Tôi nhớ cách đây 20 năm trước khi sang Pháp tôi cũng từng đi học lái xe ở gần sân bay Tân Sơn nhất. Ngày ấy ít người học nên dễ dàng lắm. Tôi nộp một chỉ vàng thì phải. Cũng học cả 15 giờ. Nhưng do tôi hậu đậu quá, tiếng Sài gòn chưa thông thạo, cứ mỗi lần thầy hét « thắng » tôi lại hốt hoảng nghe ra là « phóng », vội nhắm mắt đạp chân nhấn ga thêm nữa cho tới khi xe đâm sầm vào đá. Tôi học có 15 giờ mà trường phải mang xe ra sửa hai lần. Các thầy bàn nhau bảo tôi nộp thêm chỉ nữa rồi cho tôi đậu phứt cho rồi. Đi thi lý thuyết thì được thầy phát cho tờ giấy có mấy cái lỗ tròn, thấy lỗ ở đâu thì đánh dấu nhân vào đấy. Thế là có bằng, chẳng phải thi lái liếc gì cả.
Sang đây, thời gian đầu ở Paris, muốn đi đâu thì chỉ vài bước đã chui tọt được vào cái tàu điện ngầm. Cái xe quả không cần thiết. Mà chẳng dại gì lái xe trong Paris, tình trạng tắc đường mệt mỏi như thế thì vừa tốn xăng vừa mất thì giờ. Ở bên đây nuôi cái xe chẳng khác gì nuôi một đứa trẻ. Ngoài tiền bảo hiểm, cứ hai năm lại phải đi kiểm tra xe một lần (không biết ở nhà có vậy không ?). Ngoài ra phải thuê thêm cái chỗ đậu xe vì trong Paris đất đai khan hiếm, mấy nhà có chỗ đậu riêng của mình. Rồi tôi chuyển về ngoại ô Paris. Từ nhà ra đến ga khoảng 5 cây. Muốn đi xe bus thì cũng phải đi bộ xuyên rừng chán chê mới ra tới bến. Một ngày đi làm mất hai tiếng đi, hai tiếng về, vị chi là 4 tiếng cho việc đi lại. Nếu có cái xe đi ra ga thì cũng tiết kiệm được cả tiếng đồng hồ. Việc có bằng lái xe trở nên cấp thiết.
Tôi muốn đi đổi cái bằng Việt nam của mình để có quyền lái xe tại Pháp. Người ta nói bằng sau giải phóng không được chấp nhận!!! Cũng thật may cho tôi. Nếu họ chấp nhận thì có lẽ bây giờ tôi cũng chẳng còn ngồi đây để mà kể chuyện nữa.
Tỉ lệ chết vì tai nạn giao thông ở Pháp đang bị báo động nên việc cấp bằng ngày càng hạn chế. Điều lệ thi cử cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Lúc trước khi thi chỉ cần lái 10 phút. Sau đổi lại 25 phút và có thêm 10 phút hỏi về máy móc xe. Trước đây thì cũng có tệ nạn nhiều trường nhận tiền rồi bố trí cho học sinh thi hộ, khoảng 7000 euros là có cái bằng. Nhưng rồi họ bị phát hiện, không thiếu người bị tù. Vả lại tôi tự thấy làm cái trò đó chỉ thiệt cho mình vì ở đây xe họ phóng tốc độ chóng mặt như thế, chóng chầy rồi cũng mang vạ vào thân. Tôi quyết định đi học đàng hoàng.
Một chương trình trọn gói tối thiểu là 1300 euros: đến trường học lý thuyết tùy thích qua vidéo cho tới khi thi đỗ lý thuyết mới được bắt đầu cho 20 giờ lái. Gần 40 tuổi mà đi học lái thì đã là quá tuổi, phản xạ chậm chạp nên thầy bắt phải lấy thêm 10 giờ nữa cho nó chắc: 40 euros một giờ. 40 euros ở đây nếu đi chợ Tây thì chỉ mua được sữa, nước và vài đồ ăn vặt cho trẻ con. Nhưng đi chợ Tàu Tang Frères thì cũng được cả xe đủ rau, đủ thịt cho cả tuần.
Trong tuần phải đi làm, tôi chỉ có thể học vào ngày thứ 7. Ba mươi giờ lái cũng chiếm mất sáu tháng trời. Ai bảo người Pháp lịch sự cơ chứ, cứ xem cái cách người ta lồng lộn trên xe như con hổ, mắng chửi mình là ngu đần, dốt nát, có mắt để đâu, rồi chửi bậy ầm ầm thì biết. Có thầy còn hết lần này đến lần khác đánh bôm bốp vào tay mình để giật tay lái đi theo ý họ. Gớm, đi học lái xe mà về mu bàn tay đỏ tím lại cứ như đi đánh võ. 6 tháng hết, thầy nói tôi chưa đủ trình độ, đóng tiền học thêm 10 giờ nữa may ra... Tôi nghe lời thầy. Hết 10 giờ nữa thầy vẫn bảo thật khổ, sao có trò gì mà chậm đến thế, không đủ tự tin, thêm 5 giờ nữa nhé. Thầy mà nói là đúng rồi. Thôi thì 5 giờ nữa cũng ráng cho chắc ăn.
Rồi tôi cũng được đi thi...
Lần 1: Khi đi thi có ông thầy dạy lái của trường ngồi sau và một ông thanh tra được cử từ trên bộ xuống. Ông thanh tra là người chấm còn thầy chỉ đi theo mà không được quyền tham gia gì. Bình thường là kết quả có ngay, nhưng từ khi thanh tra bị các thí sinh thi trượt tấn công nhiều quá nên họ chỉ gửi kết quả bằng bưu điện.
Tôi vốn luôn may mắn trong việc đi thi. Lúc thi tuy tay chân bủn rủn vì lo sợ, trán vã mồ hôi, nhưng tôi rất tin vào vận mệnh của mình. Bình thường người ta thi có một thanh tra, hôm tôi thi có hai thanh tra vì có thêm một ông thực tập. Họ tốt bụng hiền hòa lắm. Tôi lấy lại được tự tin và lái rất ngon lành. Trong phần thi có đoạn phải ra sa lộ và phóng hết tốc độ cho phép (90 km/h). Không thành vấn đề. Xe tôi bò ra sa lộ rồi rời sa lộ đều tuyệt cả.
Rồi đến phần đậu xe, một kiểu đi lùi xe để nó nằm song song với hai cái xe bên cạnh, một kiểu chui vào nằm dọc thẳng hàng giữa hai xe một trước, một sau (tôi vốn dĩ sợ phần này), nhưng chẳng hiểu sao cũng làm được. Hai thanh tra thích lắm. Câu hỏi thì có phần thay bánh xe như thế nào. Ôi giào, học cả chục trang triết mà còn thuộc nữa là cái bánh xe, tôi cũng trôi chảy lắm. Họ bảo tôi lái xe về. Xe tôi chạy theo một con đường nhỏ để về, đường nhỏ đến nỗi chỉ đủ cho hai xe chạy ngược chiều nhau. Giữa hai xe là một đường kẻ trắng liền liên tục (cấm vượt). Trước mũi xe tôi bỗng có anh chàng đang thong thả đạp xe đi dạo. Ấy, tôi không bị lừa đâu nhé! Ở giữa là đường cấm vượt, vậy thì tôi cũng thong thả đi theo anh ta tới lúc nào tôi thấy gạch kẻ trắng rời ra, là hết cấm vượt thì thôi chứ. Đường cong cong nên tôi cũng không biết bao giờ nó mới hết nhưng tôi cứ đi theo. Sau lưng tôi có cả chục cái xe, họ cũng đi theo tôi, xe có biển của trường học lái xe lại có đông người trên xe tức là đang thi lái nên họ cũng thông cảm, đi theo tôi. Nhưng cái đường nhỏ ấy sao mà dài thế, các xe sau bắt đầu sốt ruột, được dăm bảy phút thì họ bắt đầu bấm còi, và có xe quyết định vượt, rồi những xe khác cũng vượt theo. Tôi do dự, nhưng vẫn không muốn phạm luật, vẫn theo người đi xe đạp tới khi anh ta dẹp đường cho tôi mới dám qua.
Tôi trượt. Vì "do dự".
Đóng thêm 100 euros nữa để nộp lệ phí lần thi thứ hai và vì phải chờ những 6 tháng sau mới có chỗ thi, tôi đóng thêm tiền cho 10 giờ nữa.
Lần 2: Tôi cẩn thận hơn nhiều lắm. Cố gắng lái nhanh vì các thí sinh trượt thường là do chậm chạp. Nhớ đến lần : « quá do dự » nên tôi cố gắng xử lý tình huống thật nhanh . Có một đoạn xe chuẩn bị tới ngã tư tới thì đèn chuyển từ xanh sang vàng. Tôi liết mắt nhìn kính hậu thấy các xe khác cũng đang lao tới, nếu tôi phanh xe đột ngột sẽ nguy hiểm. Tôi vượt đèn vàng.
Tôi trượt.
Lại thêm 6 đến 7 tháng chờ đợi và 10 giờ học lại.
Lần 3: Thanh tra của tôi lần này là người Việt. Một anh trạc tuổi tôi, vóc dáng nhỏ bé, lọt thỏm trong bộ quần áo thanh tra quá khổ. Trông anh thật hiền, xinh trai. Lòng tôi chứa chan hy vọng. Khi bắt đầu thi, anh quay lại nhìn vào mặt tôi, nói nhẹ nhàng, nghe anh nói tiếng Pháp biết anh không sinh đẻ bên này, nhưng giọng nói thật ấm áp: chị hãy yên tâm, tôi ngồi đây chỉ để bảo vệ an toàn cho chị, chứ sẽ không ăn thịt chị đâu. Trời, người đâu mà dễ thương thế. Tôi cũng cười rõ tươi, lại còn đưa tay vuốt tóc làm duyên: dạ, tôi hiểu... Rồi anh lại nhắc tôi thêm một vài khâu căn bản để tôi không vấp phải : rõ ràng là muốn giúp tôi. Những bài này chỉ khi học mới nghe chứ khi đi thi đâu có ai dạy làm gì. Tôi đủ tự tin, lái trơn tru. Đường xá vắng tanh người, tôi không gặp tình huống nào khó xử. Xe lại mới nữa, cái gì cũng nhẹ tênh, ngay cả phanh xe cũng nhẹ luôn, mới nhấn nhẹ mũi chân đã chựng xe lại rồi, thật thích. Thi xong tôi vui vẻ chào anh thanh tra, anh ấy không dám nhìn tôi, chắc thẹn.
Hai ngày sau nhận được giấy, tôi nhảy lên vì vui sướng, tay run run bóc phong bì. Ối giời ơi, lại trượt!
Trên giấy ghi: không làm chủ được phanh và còn thêm chữ brutal (cái gì đó như là thô bạo thì phải). Ôi, anh thanh tra người Việt xinh xắn của tôi!
Thôi, bỏ qua đoạn chờ đợi ngày thi mới và nộp tiền đi, cái khoản đó thì nhất định rồi.
Lần 4: Thật may cho tôi, thanh tra tới từ tỉnh Marseille, chả biết đường biết phố gì cả. To béo. Trông có vẻ dễ dãi. Cười giòn tan. Ông ta nhờ thầy dạy lái xe của tôi tự quyết định đường đi vì không thuộc đường. Ông thầy cũng chán nhìn mặt tôi lắm rồi nên cũng chỉ cho tôi toàn những đường tôi vẫn từng đi, những chỗ có bẫy tôi đều đã thuộc lòng. Đã thế ông ta lại chẳng thèm để ý tôi lái thế nào mà cứ quay ra đằng sau thao thao bất tuyệt với ông thầy tôi về đủ các thứ rượu trên đời. Lái chưa được 15 phút ông đã khoát tay bảo tốt rồi, thôi về. Tôi vòng xe về, hơi mất tập trung vì ông đang nói chuyện về một nhà hàng tàu phía bên kia đường mà ông muốn tới ăn thử. Tôi đang phân vân không biết có nên nói với ông là dở lắm, đừng tới không thì bỗng dưng ông chộp lấy tay tôi hét lên : Stop! và đạp bụp vào cái phanh phía bên chân ông ấy làm xe khựng đứng lại. Lúc này tôi mới nhận ra trước mắt tôi là cái xe cam nhông dài cả chục mét đang xếp hàng lên xe và xe tôi đang lăn bánh trên hai cái đường băng thả xuống để xúc hàng lên để chui vào mui xe. Lần này thì tôi biết trước là tôi trượt và không chờ đợi kết quả. Khi thanh tra đã đụng đến tay lái thì không còn hy vọng.
Lần 5: Chán lắm rồi, tôi về quăng hết sách vở đi. Chưa đầy 1 tháng sau trường đã gọi hỏi tôi có muốn thử thi lần cuối không vì có một chỗ. (mỗi người chỉ được quyền thi 5 lần, nếu không phải học lại từ đầu, thi lại cả lý thuyết...). Tôi chán ngán ậm ừ. Học thêm bốn năm giờ nữa lấy lệ rồi cứ thế mà đi thi, không tâm trạng. Thấy ông thanh tra cao lớn, sang trọng nghĩ chẳng còn hy vọng. Mấy ông nàyhắc lắm. Ông ta mở hồ sơ ra thì quay lại nhìn tôi một nhát. Chắc xem mặt có sáng sủa không mà ngu lâu vậy. Tôi lái xe phạm "ti tỉ" lỗi. Hết quên nhìn bên phải trước khi rẽ lại quá tốc độ cho phép trên đường sa lộ. Kệ. Cái số mình không có bằng thì không có, có cố cũng chẳng được. Thi xong rồi đáng lẽ phải trả giấy tờ cho tôi xuống thì ông ấy giữ giấy lại, hỏi tôi có hài long về mình không. Tôi nhún vai không trả lời. Ông bảo, nếu tôi nói là cô đỗ rồi thì cô khao tôi cái gì. Tôi nghi hoặc nhìn ông. Ông cười khà khà: cô có bằng rồi đấy nhé, tôi ký cho cô đây này. Thế là tôi nhảy lên trên ghế xe và ôm chầm lấy ông ấy hôn chút chít. Yêu ông ấy quá!
Vâng, ba năm lội tuyết mưa đi học, bao công sức tiền của, cuối cùng cũng có cái bằng. Tôi quý nó lắm bởi tôi hiểu đó chính là tính mạng của tôi.