CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

ĂN TẾT ĐỒNG RỪNG

Thứ tư ngày 6 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Ngày Mão đầu xuân, người bạn chợ rủ tôi đi chơi miền núi. Những mong thoát ra khỏi thành phố từ dịp áp Tết nhưng cứ phải nấn ná cỗ bàn cúng bái tổ tiên nên chưa thể. Tết thành phố bây giờ khá buồn. Giao lưu gặp gỡ nhau vào ngày Tết là điều dân phố vài năm nay không còn hào hứng nữa. Gặp gỡ nhau cả năm rồi còn gì. Tết chỉ dành cho gia đình, cho riêng mình. Cho một chút vắng lặng êm đềm tâm tưởng sau một năm ồn ã lo toan.

Những người bạn lên miền núi có việc của họ. Đền Mẫu Thượng Ngàn trên Đông Cuông-Yên Bái là đích đến. Họ đi lễ đều đặn trên ấy đã nhiều năm và tin rằng tài lộc của mình đều là được ban phát từ cửa Mẫu. Tôi cảm thấy thiệt thòi vì mình không có được niềm tin ấy. Chỉ là theo chân họ đi. Cũng chẳng mong muốn bổng lộc gì.

Xe khởi hành từ tám giờ sáng ở điểm hẹn bên hồ Trúc Bạch. Hơn ba mươi người cả đàn ông đàn bà xếp lễ vật hành lý lên chiếc xe ca 45 chỗ cũng là vừa đủ. Vàng mã, hương hoa, tiền lẻ. Lợn sữa quay cả con đóng thùng các tông chèn xốp ngay ngắn. Cá khô rán đựng trong hộp nhựa. Đó là những đồ lễ. Xôi trắng, bánh mì, giò chả, cháo hộp ăn liền, cà phê pha sẵn đóng chai đủ cho mọi người trong hành trình không nghỉ. Tôi hình như đang được sống lại không khí của những cuộc cắm trại xa nhà thời học sinh phổ thông gần nửa thế kỷ trước. Cả lớp góp tiền mua sắm vật dụng đồ ăn thức uống đạp xe lên chùa Trăm Gian. Căng lều bằng chăn vải trên đồi thông cạnh gác chuông. Xin nước giếng chùa nấu ăn. Đốt quả thông xua muỗi khi đêm về. Thế mà cũng sống ở đấy được ba ngày.

Nghỉ chân một giờ ở gần thị xã Yên Bái. Bánh mì, xôi trắng và nước khoáng Lavie giữa tiết xuân mưa bụi núi rừng. Những cánh hoa lang thang vương móc trắng trải mềm lưng đèo. Thấp thoáng vài bông chuối rừng đỏ rực thung lũng xanh. Những ngọn núi lơ mơ tím ẩn mình trong mây xám. Hồn vía như thoát tục bay lên. Mới hình dung ra rất rõ cái không gian đậm đặc tù túng thị thành đóng hộp.

Hơn năm mươi cây số từ thị xã Yên Bái lên đền Đông Cuông đường khá xấu. Chiếc xe oằn mình đánh võng tránh ổ gà. Người trong xe nghiêng ngả theo nhịp như dàn đồng ca trên sân khấu mậu dịch ngày nào. Nhưng tuyệt không có một tiếng kêu ca. Thế mới biết đức tin lúc nào cũng giúp người ta vượt qua mọi trở ngại rất dễ dàng. Nếu chỉ là chuyến xe khách thông thường thì hẳn là bác tài sẽ bị nhiều ánh mắt cay nghiệt lườm nguýt.

Xe đến chân đền vào lúc tám giờ tối. Người bạn trưởng đoàn sắp xếp chỗ nghỉ trong một dãy nhà trọ cho cả đoàn. Gọi là sắp xếp mà cũng không phải là sắp xếp. Nhà trọ kê những chiếc phản gỗ dài san sát. Mọi người phải tự biết mình nên nằm cạnh ai cho phù hợp với mối quan hệ và thuần phong mĩ tục. Tuy nhiên trong dãy nhà trọ đã có vài toán khách nằm sẵn ở đấy. Những đống chăn con công sặc sỡ trùm kín đầu làm cánh đàn ông chúng tôi không dám liều dù cũng được phát một chiếc chăn tương tự. Chỉ có chiếc chăn ấy là phù hợp với hoàn cảnh trước mặt mà thôi. Đành lang thang ra mấy quán nước mở suốt đêm trước sân đền.

Ngôi đền hiện ra trong đêm tối với đèn nến lung linh huyền ảo. Tấp nập người vào ra. Giọng hát người cung văn khàn đục lưu loát những bản chầu văn theo tiếng đàn nguyệt, tiếng phách dội vào đêm tối núi rừng không ngớt. Tiếng hát hòa với dòng sông Hồng mùa cạn nước réo rắt bên ngoài cửa đền làm thành bản hòa tấu tuyệt mĩ núi rừng. Ngôi đền nghe nói đã bị tháo dỡ cất đi trong rất nhiều năm vừa được dựng lại. Qui mô to tát nhưng sơ sài với mái lá tường gạch. Nhưng những sinh hoạt trong đền có vẻ như chưa từng bị gián đoạn. Cờ phướn và lễ vật chất cao như núi. Hương thơm lay động khắp cả một vùng thâm sơn vắng lặng. Những “thanh đồng” mặt hoa da phấn uyển chuyển trong điệu múa nhập đồng mê đắm. Những điệu múa thuần Việt nguyên sơ chắc chắn không du nhập từ đâu.

Nửa đêm, phần nghi lễ chính của ngày Mão bắt đầu. Vài thanh niên lực lưỡng dắt ra một con trâu trắng non tuổi có cặp sừng hiền lành như hai búp chuối ngắn. Họ buộc chão lớn vào cổ trâu rút nó lên cành mít sân đền. Cây mít cổ thụ lớn chưa từng thấy. Hai người ôm đã chắc gì. Con trâu treo đầu lên cành mít bị xoay nhiều vòng giãy giụa bâng quơ vài chục phút được hạ xuống chọc tiết lấy ra 9 chén đặt lên mâm mang ra bờ sông làm lễ cúng. Chiêng trống nổi lên, ánh đuốc bập bùng xua tan cái rét cắt da miền sơn cước.

Nhà bếp của đền giống như một bếp ăn lớn của bộ đội. Những dụng cụ nấu nướng to lớn khác thường. Anh bạn trưởng đoàn kéo tôi vào bếp xem người ta chế biến thịt con trâu trắng. Vô cùng kinh ngạc khi cả một con trâu được nấu chỉ bằng một cái chảo gang to chưa từng thấy. Người ta xếp xuống đáy chảo toàn bộ những xương sống xương sườn con trâu trắng làm nền. Bốn cẳng chân làm lông sạch sẽ xếp vào giữa. Đổ nước xâm xấp và nêm muối hạt. Xếp những tảng thịt đỏ hồng tươi rói lên lớp tiếp theo sao cho không có chỗ nào bén chảo. Lớp trên cùng là lòng gan sẽ lấy ra trước. Cái vung nồi có một không hai chính là tấm da trâu làm sạch trắng muốt đậy vừa kín chảo thịt.

Gần trưa hôm sau, cỗ bàn được dọn ra sân cạnh đền dưới mái rạp dựng bằng những thân cây hóp lợp vải. Đám rước tượng Mẫu qua sông Hồng sang bên Ghềnh Nhai đã trở về hỉ hả với buổi rước thuận buồm xuôi gió. Chiếc bè rước tượng phủ vải điều cập bến trong tiếng chiêng trống vang lừng. Tượng Mẫu lại được rước vào bệ trong đền. Nắng dịu dàng xua đi cái lạnh sương núi ngái ngủ.

Ngoài giò chả, thịt gà là đồ lễ xin trên ban thờ, món chủ lực vẫn là thịt trâu. Những đĩa thịt hấp chín mềm thơm phức. Đĩa gầu quế loáng thoáng gân mỡ thái mỏng vuông vắn như bao diêm. Đĩa lòng gan và tiết luộc rắc rau húng bạc hà. Bát canh bí nấu bằng nước luộc không mì chính ngọt thỉu. Đặc biệt nhất là đĩa vó và da trâu chín nhừ trong veo như miếng thạch. Nếu không tận mắt nhìn có lẽ không ai dám tưởng tượng ra một lúc nào đó lại có thể ăn được cả một thứ vật liệu để làm mặt trống và giày dép này. Anh bạn trưởng đoàn đùa, mỗi người ăn đủ một đôi giày của mình thôi nhé!

Rượu men lá uống tràn cung mây. Ngây ngây say dáng núi. Trước khi đứng dậy, mỗi người húp lưng bát canh trâu. Thần trí lại lập tức trở về thanh thản như chưa hề uống rượu. Nhìn rõ con đường và say đắm núi non.

Tết đồng rừng ấy của tôi vậy mà đã qua hơn một con giáp rồi. Chẳng biết bao giờ mới có dịp quay trở lại. Và cũng không biết khi trở lại thì những bữa cỗ đồng rừng ấy có còn nguyên xa xăm bài bản?

Đ.P - Tháng 12-2012 


Ảnh tư liệu: Đền Đông Cuông 

 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook