Tuyển chọn Văn học Việt Nam qua ngôn ngữ của Molière - Bản Tiếng Việt
Tôi xỏ một chân vào cái ống bên trái, có cảm giác hơi chật, chân phải đứng hơi co trên nệm, ở tư thế không thăng bằng lắm, nói: “Anh thấy nó bó!”. “Không chật đâu. Đúng size anh vẫn bận mà!” – nàng vừa nói vừa ngồi lột mấy củ hành tây để làm món hành xào thịt bò. Tôi kéo lên. Cảm thấy hơi bóp ở phần lưng và ép ở phần đáy. “Anh thấy nó làm sao đó, không được thư giãn lắm!”. “Hầy dà, anh mặc nhanh lên rồi xuống phụ em xắt thịt bò, đừng có ngồi đó mà băn khoăn chuyện chật với rộng. Quần nào chả vậy. Cứ mặc đi vài hôm giặt nó giãn ra là vừa. Đừng có cầu toàn với cả cái quần sịp đến như vậy. Anh ngày càng khó tính như một ông già lẩm cẩm!”. Tôi còn biết làm gì ngoài việc tròng thêm cái quần lửng vào và cầm miếng thịt bò đặt lên thớt, xắt từng lát mỏng. lưỡi dao bén ngọt lướt đi chia từng miếng thịt mỏng tanh còn rướm máu.
Dầu sôi lèo xèo trên bếp. Nàng nói, bây giờ mỗi tuần chỉ nên dùng một bữa thịt bò. Ăn uống dư đạm, tích mỡ trong người, sinh ra lắm trò bệnh tật!”. Tôi “ừ”, rồi kể: “Đợt khám sức khỏe định kỳ vừa rồi, hai phần ba đàn ông trong cơ quan mắc bệnh dư mỡ trong máu, có thằng mỡ tụ trắng cả gan, còn các bà thì phần lớn là có dấu hiệu huyết áp. Thời buổi gì bệnh tật tràn lan. Đụng vào đâu cũng thấy bệnh. Chán thiệt!” Nàng cũng hưởng ứng: “Ừ, chán thiệt…”
Tôi đã xắt xong thịt. Việc xắt thịt làm cho tôi quên đi cái cảm giác chật chội bên trong. Nhưng lúc nàng đã đổ nguyên đĩa thịt lên chảo xào, khói cùng mùi thơm kích thích vị giác bốc lên, thì tôi lại cảm thấy bên trong mình hơi chật. Tôi định phát biểu cảm giác một lần nữa nhưng ngại nàng sẽ bảo là lẩn thẩn. Nên thôi. Tôi bước lại ngồi vào bàn ăn. Cố ý hơi dạng chân ra một chút cho cái phần đáy đỡ cảm giác bí bức. Nhưng thường thì tôi cũng biết rằng mình không ngồi một chỗ được yên trong quá năm phút, nhất là khi có nàng ở nhà. Những việc không tên trong cái gian nhà chật hẹp này sẽ khiến chúng tôi luẩn quẩn lục đục hết ngày nọ qua ngày kia, chẳng bảo giờ ổn. Dịch khay để ấm chén sang bên này một chút, dời lọ tương ớt qua bên kia một chút, dắt mấy con dao vào kệ này, rồi lại đặt cái nồi cơm điện vào chỗ kia… Cứ vậy. Chúng tôi hoạt động liên lục trong một gian nhà nhỏ, đầy những mối bận tâm nho nhỏ, với những đồ vật nho nhỏ.
Và với thói quen đó, chúng tôi chẳng bao giờ có được cảm giác thư giãn khi ở bên nhau. Thật tệ. Cuộc sống toàn là những chuỗi chuẩn bị và chuẩn bị mà chẳng để làm gì. Cứ như thể lúc nào cũng bị cái áp lực vô lý nào đó xui khiến, cứ chúi mũi với những việc không tên, còn mục tiêu tận hưởng đời sống chỉ là một thứ ảo giác xa vời phi thực. Rồi một lúc, thay vì hướng tới niềm vui trong tận hưởng thì chúng tôi lại tự thỏa mãn vì đã ra sức chuẩn bị đâu vào đó mọi thứ, hay nói cách khác, sự thỏa mãn đó gần với tự ve vuốt.
Như lúc này, tôi chẳng thể ngồi yên. Tôi dạng chân như thế tới phút thứ ba, nàng nói với tôi rằng, bây giờ đi đâu cũng lo sợ. Chuyện kẹt xe, ngập nước, sụp hố, giật điện… Báo chí đưa tin hằng ngày. Hiểm họa ẩn tàng mọi nơi trên thành phố. Nguy cơ đầy rẫy. Bất an đầy rẫy. Anh thử xem, nơi này nơi kia trong thành phố, toàn xảy ra những cái chết không được báo trước. Tôi nói, dù báo trước hay không thì tính chất cái chết cũng không thay đổi. Nàng bảo tôi là thằng đàn ông hư vô. Chữ nghĩa nhiều đôi khi sanh ra cái tật lẩm cẩm thụ động coi mọi thứ chẳng có gì là quan trọng, sống trượt sống trụa chẳng ra con giáp nào. Trong khi đó, đến một cái quần sịp cũng vợ, một viên thuốc ốm cũng vợ.
Tôi lại chủ động kéo câu chuyện về thực tế của cái quần sịp đang bó chật bên trong. Tôi nói: “Mà đúng là nó chật. Anh nghĩ do khác hiệu hay sao đó, dù cho cùng một hiệu đi nữa thì cũng có cái lỗi cái ngay, làm sao đúng cỡ tăm tắp được!”. “Em đã nói rồi. Nó sẽ giãn ra sau vài nước giặt. Áo ngực em cũng vậy mà. Mới đầu vải còn cứng, phải chấp nhận nó hơi bí một chút. Có gì đâu mà anh cứ than vãn hoài. Người ta đi mua tặng, còn không biết nói cám ơn lại bày đặt yêu sách.”
Tôi lặng im và đứng dậy chắp tay sau đít đi lòng vòng. Chảo thịt bò được xào xong. Rắc tiêu, ớt bột, xắt hành ngò vào. Thơm và kích thích dịch vị. Nhưng còn lâu mới đến bữa cơm trưa. Nàng sẽ còn nấu một vài món khác. Một bữa cơm bao giờ cũng đầy đủ thịt cá, canh rau. Đôi khi cũng chẳng ăn hết. Nhưng cứ phải như vậy để còn ăn bữa khác. Người phụ nữ biết lo toan luôn là nhân tố quan trọng góp phần kéo dài tuổi thọ của đàn ông qua các bữa ăn và đem niềm khoái lạc thổi tràn qua những giấc ngủ. Hay ít ra là không bao giờ để cho đàn ông sống chung trong một mái nhà đỡ nguy cơ phải dùng thuốc tráng lại men dạ dày hoặc phải ngấp ngó trước cửa phòng khám nam khoa trong tương lai.
Nàng nói: “Nhưng ăn những món như vầy rất dễ sung!”. Tôi cười: “Sung cũng không thay đổi được gì!”. Nàng lại bảo: “Anh nhớ là thời gian cả tháng nay anh rất mê ngủ đó nghe!”. “Vậy à… Ừ… thì anh có thấy em động tĩnh gì đâu. Cứ tưởng em thích được yên thân. Vậy hóa ra hôm nay em mua quần sịp và xào thịt bò với hành tây như một lời cảnh cáo đó sao?”. “Không cảnh cáo mà nhắc nhở. Biết rồi còn hỏi.”. Nàng dọn cặp chén, cặp đôi đũa lên bàn, khéo léo rót ra đĩa cạn một ít nước mắm rồi xắn một trái ớt xanh vào, mùi ớt hiểm xông lên khiến tôi hắt xì. Tôi thích ăn mặn, luôn phải nêm thêm ít nước mắm. Từ ngày lấy nhau, những bữa ăn, nàng luôn ý tứ làm một chén nước mắm xắn ớt tươi thật ngon đặt trên mâm cơm ở góc gần tôi nhất.
Mâm bát sạch sẽ. Chén đũa tinh tươm đến độ tưởng chừng có thể soi mặt vào đó mà chải tóc. Cơm gạo mới, thơm dịu. Đĩa thịt bò xào hành tây hấp dẫn cạnh đĩa rau luộc tận dụng lấy nước rau vắt chanh vào làm canh. Bữa cơm nhẹ nhàng và thanh cảnh. Nhưng có ai biết đây là một tác phẩm có tính ẩn dụ của nàng. “Lâu rồi vợ chồng mình cũng không nói chuyện đó một các thoải mái” – tôi nói và cho mấy cọng rau vào chén. “Ừ. Đôi khi phải nói nhiều để tạo cảm hứng. Mình càng ít nói thì càng lơ là trách nhiệm”. “Không phải là lơ là. Thời gian này chẳng hiểu sao anh chỉ nghĩ tới chuyện lên giường là ngủ cho xong một đêm”. “Vậy thì anh phải chữa bệnh điên đi. Hay là có triệu chứng gì, có cần đến bệnh viện nam khoa không?”. “Không mà. Chỉ là vấn đề tâm lý có gì đó bất ổn!” – tôi nói và cho miếng thịt bò vào miệng, nhai chậm rãi. “Em nghe mấy bà ở cơ quan nói, nếu để máy tính xách tay lên đùi làm nhiều quá cũng bị ảnh hưởng đến hiệu quả trên giường. Sóng điện thoại cũng có tác dụng sấu với tinh hoàn. Rồi ăn rau răm nhiều quá cũng bị hạn chế ham muốn…”. “Vậy là nguy hiểm trùng trùng. Hèn chi ở công ty anh có một tay dạo này giận vợ, đi nhậu chỉ toàn ăn rau răm, hết đĩa này đến đĩa khác”. “Có thật chuyện đó à?”. “Có chứ. Lần đầu tiên anh thấy một thằng đàn ông buồn vợ, giải tỏa bằng cách nhậu bia với rau răm”. “Đàn ông bây giờ thật khó lường. Nhưng như vậy còn đỡ hơn mấy ông giận vợ là nghĩ ngay đến mấy em khác”. “Cũng tùy!” – tôi nói và dốc chén lên húp liền bảy ngụm nước rau luộc có vị chanh, chua chua. Nói thêm: “Thì đó cũng là cơ chế phản xạ bình thường của tâm lý, để giảm bớt ức chế nội tâm thôi! Em không coi trong phim Hàn Quốc, hình như là Kim Ki-Duk, có cô gái chán tình nhét nguyên chùm lưỡi câu vào trong chỗ ấy rồi kéo siết cho đến khi máu ra đến kiệt sức à? Còn cái cảnh ngoại tình khổ dâm vì bị chồng ngược đãi thì đầy rẫy…”. “Thôi. Những chuyện đó thật tàn bạo. Em chỉ xem phim dài tập trên tivi. Em thấy tình yêu trong mấy phim truyền hình thật kín đáo!”
Chúng tôi không tiếp tục tranh luận về phim truyền hình hay phim nhựa Hàn Quốc nữa mà chuyển sang chủ đề quan trọng, trở thành mối bức xúc của tôi lúc này: “Anh không thể mặc nổi nó nữa! Càng lúc có cảm giác nó càng bóp chặt lại. Anh căng thẳng hết chịu nổi rồi!”. Tôi bắt đầu gay gắt. “Nhưng em phải làm sao? Có thể câu chuyện mà chúng ta vừa nói với nhau có nhiều yếu tố kích thích nên “thằng nhỏ” nó bày trò, làm gia tăng thêm sự chật chội?” – nàng đưa ra giả thiết. “Không phải – lúc này thì tôi gào lên thật lớn - Không phải. Anh biết mà. Anh chẳng hề hấn gì với câu chuyện đó cả. Anh chẳng hề hấn gì. Rau răm, lưỡi câu, bia bọt, cả phim khiêu dâm… toàn là những thứ ngu ngốc khốn nạn. Trong khi anh đang bị nó bóp chặt, giết chết từ bên trong. Anh nói nghiêm túc đó”. “Vậy sao anh không cởi nó ra và quăng đi?”. “Đây là món quà của em. Hừm. Em luôn luôn là người có lý. Em luôn luôn là người tỏ ra chăm sóc nó và muốn nó phải trong sự bảo vệ điên khùng của em. Đây. Nó được bảo vệ thế này đây. Càng lúc nó càng siết chặt khiến cho anh tiêu tan hết mọi hứng thú nhưng em lại không cho anh bỏ nó. Em bảo rằng nó sẽ giãn ra. Giãn đâu chứ? Nó, khởi nguồn của mọi ham muốn của anh đang bị bóp chặt và triệt tiêu. Em hiểu không?”. “Anh là người biết rõ sự chật chội vô lý. Sao anh không tự tìm cách thay thế? Em đâu có mang cái của nợ của anh trên người mình mà biết được cảm giác nó chật chội hay ngột ngạt cỡ nào. Em cũng đâu biết được mức độ giãn nở hay co rút của loại vải của mấy cái quần sịp đàn ông?”. “Vậy thì em thật hồ đồ - tôi nói và dằn chén xuống mặt bàn – Đàn bà các em thật là hồ đồ, phi lý hết biết. Em có biết không, anh đã chấp nhận những cái quần sịp cỡ nhỏ này từ cả tháng trời nay mà không nỡ bỏ hay chê bai chúng. Vì đơn giản, chúng là món quà sinh nhật mà em tặng cho anh. Một người vợ đảm đang. Một người vợ yêu chồng. Hứ. Anh không thể nào xúc phạm lòng tự trọng của em bằng các la lên rằng cái món quà quái quỷ ấy đang giết chết dần dần mọi ham muốn của anh. Anh chịu đựng cho đến ngày hôm nay. Cái ngày mà em nấu những món ăn và bày lên bàn như một tác phẩm ẩn dụ để gởi đến anh cái thông điệp anh là thằng chồng khốn nạn, một thằng bất lực…”. Tôi nói và đập bàn. Có tiếng rơi vỡ. Nhưng đầu óc tôi đang bị cơn điên loạn giày xéo, điều khiển và đày ải. Tôi cứ lồng lên theo một quán tính tâm lý. Rồi như đạt đến đỉnh cao của nỗi dày vò, của sự phóng xuất ức chế, tôi ngồi chùng xuống, ở tư thế chò hỏ dưới nền nhà. Và khóc trù trù. Tôi vẫn chưa cởi chiếc quần sịp ra. Còn nàng. Nàng nhìn tôi như một thần tượng sụp đổ. Một thần tượng vỡ nát không phải bởi bản thân nó có vấn đề chất liệu cấu tạo hay thời gian, mà bởi, thần tượng thiêng liêng ấy vừa mạc khải cho nàng biết rằng, nguyên do mọi sụp đổ, có thể là do kẻ ngưỡng mộ sâu xa đang khoét rỗng nó bằng lòng thành kính đoái hoài quá đáng của mình. Nàng đứng lặng như thế. Trên tay cầm một con dao thái rất bén. Loại mà lúc nãy tôi vừa thái thịt. Nàng sẽ làm gì tiếp theo đây? Nàng sẽ tấn công và giải phóng sự chật chội bằng thứ vũ khí duy nhất ấy – một con dao? Và kết quả sẽ khó lường nhưng đoan chắc là sẽ gây ra ít nhiều sát thương. Trong trường hợp ít nghiêm trọng, có thể là một vài vết xước tự lành lặn sau một thời gian ngắn. Lúc đó, tôi sẽ phải coi chuyện đi bác sĩ là một thứ gì đó gần với chứng phô dâm. Trong trường hợp khác, tệ hại hơn, có thể là sẽ gây một đứt gãy nào đó, có thể lắm, một cú đứt gãy ngọt ngào. Tôi đã đọc về những trường hợp vợ đánh ghen chồng đã dùng dao bén để cắt phăng của nợ và cho vào tủ lạnh trước khi hoảng loạn gọi cho xe cứu thương đến nhà chở ông chồng và xô đá chạy vào phòng phẫu thuật. Những thảm kịch đó rất có thể xảy ra. Hãy xem mắt nàng vần đỏ như một con bọ ngựa đang từ chối cuộc ve vuốt giao hoan định mệnh với tình nhân nó mà chỉ quan tâm tới việc làm sao cho mau mau xong cái công việc truyền giống rầy rà để biến gã tình nhân thành một món nhắm ngon miệng.
Tôi lùi dần vào phòng và đóng chốt phòng lại. Tôi cởi nhanh chiếc quần sọt quăng lên trên giường. Rồi sau đó tiến hành việc cởi chiếc quần sịp bên trong ra. Hãy tự cứu mình trước khi chờ trời cứu. Một chính trị gia đã nói như thế. Tôi quằn mình trên nệm và chỏng hai chân lên trời. Hai tay tôi nắm chặt vào lưng dây thun của chiếc quần sịp và cố kéo trật nó xuống. Nhưng khốn nạn thay, nó đã thít chặt vào da tôi. Tôi cố gắng hết sức để đẩy trễ nó xuống nhưng không tài nào làm được. Sau đó, tôi đổi tư thế, đứng dậy và lại tuột nó theo cách bình thường vẫn làm. Nhưng lạ thay. Nó xệch xuống vùng mông của tôi và dừng ở đó. Nhất định, nó đùm kỹ phần trước, như thể từ mình vải của chiếc quần đã dính bẹp sát vào da tôi bằng một thứ keo dán chặt không cách gì có thể tiêu hủy.
Tôi lao vào phòng tắm và giãy giụa trong đó một lúc, tìm mọi cách để cởi cái quần sịp điên khùng ấy ra khỏi người. Nhưng vô hiệu. Người tôi ướt sũng mồ hôi mồ kê. Tâm trí tôi bắt đầu hoảng loạn lo sợ. Càng như thế, chiếc quần sịp càng xiết vào cơ thể tôi như một bàn tay sắt khổng lồ thò từ bên dưới háng lên và bóp nát nhừ cái ngã ba của cơ thể. Bên ngoài, nàng đập cửa ầm ầm ầm và gào thét: “Anh làm gì trong đó. Mở cửa mau! Mở cửa mau!”. Ầm ầm ầm… Nhưng tôi đã đóng thêm một cánh cửa nữa, là cửa phòng tắm. Tôi đứng dưới vòi sen và bật nước. Nước văng ra từng chùm li ti trộn lên đám mồ hôi trên da thịt nóng bừng của tôi. Bây giờ, tôi đứng ngước mắt lên hướng chảy của nước và gào thét như một con vượn đầu đàn bị thiến rồi thả vào rừng già. Tôi bất lực với cái quần quái đản. Tôi nhìn xuống và thấy phần hông của mình đang bị xiết chặt lại bởi nó. Cơ thể của tôi mất cân đối như một lực sĩ. Trên to, dưới tóp. Hai đùi tôi nở to ra so với phần mông. Phần mông và bẹn bị cái bàn tay sắt vô hình kia xiết chặt lại, đau điếng. Tôi chết lặng và cảm nhận từ phía trước, con giống đang bị trấn áp, bóp nghẹt và vỡ nát. Một nỗi chết đường truyền lan từ chỗ ấy sang phía trái tim. Tôi thoi thóp. Mồm miệng đầy nước dãi và máu. Tôi nằm sóng xoài. Co giật.
Mùa đông. Những bụi sương phủ lên cửa sổ buổi chiều. Nắng nhạt xuyên qua những đám mây bay lờ lững. Có tiếng nhạc bên ngoài dãy quán phố vọng vào. Tôi trải nghiệm cảm giác thu mình bé lại rồi tan ra giữa trời của mùa thu hiền hòa. Nàng vẫn đập cửa. Nàng hốt hoảng gọi cảnh sát. Rồi hốt hoảng ôm mặt khóc trong phòng giữa một đống bát đĩa của bữa ăn còn ngổn ngang chưa kịp dọn dẹp. Nàng gục đầu vào ngực một tay cảnh sát, bờ vai nấc lên từng hồi. “Tôi không cố ý. Nó chỉ là món quà tôi tặng sinh nhật vì yêu anh ấy thôi mà. Tôi không lường trước điều này. Làm sao một người vợ có thể làm điều đó với chồng cơ chứ?”
Ở sở cảnh sát. Nàng đã ngất nhiều lần. Những lúc tỉnh dậy, nàng nói trong mê sảng: “Không thể như vậy. Làm sao một người vợ có thể làm điều đó với chồng mình? Nó là món quà của tình yêu mà…”
Tôi nhìn thấy nàng theo cách một giọt sương nhìn thấy thế giới. Tôi không sao có thể nói được với nàng rằng đó không phải là lỗi của nàng. Hẳn là có một sự nhầm lẫn nào đó dài ngày xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Rằng cũng có thể là có một sự gian lận vô luân nào đó từ nhà sản xuất những những chiếc quần sịp không rõ xuất xứ. Và rằng, tôi đã giữ món quà tình yêu ấy bằng tình yêu của một người chồng, luôn trân trọng rung động với những gì người vợ mình trao tặng khi nhìn thấy ở đó chất lượng tình yêu (cảm tính) phủ mờ mọi thứ chất lượng duy vật thể (lý tính) khác, vốn tiềm tàng biết bao hiểm nguy đến từ đời sống bên ngoài. Một điều gì đó, như cách nói của Nietzsche, tôi mang trong mình thứ bệnh lý của lòng xót thương. Nhưng sau đó, lại trở thành đối tượng của lòng xót thương: bị triệt tiêu bản năng và tự bóp chết thể xác bởi chính sự ân cần không cách thế kháng cự hay khước từ.
Tôi thấy gã trọc đầu vẫn ngồi ở quán bia trước hai tô rau răm và một cặp trứng vịt lộn. Một sự kháng cự có màu sắc bi kịch hoang dã. Điều này tâm lý học và nhân chủng học chưa thể gọi tên. Một sự phẫn uất khuếch đại trở thành một biểu tượng cao cả và quyết liệt vô song. Một tượng đài uy nghi của ý chí. Một kẻ chống lại bệnh lý của lòng xót thương bên trong mình để trốn chạy những triệu chứng bóp nghẹt, suy vong treo lửng lơ trước mặt, vẫn theo cách nói của Nietzsche. Tôi thấy trong công viên một số đồng nghiệp đứng tuổi vẫn chăm chỉ chạy hừng hục chỉ mong giảm thiểu vài mili mỡ trước thành bụng ục ịch. Họ đang thực hành bài học tìm kiếm sự hài hòa tươi đẹp của đời sống, vớt vát chút lạc quan tinh thần trước sự di căn của sợ hãi đánh mất người bạn tình khi về chiều. Và, tôi cũng thấy ở một góc đường, đám thiếu nữ chụm đầu cười rúc rích trước một mảnh báo đăng mẫu tin. Những mẫu tin đại loại thế này thì tạo ra ở họ một nỗi tò mò lẫn xao xuyến vì ít nhiều gợi mở trong họ một kích cỡ nào đó của trí tưởng tượng vốn từ lâu bị cái thế giới cảnh tượng này cưỡng bức:
MẶC QUẦN SỊP CHẬT, MỘT NGƯỜI TỬ VONG
Chiều qua, một phụ nữ 30 tuổi đã hốt hoảng báo cảnh sát về tình trạng chồng mình đang bị đe dọa tính mạng bởi một cái quần sịp.
Anh X, chồng người phụ nữ nói trên đã bất tỉnh sau khi mặc một chiếc quần sịp mà chị vợ tặng trong dịp sinh nhật tuổi 35 của mình. Lý do, chiếc quần sịp quá chật nhưng vì là món quà tặng “tình yêu” nên anh đã không phản ứng từ chối mặc nó một cách dứt khoát.
Theo lời người phụ nữ, trước khi bất tỉnh, trong bữa ăn, họ có trao đổi với nhau về một vài vấn đề liên quan đến tình dục, hình ảnh khổ dâm trong phim Hàn Quốc… Sau đó, anh X cảm thấy mệt, đã cáu gắt và lao vào phòng riêng khóa trái cửa. Cho đến khi cảnh sát phá cửa vào thì phát hiện anh đã chết trong bồn tắm trong tư thế nằm vắt lai chân lên thành bồn và chiếc quần sịp đã thắt chặt vào bộ phận sinh dục của anh, gây tổn thương nặng từ bên trong.
Theo điều tra ban đầu, loại quần sịp mà nạn nhân mặc có hiệu Sexsexyxy được nhập khẩu lậu về từ biên giới phía bắc. Chị còn cho biết, số lượng mua là nguyên một thùng, 30 chiếc với 30 hoa văn, màu sắc khác nhau. Và anh chồng đã lần lượt mặc từng cái một từ suốt cả tháng nay. Thỉnh thoảng anh có bảo rằng quần chật nhưng không phản ứng quá mạnh hay dứt khoát.
Cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra làm rõ thêm về nguyên nhân sự việc.
Bên cạnh cột tin đó, là một số mẩu giới thiệu quần lót nam. Có mấy dòng khuyến cáo như sau:
BÁC SĨ CHUYÊN GIA NAM KHOA KHUYẾN CÁO KHI MẶC QUẦN SỊP
Nếu nam giới mặc quần sịp quá chật sẽ làm cho bao tinh hoàn cố định chặt vào khoang bụng, từ đó chức năng điều tiết nhiệt độ của bao tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng khiến chức năng sinh sản tinh trùng suy yếu.
Các cô gái giành giật tờ báo và cười hức hức hức.
Sao lại cười?
Họ hiểu gì mà cười?
Tôi nghĩ.
Và một đợt gió lùa tôi cùng những câu hỏi, ý nghĩa viển vông bay đi hẩng hơ hẩng hiu trong nắng vàng lạnh se se của chiều mùa đông.
N.V.N - Tháng 10 năm 2010