CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

BỤI VÀ ĐẤT

Thứ hai ngày 11 tháng 11 năm 2013 12:00 AM

Giống như chuyện quả trứng và con gà, chẳng thể biết bụi hay đất có trước. Khoa học bảo Trái đất do cuộc kiến tạo hàng triệu năm từ bụi vũ trụ mà thành. Nhưng cũng chỉ là giả thuyết.

Stephen Hawking - nhà bác học vật lý Anh - chẳng đã từng phát hiện lý thuyết lỗ đen vũ trụ và vụ nổ Big Bang, để sau đó ba chục năm cũng chính ông phải thừa nhận sự nhầm lẫn của mình là gì. Không có vụ nổ Big Bang nào cả. Bụi và lỗ đen thì vẫn có. Tất nhiên bụi vũ trụ có những “hạt” to bằng quả núi. Cứ thế mà tưởng tượng ra cái lỗ đen để nó chui vào.

Người ta bảo “Hà Nội tấc đất tấc vàng” là căn cứ trên giá cả của một thứ diện tích đô thị hình như không có liên quan gì đến đất. Bụi Hà Nội cũng đen xỉn một màu phế thải hẳn là không được sinh ra từ “đất vàng”. Nó nhiều đến mức không ít lần làm dân thành phố phải chững lại để mà suy ngẫm.

Ngày trước Nhà máy điện Yên Phụ chạy bằng than đá xả khói thẳng lên trời làm cho những con phố Châu Long, Cửa Bắc, Phó Đức Chính, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái... quanh năm khoác một màu u ám rợn người. Mái ngói, tường vôi, cửa sơn và lá cây ám khói như nhúng muội đèn đến mức dân ở đấy phải chia tay với quần áo sáng màu bởi làm gì có chỗ phơi.



Đất đai nhà cửa trên vùng ấy luôn rẻ hơn những vùng khác nội thành vì thế. Nhưng ngoài vùng Nhà máy điện Yên Phụ quanh năm khói bụi, bầu không khí phần còn lại của thành phố tương đối trong sạch. Dù rằng lúc ấy chỉ những vỉa hè quanh khu phố cổ và vài con phố chính được lát gạch. Những đường Quang Trung, Ngô Quyền, Phan Châu Trinh, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... vỉa hè vẫn là nền đất. 

Những ngôi nhà biệt thự trong khu phố Tây, kể cả những nhà mặt phố mở cửa suốt ngày. Xalông tủ chè gỗ gụ chạm khắc rối ren hoa mắt cũng chỉ phải lau bụi nhiều nhất tuần một lần. Người ta coi những đồ vật ấy là cái “bụi kế” trong nhà. Có thể nhìn rõ nhất lượng bụi bám trên những hoa hoét đục chạm. Nhiều đất mà ít bụi là thế.

Không còn Nhà máy điện Yên Phụ nữa, những vỉa hè Hà Nội từ năm 1980 cũng đã lần lượt được lát gạch toàn bộ. Thế nhưng bụi lại dày đặc hơn trước nhiều lần. Mà càng chắc chắn bụi không sinh ra từ đất. Giờ mà tìm được một khoảnh đất bỏ không trên phố là điều không dễ. 

Sáng sớm ngày ra các quý ông quý bà ăn mặc bảnh bao lịch sự thơm lừng nhưng cứ phải mắt la mày lét dắt chó đi loanh quanh chẳng thong thả đường hoàng quý tộc chút nào. Những cửa hàng thời trang, điện máy, thuốc men, ngân hàng, siêu thị, công sở phần lớn đóng kín cửa kính không chỉ vì việc tiết kiệm điện chạy máy lạnh. Không thế, rất có thể tất cả sẽ biến thành cửa hàng đồ cũ chỉ trong vài ngày.

Bụi không từ đất sinh ra nữa nhưng lượng bụi trong thành phố ngày một nhiều lên. Thị dân mang nó từ bên ngoài vào. Máy hút bụi lúc đầu còn tỏ rõ ưu thế của một đồ dùng hiện đại, về sau chỉ còn như một niềm an ủi. Đinh tai nhức óc mà tác dụng còn thua xa chiếc giẻ lau nhà.

Thành phố bỗng nhiên có rất nhiều thứ mang tên gọi liên quan đến bụi. Cơm bụi, phở bụi, bia bụi, cà phê bụi, du lịch bụi, Tây bụi. Và “bụi đời” ở cái chợ gì đó vác mã tấu chém nhau túi bụi trên phim.

Thế rồi, nam nghệ sĩ ăn mặc rằn ri hầm hố tóc tai bờm xờm gọi là thời trang “phủi”. Ít nhất thì đó cũng là một cách thách thức với bụi bặm phố phường. Đánh giày bán báo dĩ nhiên chẳng ai ngồi trong nhà tránh bụi. Trẻ con “đi bụi” cũng chỉ có con đường duy nhất là kéo nhau về thành phố.

Mình than thở về chuyện bụi với tay bạn sống trên tầng 8 trong khu cao ốc Mỹ Đình. Lão cười nhạt, ai bảo cứ ôm lấy phố, ông cũng có khác gì bụi đâu! Chợt “...Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ” (Tự trào - Nguyễn Khuyến).


Tháng 10/2013 -  Đỗ Phấn

Tranh minh họa: Lê Thiết Cương

 

Chia sẻ trên Facebook