CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

Những đứa trẻ gầy gò da vàng

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 7:00 PM

Dịch giả Trần Văn Công, Phó chủ nhiệm kiêm giảng viên khoa tiếng Pháp trường Đại học Hà Nội, hiện đang hoàn thành luận án Tiến sĩ Văn học tại Bỉ. Có thể gọi anh là nhà "DURAS học" bởi anh đã dành phần lớn nhiệt thành tuổi trẻ của mình cho công trình nghiên cứu văn chương và cuộc đời bà. Bản dịch đăng nhân chuyến đi sắp tới về quê nội của Marguerite Duras gần thành phố Bordeaux nước Pháp, nơi anh được mời thuyết trình về chủ đề loạn luân trong tác phẩm của bà.

Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Sorcières vào năm 1976.

Năm 1981, NXB Albin Michel in trong cuốn Outside và  được tái bản năm 1884 bởi P.O.L.

Bài viết hé mở tấm màn bí mật về thời niên thiếu của Marguerite Duras tại Đông Dương và đặc biệt là mối tình vô biên dành cho người anh thứ của bà.


… Chính khi mẹ ngủ trưa là lúc chúng tôi ăn trộm xoài. Với bà, trái xoài, một số trái xoài – quá xanh – có thể gây chết người : bên trong cái hột to bẹt đôi khi có một con vật màu đen mà ta có thể nuốt phải, và khi đã bị nuốt, nó sẽ ở lại trong bụng và gặm nhấm từ bên trong. Mẹ, bà gieo nỗi sợ, và chúng tôi tin lời bà. Cha mất rồi, và nghèo khó, và ba đứa trẻ này mà bà phải cố “ nuôi dạy” : đó là bà hoàng, người cung cấp đồ ăn, tình yêu, không cãi được bà. Nhưng về những trái xoài thì không, bà kém uy quyền hơn, và chúng tôi không vâng lời bà, và sau giấc ngủ trưa, thấy chúng tôi nhớp nháp nước xoài, bà đánh chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Chúng tôi vẫn luôn chứng nào tật ấy. Con trai cả đang ở châu Âu, chúng tôi, hai đứa bé nhất, bà giữ chúng tôi lại. Anh trai tôi và tôi là những đứa trẻ gày gò, những đứa trẻ thuộc địa da vàng hơn trắng. Không thể tách rời. Chúng tôi cùng ăn đòn : lũ ranh An-nam-mít bẩn thỉu, bà nói. Còn bà, bà là người Pháp, bà không sinh ra ở đấy. Chắc khi đó tôi lên tám. Buổi tối, tôi nhìn bà, trong buồng, bà mặc áo ngủ, bà đi lại trong nhà; tôi nhìn cổ tay, cổ chân, tôi không nói gì hết, rằng nó quá thô, rằng nó khác, tôi thấy bà khác lắm: nặng cân hơn, thô hơn, và cả màu da thịt hồng hồng nữa. 

Người thân thích duy nhất của tôi : người anh nhỏ nhanh nhẹn, thật mảnh khảnh, mắt xếch, điên khùng, lặng lẽ này, sáu tuổi anh đã trèo lên những cây xoài khổng lồ và mười bốn tuổi đã giết được những con báo đen trên các triền sông bên dãy núi Voi. Đứa trẻ, biết bao là yêu thương. Biết bao yêu thương dành cho anh, người anh nhỏ đã mất. Không, bà thấy ăn xoài chẳng ngon lành gì. Còn chúng tôi, lũ khỉ con gầy gò, trong lúc bà ngủ, trong sự tĩnh lặng của những giấc ngủ trưa, chúng tôi ních đầy bụng một giống nòi khác với giống nòi bà, bà, mẹ chúng tôi. Cứ như thế, chúng mình thành người An-na-mit, anh và em. Bà thất vọng vì không thể bắt chúng tôi ăn bánh mì. Chúng tôi chỉ thích cơm. Chúng tôi nói tiếng nước ngoài. Chúng tôi đi chân đất. Bà, bà đã quá già, bà không thể nhập tâm tiếng nước ngoài được nữa. Chúng tôi, thậm chí chúng tôi cũng chẳng học thứ tiếng đó. Bà, đi giày. Và bà, một lần, bà bị say nắng vì bà không đội mũ và bà mê sảng, bà hét toáng lên rằng bà muốn quay trở về phương Bắc, về với lúa mì, với sữa tươi, với giá rét, về với gia đình nông dân kia, về với Frévent, vùng Pas-de-Calais mà bà đã rời bỏ. Còn chúng mình, anh và em, trong bóng tối chập choạng nơi phòng ăn kiểu thuộc địa, chúng mình nhìn mẹ kêu gào và khóc lóc, tấm thân thô kệch hồng hồng đo đỏ, sức khỏe đo đỏ này, mẹ của chúng tôi trông thế nào nhỉ, sao lại có thể thế được nhỉ, mẹ của chúng tôi, chúng tôi gày gò đến thế, da vàng, nắng không biết tới, chúng tôi, những người Do Thái? Tôi còn nhớ, cơn say nắng ở Phnom Penh. Tôi nhìn người đàn bà hai lần lạ lùng, hai lần xa lạ này. Kỷ niệm rất rõ ràng, chắc chắn mang tính quyết định : vâng nhưng câu hỏi ngấm vào thân và chảy trong máu. Với lại, nó sẽ trở thành thứ ngoại biên. Sau này, khi chúng tôi mười lăm tuổi, người ta hỏi chúng tôi: các cháu có đúng là con của bố các cháu không? Hãy nhìn lại mình xem, các cháu là con lai. Không bao giờ chúng tôi đáp lại. Không sao hết: chúng tôi biết rằng mẹ tôi chung thủy và sự lai chủng này từ nơi khác đến. Cái nơi khác đó là vô tận. Không thể nói lên được rằng chúng tôi thuộc về mảnh đất của những trái xoài, về dòng nước đen miền Nam, về những đồng lúa, đó chỉ là tiểu tiết. Chúng tôi biết thế. Chúng tôi gắn lấy nhau trong sâu thẳm lặng câm của tuổi thơ, sự sâu thẳm ở đây tất nhiên được nhân đôi bởi sự ngạc nhiên của những người khác đang nhìn chúng tôi. 

Sau đó, khi chúng tôi lớn hơn, người ta bảo chúng tôi: suy nghĩ kỹ đi, nhớ kỹ đi, có bao giờ mẹ các cháu nói bố các cháu ở đâu khi bà ấy mang bầu các cháu không? Chẳng phải ông ấy đang chữa bệnh ở Plombières bên Pháp hay sao? Chẳng bao giờ chúng tôi suy nghĩ: chúng tôi biết rằng mẹ đã chung thủy với bố, rằng vấn đề là ở chỗ khác không thể nói ra với họ được. Tôi còn biết điều này: tôi  không biết gì hết. Người ta bảo chúng tôi: liệu cái đó có phải do thức ăn và ánh nắng không? Thức ăn làm da ngả vàng, ánh nắng làm xếch đôi mắt? Không, các nhà thông thái đã tuyên bố chính thức: không có chuyện đó, những người am hiểu trả lời. Chúng tôi, c húng tôi không tự hỏi gì hết. Như hồi lên sáu, chúng tôi chẳng nhìn lại mình : chúng tôi cùng là một cơ thể xa lạ, bên nhau, hàn chặt, làm từ lúa gạo, từ những trái xoài không vâng lời, từ những con cá sống trong bùn, từ những thứ dơ dáy thổ tả mà bà cấm đoán. Điều duy nhất rõ ràng, hiển nhiên: chúng tôi không phải là những đứa con bà muốn. Một hôm, bà bảo chúng tôi: mẹ đã mua táo, trái cây Pháp, các con là người Pháp, cần phải ăn táo. Chúng tôi ăn thử, chúng tôi nhổ ra. Bà hét toáng lên. Chúng tôi bảo rằng chúng tôi bị nghẹn, rằng đó là coton, rằng nó không có nước, rằng không nuốt nổi. Bà bỏ cuộc. Thịt thà, chúng  tôi cũng nhè ra, chúng tôi chỉ thích cá nước ngọt kho nước mắm. Chúng tôi chỉ thích cơm, vị nhạt tuyệt diệu có hương thơm phảng phất của gạo lứt, những  bát cháo hoa của những người bán rong vùng châu thổ sông Mékong. Đêm đến, khi qua phà, mẹ mua cho chúng tôi những bát cháo vịt này. Trên thuyền tam bản, lửa than củi dưới những chiếc nồi sành. Cả khúc sông ngào ngạt mùi lửa và rau thơm đang sôi. Lo lắng, mẹ nhắc chúng tôi rằng ở Vĩnh Long, tuần trước đó, cả một phố có trạm lính canh bị mắc bệnh tả, rằng phố đó bị phong tỏa, rằng các phòng cách ly chật kín… Chúng tôi, chúng tôi cứ ngốn, điếc, tách rời.

Trần Văn Công dịch


Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook