CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tin văn - Phê bình văn học

PHÓNG VIÊN TẠI SYRIE - TRÒ CHƠI SÚNG MAY RỦI

Thứ hai ngày 9 tháng 4 năm 2012 12:00 AM

 

Lời người dịch:  Rémi Ochlik (ảnh dưới), phóng viên nhiếp ảnh Pháp, tử nạn tại Syrie ngày 22/02/2012 trong cuộc bắn phá khu Baba Amr, thuộc thành phố Homs. Anh mới 28 tuổi. Có mặt tại các vùng chiến sự Tunisie, Ai-cập, Libye…loạt ảnh sống của anh đậm màu đau thương của khói lửa chiến tranh, phủ các mặt báo Le Figaro, Le Monde Magazine, VSD, Paris Match, Time Magazine và The Wall Street Journal…thể hiện tài năng, lòng dũng cảm, niềm say mê nghề nghiệp hết mình.

altAnh là nhà báo thứ bảy tử nạn tại Syrie, nơi tính mạng của không ít nhà báo khác đang bị đe dọa từng giờ tứng phút khi tác nghiệp. 

Trực tiếp tham gia chiến dịch đưa người  «Hồi hương- trở lại Pháp» từ  hơn một năm qua tại các nước xảy ra "cuộc cách mạng mùa Xuân Ả Rập",  sự an toàn sinh mạng của «khách hàng» nói chung và các phóng viên nói riêng luôn là vấn đề nóng hổi của chúng tôi. Tôi xin dịch bài trả lời phỏng vấn của phóng viên chiến trường lão thành người Pháp, PATRICK CHAUVEL, hơn bốn mươi năm lăn lộn với nghề. Bên cạnh việc nêu lên những rủi ro khắc nghiệt, ông kêu gọi các phóng viên, bằng lương tâm nghề nghiệp quyết  không chùn bước trước hiểm nguy.   

Sao xuất hiện nhiều đến thế các phóng viên nhiếp ảnh trẻ từ buổi đầu những sự kiện "mùa xuân Ả rập".

Mọi sự bắt đầu từ Tunisie. Chi phí cho chuyến đi không quá đắt đỏ nên giới trẻ có thể lên đường bằng phương tiện kinh tế của riêng mình. Không cần thẻ nhà báo, cũng chẳng cần phải có tên tuổi, bất kỳ phóng viên nhiếp ảnh trẻ nào cũng có thể quyết định lao vào cuộc mạo hiểm. Khác hẳn Afghanistan và Irak, họ không cần chứng minh thân thế bởi những người nổi dậy tại Libye hoàn toàn vô tổ chức. Đây thực sự là cơ hội cho các nhà chuyên nghiệp trẻ được bộc lộ, cũng giống như tại cuộc xung đột Nam Tư, nhiều tài năng mới được nổi trội.

 Có xấp xỉ khoảng năm chục phóng viên tại Libye. Cảm giác thú vị khi tôi chứng kiến những người trẻ tuổi này ào đến. Họ căng tràn niềm nhiệt huyết phiêu lưu đến khó tả.  Thật tuyệt vời khi quan sát họ làm việc và đặt vấn đề xung quanh nghề nghiệp. Họ tự vấn tận nguồn về chính nghĩa, nước Pháp có lý không khi can thiệp quân sự. Nhiều câu hỏi khác được đặt ra cho tương lai thu nhập của nghề trong sự phát triển của Internet, nhất là của các nhà báo tự do. Những con người tử tế.

Nhưng số đông trong họ không hề được chuẩn bị, quá non nớt do tuổi còn trẻ, không có chút khái niệm cứu hộ cơ bản trong trường hợp bị thương, không có phản xạ sinh tồn mau lẹ. Ví như, trước những làn đạn vụt tới từ mọi hướng, trốn ẩn sau chiếc ô-tô chẳng được tích sự gì, nó không khác mấy với tờ giấy. Phương án duy nhất là : tháo chạy.

Syrie khác gì với những xung đột Ả rập khác?

