CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

GIÓ ĐÀO VẪN THỔI

Thứ bẩy ngày 9 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Với người Hà Nội ngày Tết mà không có cành đào thì chưa thể là Tết. “Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh/ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” rõ ràng là câu tục ngữ nông thôn. Nhưng ngay cả nông thôn bây giờ cũng phổ biến chỉ còn giữ lại được “Bánh chưng xanh”“dưa hành”. Pháo nhà nước cấm. Lợn hướng nạc. Chỉ còn lại vài ông đồ trẻ rất đáng ngờ ở thành phố viết thư pháp để các ông ấy xem với nhau.

Người Hà Nội ai cũng chơi đào Tết nhưng thật ngạc nhiên chỉ chia làm hai hạng. Tao nhã kín đáo và trọc phú khoe của. Hạng nào cũng có cái hay. Ít nhất thì cũng xứng là dân Hà Nội chuộng hoa. Trải qua nhiều thăng trầm biến động về dân số, hai hạng người chơi đào ấy cứ lần lượt thay nhau lên ngôi. Kéo theo nó là những nơi trồng đào cũng tùy biến tăng giảm mà đáp ứng nhu cầu. Không bao giờ có chuyện mất hẳn đi một hạng. Những người mới đến nhập cư thoải mái lựa chọn cách chơi của mình. Nhưng sống ở Hà Nội nhiều thời gian lên một chút họ sẽ thay đổi cách chơi theo hướng tao nhã kín đáo. Ở Hà Nội muốn khoe khoang cái gì cũng không dễ.

Hà Nội bây giờ không chỉ có duy nhất một cái chợ hoa trên Cống Chéo, Hàng Lược. Đã thêm ra con đường Nghi Tàm dịp tết như một chợ hoa kéo dài cả cây số. Thêm ra những siêu thị hoa tết cao cấp trên bãi Tứ Liên, triển lãm Giảng Võ, Vân Hồ. Và ngày Tết thì bất cứ con đường nào đông người qua lại rất có thể trở thành một chợ hoa di động họp trong chừng vài tiếng đồng hồ.

Hoa đào cũng không còn được trồng ở những vùng đất loanh quanh Hà Nội nữa. Cơ hội để người chơi đào kỹ tính chọn cho mình một cành ngay tại vườn bây giờ đã hết. Còn sót lại vài bờ ao trên Nhật Tân, Phú Thượng và mấy mảnh ruộng trồng đào bên Tứ Liên sát bờ sông Hồng thì chỉ trồng thuần nhất một loại bích đào trăm cành như một. Chẳng phải cất công lên tận đấy lựa chọn làm gì. Nó cũng giống như hoa đào trồng ở Hải Dương, Hưng yên mà thôi. Chính vì thế cái chợ hoa truyền thống Hàng Lược bây giờ cũng không còn là nơi người sành chơi đào tín nhiệm tìm đến.

Hơn mười năm trước trên Nhật Tân vẫn còn một vườn đào khá nhỏ. Có lẽ cả vườn chỉ cưa được mươi lăm cành. Như thế cũng là đủ cho những người khách vào hàng tinh túy cao cấp nhất ở Hà Nội. Thêm nữa cũng chẳng biết bán cho ai. Ngày ấy hơn chục triệu một cành đào ở đấy là số tiền bán cả một vườn đào rộng mấy sào Bắc bộ mới có được.

Chủ vườn là một ông lão đã ngoài tám mươi tuổi có thêm anh con trai trạc năm mươi giúp sức. Ông lão chỉ còn có thể đi lại chậm chạp trong vườn hướng dẫn cho anh con trai cách uốn nắn từng cành. Chặt bớt nhánh và gây vết thương cho chảy nhựa sần sùi ở những nơi cần thiết. Khu vườn nằm kề sóng nước Hồ Tây mênh mang gió. Chẳng biết vô tình hay cố ý, những cành đào của ông lão thường được uốn theo thế “Bạt phong” trông rất quắc thước dãi dầu cứng cỏi. Những đóa hoa như sương khói hòa vào gió hồ chẳng còn ranh giới. Là gió hay là hoa?

Hoa đào ta cánh đơn màu hồng nhạt khỏe khoắn như đào rừng. Nó chính là đào rừng người ta trồng để lấy thân ghép bích đào. Nó là cây chủ để có thể ghép rất nhiều bích đào bán ở chợ hàng năm. Chính vì thế chăm sóc nó chỉ để cắt lấy vài cành là một việc làm hết sức xa xỉ không phải ai cũng hiểu được giá trị. Khách mua những cành đào ấy phải là người có tiền, dĩ nhiên thế. Người có tiền ở Hà Nội không thiếu. Nhưng để thưởng thức được vẻ đẹp của nó thì tiền là chưa đủ. Cần phải có một con mắt thẩm mỹ hơn người và một tâm hồn thanh sạch sâu lắng của người thành phố lâu đời. Đã có những khách hàng không đủ tiền mua đào về chơi nhưng năm nào cũng ghé thăm khu vườn có một không hai ấy.

Từ ngày ông lão mất đi, những khách hàng quen vẫn thường quay lại vườn đào ấy để rồi ra về tay không. Vườn đào xác xơ vẫn còn đấy nhưng không có một cành nào ra hồn. Họ bâng khuâng đứng bên hồ lắng nghe trong gió những cánh đào xưa cũ vẫn ẩn hiện đâu đó rất gần. Chỉ thế thôi cũng là...

 

Chia sẻ trên Facebook