Những thông tin về đồng tiền trong một số đoạn của tác phẩm đã cho phép các nhà nghiên cứu có một cái nhìn bao quát về tình hình tài chính của nửa đầu thế kỷ XIX.
Trên phương diện tiền tệ, trong tác phẩm xuất hiện hầu hết toàn bộ các đồng tiền của thời đại: từ đồng một centime Dupré đến đồng vàng 20 francs đều được đưa vào trong những hoàn cảnh cụ thể, cực kỳ chính xác là một phát hiện hết sức thú vị cho những người nghiên cứu.
Những người khốn khổ cho ta thấy tuy con người luôn phải thích ứng với sự phát triển của tiền tệ nhưng thói quen của quá khứ làm cho quá trình thích ứng trở nên chậm trễ. Cách gọi tên của các đồng tiền không còn được sử dụng sau cách mạng Pháp để chỉ những đồng tiền mới trong tác phẩm phản ảnh sự khó khăn này.
"Le sou": đồng tiền xu là một từ luôn được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm. Đây là từ duy nhất đồng nghĩa với sự khốn cùng. Khi nhìn thấy Jean Valjean, mụ Thénardier lăng mạ : "Thằng cha nào đây mà một xu húp cháo cũng không?". "Một bà đã dạy cho Fantine cách sống trong cảnh khốn khó: "ta không thể thấy hết những gì mà mấy kẻ cùng kiệt biết rút ra từ một đồng xu." Những người nghèo không có một đồng xu. Đồng xu là vật bố thí tối thiểu nhất, là phương thuốc để cứu một cái chết trước mắt: Jean Valjean chào Jarvert đóng giả ăn mày và đưa cho hắn một xu.
Trên thực tế, đa số đồng "xu" được nhắc đến đã không còn được sử dụng thời đó. Hệ thống "tiền lẻ" xuất hiện sau cách mạng Pháp đã thay thế xu bằng đồng năm centimes, nặng 10 gam, được phát hành 140 triệu bản từ năm 1796 đến năm 1801. Cho tới đồng năm centimes của Napoléon III năm 1852, không có một đồng tiền xu nào khác. Đồng xu mà Victor Hugo nói tới ở đây là đồng năm centimes, được lưu hành tới năm 1956, ngày nay chúng ta chỉ tìm thấy được những đồng trong hiện trạng dập nát.
Cũng vậy, đồng hai mươi xu trong tác phẩm là đồng một franc. Khi mụ Thénardier thấy Cosette bị mất một đồng mười lăm xu, Jean Valjean tìm ra nó dưới gầm bàn và chìa đồng tiền bạc cho Thénardier, mụ nói không phải nó vì đây là một đồng hai mươi xu.
Đồng tiền của cậu bé xứ Savoie mà Jean Valjean đã dẫm giày lên được gọi là đồng bốn mươi xu. Theo các nhà nghiên cứu, không hề có đồng tiền nào là bốn mươi xu lúc đó mà là một đồng hai francs bằng bạc. Đồng một trăm xu được nhắc tới là một đồng năm francs. Lão Thénardier nói với vợ: Chả lẽ cô sẽ tiêu hết một trăm xu?
Đồng bốn mươi xu chính là đồng hai francs.
"Xu" được hiểu là đơn vị chi tiêu thông dụng nhất trong đời sống hàng ngày của những người khốn khổ: từ đồng một xu (năm centimes) đến đồng một trăm xu (năm francs). Giá trị hơn đồng xu là đồng tiền livre và đồng tiền franc.
Giá trị của đồng tiền và các vật dụng trong những năm 1820-1832 qua tác phẩm Những người khốn khổ:
Dưới thời Charles X và Louis Philippe, người ta có thể mua được gì với đồng năm centimes, một franc, hai francs, năm francs, hai mươi francs...?
Chàng Marius, dịch sách để kiếm sống: Với sự cần mẫn, nghị lực, kiên trì, và ý chí sắt đá, chàng có thể kiếm khoảng bảy trăm francs một năm từ công việc của mình. Chàng sống không đến nỗi nào. Chàng ở trong một phòng lụp xụp với giá ba mươi francs một năm. Chàng chi trả ba francs mỗi tháng cho người ở trọ chính để bà đến quét dọn và sáng sáng mang đến cho chàng một chút nước nóng, một quả trứng tươi và một ổ bánh mì một xu dùng làm bữa ăn trưa của chàng. Bữa trưa của chàng tốn khoảng từ hai đến bốn xu tùy theo giá đắt rẻ của trứng mỗi ngày. Vào 6 giờ chiều chàng đi ăn tại tiệm Rousseau, đường St-Jacques, một đĩa thịt sáu xu, nửa đĩa rau ba xu và một món tráng miệng ba xu. Thêm ba xu nữa thì được ăn bánh mì tùy thích. Một xu cho cậu bồi. Người đàn bà đứng két cười với chàng. Với mười sáu xu, chàng được một nụ cười và một bữa ăn tối. Việc ăn uống chiếm khoảng hai mươi xu một ngày, là ba trăm sáu lăm francs một năm. Với bốn trăm năm mươi francs, Marius được ăn, ở, phục dịch. Quần áo của chàng mất khoảng một trăm francs, khăn ga giường năm mươi francs, giặt giũ hết năm mươi francs nữa. Tất cả không mất quá sáu trăm năm mươi francs. Chàng còn lại năm mươi francs. Chàng là người giàu có!!!
Như vậy là thời đó, người ta có thể sống với 60 francs một tháng, có nghĩa là 2 francs một ngày. Sáu mươi francs ngày ấy có giá trị bằng 530 euros ngày nay.(Lương tối thiểu của người lao động Pháp hiện nay là 1050 euros một tháng).
Đồng tiền bốn mươi xu (2 francs) mà Jean Valjean đã lấy cắp của cậu bé xứ Savoie có thể giúp cho cậu bé sống trong nhiều ngày. Ta thấu hiểu hơn nỗi thất vọng, đau xót của cậu bởi chỉ với hai xu là cậu có thể mua được một mẩu bánh mì.
Một người giúp việc có thể kiếm được từ 30 đến 50 francs tiền công mỗi tháng: Cô muốn thu nhập bao nhiêu một tháng?/Ba mươi francs./Cô tên là gì?/Olympie./Cô sẽ có năm mươi francs một tháng và cô sẽ tên là Nicolettes.
Con búp bê mà Jean Valjean đã tặng cho Cosette, món đồ chơi tuyệt vời này có giá 30 francs, là một món tiền lớn.
Người đàn bà khốn khổ Fantine đã bán mái tóc với giá 10 francs và hai chiếc răng ngọc của mình với giá 20 francs một chiếc!!!
Một vài nghiên cứu nhỏ mang cho ta cảm hứng đọc và đọc lại nhiều lần Victor Hugo. Tác phẩm của ông không chỉ là đối tượng tìm tòi của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, văn học, xã hội mà còn là đối tượng của các nhà kinh tế, tài chính và tiền cổ.
Tình trạng cũ nát của các đồng tiền đơn vị nhỏ cho ta biết chúng đã được truyền qua vô số những bàn tay cùng khổ.
Khi ngắm những đồng tiền cổ ctrong tay, người sưu tầm có một cái nhìn khác hẳn. Hình ảnh đau khổ của cậu bé xứ Savoie hiện ra khi ta thấy đồng 2 francs, ta cảm nhận niềm vui sướng tột cùng của Gavroche khi được sở hữu đồng 5 francs của thời ấy. Và chỉ với một đồng 5 francs của Louis Philippe, ta biết được một sinh viên có thể tránh được cái lạnh lẽo trong những một tháng rưỡi trời.
Phía sau đồng tiền cũ kỹ, xấu xí kia không những có giá trị lịch sử mà còn ẩn giấu bao điều thầm kín về những mảnh đời, buồn vui nước mắt... Dưới ngòi bút của tác giả, chúng đều có một linh hồn.
Tư liệu tham khảo:
- Le guide marabout des monnaies et médailles.
- Tiểu luận của Yves Bruyère tại Hội nghị tiền cổ Nice