CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

MÙA MƯA KHÔNG HẸN

Chủ nhật ngày 3 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Tháng chín, con gái gọi điện cho công ty du lịch lữ hành hỏi thủ tục sang Campuchia. Nhân viên trực ở đấy cho biết việc đó quá dễ. Nếu có nhu cầu họ sẽ cho người đến tận nhà tư vấn ký hợp đồng. Thông tin duy nhất khách hàng cần biết là giá tour 500USD/ 4 ngày 3 đêm cho một người. Và việc còn lại chỉ là chờ ngày lên đường. Câu chuyện qua điện thoại của con gái làm tôi nhớ quá những ngày mưa tháng chín năm 1989...

Chuyến tàu Thống nhất phải đi mất ba ngày ba đêm mới vào đến ga Sài Gòn. Thành phố không lạ nhưng cũng chẳng quen. Họa sĩ Đỗ Dũng và tôi xuống tàu vào lúc sáng sớm một ngày trung tuần tháng Tám. Cơn mưa chiều hôm qua vẫn còn phảng phất hơi ẩm nhưng nắng đã hừng hực xuyên qua những tán lá xanh trên đường phố Sài Gòn. Bữa sáng đơn giản chỉ là một ổ bánh mì kẹp giò trong quán cà phê vỉa hè nhưng kéo dài đến hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng là để tranh thủ thư giãn sau mấy ngày vạ vật chen chúc trên tàu hỏa lẫn lộn với hàng hóa. Chữ “khách hàng” hình như có đến vài cách hiểu. Cách thứ nhất là người mua dịch vụ vận chuyển hành khách. Dĩ nhiên thế. Nhưng phải trực tiếp ngồi lên tàu mới có cách hiểu thứ hai. Vừa là “khách”, vừa là “hàng”. Nghĩ cho cùng thì mình cũng chỉ là hàng hóa của ngành giao thông vận tải mà thôi.

Buổi trưa, hai thằng tìm đường vào trạm đón tiếp của bộ tư lệnh chiến trường K nằm sâu trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà văn Nguyễn Chí Trung, một ông già khắc khổ chậm chạp đón chúng tôi ở đấy. Nghe nói ông giữ một chức vụ gì đó khá quan trọng. Nhưng hình ảnh ông và căn phòng tiếp khách của ông trong binh trạm lại hầu như không nói lên điều đó. Trong bộ quân phục bạc màu nhăn nheo, ông ngồi bên chiếc bàn cơ quan chậm rãi đón chúng tôi bằng một nụ cười có phần gắng gỏi như đang cố nén cơn đau từ những vết thương trên hai bàn tay co rúm. Khách Hà Nội vào đã thấy ngồi sẵn ở đấy vài nghệ sĩ nổi tiếng. Nhạc sĩ Thuận Yến, họa sĩ Kim Bạch, nhà thơ Đỗ Trung Lai. So với họ thì họa sĩ Đỗ Dũng và tôi dĩ nhiên nằm ở vị trí khá thấp bé. Đã thế, bảo bối duy nhất chúng tôi mang theo người chỉ là hai mảnh giấy giới thiệu bằng bàn tay in trên giấy đen sì của Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Một thứ giấy tờ mà bây giờ nếu đưa ra cho mọi bảo vệ trên đời xem thì khó có cơ hội được quan tâm. Rất may, nữ họa sĩ Kim Bạch là đồng nghiệp có đôi lời giới thiệu chúng tôi với những người có mặt. Vì thế cũng không gặp khó khăn nào trong việc tiếp xúc. Dù sao thì chị Kim Bạch lúc ấy còn khá trẻ so với Thuận Yến và Nguyễn Chí Trung. Cũng rất đương nhiên, chị là hoa hậu của đoàn.

Chiếc xe gaz 69 còn khá mới đón chúng tôi vào sáng ngày hôm sau ở binh trạm. Nhà văn Nguyễn Chí Trung dặn dò người lính lái xe rất kỹ càng trước lúc lên đường, nhớ đi đứng cẩn thận, toàn là những văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước đấy! Người lính mỉm cười, thủ trưởng yên tâm!



Xe nhằm hướng cửa khẩu Mộc Bài-Tây Ninh chuyển bánh. Người lái xe dù đã “quán triệt” lời căn dặn của thủ trưởng nhưng tác phong tài xế chiến trường của anh không vì thế mà suy chuyển. Chị Kim Bạch say xe. Nhạc sĩ Thuận Yến lơ mơ hỏi cái mùi chua chua ung ủng tạt vào khi xe sắp đến Tây Ninh là mùi gì? Cậu lái xe chắc chắn đã nghe đến thuộc lòng bài hát “Đi trong hương tràm” bật cười, đó chính là mùi hương hoa tràm trong bài hát của thủ trưởng đấy! Thuận Yến lơ mơ gật gù, tớ phổ thơ Hoài Vũ chứ cũng chưa biết hương tràm ra sao, thơ thì chỉ nói hương tràm dùng để “nhớ em” mà thôi! 

Qua cửa khẩu Mộc Bài trong đoàn xe ưu tiên với những thủ tục rất nhanh gọn, gần trưa, chúng tôi đến bờ sông Mekong. Lần đầu tiên có khái niệm về một con sông hùng tráng. Bờ bên kia chỉ là một vạch xanh mờ nhỏ tít tắp. Sóng vỗ cao ngang đầu gối. Chúng tôi không còn thuộc diện ưu tiên khi đứng chờ phà trên bến sông. Có vẻ như tất cả những xe cộ ở đây đều cùng hạng ưu tiên cả rồi. Mất bốn giờ đồng hồ chờ đợi mới sang được bờ bên kia. Quãng thời gian ấy bây giờ đủ cho xe chạy lên tận Angkor - Siem Reap.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung quyết định điều động một máy bay lên thẳng đưa chúng tôi từ Phnompenh xuống thành phố cảng Kongpong Som. Nhạc sĩ Thuận Yến và họa sĩ Kim Bạch được đưa đi hướng khác. Đoàn chỉ còn lại ba người, họa sĩ Đỗ Dũng, nhà thơ Đỗ Trung Lai và tôi. Chuyến “chuyên cơ” vào hạng lãnh tụ nếu chỉ nhìn vào số lượng hành khách còn ít hơn nhân viên hàng không. Nhưng máy bay lên thẳng từ thời chiến tranh chống Mỹ còn lại chỉ như một chiếc “công nông” bay trên trời. Không có cánh cửa, sàn máy bay trải chiếc chiếu đơn lấm láp. Hành khách luồn cổ tay vào vòng dây đai trên đầu như xe buýt. Phi hành đoàn mặc áo lính tay cầm mỏ-lết lấm lem dầu mỡ đi lòng vòng xem xét quanh máy bay mấy lượt rồi cất cánh. Qua những cánh rừng rậm vẫn thấy tiếng súng AK của tàn quân Polpot bắn lên thảng thốt. Máy bay thốc ngược lên trời.

Chúng tôi đi chứng kiến việc rút quân khỏi Campuchia. Ghi chép và sáng tác. Nhiệm vụ chỉ có thế. Dĩ nhiên là văn học nghệ thuật lúc ấy chỉ có một phương pháp sáng tác duy nhất “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Nhưng với hội họa có vẻ như còn ít chọn lựa hơn nữa. Chỉ có một cách duy nhất là phải đến tận thực địa. Chúng tôi được đưa về Bộ chỉ huy hải quân vùng 5 đóng trên một khu đồi rộng lớn với đường xá doanh trại xây dựng khá hiện đại. So với Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngày trước của tôi ở Phú Bình-Thái Nguyên còn khang trang hơn rất nhiều. Những con đường nhựa uốn lượn êm ái quanh những khu nhà lợp ngói hai tầng quét sơn màu ghi xanh. Vườn cây cảnh nở hoa như ở khu nghỉ mát. Những sĩ quan và binh lính rạng ngời gương mặt nói cười thân thiện. Chỉ còn ít hôm nữa thôi là họ được trở về sau mười năm xa quê. Niềm vui ngập tràn những ánh mắt. Niềm vui có thể thấy được cả trên những gương mặt dân bản xứ của thành phố cảng Kongpong Som.

Phải mất mấy ngày ở trong doanh trại Bộ tư lệnh vùng 5. Ăn cơm trung táo. Ở cùng phòng với mấy sĩ quan tàu ngầm học ở Nga về. Họ kiệm lời. Uống rượu điềm tĩnh đến độ và kể chuyện. Những câu chuyện vô cùng cảm động về những đồng đội. Người còn sống. Người đã hy sinh. Có lẽ phải đến tận giờ phút này sau mười năm họ mới có thời gian tĩnh lặng để mà hồi tưởng.



Campuchia mùa mưa, những con đường vắng lõng bõng nước chạy ngoằn ngoèo trong rừng thưa cỏ voi cao quá đầu người. Rừng đồng bằng. Không một dấu vết canh tác. Chỉ thỉnh thoảng thấy một đàn bò lông vàng bạc thếch không có người chăn dắt lững thững ven những bìa rừng trú mưa. Chúng tôi được phát mỗi người một khẩu AK báng gấp ngồi xe mui trần xuống căn cứ Rem. Người chỉ huy dặn rằng các anh nếu thấy súng nổ thì cứ lăn khỏi xe nằm xuống và bắn. Vùng này thỉnh thoảng vẫn có những đám tàn quân Polpot nhỏ lẻ phục kích rất nguy hiểm. Nhưng chuyến đi an toàn. Sau hơn hai tiếng luồn rừng, chúng tôi xuống đến căn cứ của bộ đội nằm trên một khoảnh rừng thưa sát bờ biển. 

Bộ đội tình nguyện Việt Nam hầu như đã bàn giao toàn bộ căn cứ cho bạn. Họ đang tổ chức những bữa tiệc chia tay. Chúng tôi cũng gấp rút vào việc. Khoảnh khắc này chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ trước khi trời tối. Cố gắng dùng bút chì và màu nước ghi lại những nét đặc trưng nhất của vùng đất, con người.

 

Chính tại nơi đây một người anh họ của tôi là đặc công nước đã hy sinh khi đổ bộ lên căn cứ. Trung đoàn của anh lọt vào ổ phục kích khi vừa rời khỏi tàu đổ bộ thì sa vào bãi lầy cách nơi dự tính đến vài trăm mét. Họ đã chiến đấu hết sức dũng cảm cho đến người cuối cùng. Tôi được nghe câu chuyện ấy khi một sĩ quan liên lạc của căn cứ ngồi xem chúng tôi vẽ. Anh rưng rưng kể lại không giấu được xúc động, còn rất nhiều liệt sĩ nằm lại trên bãi lầy không thể tìm thấy xác! Tôi biết. Chắc chắn trong số ấy có người anh họ của tôi hy sinh vào năm 1979.

Không còn nhiều thời gian và có quá nhiều thứ phải ghi chép, tôi đành lòng lấy chiếc máy ảnh Zenit chụp phim đen trắng ra bấm lia lịa cho đến lúc trời tối mịt. Về sau mới biết số phim ấy chụp hỏng quá nửa. Rất đúng với trình độ nhiếp ảnh của tôi khi còn ở nhà.

Bữa liên hoan chiều thịnh soạn với những món hỗn hợp Campuchia và Việt Nam được nấu nướng rất kỹ lưỡng và bày biện đẹp đẽ trong doanh trại. Bộ đội Campuchia còn kiếm ở đâu đó những chai rượu White Horse mà ngay đến cả Hà Nội lúc ấy cũng hiếm khi nhìn thấy. Nhưng những người lính của cả hai bên hầu như ăn uống rất ít. Hình như có một cái gì đó không thể nói thành lời. Chỉ vài giờ nữa thôi, chúng tôi cùng với những người lính hải quân vùng 5 sẽ xuống tàu trở về đại bản doanh trên đảo Phú Quốc...  

Cứ định bụng hẹn với mùa mưa Campuchia một lần nữa. Vậy mà đã gần một phần tư thế kỷ đi qua.

Đ.P

 Tranh: Đỗ Phấn

Chia sẻ trên Facebook