CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

MẤY NÉT CHÂN DUNG TÔ HOÀI QUA "GIẤC MỘNG ÔNG THỢ DÌU"

Thứ ba ngày 11 tháng 9 năm 2012 9:36 AM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN VIII  


Nico: Thưa GS, nghe nói giáo sư nghiên cứu Tô Hoài 20 năm mới viết được một bài về nhà văn. Có phải giáo sư thấy trước được sức hấp dẫn của cuộc "phiêu lưu" này nên mới kiên trì đến thế? Con người Tô Hoài hẳn cũng có nhiều chuyện vui như thế giới động vật của ông? 


G.S Nguyễn Đăng Mạnh: Tôi tiếp xúc với Tô Hoài từ năm 1980. Hồi ấy tôi được giao chủ biên tập 30 của bộ “Tổng hợp văn học Việt Nam” do NXB Khoa học xã hội xuất bản. Trong tập ấy, tôi có tuyển tác phẩm của Tô Hoài nên đến ông để trao đổi. Tôi chuyên giảng dạy và nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Biết Tô Hoài là một kho tài liệu sống về các nhà văn của giai đoạn văn học này, tôi hay tìm đến ông để khai thác. Vả lại chính ông cũng là một đối tượng nghiên cứu của tôi. Ông có một khối lượng sáng tác đồ sộ, hàng trăm tác phẩm, rất xứng đáng được nghiên cứu như một nhà văn lớn.

Tôi vẫn quan niệm, nghiên cứu một nhà văn, nhất thiết phải tìm ra được tư tưởng chi phối một cách có hệ thống toàn bộ sự nghiệp của ông ta, xuyên suốt các tác phẩm của ông ta trong quá trình sáng tác. Tôi gọi là tư tưởng nghệ thuật (idée poétique). Nhưng tư tưởng ấy ở Tô Hoài là gì? Tôi đọc ông và suy nghĩ về ông mãi mà vẫn không tìm ra. Trong khi đó, Xuân Diệu có lần nói với tôi: “Tô Hoài nó chẳng có tư tưởng gì cả”. Vô lý quá! Một cây bút cỡ Tô Hoài mà không có tư tưởng thì vô lý quá. Tôi không tin ý kiến của Xuân Diệu, vẫn tiếp tục tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của Tô Hoài.

Tôi còn có điều kiện tiếp xúc nhiều với Tô Hoài, nhờ anh Phan Ngọc Thu ở đại học Đà Nẵng, thường tổ chức những lớp tập huấn về chuyên môn cho các giáo viên PTTH chuyên văn, hay mời tôi và Tô Hoài vào giúp. Chúng tôi thường ở chung một khách sạn, khi ở Đà Nẵng, khi ở Bến Tre, khi ở Long Xuyên…

Tô Hoài là người rất cởi mở, chuyện trò rất thoải mái, chả giấu tôi điều gì. Tôi để ý thấy ông rất thích thú khi phát hiện ra những tật xấu, những biểu hiện tầm thường, thậm chí nhếch nhác của con người. Nếu đầu óc của Nguyên Ngọc chỉ hút lấy những chuyện anh hùng, những tính cách phi thường, thì đầu óc của Tô Hoài ngược lại, chỉ nhạy bén với phương diện tầm thường của cuộc sống, của con người.

Mà sao ông biết lắm chuyện thế, cả những chuyện riêng tư rất thầm kín của người ta. Trong con mắt của ông, ở đời chẳng có ai là thần thánh cả, chỉ có người thường, chỉ có những nhân cách tầm thường. Nhân vật truyện của ông cũng đều thế cả. Nhưng viết như thế thì nhạt lắm, làm sao hấp dẫn được người đọc. Mãi sau này tôi mới nghĩ ra: truyện Tô Hoài té ra có một sức hấp dẫn riêng. Ấy là, trong cuộc sống đời thường và ở những con người thường vẫn sinh sống quanh ta, ông phát hiện ra những cái khác lạ mà chỉ có con mắt tinh quái của ông mới nhận thấy. Và tôi để ý đến cặp mắt của ông. Cặp mắt hẹp và dài, có đuôi. Người như thế là tinh quái lắm. Này, cứ để ý mà xem, những anh mắt to, cứ mở thao láo ra mà ngơ ngơ ngác ngác chẳng thấy gì cả. Còn những anh mắt ti hí, chỉ liếc xéo một cái là thấy hết. Những điều Tô Hoài khám phá ra được bằng cặp mắt ấy vừa lạ vừa buồn cười, lạ một cách ngộ nghĩnh rất buồn cười. Đúng là ông có cặp mắt vừa tinh quái vừa hóm hỉnh. Xin dẫn ra đây mấy ví dụ về những phát hiện của Tô Hoài ở một số nhà văn: Anh Thơ viết hồi ký cứ bịa ra nhiều chuyện như thật [1]. Bà ta người xấu, lợi hở thâm như miếng thịt trâu. Vì có mặc cảm mình xấu nên cứ bịa ra là mình ngày xưa đẹp lắm, lắm người mê. Hồi kháng chiến chống Pháp, Anh Thơ đã định xung phong lấy Tây hàng binh làm địch vận cho ta. Bà Ngân Giang thì từng lấy nhiều chồng, có nhiều con, hồi kháng chiến ở vùng tự do dinh tê vào thành Hà Nội, vì thế có mặc cảm, nên hay khoe mình đã tham gia kháng chiến, Huy Cận ngày nào cũng ra trụ sở Hội Văn nghệ (51 Trần Hưng Đạo), chẳng có việc gì cả, chỉ cốt ra đấy để được ăn một bát phở miễn phí. Lưu Trọng Lư thì túng tiền uống rượu, đã ăn cắp xe đạp của Chế Lan Viên đi bán. Nhà thơ trào phúng Thợ Rèn sở dĩ nổi tiếng vì người ta tưởng là cụ Hồ, bút danh của cụ Hồ. Mấy ông Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Đồ Phồn, Huyền Kiêu tự thấy trước cách mạng có tội nên ra sức nịnh Đảng và hay lên gân lên cốt về lập trường. Bùi Giáng thì rất mê Kim Cương, chỉ ước sao khi chết được Kim Cương đái trên mồ. Buồn cười nhất là Nguyễn Xuân Sanh bị Tố Hữu ghét vì chỉnh huấn chuyển biến nhanh quá, không đúng quy luật: đấu tranh tư tưởng thì phải lâu dài gian khổ chứ! Còn Hoàng Cầm thì bị tù, khi hết hạn người ta trả lại tự do, lại xin ở lại thêm để viết nốt bản kiểm thảo…

Đọc các tác phẩm của ông viết về các nhà văn như hồi ký “Cát bụi chân ai”, thấy ông cũng toàn kể ra những phát hiện như thế. Nguyễn Tuân kiếm đâu được cái máy chữ Baby cà khổ mà cứ mơ tưởng sẽ thuê một thư ký đánh máy để làm việc như một nhà văn cỡ quốc tế. Xuân Diệu thì mắc bệnh đồng tính luyến ái mà Tô Hoài chính là một nạn nhân. Nguyên Hồng thì mắc bệnh tháo dạ và đi đâu cũng có một gói thịt chó ăn dở nhét trong cặp. Nguyên Hồng bồ bịch với một bà hàng xóm nạ dòng ở chợ Bắc Giang, bị vợ đánh ghen đã hốt hoảng bỏ chạy mất dép mà vẫn còn tiếc “mất mẹ nó cái màn!”. Cụ Nguyễn Công Hoan hồi kháng chiến, ở nhà dân, cụ cũng nhảy dù dữ lắm. Trong chỉnh huấn người ta gợi ý kiểm thảo, mồ hôi cụ cứ vã ra như tắm. Cụ Ngô Tất Tố một nhà nho đạo mạo như thế mà rất bẩn, đi đường hễ xì mũi là quệt ngay vào cột điện – cột điện Hà Nội là khăn mùi soa của cụ…

Một điều cũng đặc biệt chỉ thấy ở Tô Hoài: trong đời cũng như trong tác phẩm (những tác phẩm có tính chất hồi ký, tự truyện) ông không chỉ kể ra những nhếch nhác của người khác, mà không che giấu cả những nhếch nhác của chính mình, những điều chẳng danh giá gì cho ông cả. Như chuyện hủ hóa với cốt cán trong cải cách ruộng đất, chuyện ăn nằm với đầm trong những chuyến đi nước ngoài – ông nói quan hệ tình dục với bọn đầm mệt lắm, có lần ông phải xin giấy bác sỹ chứng nhận huyết áp cao nó mới tha. Nhếch nhác nhất là cái lần ông bị giam, cùng với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Như Phong ở nhà tù Nam Định vì tham gia văn hóa cứu quốc. Ngồi buồn, bốn ông nhà văn tụt quần ra thi của quý của anh nào to hơn, dài hơn…

Kể những chuyện ấy một cách thích thú, có nghĩa là Tô Hoài quan niệm sống như người thường là sướng nhất. Làm thần thánh làm gì cho khổ. Làm thánh thật khổ đã đành, mà làm thánh giả càng khổ, vì cứ phải diễn trò, đóng kịch – mỗi khi muốn làm chuyện của người thường lại cứ phải lén lút, giấu giấu diếm diếm. Làm người thường, trời cho cái gì hưởng cái đó, sướng chứ!

Tô Hoài không coi ai là thần thánh cả, không coi việc gì là thiêng liêng khác thường cả, kể cả nghề văn. Ông nói, làm văn khó thì khó thật, nhưng cũng như mọi nghề khác thôi. Nguyễn Vỹ nói: “Nhà văn An Nam khổ như chó”, thực ra nhiều nghề khác còn khổ hơn chứ. Ông rất ghét tác phong tài tử, viết cứ phải đợi có cảm hứng. Ông viết chẳng cần cảm hứng gì cả, viết hỏng thì bỏ đi, viết lại thế thôi. Và trong quan hệ với đời, ông cũng không thích đóng vai nhà văn. Nghỉ hưu, ông không sinh hoạt đảng với chi bộ Hội nhà văn mà về sinh hoạt với khu phố. Ở tổ dân phố, ông tự giới thiệu là một cán bộ kế toán về hưu để đóng vai người thường trò chuyện thoải mái với người thường. Ông cũng không nề hà những công việc tầm thường của mọi người dân phố. Ông nhận làm tổ trưởng dân phố và cũng làm đủ mọi việc chẳng văn chương chút nào, như tuần tra ban đêm, như kêu gọi “triệt để chó”, như đi các hộ dân kiểm tra hố xí hai ngăn… Và nhờ thế ông đã khui ra khối chuyện lạ đời thường.

Thích thú phát hiện những chuyện lạ đời thường và viết về những chuyện lạ đời thường, nên Tô Hoài là cây bút viết rất giỏi về phong tục. Vì phong tục xét ra cũng chính là những chuyện lạ đời thường của các dân tộc. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, cuốn “Quê người”, là một cuốn tiểu thuyết viết về phong tục của người nông dân ở kẻ Bưởi, quê ông: như phong tục tảo hôn, tục chữa bệnh bằng những biện pháp mê tín dị đoan của những ông đồng bà cốt, tục nằm vạ, tục khách nợ, rồi lối chửi nhau có bài có bản của những người đàn bà chanh chua đanh đá… Kháng chiến chống Pháp, lên chiến khu Việt Bắc công tác, lập tức những phong tục của người Mán, người Thái, người Mường, người H’Mông thu hút ông. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Bắc, đặc biệt là Tây Bắc trở thành quê hương văn học của ông. Ông viết “Truyện Tây Bắc”, “Vợ chồng A Phủ”… Năm 1954, hòa bình được lặp lại trên miền Bắc, tuy đã về xuôi rồi, ông vẫn viết về Tây Bắc, vẫn không rời bỏ quê hương văn học của mình. Ông viết “Miền Tây”, rồi “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”…

Tô Hoài cũng rất sở trường viết về loài vật. Ông là tác giả của hàng loạt truyện về loài vật rất nổi tiếng: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “O chuột”, “Chuột thành phố”… Xét ra viết về loài vật, ở Tô Hoài, cũng là cảm hứng phong tục. Ông chẳng cần tìm đến những con thú ghê gớm như hổ, báo, sư tử… Ông chỉ viết về toàn những con vật quen thuộc quanh ta, như con mèo, con chó, con gà, con vịt, con chuột, con dế mèn, con châu chấu, con bọ ngựa, con cóc, con nhái… Vậy mà ông đã phát hiện ra ở mỗi con có những bộ dạng khác nhau, sinh sống theo những “phong tục” ngộ nghĩnh khác nhau. Truyện loài vật của Tô Hoài vì thế đọc rất vui, rất hấp dẫn.

Thế là tôi đã hiểu Tô Hoài rồi, có thể viết về Tô Hoài rồi. Tôi viết một bài đặt tên là “Tô Hoài với quan niệm con người là con người”. Tôi gọi ông là “nhà văn của chuyện lạ đời thường”. Đó là quan niệm sống và viết của ông, cũng có thể gọi là quan điểm mỹ học của ông. Tôi bắt đầu tiếp xúc với Tô Hoài từ năm 1980, vậy mà đến năm 2000 mới viết được bài này – đúng 20 năm.

Tiếp theo bài này, tôi viết luôn hai bài nữa: bài “Mấy nét chân dung Tô Hoài qua “Giấc mộng ông thợ dìu” và bài “Tô Hoài và một cách viết tiểu thuyết lịch sử”. Ở hai bài này tôi khẳng định Tô Hoài có “máu dân chủ” – tôi không nói tinh thần dân chủ mà nói máu dân chủ mới thật đích đáng. Vì ông chỉ viết về những người thường, nhân loại trong truyện của ông là một nhân loại vô danh chẳng ai thèm ngó đến. Như lũ kiến bé li ti, từng đàn từng đàn bò đi trong những xó xỉnh tăm tối chẳng ai để ý đến làm gì. Tôi gọi tập tiểu thuyết bộ ba của ông gồm các truyện “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm” là một bộ tiểu thuyết lịch sử viết theo kiểu Tô Hoài. Truyện lịch sử mà chẳng có nhân vật lịch sử nào cả, nghĩa là những người được ghi tên trong sử sách, chỉ có quần chúng vô danh mà thôi. Họ làm ra lịch sử hàng ngày mà không hề biết.

Tô Hoài đọc các bài viết của tôi, chắc ông cho tôi hiểu ông, vì ông tỏ ra mến tôi. Ông khen tôi viết nghiên cứu phê bình có phong cách và viết có hồn. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông, ông thường đưa tôi ra quán bia, quán rượu. Ông thích uống bia, còn rượu mạnh, ông chỉ làm một hơi cạn ly.

Nhưng vài năm nay ông yếu đi nhiều, lắm bệnh: huyết áp không ổn định, tiểu đường nặng, lại bị gút. Thành ra ông phải kiêng bia rượu. Ngày trước ông là một tay ham xê dịch, xê dịch nhiều hơn cả Nguyễn Tuân, vậy mà bây giờ ông chẳng đi đâu được, có lúc phải ngồi xe lăn.

Tô Hoài là một pho tài liệu sống, một cuốn từ điển sống của tôi. Tôi khai thác mãi vẫn chưa hết, không biết bao giờ mới hết. Mà ông thì đã hơn 90 tuổi rồi, chả biết còn sống được bao lâu nữa. Và tôi đã hơn 80 tuổi, cũng già rồi, chẳng biết còn có thể khai thác ông và viết được bài nào nữa về ông?

(Còn tiếp)



[1]  Từ bến sông Thương

 

MẤY NÉT CHÂN DUNG TÔ HOÀI

QUA “GIẤC MỘNG ÔNG THỢ DÌU”[1]

 

Mới đây thôi, Tô Hoài cho xuất bản tập tản văn nhan đề Giấc mộng ông thợ dìu. Vẫn một lối viết và một giọng văn rất thoải mái - gọi là nhàn đàm, phiếm luận hay tạp văn đều được. Qua tác phẩm, thấy hiển hiện khá rõ bức chân dung Tô Hoài với những nét độc đáo và rất đỗi trẻ trung ở một ông già đã ngót nghét chín mươi tuổi:

1. Con người có “máu” dân chủ

Trong bài viết Tô Hoài với quan niệm con người là con người, tôi có nhận xét, Tô Hoài là nhà văn của chuyện thường, của người thường, trong quan hệ đời thường. Nhật xét ấy không sai. Nhưng đọc Giấc mộng ông thợ dìu, tôi thấy diễn đạt như thế là chưa đủ độ, chưa đến nơi. Người ta thường nói, ông này có “máu” làm quan, ông kia “máu” làm giàu, bà nọ có “máu” Hoạn Thư, v.v... Vâng, tôi cũng dùng chữ “máu” theo nghĩa ấy: Tô Hoài có “máu” dân chủ - nói thế mới thật đích đáng.

“Máu” dân chủ của Tô Hoài thể hiện ở chỗ nào? Ở chỗ ông đặc biệt quan tâm tới những người đời không biết đến, thiên hạ không ai buồn ngó đến. Những người như con sâu, cái kiến, cả đời sống lầm lũi, âm thầm trong bóng tối. Chẳng hạn, những người ông gọi là “ngủ bụi”, không nhà cửa, ngủ đường, ngủ chợ, chân cầu, gầm cầu, có khi ngay giữa bãi cỏ, cứ “ba xoa hai đập - nghĩa là ngồi đập chân rửa mặt khan”; hoặc là những người ở các vùng nông thôn Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa,... ra Hà Nội kiếm ăn, làm phu hồ, làm ô sin rửa bát, khiêng bàn, khiêng ghế, bưng bê cho các hàng cơm, hàng phở. Đêm về ngủ ở mấy quán trọ ngoại ô, “nằm úp thìa, đầu đàn ông, đàn bà chổng ngược nhau, chân hai bên thò ra mép chiếu” Ngủ bụi; đó là những cô gái đánh giậm, “mỗi cô vác trên vai cái giậm, và cái giỏ con tép, con rô con, con nhái thì đeo thắt lưng cạnh sườn” (Cái giậm); đó là những người bán hàng quà đất, gọi là bánh ngói, khách hàng là mấy cụ già ăn đất ngon lành cạnh cái bếp hun đất khói um (Ăn đất); đó là những người dân “phố liều” sinh sống quanh những bãi rác ở ngoại thành. Mỗi tối hàng trăm xe rác lên bãi đỗ. Thế là cả “phố liều” đổ ra tấp nập, chen chúc nhau bới bới, nhặt nhặt những cái người trên phố đã vất đi, quẳng đi (Đi dạo chiều ba mươi),v.v...

Ngày nay có lẽ ít ai biết đến con ốc mút. Con ốc tủn mủn, bé tí tẹo, đầu to con ốc nhỏ hơn cái đầu đũa, đuôi ốc thì nhọn hoắt. Người ăn lấy đồng xu có lỗ bẻ khấc một phát, cái đuôi ốc gẫy, rồi đưa lên miệng mút, ruột ốc chỉ bằng cái đầu tăm. Tô Hoài đã viết về những người ăn ốc mút và những người đi mò, đi cào ốc mút ở Hồ Tây. Họ là những dân tứ xứ, không biết từ đâu tới, cặm cụi, mò mẫm suốt một buổi, đến xế chiều mỗi người xách lên một xô ốc đem bán ngay bên hồ trước cửa chùa Thiên Nhiên ở Quán La, giá khoảng một nghìn một cân (Con ốc mút).

Lại có một nghề mà không đọc Tô Hoài, tôi không thể biết được: nghề kéo lưới với bát hương.

Cái lưới nặng, lăn ra những cục bùn nhóc như vỏ ốc nhồi, có cục to bằng quả bưởi.

Tôi bước lại hỏi:

- Bác quăng lưới bắt cái gì đấy?

Bác ta vẫn chăm chú vào mắt lưới, nói ra:

- Tôi nhặt bình hương. Bây giờ rằm tháng bảy hay cuối năm, người ta hay bỏ bát hương xuống hồ như thả con cá, con chim phóng sinh [...] chẳng biết trời Phật có phù hộ hay không, nhưng mà vứt đi thế phí của quá. Nhặt về, rửa cẩn thận, mấy ngày Tết đem bán, lại là đồ cổ được tiền đấy ạ” (Đi dạo chiều ba mươi).

Toàn những nghề mạt hạng không biết đặt tên là gì, đã nuôi sống biết bao kiếp người làm lũ.

Ở nước ta, các nhà văn hiện thực cũng thường viết về những người cùng khổ, như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Kim Lân... Nhưng dù sao những nhân vật của các ông cũng còn có mặt mũi, tên tuổi, tính cách, và cuộc đời thường gắn với những sự kiện xã hội, chính trị, lịch sử ít nhiều quan trọng. Nhân vật của Nguyên Hồng thì tính cách rất mãnh liệt, trái tim rực lửa, dù bị dìm xuống bùn đen, vẫn quyết vươn thẳng lên trời xanh và nắng vàng...

Còn nhân vật của Tô Hoài thì chẳng biết tên tuổi, mặt mũi ra sao, cũng chẳng biết họ có nghĩ ngợi gì không - một đám cưới nhỏ bé li ti như loài kiến, từng đàn, từng đàn kéo nhau bò đi lặng lẽ trong những xó xỉnh tối tăm nào. Tính phổ biến và khá hệ thống của hiện tượng này trong tác phẩm của Tô Hoài, nói rằng, đây là sự thể hiện quan điểm của nhà văn ở cấp độ ý thức hẳn hoi, đồng thời đã ngấm vào máu, trở thành cảm hứng nghệ thuật tự nhiên của tác giả Giấc mộng ông thợ dìu.

Tôi gọi Tô Hoài là nhà văn có “máu dân chủ” là như thế. Quá trình vận động, phát triển của mọi nền văn học dân tộc đều theo quy luật dân chủ hóa. Trong văn học, hiện đại hóa thực chất là dân chủ hóa. Trên quá trình dân chủ hóa của nền văn học Việt Nam, tôi cho rằng, Tô Hoài là một cái mốc quan trọng.

2. Bạn chí thiết của thiên nhiên

Đọc tập hồi ký Cỏ dại của Tô Hoài, biết ông từng gắn bó với môi trường thiên nhiên từ nhỏ. Hồi ấy, thiên nhiên hầu như là người bạn duy nhất của ông. Tô Hoài sinh ra và lớn lên ở quê ngoại (Kẻ Bưởi), sống với ông bà ngoại. Cha ông vào làm ăn tận “nước” Sài Gòn biền biệt. Cả nhà, trừ ông ngoại, toàn đàn bà. Và cũng không có ai cùng lứa tuổi. Cu Bưởi chơi với ai được? Đành chỉ lủi thủi cả ngày trong khu vườn um tùm, rậm rạp bên ngôi nhà cổ tối tăm. Hết leo cây leo cối, lại bắt dế, bắt châu chấu, chuồn chuồn... Rồi quây gạch, xây thành đắp lũy nuôi ếch, nuôi nhái, v.v...

Không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài có biệt tài tả cảnh thiên nhiên và các con vật. Vì ông đâu chỉ tả bằng mắt nhìn, bằng bút mực. Ông đặt cả tâm hồn mình vào bức tranh trời đất, cỏ cây, chim muông, cho đến những loài côn trùng bé nhỏ - bạn bè thân thiết của ông.

Giấc mộng ông thợ dìu mới ra đời gần đây thôi, nên nóng hổi tính thời sự. Một trong những vấn đề thời sự đặt ra hết sức gay gắt cho toàn nhân loại hiện nay là vấn đề môi trường sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi chính con người. Tất nhiên đấy cũng là nỗi lo lắng nhức nhối của Tô Hoài.

Nhà văn tuy sống ở thành phố, nhưng thích đi dạo lang thang nơi này nơi khác, ngắm trời ngắm đất, ngắm cây ngắm cối (Đi dạo chiều ba mươi, Một cuộc chơi xuân, Loăng quăng,...). Ông quan sát tỉ mỉ các giống cây trồng quanh Hồ Gươm (Cây Hồ Gươm); ông ra bờ sông Hồng, nhìn tàu bè xuôi ngược, ngắm bãi ngô xanh xanh ẩn hiện nơi bãi giữa (Trên sông Hồng); ông dạo chơi quanh Hồ Tây, xem người ta kéo lưới, cào ốc, đánh giậm (Hồ Tây). Đi xa hơn nữa, ông lên tận Hòa Bình, Hà Tây, thăm Mai Châu, Chơi Chùa Hương, Chùa Tây Phương...

Nhưng ông sống lại với cảnh vật trong quá khứ để mà thương hơn là sống với hiện tại. Vì vậy bây giờ phong trào đô thị hóa tràn lan đã lấn chiếm dần thiên nhiên của Hà Nội. Ông nhớ tiếc nhiều cây cổ thụ quanh Thủ đô không còn nữa, như cây gạo ở cuối làng Bưởi biến mất tự bao giờ, cây muỗm đại thụ ở đầu làng thì bị đội cải cách quy là “cây phong kiến” và quyết định đốn chặt để làm trường học. Ông để ý thấy quanh Hồ Gươm, nhiều cây cổ thụ đã chết, như cây đa lông, cây sanh bên Hồ, cây gạo ở lối đi vào cầu Thê Húc... Ông lo lắng, đến bao giờ Hà Nội mới có Hội xanh để trông nom giữ gìn những “đồ cổ sống” này như ở nhiều thành phố trên thế giới (Cây cổ thụ và vườn hoa). Ông tiếc cho làng thuốc Nam Đại Yên bị lấn hết đất. Làng có nghề trồng trọt, thu hái lá cây chữa bệnh có từ nghìn năm, nay bị chèn ép khốc liệt. Người ta mua đất xây biệt thự, xóm nào cũng xám ngắt nhà ximăng, đường ximăng. Làng nghề ngắc ngoải, vườn thuốc mất dần, chợ thuốc lèo tèo dăm ba mẹt lá cùng vài cụ già nhớ chợ ngồi bán cho vui (Làng thuốc Nam). Ông ngẩn ngơ nhớ những con vật nho nhỏ đáng yêu không còn nữa: con ve sầu kêu râm ran suốt mùa hè, con tắc kè gọi nhau đến tận khuya, đàn chuồn chuồn tương bay rập rờn báo hiệu trời nắng trời mưa, con xiến tóc sáng sớm mở cánh bay đi cạo ăn vỏ cây dướng, mùa hạ bươm bướm ra như vỡ tổ, những con bướm Rồng sặc sỡ bay lượn rợp một vùng, con cành cạch, con cào cào đậu trên ngọn lúa, con dế, các loại dế “vô vàn những con đáng yêu mà bây giờ hầu như cũng mất cả” (Những con vật nho nhỏ quanh ta). Ông thương con khướu bạc má mua ở Kim Bôi về. Ở trên ấy, nó vẫn hót râm ran. Vậy mà về với ông nó chỉ kêu hai tiếng quái gở “quẹc quẹc”. Tiếng xe cộ rầm rập suốt ngày khiến nó đinh tai nhức óc, không hót được nữa, chỉ kêu như hét “quẹc quẹc”. Rồi người nó phờ phạc “cái đầu nó trụi dần như hòn bi. Một bên cánh xã xuống. Lông rụng lả tả”. Cuối cùng chết còng queo trong chuồng (Con khướu bạc má). Ông căm ghét bọn phá rừng, đốt rừng, bọn săn thú, bắt chim. Sợ nhất là lối đánh lưới chim bằng kỹ thuật hiện đại: dùng cátxét thu băng tiếng chim cho chúng sa lưới, rồi đem ra chợ Bưởi bán từng xâu, từng xâu. Bắt từ mòng két, cu gáy, chim ngói, sâm cầm, le le, chào mào, sáo đá, sẻ, con choi choi bé tí tẹo, đến con vịt giời và cả diều hâu.

Ông ra chợ Bưởi hỏi người bán chim:

“- Diều hâu bay cao thế sao bẫy được?

- Mở băng tiếng diều hâu kêu ra, xuống ngay chứ!

- Thu được băng tiếng diều hâu?

- Ông ơi! Cụ Giời trên thiên đình mà nói cũng thu được cả tiếng cụ Giời. Nào ông mua đi, diều hâu nướng lên thơm chẳng kém gì gà gô”.

Tô Hoài không nén nổi bực bội:

“Ở ta, chỉ nghe khẩu hiệu hò hét trên báo về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường chứ chẳng thấy người để mắt đến tác hại cụ thể, tỉ mỉ ấy. Rồi một ngày kia trên mặt đất, trên bầu trời sẽ hết chim, hết hoa thì con người ở với ai?!” (Rồi thì người ở một mình).

3. Cu Bưởi chín, mười tuổi trong ông già ngót nghét chín mươi

Cũng trong bài viết nói trên về Tô Hoài, tôi có nhận xét rằng, ông có một khuynh hướng cảm hứng riêng gọi là cảm hứng hồi ký tự truyện. Tác phẩm của Tô Hoài dù viết theo thể loại nào cũng đều có hơi hướng hồi ký, tự truyện. Dường như bất cứ hiện tượng nào của đời sống hôm nay cũng có thể đánh thức trí nhớ của ông trở về với những kỷ niệm xa xưa, đặc biệt là những kỷ niệm thời thơ ấu.

Chỉ cần đọc một cuốn Giấc mộng ông thợ dìu cũng có thể bắt gặp luôn luôn những câu đại loại như thế này:

“Tôi đi xem hội làng Đông, làng Hồ từ khi nắm váy bà đòi cõng. Chín mười tuổi thì theo các dì đi hội”.

“Tôi biết cây dướng vì ngày trước làng tôi ở ngoại thành, tôi hay đi bắt con xiến tóc về chơi, xiến tóc bậu ăn vỏ cây trên cành dướng”.

“Nhớ Hồ Gươm, bao giờ tôi cũng trở lại tuổi thơ tò mò, ngây dại, say mê với những trò đếm cây, đố lá”.

“Thuở bé tôi nuôi chim chào mào...”.

Nhưng Tô Hoài không chỉ nhớ lại tuổi thơ. Ông sống lại thật sự với tâm lý trẻ trung thời niên thiếu. Vẫn thích lượn lờ các quán xá vỉa hè, ngồi tán phét ở những quán cóc. Ông đặc biệt có cái thú riêng: dấu biệt mình là nhà văn, đóng vai một lão kế toán về hưu để tiện ngồi “hóng chuyện thiên hạ” và cũng có thể “ba hoa chích chòe” thoải mái như ai (Quán cây si).

Nói đến Tô Hoài, người ta thường nghĩ ngay đến cuốn truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, tuy sự nghiệp đồ sộ của ông đâu chỉ có cuốn truyện thiếu nhi đó. Nhưng đọc tác phẩm về cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn, thấy đúng là có một cái gì rất Tô Hoài: một cách nhìn thế giới, nhìn đời, nhìn cây cỏ và những con vật rất hóm hỉnh, luôn luôn ánh lên một nụ cười tinh nghịch rất trẻ thơ.

Này đây ông nhà văn đã ngót chín mươi tuổi vẫn thích thú chơi dế mèn. “Tôi mua tám hộp tám con dế [...]. Ba đôi tôi cho bọn cháu tôi đang choai choai tuổi thơ cho biết [...]. Tôi giữ chơi một đôi” (Tôi lại chơi dế mèn).

Trên đường dạo chơi xuân, thấy trẻ con đánh lưới chim ngói, ông cũng háo hức: “Thế thì ta phải ra chơi với chúng mày [...]. Tôi gác cái xe đạp đổ chỏng gọng xuống mặt ruộng [...]. Tôi chui vào lều với chúng nó”.

Một đứa nói: “Cụ ơi! Được mẻ ngói đầu, chúng cháu đi thui chim rồi đi mua rượu cho cụ xơi Tết năm mới”.

Tôi cười ha hả: “Được đấy! Đi mua rượu ở cái hàng gốc đề. Tiền đây!” (Một cuộc chơi xuân).

Vậy thì Tô Hoài chín mươi tuổi có khác gì cu Bưởi lên chín, lên mười!

*

*     *

Ba nét chân dung Tô Hoài nói trên, xem ra rất hòa hợp: “Máu” dân chủ hay lòng yêu thiên nhiên cũng đều là những biểu hiện khác nhau của một tâm hồn rất trẻ - và, đúng như Nguyễn Khải nói, yêu thiên nhiên nên mới giữ mãi được tình người[2].

N.Đ.M - Láng Hạ, 27 - 7 - 2009

 


[1] NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.

[2] Nguyễn Khải nói đúng: "Con người cần cây cỏ, cần vườn ao, sống giữa thiên nhiên thì mới giữ mãi được tình người" (Một cõi nhân gian bé tí, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, tr. 61).

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook