CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

XUÂN DIỆU VÀ NIỀM KHÁT KHAO GIAO CẢM VỚI ĐỜI

Thứ ba ngày 4 tháng 9 năm 2012 10:28 AM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN VII  


Nico: Thưa GS, bài viết "Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời" là một "Chân dung văn học" hay một "Phê bình văn học"? Nếu đó là cả hai thể tài được hài hòa tinh tế trong bài viết, dường như đã có một mối giao cảm lớn giữa tác giả và nhà phê bình?


G.S Nguyễn Đăng Mạnh:  Vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tôi luôn viết cho tờ Tác phẩm mới của Hội nhà văn do Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Tô Hoài thay phiên nhau phụ trách. Vì thế tôi luôn đến Xuân Diệu về chuyện bài vở.

Tiếp xúc nhiều với nhà thơ, quan sát và trò chuyện với anh nhiều lần, tôi thành ra rất thuộc con người anh. Vì thế tôi nảy ra ý định viết một bài chân dung về anh. Trước sau tôi vẫn quan niệm, viết chân dung, phải tìm ra cho được chỗ thống nhất giữa văn và người ở mỗi cây bút. Thống nhất ở bề sâu chứ không phải bề mặt, bề nổi. Bề mặt, bề nổi nhiều khi thấy văn và người chẳng ăn nhập gì với nhau cả, thậm chí như là trái ngược. Vậy phải quan sát thật kỹ để hiểu thấu con người nhà văn trong đời sống, rồi đối chiếu với thơ văn của anh ta (cũng phải nghiên cứu thật kỹ) để thấy đấy là hai mặt soi sáng lẫn cho nhau. Chân dung văn học cũng là một dạng của phê bình văn học kia mà, tôi quan niệm như thế.

Quan sát Xuân Diệu một cách chăm chú, tỉ mỉ, không bỏ qua một biểu hiện nào dù vặt vãnh, tầm thường, tôi nhận thấy nổi trội lên ở con người anh là một lòng yêu đời, ham sống hết sức đặc biệt. Mà “đời” và “sống” trong quan niệm của anh phải được hiểu một cách trần tục, trần thế, rất cụ thể thiết thực, chứ không chung chung trừu tượng. “Này – anh nói với tôi – viết văn, có tài không đủ, phải có sức nữa. Vì thế phải lo ăn uống bồi dưỡng đầy đủ. Tất nhiên phải chi tiêu một cách khôn ngoan và tiết kiệm, vì đồng tiền mình kiếm được có hạn”. Rồi, hệt như một bà nội trợ thành thạo chuyên chợ búa, anh tính toán với tôi: “này nhé, ba quả trứng gà 33 đồng, hai quả trứng vịt lộn giờ 18 đồng một quả, nhân hai là 36 đồng, nhưng bổ hơn ba quả trứng gà chứ! Ba lạng thịt bò nhiều hơn ba lạng thịt lợn, vì thịt bò nhẹ hơn. Nhưng ba lạng thịt bò có bổ hơn hai quả trứng vịt lộn không thì chưa rõ. Nhưng cũng phải đổi món chứ… Còn thịt chó thì thịt lẫn xương bốn đồng rưỡi một lạng, thịt nầm sáu đồng một lạng…” Ôi! Xuân Diệu, lúc ấy tôi thấy chẳng thi sĩ chút nào!

Yêu đời như thế nên Xuân Diệu muốn được sống mãi với đời. Vì thế anh rất sợ chết, luôn luôn bị cái chết ám ảnh. Anh lắc đầu lè lưỡi: “Cái chết ghê gớm lắm! Nó biến con người từ dương vô cùng thành âm vô cùng (anh nói tiếng Pháp: plus infini và moins infini”). Chết là đi vào cõi hư vô, là cát bụi, là con số không, sợ quá!

Nhưng người ta ai rồi cũng phải chết. Thọ lắm thì cũng đến trăm tuổi là cùng. Vậy phải làm sao đây?

Quan hệ với Xuân Diệu đến độ thân thiết, được anh tin cậy, anh cho tôi mượn mấy quyển vở anh giữ được từ hồi học cấp hai ở Quy Nhơn. Mấy quyển vở ghi chép đủ thứ: khi là mấy dòng nhật ký, khi là những suy nghĩ tản mạn về đời, về văn chương, khi là những bài thơ anh tập làm hồi ấy. Đọc mấy quyển vở ấy tôi mới biết, té ra từ tuổi thiếu niên, anh đã nghĩ đến cái chết và rất sợ chết. Anh quan niệm sống chết đúng nghĩa như Lỗ Tấn nói: “Người ta thật là chết, khi nào chết hẳn trong lòng người sống”. Trong một quyển vở, thấy anh làm một bài thơ nói rất rõ quan niệm ấy của mình. Bài thơ tên là “Những người chết trẻ”, khá dài, gồm nhiều đoạn. Nhưng trước sau chỉ lặp đi lặp lại một ý: người bạn trẻ chết, lúc đầu bạn bè nam và nữ, rồi anh chị em, ai nấy đều rất thương. Nhưng qua thời gian, tất cả đều sẽ quên. Chỉ có bố mẹ thì không bao giờ quên, nhưng bố mẹ rồi cũng già và chết. Thế là hết:

Nhớ các anh hoài chỉ mẹ cha,
Song tro tàn lạnh không còn lửa,
Rồi đèn mờ mắt. Thế là thôi,
Không một người thương ở cõi đời

Nhưng cậu học trò Ngô Xuân Diệu không chịu buông xuôi. Ngay từ thời ấy anh đã nghĩ ra cách chống lại cái chết. Ấy là làm thơ, thơ trữ tình, anh gọi là “thơ trái tim”. Chết rồi nhưng thơ còn đó, trái tim mình, hồn mình còn đó, người đời vẫn đọc, vẫn giao cảm với mình, vẫn nhớ  mình, vẫn thương mình. Quyển vở của anh có ghi một đoạn khá dài luận bàn về sự bất tử của người đời nhờ thơ ca. Tất nhiên phải là thơ hay, nếu không phải là những tác phẩm lớn như Iliade, Odyssée của thi sĩ thiên tài Homère thì cũng phải là những bài thơ hay của một tài năng. Càng nhiều bài càng tốt, nhưng một bài cũng được, anh cho rằng một bài thơ hay cũng có thể “cứu một tên người, với một tên người ở trong giòng thời gian nó lôi cuốn sự vật vào miền quên lãng”.

Thế là đã rõ. Tôi hiểu vì sao Xuân Diệu lao vào làm thơ, miệt mài không ngừng nghỉ, nêu một tấm gương lao động nghệ thuật quyết liệt. Vì đây đâu phải là chuyện sáng tác văn chương. Đấy là đúc rèn vũ khí để chống lại cái chết đấy chứ!

Tôi cũng hiểu vì sao anh rất ham đi nói chuyện về thơ mình. Đâu mời cũng đi, thậm chí còn gợi ý cho người ta “khai thác” mình nữa. Nói với đủ mọi đối tượng: cán bộ các ngành, trí thức, giáo viên, học sinh, các chị cấp dưỡng, các nông trường viên… vì anh cần mọi người, càng nhiều càng tốt, biết đến mình, giao cảm với mình, yêu thương mình, và sẽ nhớ mình mãi mãi. Không phải ngẫu nhiên mà lần nào nói chuyện anh cũng kể lại chuyện một anh hàng nước mía ở Tuy Hòa (Phú Yên) đã đãi anh một cốc miễn phí vì biết anh là nhà thơ Xuân Diệu. Anh nói với tôi đầy tự hào: “nhà thơ cỡ như tôi từng được tổng thống Ấn Độ đãi tiệc. Nhưng được một anh hàng nước mía vô danh biết đến mình, đọc thơ mình, khó lắm, quý lắm!

Tất nhiên Xuân Diệu rất sợ cô độc. Cho nên miệt mài sáng tác như thế, tranh thủ từng giờ từng phút để viết cho thật nhiều như thế, vậy mà có ai đến gặp cũng vội vàng xếp cả lại để tiếp và tiếp rất vui vẻ, niềm nở, kể cả những người anh không ưa. Tôi đã tận mắt thấy như thế mà! Anh giải thích: “không tiếp nó, nó không đến mình nữa”. Và anh tâm sự một cách thật tội nghiệp: “đi nói chuyện, nhiều lúc biết người ta vỗ tay chỉ để lấy lòng mình thôi, nhưng dù thế vẫn hơn là người ta không vỗ tay”.

Cho nên thơ anh nhiều lúc như là cầu xin, như là van vỉ người đời:

Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ,
Một giây cũng cam, một phút cũng đành.

                           (Lời thơ vào tập “Gửi hương”)

Sự nghiệp của Xuân Diệu không chỉ có thơ mà có đủ cả: thơ, truyện, bút ký, hồi ký, dịch thuật, nghiên cứu phê bình… Như một cửa hàng tạp hóa, anh bày ra đủ thứ: các ông, các bà ơi! Tôi có đủ các mặt hàng đây, có thể chiều được mọi thị hiếu. Xin mời!

Xuân Diệu rất sợ kẻ thù này: thời gian. Nó cứ lạnh lùng và liên tục lôi anh về phía cái chết. Vậy phải tranh thủ những ngày còn sống để sáng tác cho nhiều, cho thật nhiều. Vì thế lúc nào anh cũng cuống quýt, hối hả. Anh đặt tên những bài thơ của mình: “Giục giã”, “Vội vàng”, “Mau với chứ vội vàng lên với chứ!”

Xuân Diệu là một đỉnh cao của phong trào Thơ mới, tức một tiếng nói tiêu biểu của cái tôi cá nhân cá thể (individu). Nhưng anh không khẳng định cái tôi của mình đối lập với đời, mà luôn gắn bó với đời. Anh không tán thành khuynh hướng thoát li của nhiều nhà Thơ mới khác, dù là thoát lên tiên, đi vào quá khứ hay bay lên vũ trụ… Anh càng không chấp nhận các trường phái bí hiểm, kín mít (hermétisme). Anh muốn sống với đời, muốn sống với mọi người nên nhất thiết phải nói bằng tiếng nói của mọi người.

Xuân Diệu đến với thơ tình như một lẽ tất yếu. Anh được phong tặng danh hiệu “nhà thơ số 1” hay “ông hoàng của thơ tình”. Có thể nói, Xuân Diệu sinh ra để yêu và làm thơ yêu. Vì tình yêu là niềm giao cảm tuyệt vời nhất của loài người, một thứ tình cảm trần thế nhất, con người nhất, đồng thời lại cao cả nhất, lý tưởng nhất – một sự giao cảm đắm say từ thể xác đến linh hồn. Tình yêu đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của anh, nên anh nói chuyện gì, cuối cùng cũng liên hệ đến chuyện trai gái yêu nhau. Nghiên cứu các nhà thơ cổ điển, không nói Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, đến như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, anh cũng phát hiện ra chỗ đa tình, chỗ mê gái của các cụ. Anh còn định biên soạn một cuốn từ điển bằng thơ về tình yêu dưới mọi trạng thái, trong mọi tình huống: lúc say đắm, lúc nhớ mong, lúc ghen tuông, khi hờn dỗi… Muốn biết tình yêu kiểu gì, cứ tra vào cuốn từ điển của anh, có đủ hết. Vì thế, đọc thơ (và cả văn) của anh, thấy anh đã tạo ra cho mình một thế giới nghệ thuật ngào ngạt hương tình và đầy tính sắc dục. Anh coi chuẩn mực của cái đẹp trong cõi đời này là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu, nghĩa là giữa lúc mơn mởn xuân tình, xuân sắc:

… Trăng và mộng của muôn đời thi sĩ
… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người
… Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Một thế giới, đâu đâu cũng tưởng như hít thở được mùi da thịt của những người đàn bà đẹp. Ở đây đến các hồn ma cũng yêu nhau say đắm. Này đây là cõi âm trong thơ Xuân Diệu:

Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc!
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau…
(…) Kẻ đa tình không cần đủ thịt da,
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.
(“Đa tình”)

Xuân Diệu đến với cách mạng cũng rất sớm và đầy nhiệt tình. Đến bằng con người và bằng thơ ca cùng một lúc. Trong không khí tưng bừng của cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, anh có ngay hai bản trường ca hiến dâng cho tổ quốc: “Ngọn quốc kỳ” và “Hội nghị non sông”. Cũng dễ hiểu thôi. Vì cách mạng đối với Xuân Diệu chẳng phải cũng là một cuộc giao cảm đó sao? Một cuộc giao cảm vĩ đại của hàng triệu, hàng triệu người trong tình yêu nước và tình đồng chí.

Đấy, hiểu con người và thơ văn Xuân Diệu như thế, tôi bắt tay vào viết về anh. Những hiểu biết kia có thể viết thành hẳn một cuốn sách ấy chứ. Nhưng tôi dồn nén lại trong một bài chân dung, đặt tên là “Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời”.

Sau này tôi còn viết nhiều bài nữa về Xuân Diệu, nhưng đây là bài duy nhất ra đời khi anh còn sống và được anh đọc.

Anh Văn Hồng, phụ trách NXB Kim Đồng gặp Xuân Diệu khi nhà thơ vừa đọc bài viết của tôi. Anh Văn Hồng cho biết, Xuân Diệu đã khóc.

 Ngày 05/10/1985, tôi đến Xuân Diệu để mời anh nói chuyện với sinh viên đại học Sư phạm, lớp 5C, do tôi làm chủ nhiệm (sinh viên lớp này học năm năm, các lớp khác chỉ học bốn năm). Thấy phòng anh có một người khách, tôi định chỉ nói với anh mấy câu rồi cáo từ ra về. Nhưng anh giữ tôi lại: “không, mình đang đợi Mạnh đến, đang mong gặp Mạnh”. Anh vào buồng tìm cái gì đó, rồi kéo tôi ra ngồi riêng với anh ở căn phòng ngoài. Anh nói vòng vo về chuyện tri âm tri kỉ trên đời, về chuyện nhà báo Diệp Văn Kỳ trong Nam biếu Tản Đà một nghìn bạc Đông Dương. Anh nói: “một nghìn bạc Đông Dương to lắm. Hồi ấy chỉ một xu một quả trứng gà thôi mà! Tản Đà nhận mà không cám ơn, ngông thế! Vì cho rằng mình nhận như thế chỉ có danh giá cho Diệp Văn Kỳ mà thôi”. Nói rồi, anh đặt trên bàn, trước mặt tôi, một cái hộp nhỏ, vuông, nắp bằng mica (chiếc hộp đựng một cái đồng hồ đeo tay Liên Xô, hiệu Pơn-dốt). Anh nói: “mình quý Mạnh không phải vì Mạnh viết về mình đâu, chắc Mạnh cũng biết thế. Đọc bài viết của Mạnh, thấy Mạnh hiểu mình rất sâu, không phải ai cũng hiểu được như thế đâu”. Rồi anh chỉ cái hộp đồng hồ: “Mình giữ những cái này, lúc chết đi người ta sẽ bảo là thằng ngu, cần phải gửi lại ở những người thân để làm kỷ niệm. Mình thì không đáng là Diệp Văn Kỳ, nhưng Mạnh thì đáng là Tản Đà”.

Ôi, anh nói ngoa ngoắt quá chừng! Nhưng tôi hiểu ý anh muốn nói: món quà của anh sao bằng một nghìn bạc Đông Dương của Diệp Văn Kỳ, còn tôi thì nhận lấy, đừng ngần ngại gì và cũng không cần cám ơn.

Sau lần gặp ấy tôi còn đến Xuân Diệu vài lần nữa. Lúc ấy người ta đang biên soạn Tuyển tập Xuân Diệu. Tập I tuyển thơ, Hoàng Trung Thông viết lời giới thiệu. Tập II tuyển văn xuôi, chưa có người phụ trách, Xuân Diệu đề nghị tôi tìm cho anh một người viết giới thiệu. Tôi đề nghị một anh bạn cùng dạy ở khoa văn đại học Sư phạm Hà Nội với tôi mà Xuân Diệu cũng có biết. Anh suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: “Anh ấy chưa connu (có tiếng). Thôi Mạnh chịu khó viết cho mình”.

Xuân Diệu đã giao thì tôi phải nhận thôi. Rất tiếc là khi bài viết xong thì anh đã qua đời. 

(Còn tiếp...)

 

XUÂN DIỆU VÀ NIỀM KHÁT KHAO GIAO CẢM VỚI ĐỜI

 

Tôi được tiếp xúc nhiều với Xuân Diệu bắt đầu từ cái hồi ông phụ trách tờ Tác phẩm mới, đâu như khoảng 1968, 1969 gì đó, tôi có đến ông mấy lần về chuyện bài vở. Thấy tôi viết bản thảo kín cả hai mặt giấy, ông lấy làm ái ngại. Ông lục tìm cho tôi một cuộn giấy báo chưa in, bảo rọc ra mà làm bản thảo dần:

Bản thảo phải viết một mặt, sửa chữa tiện. Khi gấp người ta có thể đưa sắp chữ ngay không cần đánh máy. Thì ra ông quan tâm đến người khác một cách rất cụ thể.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến thăm ông, nhât là khi chán nản, muốn tìm ở ông một không khí làm việc trở lại.

Hồi viết về Nguyễn Tuân, có lúc tôi thấy bí quá, xoay trở mãi không sao đi được phần đầu. Tôi được Xuân Diệu phổ biến kinh nghiệm:

Quy luật viết – viết phê bình hay sáng tác thơ cũng thế - là quy luật cóc nhảy. Viết đoạn đầu mà tắc thì cứ bỏ đấy, viết sang phần khác, rồi đến lúc nào đó, quay trở lại, tự nhiên sẽ thấy thông thuận.  Vẽ người cũng thế, cứ gì phải vẽ từ đầu xuống, có thể vẽ từ dưới lên cũng được chứ. Rồi ông tìm lời động viên tôi: Mình cũng thế thôi, nhiều khi đặt bút viết mà đầu cứ rỗng không, chẳng có chữ nào. Viết như bị đòi nợ, đến hẹn rồi mà không có xu nào trả. Thế mà rồi cũng viết được đấy: Tập trung suy nghĩ mãi vào một điểm rồi nó bật ra.

Trò chuyện với Xuân Diệu đến độ thân mật thì ông không chỉ nói chuyện văn mà còn nói chuyện đời. Mà chuyện đời không chỉ trên đạo lý lớn mà nhiều cái tỉ mỉ, thiết thực :

- Này, muốn viết được đều đặn, phải có vật chất bồi dưỡng. Có tài không đủ, phải có sức nữa. Đêm nào mình định viết một cái gì đấy, buổi chiều thế nào cũng phải mua vài lạng thịt. Mình cứ viết hết bài nọ đến bài kia, luôn luôn ở tình trạng phải cố sức. Không bồi dưỡng, không viết được.

Rồi ông cho tôi biết giá thịt bây giờ bao nhiêu, thịt lẫn xương bao nhiêu, loại thịt nạc, thịt thăn bao nhiêu. Rồi giá trứng gà, trứng vịt. Ông tính toán ăn cái gì bổ hơn mà rẻ hơn.

Buổi sáng hôm ấy, ông vừa nói chuyện với tôi vừa để ý nghe ngóng tiếng con gà mái cục tác ngoài sân sau. Ông cười lớn và giải thích:

- Con gà có tật ăn trứng, thành ra khi nó đẻ, nhà thơ phải biết mà « chộp» ngay lấy.

Có những nhà văn sản xuất ra nghệ thuật thì ít mà sống một cách «nghệ sĩ» thì nhiều. Xuân Diệu không thế, ông sống như một người căn cơ, chu đáo nhất. Ông muốn tạo điều kiện để dồn tâm lực vào nghệ thuật đến mức tối đa. Như thế không phải là nói sự tách rời hay đối lập giữa con người của cuộc sống và nghệ thuật của ông ta. Trái lại, đây là nói sự thống nhất, thống nhất cao độ của lối sản xuất văn chương hiện đại. Xuân Diệu không muốn phân tán thì giờ và tài hoa, sức lực vào những cái gì không có ích cho sản xuất. Chỗ đứng và giá trị của nhà văn là ở chỗ sản xuất cho tốt, cho hay, cho nhiều. Ôi, đời người thì ngắn ngủi mà nghệ thuật biết bao là khó khăn. Có dồn tất cả tinh lực, tất cả thì giờ của một kiếp người vào đấy cũng không đủ. Xuân Diệu nghĩ thế, và ông đặt lên trên hết chất lượng và số lượng của trang viết. Ông tập thể dục, ông giữ vệ sinh, ông ăn uống cho đủ lượng đủ chất và điều độ, tiết kiệm… để viết. Viết ngày, viết đêm. Đang có hứng, có đà, thì không thể dừng lại. Vả lại sách in, bài đăng báo có thời hạn của nó. Mùa hè ông xoay trần ra viết. Trông con người ông đang viết, lắm lúc thấy không có vẻ gì là «thi sĩ » cả. Một sự lao động cật lực, căng thẳng, hối hả. Một sự đánh vật với ý tứ, chữ nghĩa, vần điệu, hình ảnh…và với thời gian. Cái này rút cục mới là kẻ thù đáng gờm nhất của ông. Phải, thời gian «Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!» - ông phải tranh thủ từng phút từng giây. Ngày xưa, ông sợ thời gian cướp đi của ông những lạc thú của tuổi trẻ và tình yêu. Ngày nay, ông sợ thời gian cướp đi của ông những tháng ngày sống và làm việc cho đời, cho cách mạng.

Nhưng bản chất Xuân Diệu là một bản chất tích cực.  Ông lao vào công việc. Làm việc và làm việc. Cứ làm việc thật tốt, thật nhiều cho đời thì sẽ được sống mãi với đời. Tôi đã thấy có lần ông phát cáu, văng tục lên với chính sự làm việc quyết liệt của mình: “Chỉ muốn vất mẹ nó đi, sao lại nhận viết làm gì! Khổ quá! Mệt quá!”. Nhưng tôi biết, thanh toán xong cái “của nợ” ấy chưa ráo mực, ông sẽ lại nhận ngay một “com măng” khác.

Với Xuân Diệu, làm thơ, viết văn thực sự là một nghề nghiệp. Đã là nghề thì “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Đừng trông cậy vào cái gì khác, trừ khi anh không thật tâm đi vào nghề này. Muốn “nghệ tinh” thì phải khổ luyện. Cứ xem những cái tên sách của Xuân Diệu: Dao có mài mới sắc, Mài sắt nên kim…Ông viết bài Sự lao động cật lực của nhà nghệ sĩ thiên tài, nêu lên tấm gương lao động nghệ thuật “dễ sợ” của Mikenlăng.

Hồi Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào Thơ mới, thấy những cách tân táo bạo của ông có dấu vết ảnh hưởng rõ rệt của thơ Pháp, nhiều người tưởng đâu ông chỉ đọc nhiều Muytxê, Véclen, Bôđơle, v.v…rồi bật lên thành thi sĩ. Muốn tự giải phóng, muốn thật là mình, thơ mới không chỉ học ngoài, mà trước hết phải học trong, học ông cha mình. Thơ mới thực ra có truyền thống rất sâu, căn bản không phải ở thể cách này, thể cách khác của thơ, mà ở cái nhạc điệu tâm hồn riêng của người Việt Nam thấm nhuần trong ấy. Xuân Diệu là con một ông tú kép, tất nhiên có điều kiện tiếp xúc với văn học cổ. Ông đã học nghề thơ thật kiên tâm, bền chí và đã tập tành qua đủ mọi thể tài của thơ ca truyền thống. Ông giải thích: cái máu ông đồ Nghệ đã truyền cho ông đức tính cần cù ấy, hòa với dòng máu bên ngoại nồng nàn gió biển Quy Nhơn. Bốn, năm quyển vở thời học sinh ông còn giữ được ghi đặc những sáng tác của nhà Thơ mới tương lai: nào thơ thất ngôn bát cú, niêm luật nghiêm minh tề chỉnh, nào thơ tứ tuyệt, thơ trường thiên cổ thể, thơ lục bát, song thất lục bát. Cả văn tế, hát nói, hát xẩm, ca dao…Dịch cả thơ Tô Huệ đời Tần. Đặc biệt làm rất nhiều từ khúc, cứ dựa theo những bài mẫu trên báo Nam phong mà làm hết điệu này đến điệu khác, hàng vài ba chục điệu. Lại phỏng theo một số bài của Tản Đà, Trần Tuấn Khải (Thề non nước, Gánh nước đêm…) tập làm những bài tương tự về vần điệu, về cách láy âm, v.v…Tập theo thơ truyền thống rồi lại tập theo thơ Tây. Từ dịch đến mô phỏng, rồi sáng tác. Con chim non vẫy vẫy đôi cánh vụng về tập theo mẹ, rồi cứ chuyền xa, chuyền xa dần, cuối cùng cất mình bay bay vào không trung.

Tìm hiểu bước đầu tập nghề của các nhà văn, nhà thơ, thấy không phải ai cũng giống ai. Có những cây bút thành công ngay từ những sáng tác đầu tay. Nhưng nhiều nhà văn sau này đi rất xa mà lúc đầu tưởng chừng không có tài cán gì lắm. Đây là trường hợp cái tài như kho vàng nằm sâu dưới đất. Phải bới, rồi phải đúc, phải luyện mãi mới thành. Mới hay, cái quyết định sự nghiệp của một nhà văn là cái trữ lượng chất kim loại quý kia có lớn hay không chứ không phải mỏ chìm hay mỏ nổi.

Như vậy là sự dùi mài khổ luyện cuối cùng lại là để tìm thấy cái thực chất của mình cùng với cái cách nói, cái giọng nói riêng của mình. Cố nhiên, trong cái “tôi” riêng ấy, đã kết tinh biết bao nhiêu mối quan hệ xã hội và nhiều ảnh hưởng văn hóa rất tinh vi.

Nhưng không nên nghĩ rằng khi đã “thành” rồi thì nhà thơ không còn gặp khó khăn, chật vật gì nữa. Quả thực có những bài thơ hay viết ra rất dễ dàng. Nhưng lao động  thơ đâu có phải chỉ bắt đầu từ lúc đặt bút viết. Nhìn chung mỗi bài thơ ra đời lại là một cuộc “mài sắt nên kim”.

Này, Xuây Diệu nói – có bài thơ chỉ trung bình thôi nhưng nhà phê bình phải hiểu cái đóng góp mới mẻ của nó ở chỗ nào. Thí dụ, bài Bản đồ huyện Ý Yên cũng ca ngợi đất nước nhưng bằng cách nhìn một cái bản đồ. Có thể phê: đây chỉ là một bài thơ trung bình thôi, nhưng tác giả đã đưa ra một cách ca ngợi mới…Bài thơ hay, hương nó tự tỏa ngát, không cần nhà phê bình khen, vì ai cũng thấy rồi. Cái cần nhà phê bình là những bài thơ trung bình.

Thơ có hai loại. Một loại nói về một sự thực của cuộc sống. Loại này cũng khó nhưng còn dựa được vào chất bột thực tại. Nếu mình có sức, có bản lĩnh thì có thể nhào vắt ra được. Còn loại bài tổng hợp thì khó làm, rất chật vật. Cái tứ bài thơ Sự sống chẳng bao giờ chán nản nảy ra trong một đêm liên hoan văn nghệ ở một xã thời chống Mỹ. Cái tứ nảy ra làm mình ứa nước mắt. Khó là tìm ra cái tứ trung tâm, khái quát tất cả. Tuy thế từ cái tứ chung đến khi hoàn thành bài thơ cũng còn vất vả lắm.

Có những người làm thơ như là cuộc đời sẵn có cái gì thì lấy luôn làm câu thơ, không gia công sáng tạo cho sâu sắc. Thơ không có xác, có chất. Đọc xong không thấy đọng lại cái gì. Nhà văn phải đẻ ra chữ. Câu chữ phải là của mình, phải đẻ ra câu ra chữ của mình mới là nhà văn thực sự.

Trò chuyện với Xuân Diệu, thấy ông là cả một kho kinh nghiệm lớn. Từ tuổi mười lăm, mười sáu cho tới nay, hơn năm mươi năm làm văn, làm thơ, ông chỉ biết có một nghề này. Vì thế ông luôn luôn có ý thức rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm của mình, kinh nghiệm của người. Đọc đủ sách đông, tây, kim, cổ. Đọc rất kỹ lưỡng, trăn trở băn khoăn về từng câu, từng chữ của người xưa. Rồi vừa làm thơ, vừa bình luận thơ, đem luôn công việc bếp núc của mình ra mà phân tích, phán xét rất tỉ mỉ. Và viết thành bài, thành sách về đủ các ngõ ngách của nghề. Cái công này của Xuân Diệu thật không nhỏ. Đó là một người thợ cả của nghề thơ, là ông giáo sư của trường chuyên nghiệp về thơ. Những bài, những sách kia là những tập giáo trình sẽ còn có ích lâu dài cho những ai muốn di vào cái nghề rất đỗi khó khăn này.

* * *

Xuân Diệu làm việc gì cũng chú ý rút kinh nghiệm. Ông hay đi nói chuyện chỗ này, chỗ kia, và ông cũng rút kinh nghiệm tỉ mỉ lắm.

Phải để ý từ cái bàn kê thế nào. Lọ hoa có khi cần, có khi không cần thì phải bỏ đi. Rồi ánh sáng của phòng. Cửa nên đóng hay nên mở. Cả cách sắp xếp ghế ngồi cho người nghe, cự ly mùa hè, mùa rét nên thế nào. Chán nhất là người nghe không trông thấy người nói. Nghe bằng loa phóng thanh mà! Gặp trường hợp ấy mình thường lấy chuyện Tô Đông Pha ra đùa. Tô Đông Pha râu rậm. Cô em gái làm thơ giễu:

Tìm nửa ngày trời không thấy miệng
Bỗng nghe tiếng nói phát từ râu

Bây giờ người nghe tôi nói chuyện:

Tìm nửa ngày trời không thấy mặt
Bỗng nghe tiếng nói phát từ loa.

Ấy, thỉnh thoảng cũng phải khích động như thế cho người nghe sôi nổi lên, đỡ chán. Tôi nói chuyện mà người nghe lặng im, sợ lắm. Phải tỏ cho người ta biết là mình thích nghe chứ! Vợ chồng nói chuyện với nhau ban đêm. Vợ nói, chồng thỉnh thoảng cũng phải ờ ờ lên chứ, để chứng tỏ mình chưa ngủ, vẫn nghe.

 Đúng là Xuân Diệu sợ nhất sự im lặng: “Cốt nhất là em chớ lạnh như đông”. Ông không chịu nổi và cũng không tin được thứ tình yêu chỉ để trong lòng. Không, tình yêu cũng phải cất tiếng nói lên chứ! Cũng rất Xuân Diệu là bài thơ Phải nói: Em phải nói, phải nói và phải nói.

Người ta phát hiện trong lĩnh vực thơ tình ở ta, Xuân Diệu là một trong những người đầu tiên đã thực sự hòa nhịp linh hồn với xác thịt. Tình yêu phải thực sự là tình yêu của con người trần tục, chứ không phải thứ tình mà người phương Tây gọi là Platôních và Biêlinxki từng chế giễu.  “Chỉ làm đẹp lòng các vị bảo hộ hậu cung vua chúa phương Đông mà thôi”. Tuy nhiên cái đích mà tình yêu nhằm đạt tới phải là sự hòa hợp cao độ của tâm hồn. Thơ Xuân Diệu không chỉ chú trọng thính giác và thị giác. Như thế còn xa xôi, cách bức quá. Phải huy động cả khứu giác, vị giác, và xúc giác để có thể tiếp cận sát sạt, và ôm riết, quấn riết lấy cuộc đời. Con người ấy sinh ra để mà yêu, nên suốt đời khao khát tình yêu “Kẻ uống tình yêu dập cả môi”. Nhưng tình yêu phải là cái đó: trái tim đỏ thắm của em, tâm hồn xanh thẳn của em. “Trời ơi, anh muốn uống hồn em” Đấy là giây phút giao cảm tuyệt vời của những con người.

Thơ Xuân Diệu nói giao cảm đầy đủ hơn là nói yêu. Sung sướng thay là luôn luôn được giao cảm với đời. Ta hiểu vì sao ngay trước Cách mạng tháng Tám, dù có lúc hoang mang bế tắc, Xuân Diệu vẫn không chấp nhận những trường thơ Điên, trường thơ Loạn, các thứ thơ triết lý siêu hình rắc rối, cũng như lối thơ gọi là “chủ nghĩa kín mít” (hermétisme) của Xuân thu nhã tập. Ông cần có người giao cảm, thật nhiều người, nên nhất quyết không nói bằng thứ tiếng nào khác tiếng nói của đồng loại.

Nhưng ở cái thời Thơ mới, Xuân Diệu đã không tìm được niềm giao cảm ấy. Bi kịch lớn nhất của ông là ở đấy. Vì ông đi tìm giao cảm ở cái xã hội đồng tiền - tiền trao cháo múc. Nhà thơ lãng mạn “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thế mà đã nhiều lần phải nói đến cơm áo và đồng tiền. Quyển vở nháp hồi học sinh còn ghi mấy câu thơ chua chát:

Giai nhân là của
Bạc vàng tiền của
Và hoa hương
Là của chủ vườn.   

Đối với xã hội ấy, phải có tiền mà ông lại chỉ có tình. Lúc ấy hình như ông đã hiểu được phần nào rồi đấy. Ông chẳng tự trách là Dại khờ đó sao:

Người ta khổ vì thương không phải cách
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi…

Cho nên tình của ông, dù chân thành mãnh liệt đến thế nào cũng như “Nước đổ lá khoai” (Lòng ta là một cơn mưa lũ - Đã gặp lòng em là lá khoai). Tình yêu thành ra chỉ có một chiều như Phấn thông vàng, như bông hoa rừng Gửi hương cho gió. Cái tôi Xuân Diệu hồi ấy  có lúc cũng kiêu ngạo lắm – ví mình như Hi Mã Lạp Sơn – nhưng nhiều khi cũng thật tội:

…Có gửi tình đi chẳng có về
…Và hãy yêu tôi, một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam một chút cũng đành…

Đó là lý do khiến Xuân Diệu đã chào đón Cách mạng một cách vồ vập nhiệt tình hơn ai hết. Nhiệt tình và đầy lòng biết ơn. Và Cách mạng cũng chào đón ông vì Cách mạng rất trân trọng những tình cảm đẹp đẽ, chân thành. Bây giờ không phải là sự giao cảm của hai mái đầu lẻ loi giữa cuộc đời đen bạc “Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ” mà là sự giao cảm của hàng vạn, hàng triệu người. Phải chăng cái vĩ đại nhất của Cách mạng chính là đã tạo ra được cuộc giao cảm lớn của cả dân tộc trên tình yêu đất nước, tình đồng chí, đồng bào? Và trên cơ sở ấy, tình yêu cũng trong sáng biết bao! Vui quá! Cách mạng đông vui quá! Đúng là một ngày hội – “Hội vui quá thế mà mình không biết!” Xuân Diệu đắm mình trong tin và yêu. Và đã tin, yêu, thì “phải nói”. Ông viết một mạch những vần thơ sôi nổi ngợi ca cách mạng: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Dưới sao vàng…Lại dùng vũ khí thơ đập vào mặt bọn Việt Cách, Việt quốc – chúng mày định chia rẽ, phá rối cuộc giao cảm vĩ đại này à!

Kể từ ngày ấy, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông viết không ngừng, không nghỉ. Viết về mọi đề tài. Kể làm sao cho hết những đề tài thơ của Xuân Diệu: Về Đảng, về Bác Hồ, cả về chuyên chính vô sản, về chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, về đấu tranh thống nhất nước nhà, về những sự kiện thời sự, về những chiến công của ta và tội ác của giặc, về những thành tựu của chủ nghĩa xã hội trên các mặt nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…, về anh bộ đội, người nông dân, công nhân, về thầy giáo, về anh địa chất. Đất nước đã thuộc về nhân dân, về mình rồi thì ở đâu chả có thể tìm thấy niềm giao cảm. Tất nhiên ông cũng viết nhiều về tình yêu. Dù sao đây cũng là một niềm giao cảm mãnh liệt và kỳ diệu nhất của con người. Ông kiên trì sáng tác thơ tình và cũng kiên trì đấu tranh cho sự phát triển hợp lý của thơ tình. Rồi ông dịch thơ, viết nghiên cứu và phê bình văn học. Phê bình cũng là sự giao cảm tri âm tri kỷ giữa những người làm thơ  và đọc thơ chứ sao! Và, ông viết nhiều, viết say sưa hơn bất cứ nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp nào. Ông còn đi nói chuyện. Ai tính được cho đến nay ông đã nói chuyện bao nhiêu lần. Nói ở hội nghị, nói trên đài phát thanh, trên vô tuyến truyền hình, nói trong nước, nói ngoài nước. Phải đâu ông chỉ có nhu cầu viết và nói. Ông còn muốn tiếp xúc với người đời, với thật nhiều người, ở mọi nơi, mọi lúc. Ông  muốn gặp tất cả và tỏ bày với tất cả những cảm nghĩ tin yêu của mình và đón nhận những giao cảm của mọi người. Những ai từng tiếp xúc nhiều với Xuân Diệu thường được nghe ông kể lại với một thích thú đặc biệt về một người chữa xe đạp thuộc thơ ông, một hành khách trên một chuyến tàu Plâycu – Tuy Hòa nào đó nhường chỗ cho ông vì biết ông là nhà thơ Xuân Diệu, một anh hàng nước mía nào đấy ở một thị xã kia cũng vui sướng phát hiện ra ông và đãi ông một cốc nước mía ba đồng…Không có sự giao cảm giữa những con người thì cuộc đời chỉ là sa mạc, chỉ là hư vô. Nào ở đâu, ở đâu, có ai còn chưa biết sự có mặt của Xuân Diệu trên đời này với trái tim tha thiết yêu thương? Câu hỏi đó không ngừng thôi thúc nhà thơ.

Đồng Xa, 25.05.1985 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook