CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Truyện ngắn

NGÕ HI VỌNG

Thứ năm ngày 26 tháng 9 năm 2013 12:00 AM

Chạng vạng chiều. Con ngõ hẹp chỉ vừa một người đi sâu hút. Tối đen. Nguồn sáng duy nhất chiếu vào căn buồng chật chội của lão Đạt sắp tắt. Thực ra thì nó cũng chưa bao giờ đủ sức hắt vào đến tận căn buồng. Nó chỉ là điểm sáng để lão  nhìn từ trong buồng ra mà biết sơ bộ về nắng mưa bên ngoài. Nó cũng là con mắt phố phường quan sát chở che lão như mọi công dân thành phố khác. Ngọn đèn ống trong nhà quanh năm bật sáng những lúc lão thức. Những con ngõ hang chuột như thế không hiếm ở thành phố cũ. Nó là kết quả của sinh sôi. Ngăn chia. Mua bán đổi chác. Kinh tế lụn bại qua từng thế hệ. Đời ông mua đất xây dựng. Đời bố phân chia lần thứ nhất. Đời con, bán mua chia chác lần nữa. Rất ít ngôi nhà trong khu phố cổ chỉ có duy nhất một chủ. Thành phố có hàng ngàn con ngõ như những vết thương khó lành trên cơ thể. Mồ hôi nước mắt âm thầm chảy. Đôi khi có cả máu.

Đã hai ngày hôm nay, chiều nào lão cũng thấy một chiếc xe máy kềnh càng dựng chắn gần hết con ngõ. Người đàn ông bặm trợn ngồi xổm trên vỉa hè cạnh chiếc xe điềm nhiên hút thuốc lá. Lão ý tứ hắng giọng. “Điềm nhiên” vẫn nhả khói phì phèo. Lão lách mình bước qua ném cái nhìn khó chịu về phía người đàn ông. Thật bất ngờ. Cái nhìn của hắn ném về phía lão còn khó chịu hơn nhiều. Đến mức khiêu khích. Mày chưa biết bố mày là ai đâu con ạ! Cặp mắt lờ đờ lòng trắng của hắn nói với lão như vậy. Loạn thật đấy. Chính mày mới chưa biết bố mày là ai! Lão thầm nghĩ.

Mua bánh mì và vài thứ đồ ăn nguội gần nhà, lão rảo bước về cố nén cơn giận lách qua thằng cô hồn mà vào. Bày đồ ăn ra bàn. Lấy chai rượu thuốc uống dở ra rót đầy một chén sứ. Trệu trạo nhai. Nuốt cả cục tức xuống bụng. Đè rượu lên trên. Nhưng chỉ có thức ăn và rượu trôi xuống dạ dày. Cục tức vẵn mắc ngang cuống họng. Không khó để lão nhận ra đó là âm mưu lâu dài của người chú họ nhà mặt phố. Tay Dũng tuổi còn trẻ hơn lão nhưng lại là vai trên. Tay ấy là dân buôn bán lâu đời ở con phố này. Tiền bạc vung vinh. Và đang muốn thôn tính nốt căn buồng cùng với con ngõ của lão.

Đừng hòng nhé. Súng đạn tao còn chưa ngán ăn thua gì vài thằng giang hồ lặt vặt. Lão đứng dậy vươn vai. Tìm chiếc gậy dân phòng sơn đỏ giắt vào sau lưng lững thững bước ra hè. Gã bặm trợn vẫn ngồi gác chân trên yên chiếc xe máy lừng lững chắn ngang ngõ.

Mang xe ra chỗ khác ngồi, lấy lối cho người ta đi lại! Lão dõng dạc.

Vỉa hè nhà ông đấy à, có sổ đỏ đưa đây xem thử! Gã bặm trợn gằn giọng.

A, thằng này láo! Lão gầm lên rút phắt chiếc gậy ngắn từ sau lưng ra xô tới. Đường gậy ánh đỏ nhoáng lên. Gió tạt hù hù. Cú đánh rơi xuống chiếc yên xe máy phát ra một tiếng “phục” rỗng tuếch. Gã trai đã vòng sang bên cạnh lão từ lúc nào. Trong tay hắn là một đoạn ống nước thâm đen lớp mạ kẽm. Hắn chợt như hóa hình thành ra ba bốn đứa vây quanh lão. Hoa mắt. Lão chỉ kịp cảm nhận thấy hình như gân đầu gối bên trái đứt lìa sụm xuống. Rồi đến một tiếng “rắc” khô nẻ bên ống chân phải. Vài tiếng nứt vỡ bên cạnh sườn ọp ẹp. Lão cố lết vào đầu ngõ gục xuống. Máu chảy chan hòa từ trên đầu xuống nền ngõ ẩm ướt. Tiếng lao xao người đi đường như một tổ ong òa vỡ bên tai. Bóng tối ập xuống trùm kín quanh mình. Im ắng.



Lão tỉnh dậy giữa bốn bề trắng muốt giường bệnh viện. Hai chân bó bột treo cao khỏi mặt đệm. Mạng sườn dán băng dính chồng đè mấy lớp lên nhau cứng quèo như mặc chiếc áo giáp bó sát. Những vết thương nhức buốt toàn thân khiến lão gần như không còn cảm giác cụ thể về từng thương tích trên người. Cả người lão là một vết thương lớn. Có thể còn hơn thế nữa. Thương tích lan ra cả khoảng không quanh mình. Khi lão cố gắng dịch chuyển cánh tay, cơn đau như cũng đang chờ sẵn ở đâu đó chạm vào nhói buốt. Hay cả thành phố là một vết thương khổng lồ? Lão cô độc nằm trong vết thương ấy. Và cũng chính là thủ phạm. 

Con trai lớn, con rể và con gái thay phiên nhau vào chăm sóc lão. Áo blouse vàng dành cho người nhà bệnh nhân chuyển cho người vào thay. Ba ngày thay một áo mới. Không ở đâu có thứ bệnh viện như ở xứ mình. Phòng bệnh bao giờ cũng ngổn ngang những người nhà bệnh nhân vật vờ đứng ngồi bải hoải như ở chợ người. Họ là địa chỉ để bác sĩ y tá dặn dò và yêu cầu mọi việc. Những việc có liên quan đến chi phí. Họ được bệnh viện cho phép tham gia điều trị. Thay lọ dịch truyền. Bưng bô đổ vịt. Báo cho y tá trực những diễn biến bất thường của bệnh nhân. Đó là đội ngũ y tế bất đắc dĩ không thể thiếu. Toàn dân làm y tế nhưng lại không phải là y tế cộng đồng. Lão nằm viện gần hai tháng. Những kẻ thủ ác tấn công lão người ta không thể tìm ra dù đã được lão gợi ý hướng truy tìm là từ tay chú họ. Công an đành phải tạm kết luận là xích mích bột phát trên vỉa hè dẫn đến đánh nhau gây thương tích. Tai nạn rất khủng khiếp với lão. Nhưng với một thành phố đầy những tai nạn mắt lão trực tiếp nhìn thấy trong bệnh viện thì chẳng thấm tháp gì. Ở phòng cấp cứu chấn thương lúc nào cũng có bóng áo xanh cảnh sát. Đến mức đôi lúc lão đã tưởng rằng có hẳn một đồn công an trong ấy.

*

Bốn mươi năm trước lão rời quân ngũ. Chuyển ngành về làm đội phó đội bảo vệ nhà máy Q con cưng của nền công nghiệp nặng. Lúc ấy ngành công nghiệp nặng nước nhà chủ yếu quan tâm đến vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho bộ đội phục viên, xuất ngũ. Hình như đó mới chính là nhiệm vụ nặng nề nhất? Ai dám bảo bộ đội xuất ngũ không phải là những cỗ máy cái của một nền công nghiệp cơ bắp.

Đội bảo vệ nhàn hạ chỉ có mỗi việc đến thay ca đúng giờ. Trộm cắp ngày ấy chưa chọn những nhà máy lớn làm đích ngắm. Ở đấy không có thứ gì phù hợp với trình độ ăn cắp thủ công vặt vãnh. Thừa thời gian, lão tìm trong thư viện nhà máy những cuốn sách lí luận mang ra đọc. Thực ra lão căn cứ vào độ mới cũ của cuốn sách mà mượn về. Sách kĩ thuật cũ mèm lấm lem dầu mỡ có đọc lão cũng chẳng hiểu gì. Lạ thay, sách lí luận chính trị lão đọc rất vào. Thậm chí thuộc lòng nhiều đoạn. Nó không khác gì so với bài giảng của chính trị viên thời còn trong quân ngũ. Có thể đưa vào trích dẫn trong bản kiểm điểm quá trình công tác cuối năm. Hơn thế, nó còn cho lão biết chính xác về địa vị của mình. Là người chủ thực sự của nhà máy.

Căn nhà mặt phố được họ hàng chia cho lão đã bán đi trong những ngày đói khổ nhất. Cả nhà rút lui vào căn buồng xép đổ nát còn lại. Đi qua con ngõ như một đường mòn bên hông nhà tay chú họ hướng ra mặt phố sau lưng. Chỉ một cái ngoảnh đầu, lão đã thành công dân của phố khác. Chẳng sao cả. Lão đã có kế hoạch lâu dài cho nó. Lão và vợ mỗi ngày đi làm về cố tìm nhặt cho được một viên gạch. Dù lành dù vỡ cũng buộc sau xe đạp chở về. Mười bốn năm liền nhặt và buộc. Căn buồng mười hai mét vuông đổ mái bằng ra đời theo cách ấy. Nhưng vợ lão đã không kịp hưởng thành quả “nhặt buộc” của mình. Bà ấy đã ra đi vì căn bệnh lao lực.

Việc còn lại chỉ là con ngõ. Lão điềm nhiên mang nốt chỗ gạch thừa xây thành bức tường ngăn con ngõ. Dĩ nhiên người chú không chịu. Cho đứa cháu họ đi nhờ qua đất nhà mình cũng là quá quắt lắm rồi. Nhưng người chú chỉ là một tay buôn bán phố phường thấp cổ bé họng. Sau rất nhiều lần hòa giải có chính quyền can thiệp tay ấy cũng phải nhượng bộ cho lão xây thành một con ngõ rộng đúng năm mươi phân. Âm mưu của lão đã thành công. Nhưng người chú cũng lập tức tỏ thái độ dứt khoát về chủ quyền của mình. Xây nới rộng căn nhà đang ở trùm lên con ngõ nhượng bộ. Biến nó thành một đường ống tối đen.

*

Con trai lớn đưa lão về nhà bằng chiếc xe lăn mới cứng. Không thể lách vào con ngõ chật, người con phải cõng bố vào nhà. Chiếc xe lăn may mắn xếp gọn lại được mang vào sau. Nhưng nó cũng không dùng vào việc gì trong căn phòng quá chật chội. Việc của nó chỉ là làm cho căn phòng chật thêm.

Có lẽ bố phải bán căn buồng này đi thôi. Về chỗ con mua thêm căn hộ nữa vẫn còn thừa tiền dưỡng già! Người con bàn với lão.

Ai mua mà bán?

Thì ông Dũng chẳng dạm hỏi mua mấy năm nay rồi còn gì. Ông ấy đã chấp nhận giá gấp đôi ngày trước như bố đề nghị!

Không bán cho thằng cha ấy dù nó có trả bao nhiêu tiền đi nữa!

Mình ăn nói hai lời với họ hàng thế sao được?

Hai lời chứ hai mươi lời mà được việc thì cũng phải nói. Tao không nhiều lời thế thì làm sao có được con ngõ mà đi vào nhà bây giờ!

Bố sai rồi, đất ấy là của người ta. Mình cướp không…!

Cướp là cướp thế nào. Có chính quyền công nhận hẳn hoi. Cũng phải tốn kém khối ra đấy chứ mày tưởng được không à!

Người con im lặng. Lòng nặng trĩu. Không thể nói với lão những điều mình nghĩ. Con đường lão chọn rõ ràng có lúc đã mang lại thành công. Ít nhất thì nó cũng đủ để nuôi sống đàn con ba đứa nên người. Nhưng anh đã tận mắt nhìn thấy con đường của bố dẫn đến tai ương. Và nó vẫn luôn là một tai ương tiềm ẩn. Nó sẽ kết thúc trong tai ương ấy mà không thể thay đổi.

*

Cả ngày lão nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế xếp kê ngay cửa buồng nhìn ra con ngõ. Không có một chút ánh sáng nào từ ngoài ấy rọi vào nữa. Người con trai đã khóa cánh cửa hẹp lại giao một chìa khóa cho cô giúp việc. Cô ấy sẽ đến chăm sóc lão vào những giờ cố định trong ngày. Quãng đường quá xa, anh và các em chỉ đến thăm bố vào cuối tuần. Anh biết chẳng thể làm gì để thay đổi lựa chọn của bố. Chỉ có cách duy nhất là chờ đợi.

Cô giúp việc tên là Mây, dân tỉnh lẻ bỏ chồng lên thành phố. Xấu gái. Hiền lành. Hết lòng tận tụy với lão. Còn hơn cả thỏa thuận ban đầu về giờ giấc và công việc. Với một cô gái quê mùa như Mây việc thuyết phục hứa hẹn không gặp nhiều khó khăn lắm. Cô cũng lờ mờ nhận thấy có một cánh cửa lấp lửng mở ra trước mặt. Đó là ánh mắt trìu mến thiết tha của lão mỗi khi cô đến làm việc. Trong ấy hình như còn có cả nỗi nhớ mong khắc khoải. Là thứ cô chưa từng thấy bao giờ ở anh chồng cục súc. Ánh mắt của hắn luôn làm cô khiếp sợ. Khi hắn đã nhìn đến cô tức là chỉ có mỗi một việc thôi. Lên giường. Hùng hục nghiến ngấu. Quần thảo hàng tiếng đồng hồ. Cô thả lỏng toàn thân rã rời. Cho đến lúc mở mắt ra thì hắn đã há mồm ngáy như lợn say bã rượu.

Công việc nhà lão không có gì nhiều. Buổi sáng cô mua quà sáng ngoài phố mang đến cho lão. Quét dọn phần còn lại của mười hai mét vuông nhà chỉ là lối đi hẹp trong một tầm chổi. Ra chợ gần nhà mua thực phẩm về nấu bữa cơm duy nhất trong ngày. Bữa chiều lão nhóc nhách tự lo. Sức khỏe của lão cũng dần khá lên. Sống trong căn nhà hẹp nhiều năm lão có cách thu xếp gọn gàng trật tự. Thói quen ấy khiến Mây nhiều hôm không có việc gì để làm. Chỉ ngồi trên thành giường cạnh chiếc ghế xếp của lão chuyện trò hết buổi. Lão lân la biết về hoàn cảnh của cô. Dịu dàng khuyên bảo,

Ra phố tìm lấy một đám nào đó mà sống, có cần gì thì tôi sẽ giúp!

Cháu một thân một mình ở trọ bờ sông không dám mong thế đâu!

Sao không mang đồ đạc đến đây mà ở, nhà tôi trước đây năm con người còn sống được!

Lão coi như lời nói của mình đã là một quyết định không bàn cãi. Với sang cầm lấy bàn tay thô ráp của cô lão rút trong túi quần ra một tệp tiền đặt vào,

Từ nay cô quản lí tiền chợ búa chi tiêu trong nhà. Hết thì bảo tôi đưa thêm!

Ánh mắt cô sáng lên hi vọng.

Đêm đầu tiên ngủ lại nhà lão, cô thao thức trên chiếc ghế xếp tròng trành lão vẫn ngồi ban ngày. Gió mùa đông bắc thổi qua cái lỗ cánh cửa đầu con ngõ như chiếc máy hút toàn bộ hơi lạnh phố phường vào nhà. Lão lẫm chẫm dò ra khép chặt cánh kính phía trên phần chấn song bộ cửa đi mọi ngày vẫn mở hé. Dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn ngủ trên đầu giường, gương mặt Mây thao thức hiện ra. Lão chầm chậm đặt một bàn tay lên má cô thầm thì,

Lên giường tôi nằm cho đỡ lạnh!

Cái nhíu mắt dịu dàng của cô dẫn đường cho lão tiếp tục những cử chỉ thân mật. Tấm chăn được giở lên. Bầu ngực sóng sánh không mặc áo lót của cô lồ lộ dưới lần vải dệt kim mềm. Thứ trang phục các nữ ca sĩ hay mặc trên TV ấy luôn làm lão nôn nao tưởng tượng. Lão chạm tay vào. Cô hơi co người đồng lõa. Hơi thở gấp gáp của cô khiến lão không còn ái ngại gì nữa. Bàn tay lão nhanh dần trên hai bầu vú nóng. Luồn xuống dưới lần vải áo mềm và ấm. Lão đỡ cô từ từ ngồi dậy. Chẳng mất chút sức lực nào cả. Như phù thủy điều khiển âm binh vô tri giác. Cô líu ríu theo lão lên giường. Lần đầu tiên trong đời cô được đối xử như một bạn tình mà không phải là một cỗ máy dạng chân. Với thằng chồng cục cằn nhiều lúc cô cảm thấy mình chỉ như một lỗ thủng trống hoác vô tăm tích.

*

Hai năm sau, cái phần bừng cháy năng lượng trong con người lão Đạt đã bắt đầu uể oải. Lão gọi con trai đến nhân một hôm Mây về quê thăm con. Lấy tấm sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cất kĩ trong đáy tủ đưa cho anh. Lẩm nhẩm dặn dò rất lâu. Cứ thế…cứ thế nhé!

Buổi sáng Mây từ quê lên, lão bảo cô đưa ra ngân hàng rút nốt số tiền năm mươi triệu trong sổ tiết kiệm. Lão mang về nhà giao cho cô cùng với một tờ di chúc đánh máy vi tính trang trọng có chữ kí loằn ngoằn của lão bên dưới. Nội dung là để lại căn buồng cho cô sử dụng. Lại ghi rõ cả việc con ngõ là sở hữu riêng thuộc về căn buồng. Cô mừng chảy nước mắt.  

Sức khỏe của lão vẫn ngày một sa sút. Các bác sĩ đến thăm khám không tìm ra bệnh gì. Chỉ kết luận chung chung là suy nhược cơ thể. Dĩ nhiên nguyên nhân chỉ mình lão biết. Con cháu mua về những thuốc bổ đông tây y tốt nhất cũng không vực dậy được. Lão ra đi vào một buổi chiều chớm rét. Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau ở Nhà tang lễ thành phố. Một mình Mây khóc thay cho cả nhà.

Sau đám ma, cô mang tiền về quê lo xây lại căn nhà gạch cho mẹ. Phải ở nhà hơn một tháng trời. Lúc trở lại thành phố, cảnh vật nơi căn buồng nhỏ và con ngõ đã không còn nữa. Cánh cửa vào ngõ đã được xây tường bịt kín lăn sơn cùng màu với nhà tay Dũng chú họ lão Đạt. Quá đỗi kinh ngạc, cô bước vào bên trong cửa hàng bánh kẹo nhà Dũng nhìn sang con ngõ nhỏ mọi ngày. Không còn một con ngõ nào cả. Bức tường ngăn ngõ được đập ra thông thống chất đầy hộp bánh kẹo sau lưng quầy bán hàng. Tất cả được sơn mới như nó vốn thế. Chỉ còn lại một ô cửa nhỏ mở vào căn buồng. Trong ấy cũng là một nhà kho chất đầy hộp bánh sặc sỡ. Không còn dấu vết gì của nơi cô từng sống hơn hai năm trời. Chạy phăm phăm về phía mấy nhân viên bán hàng, cô nói như quát,

Ai cho mọi người vô cớ chiếm nhà của tôi?

Dũng từ trên cầu thang đủng đỉnh đi xuống,

Bình tĩnh nào, làm gì có ai chiếm nhà của cô!

Gã đưa cho cô xem bản hợp đồng mua bán nhà. Người bán là con trai lão Đạt và người mua là Trần Văn Dũng. Có dấu công chứng hẳn hoi. Kèm theo nó là bản sao sổ đỏ. Uất ức, cô lục tìm trong túi xách tờ giấy di chúc của lão chìa ra,

Tôi sẽ kiện, mọi người không thể cướp nhà tôi như thế được!

Dũng liếc mắt nhìn qua tờ giấy cô cầm trên tay nham hiểm cười,

Cô nhặt được thứ giấy tờ vớ vẩn này ở đâu thế? Gã gọi đám người làm mang ra từ buồng trong hai chiếc bao tải căng phồng,

Tất cả của cô đây, tôi phải giữ hộ lâu quá rồi!

*

Chẳng có một vụ kiện nào xảy ra khi cô đem tờ di chúc đi xin tư vấn ở các văn phòng luật sư. Vài chỗ cô đến cũng có câu hỏi tựa như Dũng. Họ nghi ngờ về tờ giấy không dấu má có thể in ra ở bất kì cửa hàng đánh máy vi tính nào trong phố. Rất lạ, con ngõ tối tăm và căn buồng hẹp đã từng là hi vọng của nhiều người. Lão Đạt hi vọng chiếm được nó làm của riêng. Dũng muốn mua lại phần đất của chính mình bị chiếm đoạt. Con lão Đạt hi vọng có một khoản tiền lớn. Mây hi vọng nó là tài sản đầu tiên của mình ở thành phố sau hơn hai năm tận tụy. Thành phố cũng hi vọng bớt đi được một vết thương rách nát trong hàng nghìn vết thương chia cắt đất đai nhà cửa. Mọi hi vọng đều đã thành sự thật. Trừ niềm hi vọng của Mây. Nhưng con ngõ mất đi cũng có nghĩa là chẳng còn niềm hi vọng nào cả.


Đ.P - Tháng 8-2013

 

Tranh: Đỗ Phấn

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook