò nướng, chờ nguội rồi xếp vào hộc ngăn kéo gỗ dày chắc nịch dưới bàn ăn, chẳng cần gói ghém, bà có thể giữ được chúng tới năm sáu ngày. 
 
Về đây, nhất định phải nếm món mứt phúc bồn tử của ông bà, nhun nhút chua, vị thơm đằm nhờ luôn được nấu với một vốc nhỏ groseille*. Cũng giống cách nấu chè ngọt của người Nam Bộ là thường thêm nhúm muối. Xem Charlie nghiền phúc bồn tử bằng chiếc nồi xay tay do ông tự chế cũng giống như đang học thiền. Có bao nhiêu điềm đạm, thanh thản trong mỗi động tác nhịp nhàng của ông. Con gái tôi, chỉ thích ra vườn hái trái để tự tay rửa, tiếp vào nồi xay. Trong vườn, phúc bồn tử thì nhiều mà groseille lại ít. Trái groseille trong suốt, đỏ tươi quyến rũ  kia thường bị nhón bỏ mồm trước khi vào nồi xay của Charlie. Không có chúng, mứt phúc bồn tử của bà Yvonne mất đi một chút thơm ngon nào đấy. Biết thế, hai ông bà thường làm những lọ mứt có hương vị groseille trước khi đón mẹ con tôi để làm quà tặng lúc quay về Paris và giữ những lọ không có groseille cho mình.
 
Lúc nhỏ, tôi có tật đi đến đâu cũng tò mò săm soi nhìn ngó đồ vật nhà người. Bao nhiêu lần bị mẹ kín đáo nhéo vai: «Đừng có nhìn như nuốt chửng thế, nhỡ khi mất đồ họ lại nghi mình!», tôi mới nén được trầm trồ, giữ vẻ thản nhiên như đã thấy cái đồ lạ lùng đó từ khi mới lọt lòng. Nhưng ở đây, với ông bà, tôi có thể mặc nhiên thỏa sức cầm lên đặt xuống, bày tỏ sự thích thú của mình.
 
Chiếc đồng hồ cao hơn cả đầu với tuổi gần hai thế kỷ. Chân là bức tranh vẽ đàn thú kéo xe trên đồng cỏ đầy hoa. Trên xe có cặp thiếu niên ăn mặc bình dị, nét mặt tươi ngời sánh nhau. Khi tôi chạm vào bức tranh ấy, Charlie đã ghé tai tôi thì thấm: tranh vẽ Yvonne đó, Yvonne với ai chứ không phải ta đâu! Yvonne lắc đầu nguýt ông, bỏ ra vườn phơi quần áo.
 
Ngay bệ cửa sổ bếp, tôi bắt gặp hoa géranium nở từ chiếc nồi nấu súp cũ bằng gang nặng chịch, không tai cầm hai bên mà có quai xách từ thời bà ngoại của Yvonne. Không hiểu làm thế nào mà những bàn tay nội trợ đàn bà thời đó có thể xách chúng khi đầy súp nóng? Hay, mỗi bữa ăn họ chỉ có một món súp luôn được đặt trên bếp lửa, không cần phải nhấc nồi ra nhường chỗ nấu món khác chăng?

Chiếc bát sành đựng đường nắp bị mẻ, được gắn một bông hoa nổi, vẽ con gà trống đứng trên nhành hoa vươn cổ gáy. Mảnh mai nhường ấy mà nhành hoa đỡ nổi cả một chú gà. Chiếc bát này có sau thời Marco Polo mới truyền cách thức làm sứ của Tàu sang châu Âu, thuở người Pháp chỉ tìm được thạch anh, tràng thạch mà  chưa có cao lanh, một trong những nguyên liệu chính để làm nên sứ. Men không bóng, không trong, khi búng vào bát, tiếng không vang, gọi là âm thanh điếc. Đó là kỷ niệm của ông bà ngoại tặng cho cha mẹ Yvonne nhân ngày cưới. Bình thường bà nâng niu cất nó trên tầng cao trong ngăn tủ. Có tôi,  bà thả vào đó những viên đường mía nâu, bày lên bàn bữa sáng. Mỗi đồ vật có một câu chuyện, có một kỷ niệm. Hai ông bà tìm lục, thích thú bài trí cho chúng lọt vào ống ngắm của máy ảnh tôi. Charlie kiếm thêm mấy nhánh lúa mì trong kho cắm vào chiếc bình men xưa đựng sữa giờ đã hoen gỉ cho thêm phần sinh động.

Thérondels vài năm trước khoảng năm trăm nhân số,  nay chỉ gần bốn trăm, đa phần người cao tuổi. Khi nhỏ sống ở làng, trưởng thành họ đều sang các thành phố lớn tìm việc. Người Thérondels nói riêng hay người vùng Auvergne nói chung được tiếng là siêng năng, chịu khổ. Trước khi có làn sóng xâm nhập nhân công từ các nước kém phát triển, họ gánh nước, rửa chén đĩa trong các quán bar, khuân vác tại các tiệm tạp phẩm mở sớm đóng muộn ở Paris. Nghỉ hưu, họ đều trở về làng, hoặc lầm lụi trong căn nhà  đã cũ nát, hoặc xây ngôi nhà  nghênh ngang mang dáng dấp thành thị...


Một ngôi nhà mới xây

Yvonne  rời làng năm mười tám tuổi. Ngôi nhà mái đá phủ rêu phong trần của tổ tiên từng chứng kiến những bước chân chập chững tuổi thơ nay lại trìu mến đỡ nâng bước run chậm cuối đời.  Dạo quanh làng, nhìn những mảnh vườn nào mịn cỏ, chậu thược dược, tú cầu sum sê trước cửa, khoảnh đất trồng rau, cà được tỉa chăm…có thể biết chủ nhà còn mạnh khỏe. Nhưng cũng có bao nhiêu ngôi nhà bỏ trống. Thời gian chồng chéo thời gian. Nhà hoang lần lượt gối nhà hoang. Từng lớp rêu dày luồn khe níu giữ bờ rào đá vẹo xiêu sắp đổ.  Rêu lấn lan trùm thân cây, leo tường, bò cửa sổ phủ mái nhà vắng lạnh hơi người. Cỏ dại lút cao. Mận, táo, lê chi chít trái, rụng dập vương lối đi, chim mèo cũng không thèm đến. Những mái nhà trong làng lợp đá chẻ lauze* truyền thống, được vá víu bằng ardoise*, rồi chêm ngói đỏ giống một chiếc khăn được đan bằng len vụn sót lại của cụ bà không còn đôi mắt tinh anh. 

 

 Những ngôi nhà bỏ hoang 

Từ nhà Yvonne sang Nhà Thờ  đi tắt men bờ rào đá qua con đường đất ngút dương xỉ dăm phút là tới. Cha Xứ không sống ở làng mà tháng mới về giảng một lần. Ngày Chủ nhật, con chiên đi lễ Nhà Thờ làng bên. Song chắn gỉ đâm ngang ô cửa thông hơi của trai phòng lởm chởm mảnh kính vỡ. Trong bóng tối nhờ, mấy chiếc chân nến bạc chỏng chơ, áo dài Cha phủ mạng nhện, sách bong gáy vương vãi trên bàn dưới đất, đẫm nước mưa.    

 

 

 Nhà Thờ Thérondels 

Nhà Thờ xây cất từ thế kỷ XI mang kiến trúc cổ đại. Cổng khép hờ, u lạnh. Các nét khắc trên cột đá Nhà Thờ còn thô vụng. Vẻ mặt nhân vật sinh động và hài hước. Tượng ba mặt người chung mắt nhô ra từ cột đá như đang mỉm cười chào hiền hậu. Tượng gỗ Christ cũng được khắc từ thời đó, màu sắc như còn mới, là tài sản quý của làng từng có mặt tại  triển lãm của Bảo tàng Branly ở Paris. Vào thế kỷ XV, sau lần tu sửa, hai gian điện thờ và tháp chuông cùng  những hình vẽ trên kính màu mang thêm ảnh hưởng kiến trúc gotic cho Nhà Thờ.
 
Tôi thắp ngọn nến trước điện thờ Đức Mẹ. Một mình. Không thỉnh nguyện điều gì. Nhưng hình như ánh sáng huyền diệu lung linh trước mắt đã dứt tôi ra khỏi ý nghĩ trong một khoảnh khắc nào đó tới nơi vô định.

 

Chòi đóng móng trâu

Khi biết những năm 80, Thérondels chỉ có bảy trẻ tới trường, tôi mới hiểu tại sao đôi mắt của người làng Thérondels hôm nay lấp lánh trước ngôi trường tiểu học có hai lớp dành cho bốn mươi em theo học. Nhưng chẳng biết tương lai sẽ về đâu bởi nếu lên tới phổ thông cơ sở, các em còn phải lặn lội 25 cây số mỗi ngày trên đường núi. Tuy có xe car của vùng, nhưng xe không chỉ ghé Thérondels mà còn dừng mười hai làng lân cận khác đón đưa trẻ đến trường. Bao nhiêu thời gian và sức lực! Cao xa hơn, trường phổ thông trung học nằm ở tận tỉnh Rodez, xa làng gần cả trăm cây nữa. Nếu không rời làng chuyển nhà đi nơi khác, mấy ai cho con theo học tới cùng. Đến tuổi, các cô gái còn có thể dễ dàng đi lấy chồng xa. Nhưng các chàng trai, nếu không thoát được khỏi làng đi học nghề, hay nếu cha mẹ không có trang trại nuôi bò, vắt sữa, làm fromage, sẽ chỉ biết vùi đầu vào rượu. Và rồi họ vĩnh viễn thành những «trai già» cô đơn hay tự tìm cái chết nơi vùng núi sâu hoang vắng này.

Xứ Nghệ quê tôi có câu chuyện con cá gỗ. Người ở vùng này truyền nhau chuyện cá-khoai tây để  kể nỗi hàn vi, lúc ông cha phải rời làng về miền biển làm nghề đánh cá thuê. Nhiều chủ thuyền hà tiện không trả công cho thợ chài bằng tiền mà bằng cá không bán hết trong ngày. Gặp phải ngày không còn cá, họ trả thế cá bằng khoai tây. Người làm công ngậm ngùi mang két khoai về giao vợ: Cá đây! Người vợ  lẳng lặng cắt khoai tây, nghiền thành bột, quậy trên lò cùng cặn váng sữa bò, bơ và muối, khéo léo xoắn thành hình con cá bày ra đĩa cho các con: Cá đấy, ăn đi! 

Sống ở Pháp đã hơn hai mươi năm, ngoài fromage đầu bò, tôi không dám thử loại fromage nào khác. Nói ra, người Pháp sẽ cười nhạo: Thứ đó không phải fromage! Hễ mở tủ lạnh mà bị luồng hơi khăn khẳn kiểu mắm cá đổ lâu ngày không lau dọn xộc vào mũi, biết ở trong nhất định có fromage là tôi cứ lảng xa. Mới ngửi đã nhăn nhó rồi nói gì đến đưa lên miệng. Lớp vỏ bọc sần sùi xanh mốc như da voi, nhừa nhựa nhão dính, cứng không ra cứng, mềm chẳng ra mềm. Ấy thế mà lũ con Việt nhà tôi chằm vặp thèm thuồng khi thấy,  liếm láp tiếc rẻ những sót dính trên móng tay  lúc ăn, chóp chép xuýt xoa: «Ngon, ngon tuyệt, ai không biết ăn, tiếc lắm! », chả khác gì trêu tức mẹ…
 
Tôi nghĩ fromage chắc cũng giống sầu riêng ấy, người Bắc không biết ăn mà muốn thử, như ai đó khuyên, phải tưởng tượng là đang ăn mít trong nơi không sạch sẽ.

    Lò nướng bánh mì

Yvonne tập cho tôi ăn fromage. Bà gọi nó là món « cá-khoai tây» để tôi không phải nghe chữ «fromage ». Thực ra đó là món có tên «aligot», đặc sản của vùng. Cũng khoai tây: cắt nhỏ, nghiền, đánh đều nhuyễn như bột trẻ em cùng với tỏi, đun trên lửa than riu riu  với một chất kem đặc sánh được cô nén, nhào nặn từ sữa tươi nguyên chất của vùng núi Cantal nơi đây gọi là « tome». Chiếc thìa gỗ rót suối «mạch nha ngà » quyện dính, ngậy mùi bơ, thấp thoảng (một chút thôi) vị nồng của fromage mới còn chưa ủ mang ngay cho tôi cảm giác cồn cào.
 
Tôi có vịnh Hạ Long ở trời quê. Ông bà Charlie và Yvonne cũng vun đắp hình ảnh một vịnh Hạ Long giữa Pháp cho những đứa cháu đỡ đầu gốc Việt. Khuất sau làng Thérondels, bồn cát xinh xinh mịn màng nổi giữa hồ nước phẳng như gương quanh co ôm vách núi,  tên gọi «Presqu’ile de Laussac», như bù đắp của thiên nhiên ban tặng cho làng quê hiu hắt buồn. Nơi đây khách du lịch chưa sục sạo đến nên còn yên ả, cõi sơn thủy biếc màu ngọc bích, hoang sơ như chỉ dành soi riêng một cuộc tình.

Đang mơ màng trên xe , bỗng Yvonne gõ đốp cuộn giấy báo lên mái đầu thưa tóc của Charlie, hét một tiếng làm tôi giật nảy mình: Dừng ngay, «vịnh Hạ Long» không nằm trong xó ấy!
 
Charlie hiền hòa: Ừ, thật may tôi luôn có đôi mắt của bà vợ bên mình. Nào, ta lùi xe vậy! Yvonne tiếp tục cằn nhằn: Năm chục năm đi mãi đường này mà ông chả nhớ cho.
 
Cung đường len lỏi khe núi xuống «vịnh Hạ Long» có những cửa hàng bán gậy.
 
Trên Paris, gậy cho người cao tuổi hay dành cho người bệnh, chiếc «canne» chỉ có thể tìm mua ở pharmacie. Ở đây hễ có tiệm tạp phẩm là bán gậy. Yvonne nói, đường núi, cần gậy, không kể già hay trẻ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều gậy, nhiều kiểu đến thế. Gậy thẳng, vững chãi đơn giản hay gậy lượn vòng duyên dáng. Gậy có nắm tròn như quả táo hoặc có một chạc vịn uốn khít theo mu bàn tay hay gậy ba chạc cao thấp tùy chiều cao của mỗi người. Gậy bằng gỗ cây dẻ, có rất nhiều ở vùng núi này, được đánh nhẵn, óng ả màu cánh gián, đầu mũi đệm cao su, sắt, nhựa cứng để không trơn tuột. Trên một số  gậy có khắc những cái tên xưa phổ biến trong làng mà thời nay hiếm thấy đặt cho con: Margueritte, Violette, Marcel, Fernand…Có gậy nửa thân được bọc kim loại khắc hình trang trí nổi, điệu đà chùm đuôi ngựa đung đưa hoặc được cuốn dây như bím tóc. Vài chiếc gậy kiểu Anh có chạc đỡ vươn dài tới khuỷu, lua tua vải sắc cờ như chú lính gác mặc váy cứng đơ, tay dính mũ nghiêm chào.  

 Presqu'île de Laussac  hay Vịnh Hạ Long" ở miền Trung nước Pháp

Chấp nhận làm bạn lâu dài với chiếc gậy là đã biết đối diện với tuổi già. Với Yvonne, điều đó có vẻ khó khăn. Bà không kêu đau, kêu mệt mà chỉ nói: «Ở đây… buồn…». Giấu kỹ gậy vào một góc nào đó trong nhà, hãn hữu bà mới sử dụng nó và thường khẽ giọng: «Đừng, đừng bao giờ làm thế ! » mỗi lần tôi muốn đỡ bà xuống xe, tuy vẫn buộc lòng quờ cánh tay run run bám vịn.
 
Chiếc gậy của bà tôi năm xưa thô sần đoạn phình đoạn thắt. Tôi không biết nó được làm bằng thứ gỗ gì. Chỉ nhớ sau một lần giở trò nghịch ngợm, bị bà cầm gậy rượt chửi :« Cha tổ mi!», tôi chui trốn dưới gầm giường, chiếc gậy mới chỉ quất đét lên thành giường đã bị gẫy đôi. Từ trong gầm, nhìn bà ngồi trước bếp tro, lấy gấu quần chấm nước mắt rền rĩ  khóc chiếc gậy, tôi thương bà quá, thầm ước khi có tiền sẽ mua cho bà một chiếc gậy thật đẹp, thật bền để bà có thể vụt cả chục lần lên những nơi tôi trốn, thành giường, cánh tủ …mà không bị gãy... Bởi tôi biết chiếc gậy của bà chẳng bao giờ nỡ đụng đến thịt da non nớt của tôi.

Lớn đi học, phải xa bà, tôi viết thư: Bà ơi, cháu sẽ học nhanh để trở về làm chiếc gậy cho bà.
 
Vậy mà bà đã chẳng đợi đến ngày đó.
 
Giờ, nhìn Yvonne khoác tay Charlie, chống gậy, những bước chân lỡ hụt díu bên nhau,  hai mái đầu thưa bạc dựa dìu trên con đường bọc đá hẹp, tôi nghĩ, để làm chiếc gậy hay chỗ dựa của nhau lúc tuổi chiều xế bóng,  con người cần bao nhiêu nhẫn nhịn trong yêu thương.

Những muốn ở thêm thăm thú lâu đài rải rác ẩn mình trên vách núi, nơi các vua  Pháp ngày trước từng lánh về đây khi chán người tình.. Muốn thăm cả bức tường thành Monaco nơi gia đình Grimaldi từng tránh đạn…nhưng thời gian chẳng chiều tôi.
 
Từ biệt hai người già, sau ba chiếc hôn má theo phong tục của làng luôn làm tôi tụt hẫng,  Yvonne giữ chặt tôi rất lâu trong vòng tay của mình. Tim tôi se thắt. Một linh cảm mơ hồ, tôi sợ ngày nào trở lại Thérondels, hai mái đầu trắng đã mờ trong sương khói mặt hồ Laussac lấp loáng bóng núi xanh. Một khoảng Vịnh Hạ Long ở miền Trung nước Pháp dành cho tôi sẽ chỉ là những mảnh gương cứa ứa lòng.
 

     Therondels - N.C


 *Groseille: một loại quả nhỏ, có vị chua, màu đỏ mà người Việt mình cũng gọi là phúc bồn tử. Mứt phúc bồn tử trong bài là trái framboise màu hồng, có một lớp tơ phủ.
* Lauze: đá chẻ thời xa xưa, được đẽo bằng tay, để lợp nhà
*Ardoise : cũng một loại đá chẻ để lợp nhà, giống lauze, thời nay làm bằng máy.  

Chia sẻ trên Facebook