Cho tới nay, tuy là chiến tranh, nhưng những tranh chấp không phải là quá khốc liệt. Ngược lại, Syrie thực sự là một cuộc xung đột. Ở Tunisie, chỉ một phóng viên nhiếp ảnh bị giết, Lucas Mebrouk Dolega, người Pháp, 32 tuổi. Ai-cập đã là nơi vô cùng nguy hiểm. Nếu một mình phải đối diện với cảnh sát, ta có thể bị bốc đưa ngay vào một phố nhỏ và bị đánh đập. Xảy ra cả những chuyện khủng khiếp hơn như việc hai nhà báo (Caroline Sinz et Mona Eltahawy) bị hãm hiếp ngay giữa đám đông. Nhưng chưa hề có chuyện hành quyết man rợ.

Libye là cuộc chiến có nhiều khoảnh khắc gian nguy. Những loạt đạn cối theo hướng bắn vu vơ. Năm nhà báo tử nạn ở đây. Nhưng ở Syrie, mức độ trầm trọng hơn nhiều. Nhà cầm quyền Syrie không muốn bất cứ hình ảnh nào thoát ra khỏi đất nước mình nên không ngần ngại bắt giữ các nhà báo, tra tấn hay thậm chí còn hành quyết.

Các nhà báo tác nghiệp trong hoàn cảnh nào tại Syrie?

Để thâm nhập Syrie không hề đơn giản. Phải vượt biên giới dưới hàng rào dây thép gai, có các tay súng bắn tỉa đi tuần tra, sau đó lại vật vã trên nhiều ki-lô-mét bằng xe mô tô  hoặc trên lưng ngựa, giống như một nhà báo của tờ New York Times, bị đột tử bởi cơn hen suyễn cách đây không lâu. Rồi thì, trời buốt lạnh mà không có một thứ gì, không có ngay cả điện – khiến cho việc chuyển tải ảnh trở nên vô cùng phức tạp. Lúc đó, mỗi khi có thể, lại phải chuyển ảnh qua bên kia biên giới, như thời còn sử dụng phim. Tại đây, quân đội Syrie, cũng hoàn toàn không muốn báo chí tới gần.

 Tháng Giêng, tin Gilles Jacquier bị giết đã làm nguội lạnh sự nhiệt tình của mọi người.

 Sau nữa là vấn đề tiền bạc. Tôi còn nhớ trong chuyến đi Libye, tôi gom được 1800 euros từ hai tòa báo khác nhau. Mười tám giờ taxi để tới được vùng chiến sự đã ngốn toi của tôi mất 1700 euros. Tới nơi, tôi chỉ còn 100 euros để sống. Rất may, tại chỗ có sự hỗ trợ mạnh mẽ giữa các nhà báo. Hễ ai có tiền thuê xe và trả tài xế thì rủ cả những người khác đi cùng mình.

 Nhưng người ta làm việc độc lập. Tại mặt trận, người ta cố gắng độc lập để không chộp những hình ảnh giống những người khác. Người ta có mặt ở đó để « cày », chỉ khi về khách sạn người ta mới cười đùa và tranh luận. Tôi nhớ một lần, một nhà báo trẻ đến gặp tôi và hỏi : Làm thế nào để được an toàn ? Tôi trả lời anh ta : Hãy ở lại Paris.

Mặc dù vậy, người ta vẫn muốn đi ?

Đúng vậy, đó không phải là nghề ! Đó là một phương cách sống. Ngày hôm nay, khi nhìn thấy tất cả những gì mà người Syrie đang phải chịu đựng, tôi chỉ có một mong muốn : Ra đi để kể về câu chuyện của họ. Có thể ví như những người đang chết đuối đang kêu cứu chúng ta. Không đi, điều đó cũng gần giống với việc từ chối cứu người đang trong lúc hiểm nguy.

Cái chết của hai nhà báo Rémi Ochlik và Marie Colvin xảy ra quá đau buồn.  Rémy là một thanh niên trẻ, đầy tương lai, trung thực. Họ hy sinh trong khi đang tác nghiệp, không ai có lỗi. Khi người ta ngụp trong xung đột vũ trang, với những người bị động, với thường dân, thì chẳng khác trò chơi súng may rủi. Điều quan trọng là hãy tiếp tục gửi các nhà báo đến Syrie, kể cho mọi người chuyện của họ.

Người thực hiện: Delphine Roucaute  - Dịch bởi : Nico

Galerie ảnh của Rémy Ochlik:  http://www.ochlik.com

 

Chia sẻ trên Facebook