CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tuyển chọn Văn học Việt Nam qua ngôn ngữ của Molière - Bản Tiếng Việt

BẰNG CHỨNG - BẢO NINH

Thứ hai ngày 18 tháng 2 năm 2013 12:00 AM


Hành động can đảm cứu người của thằng con út khiến Minh nẫu ruột, anh cứ nghĩ mãi và buồn mãi. Vì rằng cậu ấm quý tử suýt chết, song không phải chỉ vì thế. Bữa đến nhà tôi chơi, kể chuyện đó Minh quá mức đăm chiêu, có lúc như người mất hồn.

Thằng Hùng con anh quả là gan dạ. Chiếc xe tải chở tổ công tác của nó đang vượt một con đèo vắng ở miền núi tây Quảng Nam. Tài xế loạng quạng sao đó làm đổ xe. Chiếc xe chỉ lật nghiêng bên rệ chứ không lộn nhào khỏi mặt đường, song một thành viên trong tổ ba người của Hùng lại bị văng xuống vực. May phúc làm sao, đã rớt lưng chừng vách núi thì cậu ta được một cành cây chìa ra níu lấy. Tài xế bị thương, chỉ còn Hùng và một người nữa, lại là phụ nữ. Thằng Hùng một mình bám gờ đá lần xuống cứu thoát được người bạn đang lơ lửng vực sâu ngàn cân treo sợi tóc.

Hành động ấy dĩ nhiên là rất dũng cảm song le lại cũng sự thường, rất nhiều người trong hoàn cảnh tương tự cũng sẽ làm như thằng Hùng. Điều khiến Minh không sao tin nổi, ấy là độ cao của cái vách dựng đứng. Theo như lời anh bạn được Hùng cứu sống thì từ chỗ chiếc xe bị lật tới chạm đáy khe là hơn trăm thước. Một độ sâu rùng rợn như thế, đừng nói lần xuống, ngó xuống thôi thằng Hùng cũng không thể, Minh quá biết cái tật bẩm sinh ấy của thằng con. Nó bị chứng hãi độ cao. Không phải vì có bệnh tim, không có duyên do gì hết, chỉ cứ sợ, sợ khủng sợ khiếp vậy thôi. Từ nhỏ đã như thế. Luôn luôn ác mộng của thằng bé là ác mộng đang đứng mấp mé bên một cái gì đó thăm thẳm và dựng đứng. Nó không hét lên được, chỉ vì chết lặng trong cảm giác chiêm bao. Lớn lên tật đó vẫn không mất đi, mà cứ ám ảnh. Không có chuyện thằng Hùng trèo cây hay nhảy cầu ở bể bơi. Nó không bao giờ ngồi bên bệ cửa sổ như bọn con trai vẫn thường ngồi như thế để tán dóc với nhau. Thanh niên rồi mà nhìn trên tivi thấy người ta nhảy dù nó nhắm tịt mắt lại và mồ hôi rịn ra. Đến bây giờ mỗi lần phải lên máy bay là mỗi lần tự nó chịu cực hình và âm thầm chống chọi để không tỏ ra quá thảm hại trước sự bình thản của hành khách ngồi bên.

Ấy vậy mà nó lại hành động như vậy. Nó giấu không kể, Minh biết chuyện là do cậu bạn được cứu sống đã cùng bố mẹ đến tận nhà anh để cảm ơn. Hôm sau, bố con trò chuyện, để thuận cho lời khuyên can, trước tiên Minh khen cái tinh thần vì bạn quên mình của thằng con. Nhưng nó lại lắc đầu bảo rằng điều xui khiến nó không phải là cái chết cận kề của bạn mà là chính cái vực thẳm. Nói năng chẳng bao giờ mạch lạc, thằng Hùng giải thích một cách rất khó hiểu giây phút liều mạng của nó, nhưng Minh hiểu, tai nạn xảy ra trên đèo đã cho thằng con anh một cơ hội bất ngờ, không chủ ý để đối diện với nỗi sợ hãi đã hằng bao nhiêu năm chế ngự con người nó.

- Thằng Hùng từ bé đã luôn làm mình ngạc nhiên – Minh nói, xoay xoay ly rượu trên tay, giọng rầu rĩ – Nhưng cái lần ngạc nhiên này làm mình thật sự rối trí, thoạt đầu choáng váng sau thì u uất buồn khổ không chịu được, đã bao nhiên ngày rồi ông ạ.

- Ông lẩm cẩm rồi hay sao? – Tôi nhìn vẻ mặt của Minh mà chẳng nhịn được cười – Không tự hào không hãnh diện thì thôi, lại buồn khổ sầu não là thế nào, cứ y như là nó đã làm điều gì xấu xa tồi tệ vậy.

- Ờ thì đành là thế, nhưng ý mình không phải vậy ông ạ - Minh lúng túng tìm lời – Nghĩa là, mình muốn nói mình buồn bực vì rằng sao mà thằng con nó chẳng giống gì mình. Nó khác quá… Thoạt nghe người ta kể chuyện nó cứu bạn nó, từ trong thâm tâm lập tức mình tự hỏi: hồi bằng tuổi nó mình có làm vậy không? Bề ngoài thì có. Chẳng hạn, mình cũng đã từng cứu người… À, mà chuyện này ông cũng từng chứng kiến, hồi đi học sơ tán, ở đò Mễ Sở ấy, nhớ không? Thấy bà giầ ấy bị ngã ở đò, mình liền nhảy xuống cứu. Chỉ một mình mình. Bạn bè mấy đứa đang cùng trên đò, có cả ông nữa, thì không. Nhưng chẳng phải mình là anh hùng còn bạn bè là lũ nhát. Chẳng qua vì mình bơi rất giỏi, tự biết thừa sức cứu được bà già, còn ông và các bạn khác bơi kém, lao xuống chết chắc, lao xuống làm gì… Cho nên cái cách của mình hành động hồi đó với của thằng con mình mới đây, càng ngẫm càng thấy quá là khác nhau. Bố con mà hoàn toàn trái dấu, sao lại có thể như thế được cơ chứ ?

- Không hiểu thế nào – Minh thở dài – hễ cứ nhìn về chuyện gì liên quan đến tình nết của thằng con là mình lại có ngay câu hỏi: hồi bằng tuổi nó bây giờ mình có vậy không nhỉ? Và câu trả lời thường là không, mình không như vậy! Tại sao? Nó chuốc lấy cái tính ấy từ ai?

Tôi lại bật cười, tuy nhiên đã thoáng dậy một chút kinh ngạc:

- Cái ông này! Bố gì mà lại băn khoăn luẩn quẩn thế? Con giống tính bố là dĩ nhiên, nhưng con khác tính bố cũng là dĩ nhiên.

- Thằng con mình – Minh nói – bản chất là nhút nhát, nhưng ngoài mình là bố nó chẳng ai nhận ra. Khi còn là thằng cu tý nó rất ít khóc ít cười, ông bà nội ngoại đoán là thằng này tư chất cương nghị, riêng mình biết là nó nhát lắm. Động một tí là giật mình, là tè dầm ra, là mếu máo chực khóc, có điều là hình như nó nghiến răng lại để không khóc. Từ đâu mà lại có cái kiểu đó chứ… Lớn lên, đi học, nó lại bị mang tiếng là lỳ bướng. Với người lớn, với cả thầy cô giáo, nó chẳng biết đường chào hỏi thưa gửi cứ gằm mặt xuống, lý nhí, lúng búng. Ai cũng bảo nó gan cóc tía và hỗn. Có phải đâu, trái lại, nó thế là vì nó nhút nhát, rụt rè, ai ai cũng làm cho nó e ngại. Thương con mà cũng rất bực. Bực nhất cái nỗi làm sao nó cứ cố ngược lại với bản tính. Mình chẳng hề như thế, tại sao nó lại thế? Nhát mà nó rất hay đánh nhau. Đánh nhau với bạn học, với bọn ở lớp hơn, rồi cả bọn ngoài phố. Một dạo, ở cổng trường học luôn tụ bạ một lũ chuyên trấn lột học sinh. Bọn bạn thằng Hùng đứa nào cũng nem nép cống nộp. Nhưng thằng Hùng lại cố tình chống cự. Ngày nào cũng bị bọn kia đánh cho bươu đầu sứt trán. Biết chuyện, khuyên nó, nó không nghe, mình đành phải chuyển trường cho con. Hồi đi học mình không những chẳng nhút nhát mà lại ngầm có vài thế võ được ông anh cả bày cho, nhưng chẳng bao giờ mình tham gia vào đánh lộn. Tôi không đụng anh, anh chớ đụng tôi!

Bình thường đến tôi chơi Minh ngồi không lâu và dứt khoát từ chối rượu. Nhưng nếu đã có một chút gì đó tâm tư thì anh lại hết ly này tiếp ly khác. Và cứ nói mãi, nói mãi, không chịu dứt ra về.

- Có một chuyện… Khi đó thằng Hùng mới mười tuổi. Hai bố con đi dạo. Hùng muốn ăn kem, mình mua cho nó. Nó đứng ở vỉa hè Tràng Tiền, trong tay cầm cây kem, vừa định đưa lên miệng, thì một thằng nhãi lớn hơn nó sấn tới giật lấy chạy mất. Thằng bé ngớ người, ngơ ra, không hiểu. Có thể nói là lần đầu tiên đụng sự đời mà, nom thương quá, mình cầm tay nó bảo, thôi con, bỏ đi, để bố mua cho que khác. Mình chưa dứt lời, thằng con giằng tay ra, xồng xộc đuổi lao theo thằng kia. Mình hét gọi nó và chạy theo nhưng không thể. Phố xá, ngã tư, đèn xanh đèn đỏ, xe cộ kìn kìn, thằng Hùng lao phứa qua, chạy mất hút. Ông hình dung mình sợ hãi đến thế nào. Hú hồn, chạy tới gần giữa phố Ngô Quyền, mình chạm ông con từ một con hẻm thất thểu bước ra. Nó nắm khư khư trong lòng bàn tay cái que lõi của cây kem còn dính một tỵ kem màu xanh. Chưa bao giờ mình nặng lời với con. Vậy mà khi ấy mình chộp lấy nó, quát mắng nó, đét đít nó. Về đến nhà vẫn còn đang đầy giận dữ. Đấy là lần đầu tiên hai vợ chồng mình cãi nhau khốc liệt. Cũng là lần đầu tiên mình quát vào mặt Lan mối hoài nghi của mình về thằng con của cô ta. Cũng từ đấy cái ý nghĩ kinh khủng và vô lý ấy cứ càng năm càng cắm rễ sâu hơn trong đầu óc mình… Đến cái vụ gan anh hùng vừa rồi của nó thì mối nghi ngờ đã rành rành rồi ông ạ.

«Nhưng mà nghi ngờ cái gì?», tôi định hỏi nhưng rồi thôi ngay, vì đã chợt hiểu ra điều Minh muốn nói.

Hai vợ chồng Minh Lan và tôi thuở học trò là bạn bè, cùng phố cùng lớp. Với Lan thì tôi và Minh hoàn toàn vô tư là hai người bạn. Học xong phổ thông, tôi nhập ngũ, còn Lan và Minh người sang Nga người sang Đức. Sau chiến tranh trở về gặp lại nhau, tôi không hề thấy Lan đối với Minh có biểu hiện gì khác ngày trước. Tới khi nhận được thiếp mời đám cưới của họ thì tuy có phần ngạc nhiên nhưng tôi cũng thấy cặp này lấy nhau là đúng quá. Bởi tôi biết Minh mê mệt Lan từ hồi cấp ba, và trải qua bao năm anh vẫn bền bỉ, dai dẳng chờ đợi Lan đáp lại tình cảm của mình. Cô đồng ý lấy Minh là hợp tình hợp lý.

Cho đến nay, như tôi thấy, thì Minh và Lan cũng như mọi cặp vợ chồng trên đời, một gia đình ổn định, thuận hòa tương đối, tầm tầm vậy thôi. Hẳn là không ít chuyện xảy ra, song được ẩn kín đáo trong nội bộ gia đình.

Con đầu lòng của họ là một cặp bé gái sinh đôi. Nhiều năm liền tôi thấy Minh có vẻ không được vui lắm. Khi vợ sinh con trai, anh tỏ sự sướng có thể nói là thái quá, nhưng cũng là dĩ nhiên thôi, ai chẳng thế. Có điều, hơi là lạ, suốt bao nhiêu năm qua cứ nói về thằng con trai là Minh lại sung sướng khoe khoang cái sự nó giống anh y chang. Thì đúng là như thế, tôi có thể làm chứng. Nếu lược đi những sự khác biệt do chênh lệch mức sống giữa hai thế hệ, thì tôi thấy rõ ràng thằng Hùng những năm nó mười một tuổi, mười ba tuổi, mười lăm, mười sáu hay hai mươi tuổi vân vân, chính cống là bản sao mặt mày bộ dạng của Minh hồi anh cùng những độ tuổi ấy. Nhưng thế thì có gì là đặc biệt đâu mà phải hãnh diện nhấn mạnh mãi như vậy. Tất nhiên là trước đây tôi chỉ lấy làm buồn cười thôi chứ không để tâm, song giờ thì tôi đă chợt hiểu vì sao Minh lại thế.

Bao nhiêu năm qua tôi giao thiệp với gia đình họ hoàn toàn chỉ theo nghĩa là một người bạn của tay chồng, quan hệ bạn bè ngày trước với cô vợ không còn dấu vết. Tôi không để tâm để ý nên không biết gì về Lan bây giờ nữa ngoài cái sự cô ta là vợ Minh, đồng thời cũng đă quên sạch những gì về Lan ngày trước.

Ngày trước, chúng tôi bạn bè một nhóm bốn đứa chứ không chỉ ba. Không chỉ gồm tôi, Minh và Lan, mà còn Tuấn. Tuấn «bột».

Phải rồi! Tính nết của thằng Hùng qua những gì bố nó vừa miêu tả, chính là tính nết của Tuấn ngày xưa. Không phải vậy sao?

Con nhà cán bộ cao cấp, lại là con một, Tuấn được nuông chiều thành ra ngù ngờ và đại nhát. Có điều chỉ có bạn bè thân mới biết Tuấn là thằng nhát. Còn ở phố ở trường người ta chỉ thấy một thằng Tuấn không có vụ đánh lộn nào mà không có mặt. Sợ thầy sợ cô một phép nhưng lại lừng danh là ương bướng. Và bởi vì hạng con nhà nên vụng về lóng ngóng, song bi đáo khăng xèng tuốt mọi trò của nhà con nghèo, Tuấn chơi tất. Đại khái nó là thằng như thế.

Tôi không biết Tuấn có bị tật sợ độ cao hay không, nhưng cái chứng sợ tiếng nổ thì nó chẳng giấu được ai. Từ lúc nhóc tỳ tới tận cuối lớp mười lớn ngộc rồi mà ba ngày Tết đi chơi với chúng bạn dọc các phố, Tuấn vẫn không ngớt giật mình thon thót. Pháo cối, pháo đùng, pháo dây và cả pháo tép đều làm Tuấn sợ. Nó gồng mình lên, không trốn trong nhà, không bịt tai, lại còn đua đốt pháo nghịch pháo với chúng tôi, nhưng sơ vẫn hoàn sợ.  Vào lính rồi, trận mạc mấy năm rồi vẫn sợ khiếp tiếng nổ. Thằng như thế mà từng nổi tiếng khắp trung đoàn là một tay súng B41 siêu hạng săn xe tăng.

Tôi và Tuấn nhập ngũ cùng nhau. Là con một nên Tuấn không thuộc diện, nhưng nó làm rất dữ dội với gia đình với khu đội để được mặc áo lính cho bằng được. Biết sức nó yếu ợt, biết tính nó nhát, sợ tiếng nổ, sợ máu, sợ chuột, sợ rắn, sợ đủ thứ từ ghê gớm đến vớ vẩn nhất, tôi ráo riết can ngăn, nó sừng sộ chực nện tôi. Cùng tiểu đội tân binh với nhau, thương nó vô cùng mà không thể đỡ đần gì được cho nó, một thằng công tử bột con ông cháu cha lần đầu nếm mùi khổ ải, bởi động vào giúp nó thì chết với nó. Trên dọc đường vào Nam cũng vậy, tôi chỉ có thể lẳng lặng nhìn nó vật lộn với bản thân nó qua từng chặng đường, con dốc, dòng suối, qua  từng trận bom.

Vào tới B3, tôi và Tuấn được quân lực phân về cùng một đại đột. Tuấn trưởng thành nhanh hơn tôi nhiều. A phó, A trưởng, rồi B bậc phó, B bậc trưởng chỉ sau có hai mùa khô. Tôi không hề ngạc nhiên. Khắp tiểu đoàn mọi người đều nói về Tuấn với niềm mến phục về sự thông minh, tháo vát, xông xáo năng nổ, và đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì đồng đội. Nhưng tôi biết rằng không phải thế, đúng hơn là không phải chỉ thế, bạn tôi còn hơn thế nhiều, vì rằng anh vẫn thế, vẫn Tuấn «bột» ngày nào.

Sau chiến dịch 72, Tuấn đi học nửa năm ở trường quân chính Mặt trận, rồi lại trở về đơn vị làm đại đội trưởng với hàm trung úy chính hiệu. Tôi thì trung sỹ đang tạm quyền chính trị viên phó, vậy là hai thằng càng sát cánh bên nhau. Ngay trận đầu tiên sau ngày trở lại đơn vị, Tuấn đã thể hiện sự vượt bậc của mình về tài chiến trận và năng lực chỉ huy. Bình tĩnh, cứng rắn, phán đoán giỏi, quyết đoán nhanh, khôn ngoan, tỉnh táo v.v… hơn hẳn trước khi làm C trưởng, ai cũng thấy thế. Còn tôi, sát cạnh bên Tuấn, tôi thầm biết anh vẫn vậy. Vẫn kín đáo sợ, vẫn âm thầm nhát, vẫn một mình triền miên chống chọi với cái bẩm sinh yếu đuối trong bản thân mình. Một trái cối giáng xuống cho dù là thình lình, với tôi và với nói chung lính tráng chỉ cùng lắm là giật mình, nhưng Tuấn thì căng thẳng tột cùng, gân cốt cứng đờ. Thậm chí chỉ một tràng tiểu liên bắn xéo qua đầu thôi cũng khiến anh phải vận đến bản lĩnh. Có điều tuyệt đối không ai ngoài tôi nhận thấy. Mà thật ra tôi cũng không thấy, chỉ cảm thấy thôi, bởi trước mọi tình thế Tuấn chưa bao giờ có bất kỳ một biểu hiện bề ngoài nào của nỗi sợ hãi.

Đôi lúc cũng thấy buồn cười, nhưng tự đáy lòng, tôi yêu quý và khâm phục Tuấn. Và thương bạn vô cùng. Cùng một gánh nặng cực khổ và hiểm nguy của cuộc chiến, kẻ chẳng biết sợ là gì như tôi phải chịu đựng một, thì Tuấn phải chịu gấp ngàn lần hơn. Phải cắn răng gồng mình lên hơn. Phải chịu nhọc nhằn và đau đớn nội tâm nhiều hơn tôi gấp bội lần.

Khi Tuấn về chỉ huy đại đội, cuộc chiến đã vào thời kỳ «sau Hiệp định». Gạo đạn cùng mọi tiếp vận hậu cần khác dồi dào và đều đặn. Thư từ nữa. Ở đại đôi tôi, lượt hàng quân bưu nào Tuấn cũng được thư. Và lượt nào cũng có thư của Lan, từ Đông Đức. Tôi cũng thỉnh thoảng nhận thư Lan. Cô biết tôi và Tuấn cùng đơn vị. Là viết cho tôi, nhưng trong thư ấy, Lan cũng không thể giấu nổi, không thể kiềm chế nổi những lời thiết tha, những lời yêu thương nồng cháy dành cho Tuấn.

Hai người họ lặng lẽ mến thương nhau từ lâu, nhưng mãi đợi tới ngày chia tay, Tuấn vào bộ đội, Lan ra nước ngoài mới dám cùng nhau ngỏ lời bảy tỏ tình yêu và lời ước hẹn.

Sau ngày Tuấn hy sinh, thư của Lan gửi anh vẫn đều đều được chuyển về đại đội. Tôi xếp những bức thư không bóc ấy vào trong ba lô của Tuấn, cùng với bức thư trước, thành một chồng rất dày.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó, cuộc đời, tính nết, nhân cách của Tuấn thì có liên quan gì đâu tới đời sống hôm nay của vợ chồng Minh? Làm sao một con người lý tính như Minh có thể nảy sinh trong lòng một mối ngờ vực hoang đường đến vậy về Hùng, một đứa con đã chào đời ở bên ngoài rất xa quá khứ mối tình đầu của vợ anh?

Hay là quả thật có tồn tại một mối liên hệ và ràng buộc bí ẩn giữa con trai Lan và người cô yêu, dù người ấy đã hy sinh từ rất lâu rồi. Và vì người chồng người cha nên Minh đã không ngừng bắt gặp những bằng chứng về mối liên hệ không thể nào có thật ấy. Không thể nào là có thật nhưng bằng chứng thì nhiều. Có lẽ cả bằng chứng hiển nhiên nữa. Như là khi Hùng, đứa con trai nhút nhát của Lan gồng mình trấn áp nỗi khiếp sợ bẩm sinh, đối mặt với độ cao và vực thẳm để liều thân cứu bạn, đấy có phải là bằng chứng hiển nhiên?

 B.N

Chia sẻ trên Facebook