CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

TIỂU THUYẾT, VÌ SAO?

Chủ nhật ngày 14 tháng 10 năm 2012 2:15 AM

Dù bạn có đọc đến thuộc lòng tất cả những lý thuyết văn chương Đông Tây Kim Cổ thì cũng chưa thể bắt tay vào viết tiểu thuyết nếu như chưa trả lời được câu hỏi ấy. Đơn giản vì tiểu thuyết là loại hình tự do sáng tạo vô bờ bến. Khi những lý thuyết về nó ra đời cũng gần như là lúc người ta kiếm tìm một cách viết khác thay thế cái đã cũ, nhàm, chán. Với tiểu thuyết, không có bất cứ con đường nào trước mặt người viết nhất thiết phải bước chân vào. Tất nhiên người viết không thể tay trắng xung trận nhưng nhiều khi lý thuyết cồng kềnh mang theo chính là những trở ngại đáng kể khi nhập cuộc.

Với riêng tôi, văn chương đơn giản là kể một câu chuyện. Dù câu chuyện có khúc mắc ngắc ngứ ngập ngừng thì vẫn là câu chuyện có thể hiểu được. Tiểu thuyết là một câu chuyện lớn hơn, rộng dài hơn về cả không gian thời gian và cách kể lể. Vì thế, để hiểu được nó cũng không dễ. Nhất là khi người viết cố tình dùng rất nhiều thủ pháp, điển tích, phương ngữ và bẻ gãy, chắp nối thời gian phi tuyến tính, áp đặt không gian huyền ảo phi hiện thực nhằm nâng cao hiệu quả kể lể của mình. Có vài tiểu thuyết gia Việt Nam đã khá thành công với cách viết ấy. Tuy nhiên đó là thứ không thể học tập. Hình như nó có tên gọi là tài năng thì phải?

Tiểu thuyết, cuối cùng vẫn phải là tập hợp nhiều câu chuyện nhỏ có chung một chủ đề, nhân vật, hoàn cảnh. Người viết chính là kẻ phải kiểm soát triệt để những câu chuyện nhỏ như vậy. Nó phải hòa mình trong câu chuyện lớn với một ý nghĩa bổ túc nhất định cho câu chuyện lớn. Những câu chuyện nhỏ không cần kiểm soát năng lực bay bổng của ngòi bút đã có những loại hình khác như tùy bút, tản văn đảm nhiệm. Những câu chuyện nhỏ dừng ở chỗ gợi mở suy nghiệm đã có loại hình truyện ngắn đảm nhiệm. Nhiều người nói với tôi rằng truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”(Nguyễn Ngọc Tư) tương tự như dàn bài cho một tiểu thuyết. Có thể căn cứ trên đó mà triển khai viết tiếp. Tôi không nghĩ như vậy. Đó chỉ là một truyện ngắn hay (tuy có hơi dài) không mang tầm vóc quan sát của tiểu thuyết. Nếu là tôi, tôi sẽ tìm cách viết gọn lại.

Làm thế nào để kể những câu chuyện nhỏ trong một cuốn tiểu thuyết mà không bị sa đà bởi sự dẫn dắt của chính câu chuyện ấy nhiều khi đi quá xa với chủ đề của cả cuốn sách? Hẳn là người viết nào rồi cũng có lúc bắt gặp vấn nạn này. Tôi thường xuyên gặp. Đơn giản vì một tay viết nghiệp dư thiếu học thừa hăng hái như tôi rất dễ bị chính cái viết của mình đánh lừa, lôi kéo. Nhưng chả sợ. Đọc lại thấy ngay cần cắt bớt chỗ nào.

Câu chuyện nhỏ cũng đôi lúc cũng biến hình thu nhỏ hơn để thành những chi tiết. Đó là việc luôn mắc phải của những nhà văn yêu thích và đã từng viết nhiều tản văn. Giống như người ở nhà tập thể lắp ghép lâu năm ngại vung tay cao quá đầu sẽ chạm vào cánh quạt trần. Câu chuyện nhỏ rất cần phải được kể đến nơi đến chốn dù chi tiết là hết sức cần thiết. Chi tiết sẽ không bị vụn vặt khô cứng một khi nó nằm rộng dài duyên dáng trong câu chuyện. Nhưng chi tiết gợi một câu chuyện chưa được kể đủ rất dễ rơi ra khỏi câu chuyện như một kẻ nói leo. Tôi mắc phải yếu điểm này khá nhiều lần.

Và buộc phải tự hỏi, tiểu thuyết, vì sao?

Đ.P 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook