CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

SỰ THỐNG NHẤT GIỮA VĂN VÀ NGƯỜI CẦM BÚT

Thứ hai ngày 17 tháng 9 năm 2012 12:28 PM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN IX  


Nico: Thưa G.S, ông quan niệm viết chân dung văn học, nhất thiết phải tìm ra được sự thống nhất giữa văn và người ở người cầm bút và ông luôn lưu ý: thống nhất ở chiều sâu chứ không phải ở bề mặt, bề nổi. Giáo sư có thể điểm một nguyên mẫu như thế không?


G.S Nguyễn Đăng Mạnh: Tôi rất quý Nguyên Ngọc, và Nguyên Ngọc cũng mến tôi. Nhưng không bao giờ tôi dám đặt mình ngang hàng với anh. Nhìn anh tôi phải ngước mắt lên. Là tôi nói với nghĩa tinh thần thế thôi, chứ anh người thấp bé lắm.

Bởi vì anh là một đấng anh hùng, còn tôi chỉ là một thằng hèn nhát. Anh từng lăn lộn vào sống ra chết thời chống Mỹ ở Quảng Nam – Đà Nẵng là vùng chiến sự ác liệt nhất. Vì thế ở Đà Nẵng, người ta đã chọn sẵn một đường phố để đặt tên anh khi anh qua đời.

Ở Nguyên Ngọc, văn và người hoàn toàn thống nhất. Anh không phải chỉ viết về người anh hùng mà bản thân anh là một anh hùng. Và đầu óc anh cũng có một sức hút riêng, chỉ bắt lấy và ghi nhớ toàn những chuyện anh hùng. Mỗi nhà văn là một cá tính độc đáo, trò chuyện với họ có cái thú vị là ở mỗi người lại biết được những chuyện rất khác nhau. Chẳng hạn trò chuyện với Nguyễn Khải thì biết được nhiều ý kiến rất sắc sảo khôn ngoan, trò chuyện với Tô Hoài thì biết được nhiều sự lạ ngay ở cuộc sống quanh ta mà chỉ có con mắt tinh quái của ông mới khám phá ra được. Còn trò chuyện với Nguyên Ngọc thì biết toàn những chuyện khác thường, những con người phi thường rất xa lạ với cuộc sống quanh mình. Nhân vật truyện của anh cũng toàn là những con người như thế.

Viết truyện, Nguyên Ngọc thường dựa rất sát với những nguyên mẫu có thật trong đời. Nhưng quanh ta làm gì có những con người như thế - những nhân vật rất lý tưởng, tuyệt đối anh hùng, tuyệt đối trong sáng chỉ có thể có trong sử thi, thần thoại.

Đúng thế, anh không thể tìm được những nhân vật như thế trong cuộc sống quen thuộc quanh mình. Bởi thế anh phải tìm đến những vùng núi cao, rất cao, nếu không phải là rừng núi Tây Nguyên để gặp những Đinh Núp, cụ Mết, những Tnú hay những cô Mai, cô Dít, thì cũng là cao nguyên Hà Giang Mèo Vạc để tìm được những Vàng Thị Mỹ, những ông Cắm hay Y kơ bin, Sùng Chóa Vàng… - những con người là con đẻ của núi rừng hoang vu, con đẻ của một thời hồng hoang nguyên thủy, khi chưa có kinh tế thị trường, chưa có sự đua chen danh lợi làm vẩn đục tâm hồn [1].

Truyện toàn những nhân vật phi thường như thế, đọc kể cũng căng thẳng, cũng mệt. Rất may là những nhân vật của Nguyên Ngọc đều có một đặc điểm đáng yêu: người nào cũng có chất nghệ sĩ, cũng có máu lãng mạn. Mà đó cũng là chỗ rất thống nhất giữa văn và người ở Nguyên Ngọc. Tô Hoài có một thời gian từng hoạt động với Nguyên Ngọc ở Tây Bắc. Ông nhận xét, Nguyên Ngọc lý trí thì cứng, nhưng tình cảm thì mềm. Con người này thế mà cũng đa tình và lãng mạn đáo để. Anh từng lặn lội 200 cây số Hà Nội – Tuyên Quang, rồi lại 400 cây số leo ngược mấy cái cổng trời Hà Giang để tìm lại người con gái dân tộc mà anh yêu mến – cô gái này đã nhắn gửi anh một lời rất chi là hồn nhiên và tình tứ: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi!” (tên một tác phẩm của Nguyên Ngọc). Anh còn quyết tâm trở lại Mường Hơn, một bản nhỏ treo lơ lửng trên sườn núi Ngọc Linh (Tây Nguyên) quanh năm mây phủ để tìm lại cô gái Tơ Trá, ba mươi năm trước đã mớm nước bắp cho anh khi anh bị hôn mê trong một cơn sốt rét ác tính. Trong hôn mê, anh loáng thoáng cảm nhận được và cứ nhớ mãi cô gái có “đôi môi vừa mát vừa ấm, vừa mặn vừa ngọt”. Lần này anh cũng lại phải vượt hàng trăm cây số, lại vào giữa mùa mưa, đường quanh co, bùn đất bê bết đỏ như máu, cua tay áo liên tiếp, một bên là vách núi cao ngất, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đi như người điên, đi như kẻ mộng du vậy.

Tôi làm nghề dạy học, có thói quen cái gì cũng muốn cắt nghĩa, cũng muốn giải thích. Có giải thích được thì mới yên tâm là những điều mình phát hiện là chính xác.

Những nhà lý luận macxit giải thích tư tưởng con người bằng quan điểm giai cấp. Nhưng quan điểm giai cấp chỉ có thể giải thích chung chung về tính giai cấp mà thôi, chứ làm sao giải thích được cá tính của mỗi con người. Nguyên Ngọc là một anh tiểu tư sản, đúng thế, nhưng không phải người tiểu tư sản nào cũng là Nguyên Ngọc. Đấy là chỗ bất lực của lý luận giai cấp.

Về cá tính của mỗi con người tôi thấy cần phải giải thích bằng hoàn cảnh cá nhân của anh ta, đặc biệt là môi trường sống của anh ta thời thơ ấu, bao gồm môi trường xã hội, môi trường gia đình, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa. Về điểm này, tôi rất nhất trí với ông Hoài Thanh. Ông nói: “Người ta viết văn với những ấn tượng lúc lên năm, lên bảy (…) và cái đó không thay đổi được. Cái đào tạo ra tài năng, phong cách, sở trường là những hoàn cảnh sống từ lên năm, lên bảy: cánh đồng ấy, bờ tre ấy, cái ao ấy… Sau này thay đổi quan điểm lập trường chứ không thay đổi cái phạm vi đề tài, cái cách viết, cách cảm xúc, cách nghĩ”[2]

Tìm hiểu Nguyên Ngọc, tôi biết anh sinh ở Đà Nẵng, nhưng từ hai tuổi đã theo cha mẹ về sống ở Hội An, Cửa Đại, một vùng đất rất cổ xưa, chưa bị cái ồn ào náo nhiệt, cái bon chen của văn minh  vật chất thời hiện đại làm cho ô nhiễm. Từ đó, năm 17 tuổi, cuộc kháng chiến lại đưa anh thẳng tới Tây Nguyên, lên tận núi Ngọc Linh chót vót.

Thế là hiểu được rồi, viết được rồi. Tôi viết bài “Nguyên Ngọc, con người lãng mạn”[3].

Nguyên Ngọc đọc bài này, cho tôi rất hiểu anh. Anh còn tán thành cả cách tôi giải thích về cá tính của anh nữa.

Tháng 12-2009, anh viết một bài về tôi, đặt tên là “Người đọc tinh các nhà văn”.

Xin trích ra đây một đoạn: “Nguyễn Đăng Mạnh viết về tôi rất ít, hình như chỉ có hai lần, và lần nào cũng rất ngắn. Nhưng có lẽ anh là người đọc ra chính xác hơn cả cái tạng của tôi mà anh diễn đạt chỉ bằng mấy chữ “con người lãng mạn”. Là một lời khen hay một lời chê? Có lẽ điều đó không phải là quan trọng nhất. Quan trọng hơn là nó khiến tôi suy nghĩ. Bởi tôi không hề ân hận vì đã sống cuộc đời này một cách lãng mạn, dấn thân đến cùng thật lãng mạn, không hề tiếc. Nhưng nhận xét tỉnh táo và chính xác của Nguyễn Đăng Mạnh cũng cảnh báo tôi: có phải tôi đã có phần quá lãng mạn hóa một cuộc đời hiện thực khiến cho điều tôi nói với người đọc đôi khi không khéo là đánh lừa họ, dẫu tôi không bao giờ muốn? Một cảnh báo như vậy cần cho tôi vô cùng. Một chỗ mạnh của một cây bút dường như bao giờ cũng bao gộp cả chính chỗ yếu của anh ta nữa. Và biết được điều đó là cần thiết lắm, chỉ ra được điều đó cho một người cầm bút là rất giỏi. Để giúp anh tìm lấy cái mạnh trong chính cái yếu của mình, tự điều chỉnh, dù chẳng dễ gì.

Tôi muốn cám ơn anh Mạnh về điều đó. Không dễ có được một người bạn như vậy trong đời, tôi biết, nhất là khi đã dấn vào cái nghề, cái nghiệp phải moi đến tận đáy chính mình, cho đến tế bào cuối cùng ra mà đánh đổi suốt cuộc đời này” [4].


Nico: Nhiều khi bề mặt và bề nổi giữa văn và người không trùng khớp, thậm chí như là trái ngược nhau. Ông đã gặp trường hợp nào như thế và đã giải quyết ra sao?

G.S Nguyễn Đăng Mạnh: Có đấy! Tôi đã gặp mấy trường hợp như thế. Rõ nhất là trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng và trường hợp nhà thơ Chính Hữu.

Về Vũ Trọng Phụng hình như tôi đã có nói ở đâu rồi. Vậy xin nói về trường hợp Chính Hữu.

Năm 1984 có người gợi ý tôi viết một bài chân dung nhà thơ Chính Hữu. Nghiên cứu Chính Hữu rất gọn. Vì ông chỉ có độc một tập thơ mỏng nhưng rất đặc sắc, phong cách rất rõ: “Đầu súng trăng treo”.

Thơ Chính Hữu là thơ của người lính ra trận. Người lính lúc nào cũng trên đường hành quân, lúc nào cũng ở tư thế tiến công. Nhịp thơ hăm hở, dồn dập, thôi thúc như là hành khúc, rập theo nhịp bước quân hành. Thơ như thế nên không thể trói buộc hẳn vào được một khuôn phép, một luật lệ nào, dù là thất ngôn, ngũ ngôn hay lục bát.

Tôi gọi là thơ hành quân, thơ tiến quân. Hành quân ban ngày, hành quân ban đêm, hành quân cả khi không còn chân nữa:

Đồng chí thương binh
Tưởng nghe tiếng bước chân mình
Tiếng bước của bàn chân đã mất…

Hành quân, tiến công, ngay cả khi đã hy sinh rồi:

Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công

Đặc biệt chỉ nói về một bức thư của một người vợ dân công gửi cho chồng bộ đội, vậy mà ông cũng tưởng tượng, trong con mắt của người chồng, những dòng chữ cũng đứng dậy và hành quân:

Viết thư gửi cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công
Ánh mực lập lòe đường xa lửa đuốc…

Thơ như thế thì con người ắt cũng phải thế. Tôi hình dung Chính Hữu hẳn là một trang nam nhi dáng dong dỏng cao, rắn rỏi, quắc thước, mắt sáng nhìn thẳng phía trước, chân bước nhanh những bước dài…

Lúc ấy tôi chưa được tiếp xúc với nhà thơ.

Đầu năm 1985, anh Hữu Thỉnh, ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn, phụ trách nhà văn trẻ, mở một trại tập huấn cho những cây bút trẻ các tỉnh Việt Bắc, đặt ở thị xã Tuyên Quang. Anh mời một số nhà văn lên giúp, gồm: Xuân Diệu, Chính Hữu, Nguyễn Thành Long, Lê Lựu, Vương Trí Nhàn và tôi. Chúng tôi ở chung trong một ngôi nhà khách của tỉnh ủy Tuyên Quang.

Tôi thấy Chính Hữu chẳng giống chút nào với hình ảnh của ông trong trí tưởng tượng của tôi khi đọc thơ ông. Trông ông như một cán bộ về hưu, ít nói, chậm chạp. Buổi tối ông đi ngủ rất sớm. Ông không thích tham gia vào những cuộc trò chuyện của anh em trong đoàn, tối nào cũng diễn ra sôi nổi. Buổi sáng, ông xuống dưới nhà tập thể dục. Ông chạy chầm chậm quanh đi quanh lại mấy vòng ở hành lang nhà khách.

Thế ra văn và người ở ông chẳng ăn nhập gì với nhau cả, thậm chí như là trái ngược. Quan niệm của tôi về sự thống nhất giữa văn và người ở người cầm bút hóa ra không đúng sao? Tôi quả có hoang mang. Vậy thì viết chân dung ông như thế nào đây?

Tôi đọc lại thơ Chính Hữu xem sao. Đọc đi đọc lại mấy lần. À, tôi chợt nghĩ ra rồi! Té ra thơ Chính Hữu không hướng ngoại. Ông không trực tiếp quan sát và diễn tả thế giới bên ngoài. Không tả cảnh, không tả người, không tả hoạt động, không tả âm thanh gì hết. Thơ hướng nội rất sâu. Nghĩa là ông chỉ diễn tả lòng mình. Là thơ hành quân, thơ ra trận, nên cũng có đủ cả tiếng hò, tiếng hát, tiếng trống, tiếng bước chân… Nhưng tất cả đều dội vào lòng ông, rồi từ đấy mới vọng vào thơ ông, nên nghe có vẻ như rất xa vời.

Tiếng hát trong thơ ông là thế!

Ai hát tin về thắng trận
Bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà

Tiếng trống trong thơ ông là thế. Không phải âm thanh vang lừng mà là “tâm hồn” của trống:

Có gặp những con người đã để lại một phần thân thể
Mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay…

Tôi liên tưởng đến Xuân Diệu. Hai hồn thơ đều rất sôi nổi. Nhưng cái sôi nổi của Xuân Diệu thì hướng ra bên ngoài, còn cái sôi nổi của Chính Hữu thì lại lặn vào bên trong.

Hai tâm hồn đều tha thiết yêu đời. Nhưng tình yêu của Xuân Diệu phải bộc lộ ra ngoài, phải thể hiện rõ ràng ở thể xác, ở lời nói – tình yêu phải cất lên tiếng nói:

Em phải nói, phải nói và phải nói

Bằng lời riêng nơi cuối mắt đầu mày,
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say,
Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết…
(Phải nói)

Còn tình yêu của Chính Hữu thì lặng lẽ, lặng câm:

Không nói
Ấy là đã nói
Tiếng đàn im bặt càng nghe tiếng ngân
Tình yêu lặng câm
Ấy là yêu mãi
(Tiếng ngân)

Thế là tôi đã hiểu ra rồi! Ở Chính Hữu văn và người vẫn thống nhất. Tôi bèn viết một mạch bài chân dung, đặt tên là “Chính Hữu hành quân trên những trang thơ”.

 



[1] Sau này Nguyên Ngọc cũng viết về biển, nhưng anh tìm đến những con tàu không số trên con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển- Những con tàu huyền thoại giữa biển cả mịt mùng. Và anh cũng tìm thấy ở đấy những con người anh dũng tuyệt vời như Khảm, Chiện hay Sáu Thùy…Những con người anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong cả tình yêu…

[2] Nguyễn Đăng Mạnh: Văn học Việt Nam hiện đại, những gương mặt tiêu biểu- NXB Phụ nữ, 2012, tr 107

[3] Nhà văn Việt Nam hiện đại… ( SĐD)

[4] Người và nghề- NXB Hội nhà văn, 2010, tr 201

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook