CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

TIẾNG GUỐC RAO ĐÊM

Thứ hai ngày 10 tháng 9 năm 2012 3:00 AM

Bạn đi Thụy Điển mang về đôi guốc sục. Đặc sản lâu đời của xứ sở hậu duệ người Viking. Một đôi guốc được đẽo liền khối bằng loại gỗ nhẹ vẽ thêm những họa tiết trang trí dân gian sống động. Đôi guốc cứ làm tôi tưởng tượng đến một anh chàng tiều phu rỗi việc ngồi bên lò sưởi trong những ngôi nhà gỗ bìa rừng mùa đông tuyết phủ cần mẫn chăm chút. Phải thừa thời gian đến mức nào đó thì mới đủ để khoét rỗng lòng đoạn gỗ cho vừa với bàn chân sục vào. Có thể là cả một mùa đông? Dĩ nhiên bạn bảo bây giờ không ai còn đi đôi guốc ấy nữa. Đến người Việt mình cũng ái ngại xỏ chân mặc dù chưa xa lắm người ta còn chế tạo ra những đôi guốc bằng gốc tre nặng hơn guốc gỗ gấp nhiều lần. Những gốc tre đào lên cả củ lựa theo chiều cong mà đẽo đục hình dáng tựa như đế hài vua quan ngày trước. Quai đôi dây mây hoặc dây thừng xỏ lỗ dùi bằng que sắt nóng theo lối xỏ ngón. Cũng có khi điệu hơn luồn quai kẹp ngón như dép Thái lan. Những năm 50 thế kỷ trước vẫn còn có thể bắt gặp vài cụ ông ở nông thôn sử dụng. Ngày mưa chủ yếu bọc lá chuối khô cắp nách mà đi. Chỉ để chứng tỏ mình có guốc. Đường làng lầy lội hút chặt khó lòng mà đủ sức rút đôi guốc lên khỏi mặt bùn.

Trẻ con thành phố ngày ấy đến trường cũng phần lớn đi guốc. Cả trai và gái. Guốc trẻ gái quai chéo sơn màu sặc sỡ vẽ hoa năm cánh chấm tròn như đầu đũa nhưng quai thì vẫn chỉ là lốp ô tô hỏng lạng mỏng ra đóng vào. Trẻ trai đi guốc mộc quai ngang. Vài đứa õng ẹo hơn có thể đòi bố mẹ mua cho guốc màu nhưng đến trường thường bị bạn bè trêu chọc. Những đứa nghịch ngợm hơn đóng thêm đồng xèng nắp chai bia đập dẹt vào gót đi phát ra tiếng kêu loẹt xoẹt như kéo chậu sắt long vành trên vỉa hè. Cũng là bắt chước mốt thanh niên lúc ấy thường đóng thêm cá sắt vào gót giầy da. Không phải để kêu. Chỉ là cho đỡ mòn. Và cũng là để phân biệt với đôi giày da Bộ tài chính cho cán bộ mượn đi công tác nước ngoài. Sở hữu riêng một đôi giày lúc ấy là chuyện không nhỏ.

Đàn ông đi làm công sở buộc phải có giầy dép đàng hoàng hay chí ít cũng là dép cao su hoặc giày bata. Đàn bà có phần duyên dáng hơn chút ít. Sang trọng thì có guốc gỗ sơn mài quai da vẽ phong cảnh Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột mua trên Hàng Đào, Tô Tịch. Ngày ấy Vịnh Hạ Long và Chùa Một Cột vẫn còn là di sản đương nhiên trong tâm thức người Việt chứ chưa đến nỗi phải “bình bầu” tốn kém như bây giờ. Bình dân thì guốc gỗ sơn đen bóng như nhựa đường đóng quai lốp cùng màu. Dù là guốc sơn mài hay guốc thường thì màu chủ đạo vẫn là đen. Bởi vì hình như nó được qui định tông màu bằng chiếc quần lụa đen nhõng nhẽo thướt tha toàn thành phố bên trên đó một quãng.

Sau giải phóng miền Nam, guốc có những thay đổi thần kỳ. Guốc nhựa đen cao gót rất lênh khênh mảnh dẻ bởi vật liệu nhựa có độ bền vững cao hơn hẳn gỗ. Cách thức tạo dáng cũng biến đổi từng ngày theo thị hiếu ăn diện của chị em. Và cũng là hạn chế đến mức thấp nhất tiêu hao nguyên liệu nhựa. Đại khái thay tiết diện gót guốc từ hình bán nguyệt sang hình nửa đa giác đều. Thân guốc co ngang và mỏng đi làm cho những chị chân to muôn phần bối rối. Tuy nhiên phải nhìn kỹ mới thấy. Thoáng qua vẫn chỉ là guốc thường mà thôi. Để đi làm, đi học và thỉnh thoảng dùng một chiếc thay mặt chủ nhân xếp hàng mua đậu phụ. Trong trường hợp này guốc hay bị mất. Không phải ai đó lấy để đi mà chỉ là chen hàng. Tìm được chiếc guốc phải ấm ức xếp hàng lại từ đầu. Những đôi guốc mộc không còn thấy xuất hiện trên đường phố nữa. Nó đã rút lui vào sau cánh cửa làm guốc đi trong buồng tắm. May mà sau đó ít lâu nở rộ phong trào guốc vẽ bút điện từ Đà Lạt ra, guốc mộc mới lại xuất hiện. Nhưng trong hình dạng khác và công nghệ chế tạo cầu kì hơn. Cũng chỉ thoi thóp được chừng vài ba năm là biến mất hẳn. Nam thanh niên lúc ấy lại có một đam mê guốc khá lạ. Họ lên tận Bãi Bằng tìm mua những đôi sục Thụy Điển mũi da của đám chuyên gia lâm nghiệp thanh lí. Hãnh diện lê gót lộp cộp trên vỉa hè Hà Nội. Nó rất hợp với chiếc quần bò King Jo từ Thái mang về luôn dài hơn người mặc ít nhất hai gấu.

Tiếng guốc rao đêm lắng đọng hồn phố xa xưa bền bỉ. Đến bây giờ chẳng còn mấy ai đi guốc nữa chợt thấy cái cảm giác phố đêm thanh vắng cũng hư hao đi rất nhiều. Rất phản khoa học nhưng rõ ràng đó là thứ âm thanh đặc biệt làm nên đêm thành phố yên tĩnh.


 

Đ.P

Ảnh: Tư liệu

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook