Tôi như người vô tình đi ngang qua nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (NĐT), nghe được câu chuyện ông đang kể say sưa với ai đó, giọng lúc nghiêm trọng, lúc bỡn cợt, có khi da diết, hồi hộp. Ông kể thật cô đọng để người kia hình như cũng phải vội đi.
Những bài thơ bất kỳ gần đây của NĐT như những ngẫu hứng hiện tiền và tôi, cũng bất chợt ngỡ mình biến thành đứa trẻ chạy theo đồng tiền kẽm/ Xưa lăn ngoài ánh trăng (Xin lỗi, em yêu), hay ngồi đếm những hòn bi ăn được/ Trước căn nhà vắng lạnh (Tuổi thơ).
Đọc liền mạch một loạt bài thơ theo suốt lộ trình của NĐT, tôi bị lạc vào thế giới “con rối” đang cử động, khuynh loát mọi nhận biết và xúc cảm của mỗi người về đời sống đương thời. Từ những yếu tố không đo đếm được của tự nhiên như ánh sáng, bầu trời, đại dương, hay những vật nhỏ bé như con sâu, cái cày, cái bánh pizza, trái mìn claymore, cái mở nút chai, lọ muối… chúng đều được điều khiển theo quy luật riêng dưới bàn tay phù thủy của ông. Những “con rối” do NĐT “chế tác”, để lại từng nhịp thở gấp, cả nước mắt, dấu vân tay “đóng dấu bản quyền”. Đó là những câu thơ tối giản, như rời rạc, ngắt quãng, phục họat một thời tao loạn, chia ly, phơi bầy bao đau thương, mất mát: như quả mìn chưa nổ/ nằm chờ ta dưới đám cỏ mùa thu (Mùa thu năm 1977); là kẻ hối hận ăn năn/ Vì đã nằm suốt đêm trong bụi rậm/ Phục kích đứa em trai của mình (Sau chuyến nghỉ hè xa). Những câu thơ sau của NĐT ngỡ như ai đó cầm con dao sắc, chém mạnh, làm đứt ngang một thân cây mảnh: Trên các bức tường vôi trắng/ Máu đã lau xong (Thăm Trung Hoa); Bên bờ rào tử đinh hương/ Anh tìm được một vật/ Đã cắt đứt tình yêu chúng ta (Mặt trời lặn xuống ở Cali). Sự thật lịch sử dân tộc, số phận những kiếp người trong thơ ông luôn như Ngón tay trỏ mẹ anh vẫn giữ/ Trong tờ giấy tiền vàng gió thổi rung phần phật (Ngọn lửa); như một đứa trẻ bị thương, được giấu dưới lớp trái cây đầy lá/ Trong chiều mưa tầm tã/ Khóc thét lên khi qua trạm kiểm soát (Mưa rơi trong tình yêu); nó mãi như cái đồng hồ dưới gối/ kêu tic tac tic tac tic tac/ Suốt đêm (Nhịp đập).
Có lúc ông tự mình thoát xác, bay nhẹ nhõm trong thế giới ám thị, đuổi theo những chân trời mộng tưởng: Tôi mặc chiếc áo vào người/ Bước đi trên mặt nước xanh trong (Chiếc áo). Hay sắc bén và tỉnh táo, ông nhìn thấy dấu vết nỗi cô đơn đang biến thành con chim từ từ lượn/ Khép những vòng tròn/ Càng lúc càng hẹp lại/ Trong bóng chiều chậm rãi trôi qua? (Nếu có một ngày).
Khi đầy tự tin trong chiêm nghiệm, tiên báo: Chỉ cần biết cách im lặng/ Tất cả sẽ sụp đổ (Lặng im). Trong bài thơ Vỉa hè Sài Gòn, ông nhìn thấy một vết nứt Từ từ loang ra/ Trên ly cà phê đá, xẩy ra ngẫu nhiên với sấm sét và tia chớp ngoằn ngoèo trên trời.
Thái độ bỡn cợt, hài hước cũng thường gặp trong thơ NĐT. Ở bài Lên chùa ngày tết, ông nhìn thấy Một cô gái/ Khấn vái thì thầm/ Tới trước thùng xăm/ Xin quẻ. Hành vi Cô giấu cái thẻ đi/ Rồi rút một cái khác tạo một hiệu ứng giễu cợt bất ngờ. Câu chuyện nhà thơ gặp một người đàn ông ở Paris nghe cũng rất khôi hài, thú vị: Ghé tai anh, ông nói thầm/ Còn kiếp trước tôi là con chuột (Ở Paris). Và kết thúc, nhà thơ đã mua cho người đàn ông kia cái bánh ngọt Croissant, như giấu một nụ cười vừa thân ái vừa chua xót.
Những hình ảnh trong thơ NĐT thường hiển thị nhanh, rồi đi khỏi hoặc bất động trong bài thơ, nhường chỗ cho những hình ảnh khác tiếp diễn. Cách triển khai này của nhà thơ làm người đọc dễ liên tưởng tới nghệ thuật của sân khấu rối nước, có người biểu diễn đứng đằng sau tấm mành tre điều khiển các con rối khiến người xem không nhìn thấy họ. Các nhân vật trong vở diễn thường xuất hiện hay biến đi rất nhanh thông qua những chiếc sào, các dây điều khiển. Với hình dung ấy, ta thấy những chuyển động của các nhân vật trong thơ NĐT thường thoắt ẩn thắt hiện, hoặc thấy cái bóng phản chiếu không rõ mặt của ai đó với những động tác giật cục, đứt đoạn... Trong bài thơ Để giải thích một thói quen xấu, người đọc nhận thấy cách ông “giật dây” các nhân vật rất rõ nét. Anh dựng một túp lều tranh/ Túp lều tranh đổ sụp là kết thúc một hành động. Tiếp đến một diễn tiến khác và cũng kết thúc nhanh chóng: Anh xây một ngôi đền/ Ngôi đền đổ cái rụp. Sau những chuyển động nhanh, dứt khoát ấy, NĐT cho nhân vật “con sáo” bất ngờ xuất hiện gần cuối bài thơ. Và, khi con sáo lâm vào hoàn cảnh Nửa đêm bị mèo cắn đứt một chân đã dẫn đến một kết cục bất ngờ, khó đoán trước: Bắt chước anh/ Nó cũng chửi thề. Với ngôn ngữ tinh lọc, chính xác và bi hài, nhà thơ bật một luồng sáng chiếu rọi vào nhân vật “Anh” - xuất hiện từ đầu bài thơ, với hàng loạt hành động đứt quãng, phân rã. Tâm trạng bức bối, phản kháng quyết liệt của nhân vật “Anh” đã được nhà thơ bình tĩnh nén chặt và bất ngờ cho nổ tung qua miệng “con sáo”. “Tiếng nổ” bất ngờ này vén lên cả tấm mành tre ở phía sau sân khấu, cho khán giả chiêm ngưỡng hết dung nhan nghệ sỹ “điều khiển”.
Đôi khi NĐT cũng tự biến mình thành một “con rối” cho những đối tượng khác “giật dây” trong “trò chơi” thú vị, quái đản của ông. Cuộc trò chuyện giữa ông và con chuột vào dịp cuối năm thật hài hước, khi cả hai đều chào: bạn sắp sửa đi xa (Giã từ). Bài thơ Dậy sớm uống trà một mình, trong buổi sáng sương mờ/ Lấy tay xoa cửa kính/ Giấc mơ đêm qua. Câu thơ Giấc mơ đêm qua bỗng không còn là hình ảnh bị động, nó chính là bề mặt của hiện thực khác, làm cho “nhân vật” của câu chuyện trở thành phần phụ đề của một câu chuyện khác, một giấc mộng trong phương chiều khác.
Nhằm dẫn dụ bạn đọc vào thế giới “con rối” đa dạng và biến ảo, NĐT thường mở đầu bài thơ như người kể chuyện cổ tích, với giọng trầm tĩnh, thủ thỉ, tạo độ căng nhất định bằng cách nêu sự việc hoặc bí ẩn, hoặc bình thường theo cách đáng nghi, để tăng sức thu hút cho câu chuyện quen thuộc như câu mào đầu ”ngày xửa ngày xưa…” trong truyện dân gian. Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất là câu đầu tiên của bài thơ Đêm ngủ trong chùa. Thủ pháp này của NĐT có vẻ trái ngược với cách viết của một số nhà thơ có khuynh hướng cách tân cùng thế hệ. Nếu gặp hoàn cảnh tương tự bài thơ trên của NĐT, tôi sẽ bỏ đi hai chữ ”đôi khi”, và bắt đầu bằng ý ”con biết mẹ nằm trong đất…” hay ”mẹ nằm trong đất…”. Cách ấy của tôi giản đơn như người định vị mũi khoan hay châm lửa cho một ngòi nổ. Nhưng NĐT đã đi lối riêng, ở đây ông như chợt nhớ, không hoàn toàn chú tâm vào việc mình đã biết, mà bị cuốn theo những hành vi đang tiếp biến. Trong bài thơ đôi lần tác giả còn lặp lại cách kể như câu mở đầu Đôi khi con biết, gợi hình dung ông đang trải nghiệm trong một hoàn cảnh khác, bị chi phối bởi những hệ lụy khác mà bạn đọc chưa thể đoán biết ngay: Đôi khi con biết không phải thế…/ Đôi khi con biết mẹ về. Thủ pháp ấy cho hay người viết đang ngập chìm trong nặng nề, bi phẫn. Tôi chợt tưởng tượng ông đang cầm cái que, hoặc vạch ngón tay xuống đất, vừa vẽ vừa đuổi theo từng ý nghĩ của mình. Diễn biến ấy được nhà thơ giấu kín, để tùy bạn đọc tưởng tượng về những gì mẹ ông đã phải hy sinh, chịu đựng qua những cơn hoạn nạn, ly tán. NĐT cũng cho bạn đọc biết được giọt nước mắt của ông đang lặng lẽ ”chảy vào trong”. Nước mắt của người đã nếm trải nhiều cay đắng của phận người, phận dân tộc mình, khi ông viết Đôi khi con biết mẹ về/ Trong chiếc chiếu hoa. Và, ông đã Thức suốt đêm đập muỗi/ Không con nào chết/ Chúng lọt hết qua kẽ tay. Hình ảnh những con muỗi lọt hết qua kẽ tay là trạng thái vô hồn, mất khả năng điều khiển hành vi của người trong cuộc. Trừ một con/ Bay về lúc nửa đêm chợt gây đột biến, xoay bài thơ sang không gian khác. Đó là không gian thuở xưa ấm áp hơi thở mẹ, mát lành bàn tay mẹ. Ngôn ngữ trong câu thơ cuối được tối giản đến mức không thể tối giản hơn. Hình ảnh “kịp lặng lẽ ” cho thấy hình dáng nhà thơ đang nép mình bất động, chăm chú nhìn con muỗi đẻ những hạt trứng vàng xuống Bể nước đầy cơn mưa cũ. Dù bị thôi miên sâu, nhưng khi tỉnh lại tôi thấy nhà thơ NĐT vẫn ở vị thế người dẫn chuyện. Ông giữ thái độ tỉnh táo đưa tôi quay về với ký ức của tôi, bằng nội lực, tài nghệ và cảm xúc mãnh liệt của mình.
Giọng nói khách quan được vang lên trong hầu hết những bài thơ ở giai đoạn gần đây của NĐT. Ba nhân vật (vầng trăng, anh trai nhà thơ và nhà thơ) trong bài thơ Hai vầng trăng, mỗi người như nói với nhau một câu chuyện súc tích, ngắn gọn nhưng đã mở ra 3 cánh cửa của 3 không gian khác biệt: Năm tuổi, ta thức dậy sớm/ Theo mẹ lên nhà ga/ Mi cũng đi theo ta/ Ra cửa/ Rồi chạy theo ta trên xe lửa/ Ôi vầng trăng lặng im. Câu “phản biện” của người anh trai hôm đó mi vẫn còn ở trong sân đã mở ra nhiều không gian và thời gian khác nhau, làm người đọc bất ngờ, phân vân không biết nên dừng lại ở không gian nào, và, điều thú vị nhất là, bằng cách khơi ra nhiều hiện thực không giống nhau về cùng một sự vật tưởng chừng quá quen thuộc (như vầng trăng), nhà thơ khiến bạn đọc phải giật mình, hụt hẫng, băn khoăn về những hiện thực khác còn ẩn giấu, rình nấp chưa bao giờ phát lộ. Bài thơ Làng quê, nhân vật “Anh” trở về khi người vợ đã chết, một vài hình ảnh được thắp lên trong đó như những ngọn đèn hạt đỗ trong đêm tối kinh hoàng những tiếng cú rúc, vết máu khô trên ngực… Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà/ Cúi đầu, lùi lại. Đến câu kết Rồi nhổ sào/ Rời bến làm cả Làng quê trôi như cỗ quan tài khổng lồ trên dòng sông đục ngầu máu và nước mắt.
Thế giới “con rối” trong thơ NĐT thường được sắp đặt ở trạng thái bất động, ngẫu nhiên, giống như đạo diễn chuẩn bị trước một số bối cảnh cho sân khấu trước vở diễn. Và, sau khi NĐT phất tay “mở màn” để những “con rối” kia khóc cười theo số phận trôi nổi, diễn tiếp những xung đột của riêng nó, đó là lúc câu kết bài thơ xuất hiện. Câu thơ kết treo dây thòng lọng, thường mở ra những biến tấu kịch tính trong thơ NĐT. Trong bài thơ Lịch sử làng tôi, người mang đàn địch, mang thau giặt, nồi đồng, bồng trẻ con, cầm cục đá…, tất cả đã sẵn sàng, nhưng máy bay không đến. Khổ kết của bài thơ Buổi chiều lại gây một kiểu bất ngờ khác của một bi kịch mang nhiều phi lý. Chuyện một người sống sót qua một tai nạn khủng khiếp. Nhưng sau đó anh đã mất trí nhớ. Người sống sót cầm trong tay/ Một sợi dây dài…/ Một đầu vắt qua cửa sổ ra ngoài. Tôi nghĩ nếu NĐT kết ở câu Kéo dài vô tận đến chân trời cũng đã mang một hiệu ứng đặc biệt, gợi mở đa chiều những liên tưởng cho bạn đọc. Nhưng ở bài thơ này, nhà thơ như vận động viên ma-ra-tông đã dư sức về đích. Câu thơ kế tiếp mới là câu kết thúc Nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác, đã làm những chi tiết trong bài thơ chỉ còn là cái cớ để bạn đọc chuyển nội dung sang hệ quy chiếu khác, trường ngữ nghĩa khác.
Những cái kết bất ngờ đã tạo nên sự độc đáo trong thơ NĐT, nhưng đôi lúc cũng biểu lộ những hạn chế, nếu đặt những bài thơ viết cùng một giai đoạn bên cạnh nhau, bởi chúng có dáng dấp quen thuộc trong cách về đích. Những bài như vậy không nhiều, nên chắc nhà thơ NĐT sẽ lưu tâm chọn bài khi in tập sau này.
Bất ngờ nối bất ngờ, tôi cũng đang thành “con rối” trong thế giới thơ NĐT, bởi như có ai đó đang điều khiển, mê dụ mình. Tôi nhìn thấy trong thơ NĐT khói hương chùa chiền vẽ hình những mặt người, hình đồ vật, vẽ những con rệp sống qua hàng thế kỷ, những con bướm tìm gì/ trong bụi rậm đầy gai (Trong bụi gai). Tất cả chúng đều mang hơi thở NĐT, phả hơi ấm vào tôi để cùng nhau chuyển động. Trong heo may se lạnh của sương sớm cuối thu, tôi đứng lên khỏi bàn làm việc, chân chập chững đặt lên mặt đất ngỡ đâu còn quen thuộc, tay cử động giật cục theo văng vẳng bên tai mình giọng đọc của nhà thơ. NĐT như một diễn viên đang lồng tiếng, lúc nghiêm trọng, da diết, lúc bỡn cợt…
M.V.P - Hải Phòng, 6/11/2012
*Ảnh: Nguyễn Đình Toán - Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (phải) cùng tác giả bài viết.