CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

XẾP HÀNG

Thứ ba ngày 7 tháng 8 năm 2012 9:30 AM

Đã có thời thành phố rất văn minh trong việc xếp hàng. Đó là thời chiến tranh phá hoại mà những dân phố không cần già lắm như tôi có thể biết. Xếp hàng mua bán. Xếp hàng ở bến tàu, bến xe, bến phà. Xếp hàng ở rạp chiếu phim, ở sân vận động, ở quán bia hơi. Và ở cả nhà vệ sinh công cộng Bờ Hồ. Xếp hàng là bắt buộc. Những điểm nóng chen chúc còn phải có cảnh sát giữ gìn trật tự. Sểnh ra là vỡ. Chỉ có một nơi duy nhất không phải xếp hàng. Đó là nhà hộ sinh. Cũng có vài người được ưu tiên không phải xếp hàng. Là những anh thương binh. Tiếng thế nhưng về cuối cuộc chiến tranh hàng thương binh có khi còn dài hơn cả hàng dân thường. Con người xếp hàng. Sự vật cũng xếp hàng ngăn nắp. Những dãy nhà tập thể ven thành phố du nhập kiến trúc Xô-viết xếp hàng đều tăm tắp cho đến ngày hết chiến tranh thì mới thôi. Cư dân ở đấy cơi nới xây dựng chắp vá thò thụt thêm vào. Chẳng biết những ngôi nhà vuông vắn xếp hàng quá lâu đã mỏi hay xã hội thoát ra khỏi nền kinh tế bao cấp không còn cần đến thứ tự hàng lối nữa?

Nhà cửa là vật vô tri huống hồ con người. Bây giờ trong phố chỉ còn ít nơi xếp hàng. Ở các chốn công quyền, bệnh viện và vài hàng phở nổi tiếng. Cái thời tem phiếu mê sảng làm cho mọi người trút hết những bực dọc của việc xếp hàng lên chính sách phân phối. Nhà thơ Thanh Tịnh làm đôi câu đối viếng thời bao cấp, “Cái cứt gì cũng mang phân, cái gì phân cũng như cứt”. Thời ấy dân phố dậy từ ba giờ sáng ra xếp hàng mua thực phẩm là chuyện thường. Nhặt vài hòn gạch, miếng mảnh bát, chiếc dép cao su, rổ rá cũ đặt vào hàng. Ngồi ngủ gà ngủ gật trên bậc thềm cửa hàng. Cũng có vài người bán chỗ chuyên nghiệp lảng vảng quanh đấy. Họ xếp hàng bằng gạch từ tối hôm trước bán lại cho những người đến sau.

Thế nhưng nếu bảo văn hóa xếp hàng đã có trong truyền thống xa xưa đô thị thì quả là một nhầm lẫn nực cười. Hết thời tem phiếu cũng là hết thời xếp hàng theo cách bắt buộc. Và nếu bảo thị dân bây giờ đánh mất văn hóa xếp hàng cũng là oan uổng. Chẳng có văn hóa nào ở đây cả. Xếp hàng có văn hóa và không văn hóa khác hẳn nhau ở chỗ tự nguyện hay bắt buộc. Ở những nơi còn phải xếp hàng bắt buộc sinh ra muôn ngàn cách chen lấn. Bằng sức khỏe. Bằng quen biết. Và bằng tiền. Những người ngay ngắn xếp hàng nhiều khi chỉ đạt được mục đích ngay ngắn đứng trong hàng ngũ xếp hàng. Giống như muốn chinh phục một cô gái đẹp mà lịch sự xếp hàng chờ đến lượt mình. Cô ấy chẳng bao giờ xem xét một cách thứ tự.

Tôi từ bé rất ghét xếp hàng. Mẹ sai đi mua đậu phụ cũng ra cửa hàng đứng độ vài phút rồi gửi chỗ người đứng sau. Mải chơi nên nhiều hôm thứ mang về chỉ là mấy ô phiếu đậu nhàu nát trong túi quần. Ký ức thất bại trong việc xếp hàng còn mãi đến tận bây giờ. Đến bất kỳ đâu thấy cảnh chen chúc xếp hàng là mắt trước mắt sau bỏ đi khẩn cấp. Lớn lên đi học cũng sợ nhất những môn gì phải xếp hàng như thể dục hoặc quân sự. Đứng trong hàng ngũ cứ thấy thừa thãi chân tay thế nào? Lại bày ra những trò nghịch ngợm nhố nhăng khiến cho rối loạn đội hình. Thường xuyên bị xếp loại hạnh kiểm trung bình. Nghĩ lại kể cũng hơi oan. Bạn tôi nhiều đứa không thích nhưng chúng biết giấu đi cảm xúc ấy. Bây giờ nhiều người thành đạt nhưng tôi vẫn không bao giờ tin vào hạnh kiểm thật sự của họ.

Không xếp hàng nên chẳng bao giờ đến lượt! Bạn tôi bảo thế. Tôi cười. Không dám cãi. Còn biết bao nhiêu người phấn đấu chật vật mà vẫn chưa đến lượt trở thành thị dân. Tôi sinh ra đã thế rồi…

Đ.P

 


Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook