CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

CUỐI NĂM SỰC NHỚ

Thứ bẩy ngày 15 tháng 12 năm 2012 1:26 PM

Không nhiều lắm người Hà Nội bây giờ còn trĩu nặng trong tâm tưởng những ngày đạn bom tháng 12 năm 1972. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã dùng đến vũ khí chiến lược pháo đài bay B52 tấn công hủy diệt vào Hà Nội. Khoảng thời gian 40 năm đủ dài để cho vài thế hệ người già qua đời mang theo trọn vẹn những ký ức kinh hoàng. Khoảng thời gian đủ dài cho lớp thanh niên Hà Nội ngày ấy bươn chải cơm áo về già cũng loãng đi khá nhiều hồi tưởng. Và hơn nữa, những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất ấy cũng chẳng còn bao lăm người ở lại Hà Nội. Thành phố ra lệnh sơ tán triệt để từ vài tháng trước rồi.

Đám học sinh phổ thông chúng tôi vừa được học trọn vẹn ba năm ở Hà Nội sau đợt ngừng bắn lần thứ nhất lại chuẩn bị cho một cuộc sơ tán mới. Lần này các trường phổ thông cấp III trong nội thành tổ chức cho học sinh đi sơ tán tập thể ra các vùng ngoại thành không xa lắm bên huyện Đông Anh. Trường Phổ thông công nghiệp Hoàn Kiếm của tôi cũng nằm trong số ấy.

Cái háo hức của lần đầu tiên được sống tập thể cùng với lũ bạn thân quen giúp chúng tôi vượt qua tất cả và quên hẳn đi một mối đe dọa đang cận kề. Đám con trai tự đóng lấy bộ bàn ghế gấp của mình. Con gái đăng ký mua của nhà trường. Những bộ bàn ghế cá nhân có thiết kế rất đơn giản chỉ gồm một chiếc bàn to gấp đôi tập giấy “năm hào hai” gấp chân lại kẹp chặt chiếc ghế gỗ con cao 10cm. Nó còn nhỏ hơn bàn ghế mẫu giáo bây giờ. Nhưng là một dụng cụ vô cùng quan trọng. Lớp học đào sâu xuống đất hơn một mét như một căn hầm rộng lợp lá trống trơn. Chỉ có một dụng cụ học tập duy nhất là chiếc bảng đen khổ nhỏ treo lên vách nứa. Học sinh mang theo bàn ghế của mình đến lớp. Những nhà dân cho học sinh ở nhờ phần lớn là nông dân. Việc có một chiếc bàn học trong gia đình họ là điều không thể.

Chúng tôi về thôn Mai Châu xã Đại Mạch cách bến phà Chèm chừng bảy cây số ngược lên thượng lưu dòng sông Hồng. Ngôi làng yên ả bên ngoài đê có lũy tre dày và tiếng chuông nhà thờ văng vẳng rất gần. Căn nhà tôi ở trọ nằm sát bờ sông sau lũy tre hun hút gió. Đèn dầu và nước giếng.

Mất mười ngày cho việc đào hầm trú ẩn cá nhân trong vườn nhà dân và chỉnh trang lớp học. Đến bữa vác bát sắt và đôi đũa ra nhà ăn cạnh lớp học ăn cơm tập thể. Bữa chiều lĩnh luôn suất ăn sáng hôm sau mang về nhà. Cơm độn ngô tẻ xay vỡ đỏ chói. Ăn sáng bằng bánh bẻng bột mì luộc có mọt đen lốm đốm như rắc vừng. Cũng có hôm là mì hạt nhốn nháo vừa nhai vừa nuốt. Tắm giặt với lũ con trai rất đơn giản là chiều chiều nhảy ùm xuống sông. Đứa nào không biết bơi thì men gần bờ. Chẳng biết con gái thế nào? Chúng nó cũng đã là những thiếu nữ. Tôi không nhìn thấy cái nhà tắm nào ở làng.

Nhưng việc học chỉ bắt đầu vào nề nếp được chừng hơn một tháng. Lại có lệnh giải tán lớp cho học sinh về gia đình. Ngặt nỗi có những gia đình như gia đình tôi và vài đứa bạn nữa đi sơ tán cả nhà. Không có chỗ để về mà tìm đến nơi sơ tán của gia đình thì quá xa. Đành liều ở lại. Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi cũng ở lại với học sinh. Bảy cô trò tự nấu nướng ăn dù hai cô cấp dưỡng vẫn còn ở đấy. Họ mang theo gia đình sơ tán đến đây như một người dân thường không còn nhiệm vụ làm cấp dưỡng nữa. Học thì phải hoàn toàn tự túc. Cô chủ nhiệm dạy môn chính trị không thể giúp gì. Thực ra cô đúng nghĩa chỉ là một người mẹ ở lại chăm sóc đàn con mà thôi. Học sinh sáu đứa cả trai và gái cũng bắt đầu đến tuổi có thể “hư” được rồi.

Bảy cô trò sống tách biệt gần như không còn bất cứ liên lạc nào với nhà trường và gia đình. Chính quyền địa phương để cho chúng tôi ở nhờ nhưng cũng không có liên hệ gì. Còn may tôi mang ở nhà đi một chiếc ống nghe điện thoại tháo rời cùng một cái đi-ôt. Mấy thằng hì hục chăng dây đồng xoắn lò xo lên cây xoan sau nhà. Thế là có một chiếc ga-len nghe đài tiếng nói Việt Nam.


Tranh sơn dầu - "Hà Nội Tháng 12-1972" - Đỗ Phấn

Và bắt đầu từ đêm 18 tháng 12...

Những búi giấy bạc gây nhiễu ra đa bay lả tả trên bầu trời phát ra thứ ánh sáng ma quái. Những chiếc máy bay tiêm kích Mỹ mở đường từng tốp vào Hà Nội. Kẻng báo động vang lên khắp xóm. Ánh chớp đạn pháo nhì nhằng phía nam hừng hực chân trời. Tôi đã một lần hứng chịu bom đạn vào năm 1966 ở quê khi máy bay Mỹ oanh tạc kho xăng Đức Giang cách nơi sơ tán của tôi chỉ vài trăm mét. Nhìn rõ máy bay Mỹ F105 thả những chùm bom lúc lỉu vào cột khói bốc cao bên kho xăng. Cảm giác sợ hãi gần như đã chai lì, tôi ngồi bên trên miệng hầm cá nhân cạnh bụi tre ngoài bờ sông dõi mắt nhìn. Một khối lửa khổng lồ rơi xuống. Mãi đến chiều hôm sau ghé tai vào chiếc ga-len tôi mới biết đó là chiếc máy bay B52 đầu tiên bị tên lửa trên trận địa Cổ Loa bắn hạ.

Mấy đêm liền ra hầm trú ẩn theo hiệu lệnh báo động nhưng cũng chỉ là để nhìn lên trời. Càng ngày máy bay vào Hà Nội càng nhiều. Đã vài đêm nhìn thấy thấp thoáng trong mây chiếc pháo đài bay như một tòa nhà đèn đóm sáng trưng có hàng đàn máy bay tiêm kích F4 như cái vỉ ruồi hộ tống. Những búi nhiễu giấy bạc rơi trắng lấp loáng trên bãi giữa sông Hồng. Những quả đạn kéo theo chiếc đuôi lửa dài tha thướt mất biến vào tầng mây thấp xám trắng.

Đêm 24 tháng 12, cả tôi và ba thằng bạn trai quyết định nằm ngủ không ra hầm trú ẩn nữa. Mấy hôm liền mất ngủ đã khá mệt và cũng chẳng có chuyện gì xảy ra ở nơi này. Bốn thằng trùm chăn kín đầu giữa cái rét bờ sông lộng gió trong căn nhà ngói trống trải. Quá nửa đêm đang say giấc nồng chợt như có một bàn tay vô hình nhấc bổng cả chiếc giường cùng với bốn anh em ném mạnh vào tường vỡ vụn. Đầu óc mê sảng mất mươi phút mới choàng tỉnh, tôi cố vùng dậy khỏi khối đất cát gạch ngói trùm kín lên mình. Sức ép quá mạnh khiến tai ù đặc. Máu chảy từ đuôi lông mày bên trái xuống ướt đầm cả chiếc áo sợi đang mặc. Một mảnh bom sắc đã cứa vào rất ngọt. Chỉ cách sự sống của tôi không đầy 2 cm. Bốn thằng lôi nhau lồm cồm bò dậy. Bốn chiếc chăn dạ đắp chồng lên nhau đã cứu mạng chúng tôi. Lửa cháy ngút trời. Tôi chạy ra vườn ngắt vội nắm lá bờ rào nhai nhỏ đắp tạm lên vết thương cho cầm máu.

Kẻng báo động lúc ấy mới vang lên. Chúng tôi hì hục bới đất ở cửa hầm của chủ nhà đã bị vùi kín ngoài vườn. May mắn cả gia đình bốn người dưới chiếc hầm Cồn Cỏ vẫn còn sống. Đám bạn kéo tôi chạy nhanh sang nhà cô giáo và hai đứa con gái ở trọ. Họ cũng vừa tự đào đất miệng hầm chữ A thoát ra ngoài. Hai đứa bạn gái chỉ mặc mỗi quần lót ôm ngực khóc như ri. Chúng tôi tìm được hai chiếc màn rách lấm lem trong ngôi nhà đổ sập đưa cho chúng nó quấn tạm lên người.

Suốt đêm, tôi và ba thằng bạn trai sung vào đội cứu hộ của dân quân. Lần mò theo hố bom kéo thành vệt dài dọc thôn cố gắng nghe trong lửa cháy những tiếng người nhỏ nhất. Cũng chỉ cứu thêm được vài người nữa. Khi chúng tôi đến ngôi nhà hai chị cấp dưỡng ở thì đã quá muộn. Căn hầm có hai bà cụ già và một đứa trẻ đã bị vùi lấp dưới độ sâu bốn năm mét. Cố gắng đào được lộ ra hai mái tóc bạc phơ thì các cụ đã tắt thở mất rồi. Những ngôi nhà cháy không có người dập lửa soi sáng mọi ngả đường. Dân quân khiêng ra sân kho Hợp tác xã hơn chục chiếc cáng tre phủ chiếu.

Sáng sớm, cô giáo chủ nhiệm ra lệnh cho tất cả cùng về Hà Nội. Phải đi bộ hoàn toàn. Tôi lục tìm trong đống đổ nát chiếc quần dài rách tướp mặc vào cùng với chiếc áo sợi đẫm máu lên đường. Dưới ánh sáng ban ngày mới thấy toàn bộ khung cảnh kinh hoàng của vệt bom B52 kéo qua làng. Quả bom gần nhất cách chỗ tôi nằm chỉ chừng bảy tám mét. Không còn thứ gì nguyên vẹn. Những mái nhà vẫn còn ngún khói. Trâu bò cháy đen thui. Vệt bom kéo ngang qua nghĩa địa cuối làng làm những chiếc quan tài dựng đứng cả lên bên miệng hố bom. Cái còn màu sơn đỏ bạc lấm đất, có cái hở hoác loi thoi vải liệm ố vàng.

Hà Nội vắng như chưa từng thế bao giờ. Tôi trèo qua cổng sắt nhà mình lấy chìa khóa giấu trong chậu cây cảnh mở cửa. Căn nhà mốc meo không có bất cứ thứ gì có thể ăn. Tôi lục tìm trong tủ quần áo lấy ra một bộ cũ rích ngắn cũn cỡn mặc vào. Đói ngấu sau chặng đường dài đi bộ từ bên Đông Anh về nhà. Tôi lang thang ra phố bất chợt gặp thằng bạn cạnh nhà. Nó gọi tôi lên nhà nó nấu cơm ăn. Nhà nó khá nghèo và cũng không có quê để về sơ tán. Thế lại hóa hay. Nó không phải hứng trận bom như tôi đêm qua. Buổi tối, tôi rủ nó sang nhà mình ngủ cho đỡ buồn. Cứ định bụng kể cho nó nghe về trận bom khủng khiếp ở nơi trường sơ tán nhưng chưa kịp kể gì nhiều thì hai mắt đã díp lại. Thành phố yên tĩnh lạ thường. Cái yên tĩnh âm u tức thở...

Đêm 26 tháng 12

Nửa đêm, còi báo động rú lên khẩn cấp. Tôi kéo thằng bạn chạy ra gầm cầu thang lên sân thượng. Ở đấy vừa có thể tránh mảnh đạn an toàn mà cũng có thể nhìn lên trời. Bầu trời chớp sáng liên tục. Những khẩu pháo cao xạ nổ chát chúa rất gần vạch những đường lửa đỏ lừ lên bầu trời mây thấp. Rồi tiếng bom rải thảm nổ liền mạch không còn quãng cách cũng rất gần. B52 đã đánh vào trung tâm Hà Nội. Lửa cháy ngút trời phía bệnh viện Bạch Mai, ga Hàng Cỏ, Khâm Thiên và ngoài bờ sông Hồng. Hai đứa chúng tôi ngồi thừ người trên cầu thang sân thượng thì thầm với nhau, có lẽ chết hết, chẳng còn biết chạy đi đâu!

Sáng hôm sau bố tôi từ nơi sơ tán về Hà Nội có vài việc cơ quan. Ông đón tôi đưa lên Hòa Bình nơi cơ quan ông đang ở. Xe máy chạy qua Khâm Thiên lúc gần trưa, cả một con phố dài trống hoác có thể nhìn sang được bên đê La Thành phía Xã Đàn. Hà Nội như vừa biến mất. Thay vào đó là một cánh đồng ngổn ngang cháy. Khói bom còn nghi ngút. Những nhân viên y tế hối hả phun thuốc sát trùng. Từng đám tự vệ xách theo những chiếc cáng vải bạt len lỏi trong đống đổ nát. Họ lấy ra những mảnh thi thể nham nhở cháy khiêng đến xe cứu thương chờ sẵn ngoài đường. Không khí tang thương vắng vẻ đến thắt lòng. Có quá ít người cho một khối lượng công việc khổng lồ. Bên đầu ngõ Văn Chương, các ca sĩ Quí Dương, Mạnh Hà, Trọng Nghĩa...đang hát trong nước mắt những bài ca cách mạng. Họ dựng tạm chiếc sân khấu bằng những mảnh ván gỗ cháy dở và đặt lên đấy chiếc loa nén bằng nhôm méo mó sơn xanh...

Sống sót kỳ diệu sau những trận bom Hà Nội, rất nhiều năm sau tôi vẫn không bỏ được thói quen làm việc gì cũng hết sức nhanh chóng đến mức có thể. Vẫn cứ ám ảnh cái chết thực ra rất gần khi công việc còn dang dở. Và luôn sực nhớ vào những ngày cuối năm. Như ngày xưa, mình sắp có thêm một năm nữa trước mắt...

Đ.P - Tháng 12 năm 2012

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook