Nhà văn Đặng Thân: ROBOT "THẾ THÁI": Tên robot "hủ nho" này đã than thở ra những bài sau: "Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, "Đêm lập xuân", "Cái miệng bất tử", "Sống hồn nhiên". "Ghi ở Vạn Lý Trường Thành" có vẻ không cần phải đưa ra cái gì mới với những: Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng/nhòe mắt cát/thở đầy ngực cát...và: Đây là đinh trời/hay đáy vực sâu/chỉ thấy trên lừng lằn roi bỏng rát Thế nhưng quý vị hãy đọc đi sẽ thấy những ý tứ "thế thái" mới, không đùa.
Nhà văn Văn Chinh: “Mai Văn Phấn hiện đại mà không có đồng minh hiện đại, chút cổ điển tinh tế chỉ còn sót lại ở nhạc cảm toàn bài cũng bị thói đọc thơ cổ điển lướt qua mất; ông đành âm thầm đơn độc nhưng bạo liệt với khát vọng cách tân mình. Đọc Mai Văn Phấn tốt nhất là không nên tìm ý, đó là các tập mờ, tâm thái ta thế nào, ký ức ta thế nào, thơ Mai Văn Phấn sẽ chia sẻ với ta thế ấy. Nó có năng lực biến đổi, làm bất yên những hằng thường vô vị và là chỗ cho ý thức thẩm mỹ bám níu. Có bài đã đạt đến khí, như Ghi ở Vạn lý Trường Thành đọc xong lạnh đến gai người mà không rõ vì đâu…”
Ghi ở Vạn lý Trường Thành
Mai Văn Phấn
Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng
nhòe mắt cát
thở đầy ngực cát
Vạn lý Trường Thành còn xây dở?
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ
đánh hộc máu mồm
Khâm thử!
Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì
tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ
Mái Phong hỏa đài* màu huyết dụ
hình thanh long đao dính máu đang kề cổ
Còng lưng đẩy nắng đi
Chồn chân đẩy gió đi
Miễn sao gần được bông hoa
đang mởn mơ trong gió lớn.
Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....
Bỉ chức/ thảo dân/ em…
sẽ làm trọn bổn phận
Đây là đỉnh trời
hay đáy vực sâu
chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát
Mồ hôi du khách trên đá xám
nở thành hoa phù dung.
* Phong hỏa đài: Điếm canh trên Vạn lý Trường Thành.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Thời gian trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây tôi lại nhận ra rằng, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ. Và, bài thơ “Ghi ở Vạn lý trường thành” của Mai Văn Phấn là một trong những bài thơ hay khi nó mang trong mình một dạng thức mới của ngôn ngữ thơ…/ Trong số những nhà thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý phải kể tới Mai Văn Phấn. Theo tôi, anh đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn - ngữ - thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Đôi khi anh cố định thơ vào một hướng chủ đề, một chủ đề mơ hồ như một tinh vân ý tưởng chứ chưa thành đường nét, nó gợi nghĩ chứ không phải là ý nghĩ đã thành hình (Ghi ở Vạn lý trường thành)”
Nhà thơ Vĩnh Phúc: “Đây là một cách cảm nhận cũng là một cách thế sống với những nghịch lý. Mai Văn Phấn cười đau cái lệnh Hoàng thượng loa truyền đến hôm nay: Vạn lý Trường Thành còn xây dở? / Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ/ Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ / đánh hộc máu mồm/ Khâm thử!”