CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tư liệu nghiên cứu thơ Mai Văn Phấn

MAI VĂN PHẤN VÀ THI PHÁP MỘNG DU XUYÊN THẾ GIỚI

Thứ năm ngày 16 tháng 5 năm 2013 12:00 AM
Lấy đích một đám mây bay
bí hiểm tựa văn bản mập mờ ký tự
(SEN - MVP)

Trong những năm gần đây, cái tên Mai Văn Phấn thu hút sự chú ý đặc biệt của những ai thực sự quan tâm đến hành trình đổi mới thi ca Việt, vì trong bối cảnh giải thiêng của mỹ học hậu hiện đại thời thượng, anh vẫn quyết liệt săn tìm cái mới trong những cõi thiêng. Coi cái mới và thi ca như một ngôi đền, Mai Văn Phấn khước từ sự sàm sỡ của văn hóa quảng trường để đòi hỏi một nghi lễ cho sự đối mặt cùng cái mới. Anh muốn những ai bước vào thế giới thơ anh cần tuân thủ những quy ước, những luật chơi.

Có những bài thơ của Mai Văn Phấn như khu vườn tôn giáo, ta có thể bước vào và sững sờ chiêm ngưỡng màu tím của bằng lăng trong ánh sáng vĩnh cửu của Tagore. Nhưng có những bài thơ như ngôi nhà bốn phía không có cửa, ta phải bỏ đi với một ấn tượng băn khoăn về một cái gì bí ẩn, khả nghi. Và cũng có những bài thơ  thoạt tiên ta không thấy lối vào, nhưng kiên nhẫn đi dạo vòng quanh ta chợt thấy cánh cửa cho phép người đọc xâm nhập vào không gian của những bí tích lạnh lùng thời hiện đại, những ẩn ngôn tinh tế và sàm sỡ của tan rã, hư vô. Vậy luật chơi, quy ước và nghi lễ ở đây không áp dụng như nhau với mọi bài thơ. Song, người viết bài này vẫn mong chia sẻ những cảm nhận ban đầu về một cái mã chung của nhiều bài thơ, phác họa những đặc điểm thi pháp của thơ Mai Văn Phấn.

 Vũ trụ, giấc mơ và phép lạ tâm linh

Đọc thơ Mai Văn Phấn, không ai có thể nghi ngờ băn khoăn về chỗ đứng của thi nhân trong cuộc đời này. Những bài thơ về thiên nhiên giai đoạn đầu tiên ta thấy rõ cái thái độ tự tin trụ vững trong thực tại để hà hơi tiếp sức phục sinh cho từng ngọn cỏ non. Một cảm thức trần gian mặc định, tin cậy và hy vọng ở trần gian, đối mặt với đổ vỡ úa tàn và nguy cơ giải mộng để vực dậy cái thực tại héo úa, truyền cho nó một sinh khí mới.

Ta về đổ bóng xuống vườn
Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng
Ghé môi vào miệng thời gian
Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non
(Tản mạn về cỏ)

Sẵn sàng dâng hơi thở làm đất cho cỏ mọc, nhưng Mai Văn Phấn không phải là thi sỹ quẩn quanh với mảnh vườn quê. Anh là kẻ thích một mình lông bông trong vũ trụ: “Mình anh gió hú dọc sông Ngân Hà”. Khác với chất thiền bàng bạc nồng nàn trong thơ Đồng Đức Bốn, chất vũ trụ trong thơ Mai Văn Phấn hiện ra như những hình ảnh trong kính thiên văn, ánh lên thứ cầu vồng quang phổ của khoa học lạnh lùng, kỳ vĩ và tỉnh táo. Nhà thơ đối mặt nhìn rõ từng cấu trúc, từng nhịp điệu, từng hiện trạng chính xác đến nghiệt ngã.   

Tàn mùa chiếc lá lia qua
Cho cô đơn ấy xẻ ra mấy phần
Sáng thì làm trăng thượng tuần
Lu thì ghép với mấy lần cong vênh
(Một mình)

Không phải chiếc lá đỏ lá vàng mơ hồ hư ảo và thi vị như vẫn thấy trong thơ xưa nay, mà là chiếc lá lúc tàn mùa. Nó không đưa đến hay thức dậy những nỗi đau mơ hồ, mà gây ra một vết thương hình sự khi xẻ cô đơn làm mấy phần. Hành tung người yêu, cảnh ngộ cô đơn, nỗi đau tàn úa được nhà thơ mô tả rạch ròi, cụ thể y như một biên bản của vụ án hình sự vậy! Nhìn thẳng vào những vết thương của thế giới, của tâm hồn và của tình yêu, soi chiếu nó trong những ánh sáng chói gắt để nhận diện, để chia sẻ và chữa trị là thái độ thi ca mạnh mẽ của nhà thơ.

Tư tưởng nghệ thuật hướng tới điều kỳ diệu của cuộc sống, tâm hồn và vũ trụ hiện rõ trong thơ Mai Văn Phấn là cội nguồn của một thi pháp mang hơi hướng khải huyền. Một số bài thơ ngắn hay mang hơi hướng sấm truyền, mặc khải của Kinh Vệ đà, kinh Dịch, mỗi câu mỗi đoạn mang cái lấp lửng bí ẩn khó hiểu của những trực chỉ bật ra từ vô thức với những cấu trúc độc đáo pha trộn đầy ngẫu nhiên chất liệu tự nhiên xã hội với khẩu khí tiên tri. Nhưng đó là những khải huyền thế tục, cháy bỏng, tơ vương với bộn bề những day dứt ngổn ngang và âu lo nhân thế, đem đến cho không ít câu thơ đoạn thơ của Phấn chiều sâu của cảm thức vĩnh hằng.

Đọc những bài thơ lục bát giai đoạn đầu của Mai Văn Phấn có cảm giác lúc nào thi nhân cũng một mình đối diện cùng thế giới, độc chiếm thế giới, đối mặt trước thế giới để nghiền ngẫm và suy tưởng. Nhiều khi nhà thơ nhìn đăm đăm vào thế giới không người như họa sỹ đối diện với tấm toan để cắt xẻ mình dán lên đó những bức tranh hoang dã và siêu thực. Mai Văn Phấn cắt xẻ tâm hồn, cảm xúc để soi lên kính quang phổ, dán lên cây, lên lá, lên giọt mưa, ngọn gió… để ngắm nghía, muốn hòa tan mình vào thế giới. Đây không phải là trò chơi nghệ thuật hành xác. Nó là một cái gì như là Đạo. Giống như Võ sĩ đạo tuốt gươm mổ bụng mình để bảo tồn danh dự, Mai Văn Phấn cũng thường xuyên rút thanh gươm liên tưởng thi ca để cắt xé mình bảo tồn danh dự thi ca trước một thế gian suy đồi, nham nhở. Dường như chỉ nỗi đau, niềm khát khao run rẩy mà Mai Văn Phấn dán lên mới làm cho cái thế giới lạnh lùng, câm lặng và vô cảm ấy ấm áp hơn một chút. Và, có lẽ vì thế, một trong những liên tưởng nhân văn nhất của Mai Văn Phấn là liên tưởng về những hành vi chăm sóc giấc mơ.

Giấc mơ là một hình ảnh quá mòn, nhưng luôn ám ảnh trong thơ Mai Văn Phấn. Anh đã làm mới hình tượng giấc mơ, nâng nó lên tầm triết học và biến nó thành một sân chơi kỳ ảo của cõi nhân văn. Hơn một lần thi nhân nhìn xuyên qua giấc mơ và chữa trị giấc mơ bằng phép lạ của tình thương. Thả cánh bướm và giấc mộng của con, kéo con thuyền chìm trong giấc mộng người yêu, Mai Văn Phấn cùng lúc nhìn xuyên thấu cõi mộng và chuyển dịch tình yêu của cõi thực vào cõi mộng! Chữa trị giấc mơ là một hành vi thi ca độc đáo phát lộ một tình cảm nhân văn tinh tế trong liệu pháp thi ca.

Nếu như Nguyễn Thúy Hằng, như một Andersen của thời đại @, đã viết lên cổ tích thời hiện đại về những đồ vật tầm thường cụ thể như chiếc nắp cống, lò vi sóng v.v… thì Mai Văn Phấn lại viết những huyền thoại mini về phép lạ trong cuộc sống hàng ngày, khi những cử chỉ, tiếng nói, lời ca nhẹ nhàng tinh tế đã tạo nên những đổi thay có tầm huyền thoại. Một tiếng hát có thể làm sống dậy ký ức tuổi thơ, làm bóng của đôi tình nhân càng ngày càng bé lại. Những giải pháp tâm linh cho cuộc sống đã đem đến cho thơ những diễn biến đầy tính huyền thoại:

“Chỉ khi một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của hạt mưa xuân, mọi trật tự quan niệm sẽ khác.

Vội ve vuốt một mầm cây vừa mọc dưới chân và tưởng tượng ra mùi hoa trái dâng lên trong một khung cảnh mới. Đứng lên ta hiểu mình vừa xua đi một nỗi kinh hoàng”. (Giải pháp).

Giải pháp tâm linh mới huyền diệu làm sao! Để xuyên thủng thế giới cũ và làm sạch tâm hồn bị nhiễm độc, người ta đâu cần những công cụ hoành tráng, những chương trình phức tạp hay những hành động chiến tranh cải tạo dữ dội. Chỉ cần những cánh chim, những ngôi sao tình cờ lướt qua cũng có thể làm cho thế giới và con người bừng tỉnh và đốn ngộ. Chỉ cần biết nâng niu sự sống và biết hình dung ra một thế giới mới là con người có thể rũ sạch những kinh hoàng!

Thi pháp mộng du xuyên thế giới

Cảm hứng về một thế giới vô thường biến ảo và cảm hứng về sự hoà trộn thẩm thấu liên thông của các sinh thể, vật thể trong vũ trụ theo quan niệm Phật giáo đã xâm nhập vào sáng tác của nhiều nhà thơ xưa nay. Trong tập thơ cách tân táo bạo “Thời hôm nay khoái cảm điên rồ và hợp lý” của Nguyễn Thuý Hằng, những lò vi sóng, đàn bò, nắp cống, tượng sắt và xác chết… đều được nối kết, hoà trộn, chồng kề, hóa thân và tan biến vào nhau nhờ phép lạ của cái nhìn hoạ sĩ. Với Mai Văn Phấn, việc kết nối các mảnh vụn của thiên nhiên và đời sống với nhau và với tâm cảm của mình mang tính chất những bước nhảy thoát xác hóa thân vượt lên trên cái thân xác hữu hạn đớn đau và cái thế gian vô thường lầm lụi để  triển khai một hành trình mộng du thi ca mang ý thức luân hồi. Một bông lau, một giọt sương hay một chiếc lá rơi  non nớt và bất định cũng được  nhà thơ đặt vào tọa độ vũ trụ để soi chiếu cho ánh lên quang phổ thi ca lộng lẫy và huyền ảo, nhuốm màu sắc tâm linh. Cắt xẻ thực tại, dán từng mảnh tâm hồn tâm tưởng lên những hình tướng thiên nhiên, soi rọi ánh sáng tâm linh vào đó để tạo nên cầu vồng hình tượng. Không phải là cảm hứng, là suy tưởng theo logic và cảm xúc thông thường, thơ Mai Văn Phấn là những liên tưởng xuyên thế giới trong tư cách những cuộc mộng du thi ca xuyên hình tướng, để từng bước  phóng chiếu cõi thực vào cõi không, cõi mộng và cõi ảo.  Những bài hay nhất của anh đã thể hiện cuộc luân hồi thi ca và tái sinh  thi ca trong cõi vô thường tam thiên thế giới của nhãn quan Phật giáo thấm sâu vào cảm xúc của thi nhân. Giống như các nhân vật trong quảng cáo bột giặt lặn sâu vào từng thớ vải để đi đến những xứ sở diệu kỳ lộng lẫy hào quang, Nàng Thơ của Mai Văn Phấn cũng không chịu ngồi yên trong một tọa độ thi ca, mà luôn luôn cưỡi con ngựa liên tưởng bất kham để thực hiện những cuộc phiêu lưu xuyên thế giới, làm nên thi pháp lập lờ biến hình ảo thuật của những đám mây.

Mai Văn Phấn thường phát triển những liên tưởng của mình một cách ngẫu hứng lan man, gây cảm giác bí hiểm, rối rắm và hỗn loạn. Nhưng cái cách nhà thơ triển khai một tứ thơ như thế giống như việc dùng mây trời biến ảo phù du để ký thác những ảnh hình thế tục. Không đóng chốt vào đầu độc giả những hình ảnh, triết lý hay thông điệp, Mai Văn Phấn chỉ làm một thầy phủ thủy thả ra những đám mây hình tượng biến ảo để thức dậy trong người đọc những liên tưởng đa chiều, những đối thoại miên man, những cú sốc thẩm mỹ mini gây thành chuỗi ngạc nhiên tinh tế. Cần phải học cách trẻ con nhìn mây để đọc thơ anh. Tùy theo góc nhìn và trí tưởng tượng của mình mà người đọc nhìn ra trong những đám mây hình tượng phù du lang thang trên bầu trời thi ca những gương mặt chập chờn, những bầu ngực lấp ló gợi tình hay những vị thần uy nghi trong hào quang lộng lẫy. Thi pháp đám mây biến ảo xuyên thế giới tạo cho bài thơ một khả năng biến ảo, bùng nổ và bứt phá. Ta vừa thấy đám mây mang hình tuấn mã tung bờm trong nắng sớm, thoắt một cái trước mắt ta lại hiện lên hình đôi trái gái ái ân trên thảm cỏ đêm hoang dại và tinh khiết. Không có logic tư tưởng nào nối kết chuỗi hình tượng đó, chỉ có một từ trường thi ca thống nhất hút các mảnh liên tưởng khi thì ngẫu nhiên, khi thì phiêu lưu bạt mạng vào một dòng chảy huy hoàng của cuộc mộng du.

“Công bằng là trời xanh, oan khuất đến như mây!” Câu thơ vu vơ trong bài Lời người trồng hoa đã vô tình phát lộ định nghĩa về thi pháp đám mây trôi. Lẽ công bằng của trời xanh là ở chỗ trời xanh trong thơ Phấn có thể là sân chơi của tất cả những hình tượng trần thế hay siêu thoát, hiện thực hay mơ ước, già cỗi ác độc hay tinh khiết ngây thơ. Và oan khuất của mây là: sự vô thường biến ảo trong thi pháp đã khiến đám mây hình tượng của nhà thơ trở nên đàng điếm, bất trắc và khó hiểu khiến người ta có thể vu cho nó sự tầm thường hèn hạ, cũng có thể ban cho nó sự  siêu việt, cao sang. Nhưng sự oan khuất này là định mệnh thi ca của Phấn, là cái mới mà Phấn đã tự tin thể nghiệm qua rất nhiều rụt rè mò mẫm, là bằng chứng về đức hạnh thi ca trong bối cảnh cái nghi án về tội lỗi của thái độ rạch ròi trong thi ca quá khứ còn lơ lửng trên đầu.

Thoát xác, hóa thân để thiết lập trật tự thi ca mới

Những sự mơ hồ biến ảo phù du trong những đám mây hình tượng của Mai Văn Phấn ở những tác phẩm chín muồi sự cách tân không phải ngẫu nhiên ăn may mà có ngữ pháp. Những đám mây phù du này có phần giống như các bức tranh vẽ theo lối nước đôi chập chờn giữa biểu hình và trừu tượng, ở đó, họa sỹ đã lược bớt chi tiết và hình khối để tạo thêm những khoảng trống, những giao thoa và những lan tỏa sang nhau nhằm biểu hiện chiều kích của hỗn độn và hư không theo cảm quan thẩm mỹ Á Đông. Nhưng, giải mã ngữ pháp những đám mây hình tượng trong thơ Mai Văn Phấn có thể thấy những nguyên tắc thi pháp trong chiều sâu tư duy sáng tạo định hướng sự liên tưởng của anh. Đó là cảm hứng thẩm mỹ về vũ trụ, cảm hứng nhân văn xuyên thế giới và cảm hứng thoát xác để mộng du trong thế giới vô lượng kiếp của thi ca.

Thi pháp đám mây bay lang thang xuyên thế giới tạo ra sự ú tim chập chờn, biến ảo, ẩn hiện khôn lường. Hình tượng bất ngờ hiện lên trong tâm hồn người đọc một cách ấn tượng, ám ảnh, nhưng có thể chỉ sau một liên tưởng nó thoắt chuyển thành một vật thể khác, trong một tọa độ không gian thời gian văn hóa tâm linh khác.

Ta ngồi nhập định cùng hoa
Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm
Cầm tay gió dắt vào đêm
Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời!
(Qua hoàng hôn)

Trong khoảng khắc, nhà thơ có thể giã từ kiếp người, để quên hồn xanh nhân thế ở cuối trời để đi đến kiếp chuông, hóa thân vào tiếng chuông cho gió dắt vào đêm! Thật là những liên tưởng độc đáo và táo bạo nhưng không hề giả tạo. Những liên tưởng kiểu này bắt nguồn từ cảm hứng về sự thoát xác và khát vọng mộng du xuất hiện thường xuyên trong thơ Mai Văn Phấn. Anh đã hóa thân vào giọt nước, vòm cây, cánh chim, cái kén, ngọn gió, mũi kim… bằng những bước nhảy thi ca kinh dị xuyên thế giới.

Trong những bài thơ hay nhất, mới lạ nhất của Mai Văn Phấn, mỗi ý thơ, tứ thơ là một hành trình, một nẻo đường để nhà thơ men theo sự nảy sinh, thoát xác, hóa thân mà đi tới  một trật tự thi ca mới, ở đó pha trộn giấc mơ và thực tại, ký ức và mơ mộng, sự tan rữa và sự sinh thành, sự hồi sinh và sự hóa thân trong ánh sáng huy hoàng của một vũ trụ thơ bàng bạc tâm linh. Mờ chồng ký ức, thức dậy những cảm xúc văn hóa thiêng liêng, tái cơ cấu ký ức trong một hình hài mới… đó là cách nhà thơ tạo sự đồng hiện cho thi ca tiếp tục sứ mệnh song hành cùng những dòng chảy của đời sống với bao nhiêu lãng quên, vô tâm và bất trắc. Tẩm ướp thiên nhiên, ký ức, giấc mơ vào những hình hài của cuộc sống hiện tại quanh mình, rồi tạo nên một quỹ đạo liên tưởng cho hình tượng thi ca vừa tự quay quanh mình, vừa quay quanh những hình ảnh trong giấc mơ và tâm tưởng – đó là cách nhà thơ đưa bài thơ đi đến cái đích hân hoan mà không dung tục như cách cắm đầu cắm cổ chạy maraton lao đến giật cờ chính trị mà các nhà thơ chính luận vẫn hay làm. Trong một số bài thơ giao thời về thi pháp của Mai Văn  Phấn, như trường ca Người cùng thời ta thấy rõ sự ép duyên giữa các thi pháp khác nhau, làm cho tác phẩm trở nên lổn nhổn, áo nâu vá mụn gấm. Tuy vậy, giữa trang thơ nằm trong hệ tọa độ của những cảm xúc và liên tưởng cũ với những kể lể dông dài kiểu mới ấy - thực chất là những lối mòn lý trí được ngụy trang bởi cỏ dại ngôn từ - vẫn có chỗ cho những ẩn ngôn và mật ngôn về một tôn giáo hoang dã, với tiếng cầu kinh của ếch nhái, côn trùng mang cảm hứng khải huyền. Và, thiên nhiên vẫn lóe lên những hạt vàng lấp lánh trên doi cát của những suy tưởng công thức nặng nề về chính trị và xã hội: “Khi làn sương thanh cao bí ẩn ra đi, nặng trĩu đài sen cõng trên lưng mù hạ. Những chiếc lá nằm mơ được hái về gói cốm, lũ ve sầu còn ngân lên lời xưng tụng cuối cùng” (Cộng hưởng III).

Nếu như Chế Lan Viên và những nhà thơ chính luận duy lý khác thường lôi con người cùng cỏ cây mây nước vào trong dòng suy tưởng để đắp nổi cho khái niệm, thì Mai Văn Phấn và những nhà thơ theo xu hướng tượng trưng ấn tượng và dã thú lại dùng những chất liệu cảm tính và tưởng tượng để xây dựng một lỗ đen tâm thế, một cơn lốc tâm tưởng, một vụ nổ Big Bang của tưởng tượng thơ ca để tạo ra một trường hấp dẫn cuốn hút mọi liên tưởng, suy tư và ước vọng. Chẳng hạn như bài Khúc dạo đầu nói về sự tái sinh của thi nhân sau những đổ vỡ và tuyệt vọng đã ghi lại trạng thái tâm hồn và số phận ở thời điểm tái sinh. Tất cả những ký ức về con đường, dấu chân, dòng sông, cỏ nát hay những rung cảm về sự che chở của ban mai trong khoảnh khắc thực tại chỉ là thứ phấn màu sặc sỡ nhà thơ dán lên bộ khung tâm tưởng để tạo thành một hình tượng giống như hàng mã giả hình của cảm giác tái sinh.

Cánh chim vút lên mở một đường bay

Không phải ngẫu nhiên không gian thơ của Mai Văn Phấn luôn gắn với vũ trụ tinh khôi, trắng muốt và những hình ảnh thiên nhiên thanh khiết, nhưng luôn luôn ẩn chứa những phép lạ hóa thân sẵn sàng bùng lên những đám cháy bất ngờ khi một “cánh chim vút lên mở một đường bay” khiến những giọt sương, những cây cành đột nhiên bốc cháy! Trong biên bản về vụ cháy thi ca, nhà thơ ghi rõ ràng, thản nhiên: “Vòm phượng vĩ đầm sương sáng nay bốc cháy”, “Lửa vừa bén lên từ một đường bay!”. Những câu thơ làm chứng tầm thường ấy, ngờ đâu lại mang cái mã thi pháp của thơ Mai Văn Phấn. Trong hầu hết các bài thơ hay của anh, luôn luôn diễn ra tình trạng một không gian sương giá chợt hóa thân bốc lửa nhờ một đường bay! Tư duy thơ của Mai Văn Phấn luôn luôn là cánh chim mở những đường bay liên tưởng mộng du xuyên thế giới và xuyên hình tướng, làm sụp đổ những cấu trúc cũ, làm cháy bùng lên những năng lượng thơ ca và thức dậy chân lý thi ca trong hiệu ứng thiền sư đốn ngộ. Thoạt tiên, nhà thơ, người yêu, không gian và tâm tưởng, cảm giác và vũ trụ  hòa quyện đan xen xâm nhập vào nhau trong cái nhập nhằng thi ca đặc thù của Mai Văn Phấn. Nhưng cõi hỗn độn nhập nhằng thâm u bí ẩn ấy chỉ là những đám mây trước cơn mưa. Sau một liên tưởng hướng thượng vút lên như cánh chim  tạo đường bay, một trật tự thi ca mới sẽ hiện hình, thi nhân đốn ngộ với hào quang lung linh rực rỡ của niềm vui bừng nở, chia đều trong không gian, cỏ cây, hồn thơ và vũ trụ. Hình ảnh bầu trời với những động thái ngước lên, bay lên đầy rẫy trong thơ Phấn. Và hành trình xuyên thế giới của Phấn luôn luôn đi từ đời thực đến giấc mơ, từ không gian cận kề đến bầu trời vũ trụ, từ đồ vật tầm thường đến những cảnh giới đầy ánh sáng tâm linh.

Thế giới thơ của Mai Văn Phấn luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ. Một biến động dù nhỏ nhất như một tia sáng, một tiếng chim… từ cuộc sống xung quanh vọng tới cũng có thể khởi động lên trong thi nhân day dứt siêu hình, những suy tưởng miên man. Bất cứ cái gì thính giác, thị giác và trực giác của nhà thơ chạm tới là cái đó trở thành một kẻ đầy nghi vấn, nó lục soát mọi ký ức, chắp nối các ấn tượng, đảo ngược những tín điều và thậm chí đi xuyên qua thế giới của nhà thơ làm thế giới ấy trở nên thủng rách. Nhưng may thay, tất cả những kẻ phá hoại xuyên thế giới ấy đều luôn luôn hướng đến một thế giới mới, khai mở lo âu mới, hy vọng mới, ước mơ mới và hoài nghi mới. Tất cả đều có thể là sứ giả của một trật tự thi ca mới mẻ đang chờ.

Và đó cũng chính là bản chất lạc quan có hậu của cái mới mà Mai Văn Phấn đã và đang chứng minh, trải nghiệm với một sự kiên nhẫn vô bờ bến của một thiền sư.

Đ.M.T

________________________

Nguồn: Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook