CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Truyện ngắn

NẰM NGẮM HOA SƯA

Thứ ba ngày 23 tháng 10 năm 2012 1:03 PM

Bốn giờ chiều, chiếc xe rác ì ạch đậu nép sát vào vỉa hè con phố vắng. Trong vòm xanh cây sưa rì rào hoa trắng. Ngay gần cửa sổ bệnh viện nơi hắn nằm. Người công nhân trên xe nhanh nhẹn bước xuống đường. Từng chiếc xe rác đẩy tay được cần cẩu chuyên dụng nhấc lên trút vào khoang ép rác. Tiếng lắc rắc phát ra rợn người. Hắn chợt toát mồ hôi. Ở chỗ kết thúc hai đùi. Hắn đã có lần trông thấy người ta vứt vào thùng rác công cộng cả một đoạn chân người cắt rời ra. Tiếng động rục roặc phát ra từ  máy ép rác luôn làm hắn tưởng tượng về những giập gãy của xương cốt. Thứ nước vàng ệch chảy ra từ thùng xe cũng làm hắn tưởng tượng...

Vậy là hắn đã đứng trong hàng ngũ những “thương phế binh” phố phường được hơn một tuần. Thế là quá muộn. Gần năm mươi năm sống trong thành phố. Qua những ngày bom đạn. Qua những năm suy thoái kinh tế. Hắn vẫn lành lặn như có một phép màu phù hộ. Hắn là người cẩn thận. Tuần trước, sau buổi tối quá chén ở nhà người bạn, hắn ngủ lại. Kể cả khi bạn gọi taxi cho về hắn cũng nhất quyết lắc đầu. Hắn biết từ chỗ taxi đậu vào đến nhà còn là một quãng đường hết sức gian nan dài chừng hai chục mét. Hai bên hàng xóm con ngõ nhỏ bày biện ra đấy đủ thứ có tên và không tên. Bếp than tổ ong. Vại muối dưa cà. Nồi niêu xô chậu. Dây phơi mịt mù những món đồ lịch sự và kém lịch sự. Những chậu cây cảnh dở sống dở chết. Sọt rác cái nằm cái đứng. Có hôm còn thêm cả chuột chết xếp thành hàng dưới đất. Không thể biết chúng thuộc về gia đình nào. Nhe răng như cười. Chẳng ai nhận về mình cái thành tích ẩm ương đập chết vài con chuột làm gì. Lại mất công đem vứt.

Sáng hôm sau tỉnh rượu. Huýt sáo vang nhà bạn một điệu nhạc chống Mỹ. “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”. Người bạn thuộc nết  biết rằng sáng dậy nếu như hắn huýt sáo những điệu nhạc tươi vui như vậy có nghĩa là đã hoàn toàn tỉnh táo. Chả cần thuộc thì cũng biết. Bạn hắn dù tỉnh như sáo cũng chưa bao giờ huýt sáo nổi những điệu nhạc có tiết tấu dồn dập và khỏe khoắn đến như vậy. Âm nhạc của một thời. Chỉ cốt khỏe? Hắn xin phép lấy xe máy ra về. Người bạn còn ngái ngủ cũng phải cố dậy mở cổng tống tiễn ông bạn vàng. Lại còn dặn với theo, đi đứng cẩn thận nhé, còn say không đấy? Hắn nheo mắt cười, sắp đến giờ uống trận nữa rồi!

Nhưng hắn đã không kịp uống thêm trận rượu nào nữa. Ra khỏi nhà người bạn chừng hơn trăm mét, hắn chạy xe đủng đỉnh cảm nhận bầu không khí trong lành trên phố. Thứ chỉ có duy nhất vào buổi sáng. Miệng vẫn huýt sáo điệu nhạc dang dở. Từ trong con ngõ nhỏ lao ra một chiếc xe máy phân khối lớn. Hắn chỉ  kịp nhìn thấy một cậu thanh niên to béo mặc áo hoa. Tóc nhuộm vàng ươm. Cái bóng khổng lồ loang lổ hoa hoét ấy đột ngột trùm lên hắn. Và ngay lập tức hắn rơi vào trạng thái mơ hồ. Trong tai vẫn vu vơ điệu nhạc, “...Con chim sơn ca trên đồng, khi xuân sang tung tăng bay lượn...”.

Hắn tỉnh dậy vào sáng hôm sau. Trên giường bệnh trắng toát. Một chân bó bột từ gót lên đến gần đầu gối. Chân phải. Cũng chẳng biết là mình may hay rủi. Chân nào thì cũng chỉ để đi. Đau một chân thì chân còn lại cũng không thể đảm nhiệm chức năng vận động. Nghĩa là vẫn nằm. Nhưng các bác sĩ và cả người bạn hắn có mặt ở đấy đều xuýt xoa khen hắn tốt số. Họ đứng túm tụm trong phòng xem mấy bản in từ máy chụp cắt lớp. Không có dấu hiệu chấn thương sọ não. Chiếc mũ bảo hiểm vứt lăn lóc ở góc phòng được người bạn chìa cho hắn xem. Một lỗ thủng bị mài mòn bằng miệng bát sau gáy. Đám phóng viên an toàn giao thông ở đâu kéo đến rất nhanh. Thao tác rất chuyên nghiệp. Hình như họ luôn sẵn việc làm. Kiến thức không thể bị han gỉ. Tên hắn và ảnh chiếc mũ ngày hôm sau loang rộng trên nhiều tờ báo. Nói về hắn chỉ đúng một cái tên. Như thế cũng là quá ưu ái đối với một phần sáu triệu người dân phố. Nhưng nói về chiếc mũ thì nhiều. Cứ như có ai đó trả tiền cho họ để ca ngợi chiếc mũ bảo hiểm? Hắn chả biết nữa. Chỉ thấy đau. Cổ chân phải bị vỡ gần khớp. Không phải mổ nhưng sưng to nhức buốt trong lần bột bó cứng.

***

Bệnh nhân mới vào là một thiếu phụ trạc ngoài ba mươi tuổi. Đôi mắt đượm buồn như hầu hết những thiếu phụ ngoài ba mươi trong thành phố. Chẳng biết vì sao lại thế? Từ rất lâu hắn đã quan sát thấy điều này. Những cặp mắt tươi vui nhí nhảnh của tuổi ấy nếu có hẳn là phải nhờ vào thẩm mỹ viện. Nó thường hớn hở một cách miễn cưỡng, vụng dại, đầy toan tính. Nhưng thà như vậy còn hơn. Mắt buồn chả nói lên điều gì mới mẻ. Nếu không trắc trở tình duyên thì cũng làm ăn thua lỗ. Là thứ ở thành phố luôn đầy rẫy. Đã qua lâu rồi cái thời thiếu phụ mơ màng bên cửa sổ gửi ánh mắt buồn xa xăm về cuối chân trời trong tiếng đàn dương cầm thổn thức mênh mang nhung nhớ. Thành phố không đâu là chỗ còn có thể nhìn thấy đường chân trời. Gọi là nơi không có chân trời cũng được. Ở trên tầng cao chót vót của những tòa cao ốc dĩ nhiên vẫn có thể thấy chân trời. Nhưng lại không ai có thể thấy được các thiếu phụ mắt buồn ở tít trên ấy. Khái niệm về một cái đẹp biến mất thật êm đềm đáng sợ.

Tự nhiên hắn hy vọng rằng đôi mắt buồn thiếu phụ kia chỉ là do gặp tai nạn bất ngờ. Nàng có gương mặt khá đẹp. Sáng bừng. Phảng phất một nụ cười như cam chịu.

Vết thương phần mềm của nàng không nghiêm trọng lắm dù chảy nhiều máu. Nó nằm trên khoeo chân phải. Dĩ nhiên là phải khâu cầm máu và tiêm kháng sinh. Tiêm thuốc phòng uốn ván. Phần còn lại chỉ là chờ đợi. Trông vào khả năng miễn dịch và tốc độ liền vết thương.

Phòng bệnh dịch vụ chỉ có hai giường. Nếu muốn, hắn có thể thuê trọn gói cả phòng cho người nhà ngủ lại. Y tá gợi ý chuyện này mấy lần. Hắn hiểu rằng nếu có người nhà ở lại thì sẽ đỡ rất nhiều việc cho các điều dưỡng viên. Và công suất khai thác buồng bệnh cũng được tận dụng hết. Nhiều lần chăm người ốm trong bệnh viện, hắn đã làm gần như toàn bộ công việc mà đáng ra bệnh viện phải làm. Từ tiêm truyền, thay quần áo cho người nhà. Cho đến việc dẫn bệnh nhân đi làm các xét nghiệm. Bệnh viện chỉ làm khi không có người nhà bệnh nhân. Dĩ nhiên tiền dịch vụ vẫn thu đủ. Và còn phải nộp kí cược trước. Một bệnh nhân nặng nằm viện ít nhất phải có hai người nhà trông nom. Trông cũng như sắp ốm. Bệnh viện ngày càng mở rộng, nhưng đã chẳng bao giờ đủ chỗ. Bệnh nhân khắp miền đổ về thành phố cho dù thành phố cũng đã hết mình mở mang vào đến tận những vùng núi non xa lắc.

Hắn quyết định thông báo cho người nhà chỉ vào thăm đúng giờ theo nội quy bệnh viện. Ánh mắt của các y tá nhìn hắn không được thân thiện lắm. Kệ. Vài hôm là có thể dò dẫm đi được rồi.

Nhưng tình thế hôm nay có thêm một bệnh nhân nữ trong phòng thật dở cười dở khóc. Sinh hoạt của một đàn ông và một đàn bà chỉ cách nhau vừa vặn cái lối đi giữa hai giường bệnh vốn chẳng rộng rãi gì. Có thể bắt tay nhau hoặc hơn thế nữa. Và nàng hình như là dân phố lâu đời nên thuộc bài bệnh viện? Cũng không cho người nhà vào thăm tùy tiện. Nằm lơ mơ ở giường bên này, hắn nghe tiếng nàng cương quyết với cô chị gái, đừng báo cho ai vào thăm làm gì nhé, em tự lo được, nhiều người vào lại phải trình bày sự việc từ đầu mệt lắm! Chuyện này thì hắn đã quá thấm thía. Đã gọi là ốm đau thì người thân tất phải đến thăm. Quà cáp chiếu lệ. Chuyện trò động viên là chính. Bệnh nhân phải kể lể bệnh tình đến thuộc lòng. Kinh nhất là nhiều người đến thăm còn chuẩn bị sẵn vài phương thuốc rỉ tai cho người bệnh. Những là bột rắn lục. Hoa dứa dại. Sừng tê, mật gấu, mật bò tót. Toàn những thứ lúc bình tĩnh tuyệt đối cũng chưa chắc đã kiếm được. Và nếu có kiếm được thì lại gây ra không biết bao nhiêu là tự ái nghề nghiệp cho các thầy thuốc tây y?

Còn may. Hai người được y tá sắp xếp cho nằm trở đầu đuôi. Cũng chẳng phải may mắn gì. Cả hai cùng bị vết thương chân phải. Nằm như thế chân đau luôn ở phía ngoài lối đi. Tiện cho việc thăm khám, thay băng. Hắn nằm quay mặt ra phía cửa sổ. Mùa xuân vẫn còn mướt mát trên những cánh hoa sưa trắng ngần dịu dàng rơi như rắc bụi trong vòm cây xanh ngắt. Đó mới thực sự là một may mắn. Chẳng có lúc nào nằm ngắm hoa sưa cho dù sinh ra và lớn lên ở thành phố này.

Buổi tối, khi chỉ còn hai người trong phòng bệnh, hắn đánh bạo bắt chuyện với thiếu phụ, cô có hay bị mất ngủ không đấy, tôi mắc tật ngáy to khi ngủ, nếu thấy ngáy quá cô lấy nạng đập vào thành giường cho tỉnh nhé? Nàng nhoẻn miệng cười, trên đời lại còn có đàn ông ngủ mà không ngáy nữa ư, anh cứ yên tâm ngủ đi, tha hồ ngáy, đau như thế này em chắc cũng không thể ngủ được? Hắn ngạc nhiên vì lối nói chuyện bông lơn hết sức thoải mái thân mật của nàng. Ở thành phố bây giờ hiếm khi người lạ nói chuyện với nhau như vậy. Hình như chỉ ở những nơi cùng cảnh ngộ bất khả kháng người ta mới chuyện trò để quên đi thân phận mình. Như khi xếp hàng chờ ở những nơi công quyền chẳng hạn. Đã có lần hắn xếp hàng chờ ở phòng công chứng để xin công chứng vài bản hợp đồng cho cơ quan cũ. Dặt dẹo nửa ngày trời. Chuyện trò mỏi miệng với đám người nhốn nháo cùng chờ. Gần trưa mới phát hiện ra rằng có một chỗ khác không phải xếp hàng. Nhưng đã trót làm người nghiêm chỉnh suốt từ sáng!

Ánh đèn đêm trong phòng bệnh xanh xao tù mù hắt lên gương mặt nàng trắng bệch. Nhưng thật lạ là hắn không nhìn thấy bất cứ một dấu vết nào của sự sợ hãi. Buổi chiều nghe loáng thoáng người nhà của nàng kể về vụ tai nạn kinh hoàng. Một kẻ say rượu đã đâm xe máy gần như trực diện vào xe nàng. Cũng giống như hắn. Cẩn thận mấy cũng chỉ là để giữ cho mình khỏi đâm vào người khác. Thành phố chuyện gì cũng có thể trở thành mốt thời thượng. Từ thời trang, ăn uống, vui chơi, thể thao thể dục cho đến cả những tai nạn. Vài năm trước, khi mà phong trào sắm xe máy toàn dân đã cơ bản hoàn thành, dân thành phố ít người không bị “bỏng bô”. Ngặt nỗi cũng là lúc phong trào chị em mặc váy ngắn nở rộ. Thế là nhan nhản những chân trần “bỏng bô” trên phố. Chẳng biết có đủ sức chứng minh rằng mình có xe máy?

Bây giờ là thời của tai nạn giao thông. Mỗi ngày cả nước chết khoảng bốn chục người. Bị thương không kể xiết. Người ta gần như đã quen với chuyện một ngày bỗng nhận tin người quen từ giã cõi đời chỉ vì một tai nạn giao thông vớ vẩn nào đó. Trùng hợp ngẫu nhiên tai nạn của nàng và của hắn do người khác gây ra có thể nói là rất phổ biến. Đó là còn chưa kể đến việc khi tai nạn xảy ra ai cũng nghĩ rằng mình đi đúng luật. Thằng kia sai. Dân phố quá nhiều người là nạn nhân? Hay thủ phạm? Hắn từng đã nói đùa, nếu có cái hội nạn nhân tai nạn giao thông ra đời hẳn là sẽ rất đông hội viên! Tất nhiên cũng không loại trừ thủ phạm có thể trà trộn vào. Và bây giờ chính hắn cũng đủ tiêu chuẩn gia nhập cái hội ấy rồi. Nhưng hắn quyết không vào. Chỉ để nghi ngờ nhau như thủ phạm thì chẳng hay ho gì. Biết đâu tất cả đều là nạn nhân của một thủ phạm nào đó giấu mặt vĩ đại hơn nhiều?


Hắn đã lo xa một việc không cần thiết. Đêm nay, hắn không ngáy. Đơn giản chỉ vì không thể chợp mắt. Vết thương sang ngày thứ hai đau nhức khủng khiếp. Buổi chiều, người bạn thân đã lén lút đưa cho hắn một lọ rượu ngâm mật gấu. Hắn giấu kỹ trong mớ áo quần lộn xộn để trong chiếc tủ sắt đầu giường. Chẳng dại gì gây sự với các bác sĩ. Vả lại cũng biết rằng có hàng chục loại thuốc giảm đau mà chẳng cần đến tẹo nào mật gấu cả. Nhân loại chắc cũng còn rất ít nơi tin vào tác dụng giảm đau của mật một loài động vật cấp cao như gấu. Giường bên kia, thiếu phụ mắt buồn cũng trằn trọc cố nén những tiếng rên mỏng như tơ bất chợt lọt ra khoảng không mờ tối trước mặt. Hắn biết, nàng rất đau. Và cũng biết, đàn bà hay nén cơn đau khi có đàn ông ở bên cạnh. Dù rằng chỉ là một đàn ông bất đắc dĩ như hắn. Tự nhiên hắn thấy như mình vừa tìm lại được một giá trị từ lâu đã bỏ quên đâu đó. Từ lâu hắn đã chẳng còn quan trọng với ai. Với cô vợ, hắn như một hình nộm có tên là chồng cô ấy mỗi khi có công chuyện gia đình. Nghĩa là vợ hắn vẫn có chồng như mọi người biết. Với cái cơ quan uống trà đọc báo của hắn suốt từ sau hồi bao cấp đến giờ, mọi người ai lo việc nấy, đã quên rằng hắn vẫn đang là cán bộ mỹ thuật ở đây. Ngày xưa oai phong là thế. Đi đâu cũng được giới thiệu là hoạ sĩ trên trung ương cử về. Giúp tỉnh này huyện nọ vẽ tranh cổ động cho phong trào sinh đẻ có kế hoạch. Rồi lại vận động chị em nuôi con bằng sữa mẹ. Hắn thuộc nằm lòng giải phẫu những là vòi trứng, ống dẫn tinh. Thuộc hình ảnh những dụng cụ tránh thai dùng cho hai giới. Và thuộc cả động tác cầm vú cho con bú một cách khoa học. Uống rượu say mấy vẫn vẽ đâu ra đấy.

Bây giờ ai thích thì đẻ. Lại cho con bú theo cách của mình. Hắn cũng hết nghề. Rõ thật dở hơi khi hướng dẫn người ta cách cho con bú bằng một thứ căng tràn sức sống như vú nhựa trong các tranh vẽ. Chẳng phải ai cũng có một cặp vú như vậy. Dù muốn cũng không dễ làm theo.

Thiếu phụ mắt buồn dường như cũng đoán được rằng hắn mất ngủ. Chẳng khó khăn gì nếu như nàng từng có chồng. Nàng đã nói ra điều ấy từ lúc chập tối. Không ngáy nghĩa là mất ngủ. Vậy thì hắn cũng không phải cố vờ nhắm mắt làm gì. Nghiêng đầu, hắn hỏi, cô đau lắm phải không, có muốn dùng mật gấu người ta cho tôi lúc chiều đây này? Anh cũng đau đến mất ngủ sao không dùng trước đi? Vậy thì ta cùng xoa!

Nén cơn đau, hắn ngồi dậy tìm lọ mật gấu trong tủ. Nàng không thể ngồi dậy. Vết khâu dưới bắp chân căng nhức mỗi khi cử động khiến nàng nhăn mặt. Có một giọt nước mắt rất khẽ khàng buông xuống thái dương. Hắn vội ngăn, nếu cô không ngại, tôi có thể xoa hộ mật gấu vào chỗ đau? Em sợ phiền anh? Hắn phì cười, phiền ư, nằm kề bên nhau suốt cả đêm sao chẳng sợ phiền? Ừ nhỉ,  không thể kén chọn được rồi! Nàng cười. Mắt ánh lên niềm thương cảm. Dành cho hắn hay tự dành cho mình? Hắn hoang mang...

***

Buổi chiều như thường lệ. Hai thằng con trai tộc ngộc, một của hắn và một của nàng vào thăm. Hai thằng có tính cách rất trái ngược nhưng thật lạ là chúng rất dễ thân nhau. Trẻ con bây giờ là thế. Không còn bó gọn mối quan hệ trong ngôi trường mình, trong lớp mình nữa. Chúng quen nhau trên mạng. Thế giới ảo có đủ cả khóc cười. Thông minh và đần độn. Học hành và ăn chơi. Thậm chí còn có thể kết hôn làm vợ chồng dù chưa hề biết mặt.

Thằng con trai nàng quý mẹ. Vừa vào là sán ngay đến bên giường hỏi han. Mẹ ăn chưa, hôm nay còn truyền thuốc không? Có cần ra nhà vệ sinh để con cõng? Hôm nay nó còn giở ba lô lấy ra một chiếc hộp trang điểm bằng da cá sấu, mẹ thấy thiếu thứ gì để con về tìm? Không, thế là đủ rồi, nằm bẹp ở đây làm gì có ai nhìn?

Thằng con hắn là đứa cục mịch lầm lì. Chẳng giống tính hắn mà cũng không giống mẹ nó. Chỉ có sự ích kỷ là vượt trội so với cả hai người. Dường như đấy là kết quả của sự vun đắp hạnh phúc gia đình một cách giả tạo. Trẻ con rất nhạy cảm. Chúng biết bố mẹ muốn gì? Để làm gì? Và để được chiều chuộng, chúng vẽ ra những viễn cảnh theo ý cha mẹ cũng không mấy khó khăn. Nhưng bao giờ điều kiện kèm theo cũng là mua sắm. Có giá hẳn hoi cho từng việc. Nhục nhã thay khi phụ huynh ở thành phố luôn tự hào vì trẻ con nhà mình không nghiện hút và đua xe. Được như thế cũng là phúc đức lắm rồi. Hắn cũng nằm trong số những người có phúc như vậy. Thằng con học hành lởm khởm. Chỉ chuyên chú vào việc bán mua trên mạng kiếm tiền. Buổi chiều vào thăm bố cũng là chiếu lệ. Hắn biết vậy. Hắn là một thứ không hề có trên mạng internet. Lại chẳng thể bán mua sinh lời?

Chiều qua. Lúc bác sĩ vào thăm khám. Hai thằng rủ nhau ra chiếc ghế dài ngoài hành lang thủ thỉ tâm sự. Giọng ồm ồm của hai thằng thiếu niên vỡ tiếng nghe mồn một.

Con nàng, sao họ bắt nằm viện lâu thế nhỉ?

Con hắn, có thế mà cũng hỏi, nằm dịch vụ càng lâu càng tốt, bệnh viện thì cũng phải kiếm tiền chứ sao?

Con nàng, mẹ tớ bán hàng, cửa hàng bỏ mặc cho nhân viên, chẳng biết lời lãi ra sao, chắc là lo lắm?

Con hắn, bố tớ chẳng có việc gì phải lo cả, thậm chí có ở nhà hay không cũng không quan trọng!

Con nàng, đấy là cậu còn có mẹ ở nhà, tớ chỉ có mỗi mình mẹ thôi, mẹ  nằm đây là tớ phải sang bà ngoại ăn cơm. Mà sao bảo bố cậu là nghệ sĩ cơ mà?

Con hắn, nghệ sĩ gì đâu, vẽ vài cái tranh tuyên truyền, trước đây họ cứ gọi là họa sĩ, hết thời tuyên truyền hết luôn việc, chẳng thể vẽ nổi một bức tranh tĩnh vật cho ra hồn. Chỉ còn lại được được mỗi cái tật uống rượu là vẫn y như thời làm họa sĩ. Nghĩa là thỉnh thoảng say về đá vỡ vại dưa nhà hàng xóm. Mẹ tớ vẫn phải mua cả vại lẫn dưa muối đền!

Con nàng, thế cậu theo học ngành gì vậy?

Con hắn, quản trị kinh doanh, mẹ tớ cấm không cho theo học mỹ thuật!

Con nàng, mẹ tớ lại cấm không cho học quản trị kinh doanh. Mẹ bảo thương trường là chiến trường, đầy rẫy hiểm nguy và cạm bẫy!

Đoạn sau của câu chuyện hắn nghe câu được câu chăng. Đúng ra là vẫn nghe rõ nhưng chẳng hiểu gì. Toàn những từ ngữ trên mạng. Hai thằng hiểu với nhau. Cười rúc rích...

***

Hơn một tuần trôi qua. Bác sĩ chỉ thi thoảng ngó qua buồng bệnh thăm khám qua loa. Cũng chẳng có gì nhiều để hỏi han về hai vết thương đã băng bó kín. Kết luận bao giờ cũng chỉ là, chưa xuất viện được, nằm theo dõi! Hộ lý y tá cứ theo đúng y lệnh. Mỗi ngày tiêm ba mũi. Mỗi mũi lại nhận hai chục nghìn từ tay bệnh nhân. Hôm qua hắn hết tiền lẻ. Những định lờ đi khoản thù lao ấy. Lập tức xơi một chiếc kim truyền to tướng. Y tá chọc vỡ ven hai lần. Máu bầm loang rộng cánh tay. May có nàng đỡ đòn, rút hai tờ tiền xanh ra dúi vào túi áo blouse cô y tá, cô gửi cháu hộ cho cả chú nằm giường bên! Y tá lập tức thay kim. Mũi kim ngọt ngào đi vào mạch máu không vấp váp. Hắn chưa kịp cảm thấy đau thì đã thấy cô ấy với tay lên chiếc van nhựa điều chỉnh tốc độ dịch truyền. Lại còn mỉm cười rất duyên dáng dặn, nếu thấy lạnh hay dị ứng, chú bấm chuông gọi cháu ngay nhé? Chú truyền cả tuần rồi mà, không việc gì đâu!

Thực ra thì cổ chân hắn đã đỡ sưng buốt nhiều rồi. Và cái chân nàng cũng không còn bị phù nề nữa. Buổi tối, hắn đã có thể vịn chắc vào thành giường đu người đứng xuống đất. Nàng cũng đã có thể làm theo như vậy. Hắn thận trọng từng bước một chọn chỗ bám tay thật chắc. Nàng vịn vai hắn nhảy lò cò vào toilet. Đến cửa, hắn tỏ ra ngần ngại đứng lại. Có tiếng nàng cười se sẽ bên tai. Hắn chưa kịp quay đầu đã thấy đôi cánh tay nàng vòng quanh cổ hắn nặng trĩu. Một nụ hôn bất ngờ lướt nhanh từ má xuống môi hắn. Mềm và ấm. Cuộn tròn những vòng lăn không dứt. Hắn như bừng tỉnh. Xiết chặt nàng đến nghẹt thở. Đã lâu rồi, hắn không còn được tận hưởng cảm giác đàn ông. Chiếc lưỡi nhỏ của nàng như một con rắn nhanh nhẹn chiếm lĩnh toàn bộ những khoảng không còn lại giữa nụ hôn...

Khoảng cách đàn ông đàn bà lạ thế. Muôn trùng cách xa bỗng chốc chỉ một nụ hôn? Đêm ấy, nàng đắm say nồng nàn bên hắn. Cho đến khi nhìn rõ những lấm tấm hoa sưa miệt mài rơi trong vòm lá ngoài cửa sổ...

Bạn hắn mang vào một ít tiền đủ cho hắn nộp thêm khoản dịch vụ bệnh viện. Hỏi, cậu định bao giờ về? Tớ định ư, bệnh viện quyết định chứ, vẫn còn đau, không đi lại được về nhà ai hầu, ở đây còn có y tá! Lại hỏi nàng, còn cô, định bao giờ về? Em cũng thế thôi, nhà ở trên tầng cao, lại vắng người! Người bạn cười tinh quái, các vị chưa già mà đã thích bệnh viện rồi, chẳng trách các cụ nhà tôi không ốm đau gì cũng thỉnh thoảng vào nằm chơi một tháng!

Nhưng cũng đến ngày phải xuất viện. Hắn đã tháo bột được hai hôm rồi. Bàn chân đứng xuống đất chưa thật lắm. Còn phải ngâm nước nóng hàng tháng nữa mới mong bình thường.

Vết thương của nàng đã cắt chỉ được gần chục ngày. Sẹo đẹp. Đẹp hơn bỏng bô chán vạn. Có thể mặc váy ngắn vô tư! Bác sĩ bảo thế. Hắn chợt ngẩn người. Trên đời lại còn có thứ sẹo đẹp? Có giống như những mất mát đáng tự hào hắn đã từng nghe? Như hiểu được thắc mắc của hắn, vị bác sĩ oang oang đầy tự tin, bác cứ thử nhìn những cô có sẹo bỏng bô mặc váy mà xem, trông cứ ngớ ngẩn quê mùa thế nào, rõ ra là đang tập?

Hắn và nàng có lẽ là hai bệnh nhân kỳ quặc. Dường như vết thương bởi tai nạn chỉ còn là cái cớ trong suốt hơn một tuần lễ nay. Có một vết thương êm đềm không rõ mặt trong lòng dân phố bỗng chốc hiện hình?

Thành phố có mấy triệu nỗi cô đơn như hắn? Như nàng? Hắn không thể biết. Đã qua lâu rồi cái thời dân phố biết nhau đến cả dòng họ phường nghề. Những biến động con người của một vài thế kỷ trước là quá chậm. Con người vì thế sống với nhau trên phố đầy lễ phép khiêm nhường. Bây giờ không cần thiết như vậy nữa. Chẳng ai biết ai. Đi bốn năm chục cây số khỏi nhà bỗng có người bản xứ ở đấy nhận là đồng hương thành phố với mình. Giở bản đồ ra xem. Thấy cũng đúng.

Hắn biết rằng sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại nàng nữa. Cần quá nhiều yếu tố trùng lặp để gặp nhau. Cuộc tình chóng vánh giữa nàng và hắn có thể coi là một liều thuốc? Bắt đầu từ một tai nạn? Hai người lạ bất ngờ nằm kề bên nhau không toan tính? Một đàn ông và một đàn bà? Chỉ có thể xảy ra trong bệnh viện. Chủ động tìm nhau giữa một biển người thành phố không phải là mẫu người như nàng, như hắn. Ra khỏi cổng bệnh viện, hắn biết, nàng và hắn sẽ lại phải mang gương mặt lãnh đạm cố hữu phố phường.  

Sẽ chẳng bao giờ còn được nằm ngắm hoa sưa...

Đỗ Phấn - Trích tập truyện "Đêm tiền sử" - NXB Hội Nhà Văn

                                             

Tranh minh họa: ĐỖ PHẤN

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook