CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

ĐÈN DẦU

Thứ sáu ngày 13 tháng 9 năm 2013 12:00 AM

Tìm theo dấu vết khảo cổ thì thấy chiếc đèn dầu có mặt ở Việt Nam từ thời văn hóa Phùng Nguyên hậu kỳ đồ đá mới. Khoảng 2000 đến 1500 năm trước công nguyên. Nó là một chiếc đĩa gốm nhỏ sâu lòng có ụ nổi ở giữa. Người ta sẽ đổ dầu thực vật vào đấy. Thả một ngọn bấc bện bằng sợi gai vào đấy. Khêu lên. Châm lửa. Ngọn lửa ấy cháy cho đến tận giữa thế kỷ XX. Câu Kiều thứ 251 của Nguyễn Du “Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao” là nói về chiếc đèn này. Ký sự “Tàn đèn dầu lạc” của Nguyễn Tuân viết năm 1941 là nói về chiếc đèn này. Người Việt có tục ngữ “Hao dầu tốn bấc” để nói về những tốn kém vô tích sự. Quan họ cổ Bắc Ninh có bài “Sầu về” với lời ca “Buôn bấc cũng có a bán dầu, buôn nhiễu có a đội đầu, buôn nhẫn có là lồng tay chứ em sầu về…” để nói về nỗi nhớ nhung li biệt dù năm nào cũng gặp nhau ít nhất một mùa hội.

Cuối thế kỷ XIX hãng Shell của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở xứ Đông Dương. Họ phát không những chiếc đèn dầu cho người mua dầu sử dụng. Từ đó thành tên gọi là đèn Hoa Kỳ. Có bầu đựng dầu bằng đồng. Bấc máy có thể điều chỉnh ngọn lửa bằng tai vặn. Thông phong bằng thủy tinh chắn gió. Người Việt ở phường Hàng Thiếc-Hà Nội còn sản xuất loại đèn này cho đến tận những năm 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên từ trước đấy nửa thế kỷ họ đã cải tiến chiếc đèn trở nên rất đơn giản rẻ tiền. Có thể dùng sắt tây cắt từ ống bơ sữa bò ra làm bầu đèn. Thủy tinh tái chế thổi thủ công đầy bọt làm thông phong. Người miền Bắc kể cả dân Hà Nội dùng đèn dầu cho đến tận những năm 90 mới thôi. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” là thành ngữ cổ nói lên độ quan trọng của chiếc đèn dầu từ xa xưa.

Thời chiến tranh sơ tán dĩ nhiên dụng cụ thắp sáng duy nhất chỉ là đèn dầu. Có thêm chiếc đèn bão nhập từ Trung Quốc đúc nổi chữ Made in China trên vai bóng thủy tinh kẹp trong đai sắt. Bạn tôi ngồi học bài buổi tối bên chiếc đèn ấy ngủ gật chạm má vào bóng đèn bị bỏng. Khi tháo băng ra vẫn còn nguyên hàng sẹo chữ Made in China ngược. Nhưng đứa nào cũng đọc được. Rất ngượng. Mùa hè vẫn phải đội mũ bịt tai. Đèn Măng-sông (Manchon) đốt dầu hỏa lúc này cũng có nhưng dùng rất phiền bởi cứ phải thay “mạng” và thông “bép” liên tục. Chỉ những hội nghị đông người mới dùng đến và cũng khá tốn dầu. Trẻ con đi học ở nông thôn tự chế ra những chiếc đèn dầu nhỏ gọn có “bóng” thẳng bằng ống thủy tinh thắp lên sáng trắng.

Tôi có căn nhà riêng vào năm 1984. Rộng 9 mét vuông. Mái tôn thấp cuốn vòm như hầm De Castries ở cuối đường Mai Hắc Đế. Nhà không ra nhà nhưng thủ tục nhập trạch vẫn phải đầy đủ. Một mâm cúng xôi gà hoa quả vàng mã. Một chiếc bếp dầu. Một túi gạo, lọ muối, thùng nước. Và mua một chiếc đèn dầu sắt tây thắp sáng lên đặt trên bàn thờ mới. Thực ra thì đến lúc ấy cũng vẫn phải thắp đèn dầu thường xuyên những hôm mất điện. Chiếc đèn dầu ấy còn theo tôi bốn lần chuyển nhà nữa.

Xã hội văn minh lên, đèn dầu lùi vào bóng tối. Chùa chiền miếu mạo bây giờ dùng nến “điện” trên ban thờ thay cho đèn dầu dù vẫn gọi tiền dâng cúng là “tiền dầu đèn”. Giờ thì người ta bật đèn điện lên soi sáng để chiêm ngưỡng những chiếc đèn dầu một thời chưa xa đã thành cổ vật. Đèn dầu đã quay trọn một chu kì kể từ khi Thomas Edison dùng nó để phát minh ra bóng đèn điện. Ngắm những bộ sưu tập đèn dầu cổ giờ đây thấy từng bước tiến chậm rãi vững vàng của nhân loại ra khỏi vùng bóng tối. Chỉ có chiếc đèn sắt tây xấu xí những năm chiến tranh là một bước lùi duy nhất. 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook