CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

CÓ MỘT CHỮ "TÂM"

Thứ tư ngày 4 tháng 7 năm 2012 4:05 AM

Dạo một vòng quanh mấy phố bán tranh ảnh làm quà tặng. Giật mình. Hầu hết các cửa hàng đều có bán chữ “Tâm”. Hán tự. Bằng sơn mài truyền thống lộng lẫy vàng son. Bằng mực tàu viết trên lụa và giấy tuyên chỉ bồi lụa vân “mình khô hoa ướt” quý phái. Bằng những nét khắc cầu kỳ trên đá hoa cương. Và bằng cả gạch men kính hấp màu ở nhiệt độ thấp.

Chữ “Tâm” trong Hán tự được các thày đồ xưa giải thích như mô phỏng vị trí của trái tim trên lồng ngực. Nhưng nghĩa của nó nhiều khi không còn là nghĩa ban đầu. Cả trong văn hoá Việt Nam và Trung Hoa.

Sáu mươi phần trăm từ ngữ chúng ta đang dùng có gốc là từ Hán Việt. Việc chữ “Tâm” bằng Hán tự có mặt trong đời sống tinh thần hôm nay không phải là chuyện lạ. Thực ra từ rất lâu rồi, dân phố đã có những người chơi thư pháp. Và hình như những người biết chữ Hán không ai không một lần rèn bút viết chữ “Tâm”. Chữ “Tâm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông được viết bằng son đỏ. Khí phách ngạo nghễ ngất trời. Chữ “Tâm” của thày lang Nguyễn Văn Bách bay bướm sắc sảo thị dân. Chữ “Tâm” của họa sĩ Phạm Minh Hải cần cù ngơ ngác thơ ngây đến dễ thương. Và những “thày đồ” trẻ dụng bút viết chữ “Tâm” bây giờ thì nhiều không kể xiết. Cứ trông chữ mà đoán ra người.

Lẽ đời. Người ta cảm thấy cần khi thiếu. Trong một chừng mực nào đó có thể hiểu chữ “Tâm” như một khẩu hiệu. Chỉ khác khẩu hiệu ở chỗ nó được người ta tự giác nêu lên vì nhu cầu bản thân. Không vì một cuộc vận động nhân tâm nào cả. Thế nhưng như một trò đùa. Chữ “Tâm” đôi khi có mặt ở những nơi không biết nên cười hay khóc? Công an khám nhà mấy ông quan tham, thấy treo trên tường chữ “Tâm” to tổ bố mạ vàng sáng trưng. Hỏi ra mới biết là quà cấp dưới vừa biếu! Cấp dưới mà biếu cấp trên món quà như thế có thể coi là manh tâm?

Không thiếu gì những tấm gương xả thân vì đồng bào ruột thịt trong cơn  hoạn nạn nguy cấp. Đọc trên báo thấy hầu như tháng nào cũng có. Nhất là mùa bão lụt. Truyền thống thương người như thể thương thân may ra vẫn còn rất vững chãi. Nhưng chẳng lẽ nó chỉ được phát huy vào những lúc không mong muốn?

Đi chợ hàng ngày mua thức ăn, bạn liệu biết được bao nhiêu phần trăm phẩm chất của thực phẩm? Lợn gà cá tôm nào không được nuôi bằng thuốc tăng trọng? Rau dưa mắm muối có bao nhiêu loại độc tố chết người? Ra những vùng trồng rau ngoại thành bạn dễ dàng tìm hiểu ngay tại nhà những người quen. Rất nhiều giống rau nhưng chỉ được chia làm hai loại. Loại mang bán và loại nhà dùng. Mang bán , thuốc sâu phun thoải mái. Cho vào miệng thiên hạ! Chẳng biết cái bệnh viện K chuyên chữa ung bướu phải mở mang ra đến đâu? Hiện nay mật độ dân số ở đấy đã là bốn người trên một mét vuông! Bệnh ung thư không chữa được dù nhìn thấy và chẩn đoán rất rõ bệnh cảnh. Bệnh “bất lương” có chữa được không? Nhìn thấy nó đã khó!

Thử đi tìm nguyên nhân của những việc làm thất nhân tâm? Quá khó! Nó được nguỵ trang rất kĩ càng. Dưới nhiều tên gọi. Ví như chữ “tiêu cực” chẳng hạn.

Có người bảo rằng nền giáo dục của chúng ta có vấn đề? Vấn đề gì? Phải chăng chỉ có hai vấn đề là bệnh thành tích và những tiêu cực nói chung? Hình như không phải. Không bàn đến những thày giáo lạm dụng tình dục học sinh và cả những cô giáo dán băng keo vào miệng trẻ. Đó là tội phạm. Không phải tiêu cực. Nhưng là số ít. Dễ trừng trị. Nhiều chuyện lắt léo hơn thế nhiều. Và tác hại lâu dài đến mức làm nên nhân cách của thế hệ nối tiếp. Thày cô giáo gợi ý học sinh đến nhà mình học thêm chẳng hạn. Chuyện quá bình thường. Ai cũng biết  những thày cô như vậy là không hoàn thành nhiệm vụ đứng lớp. Nhưng chẳng thể làm gì ngoài việc chờ đợi một ngày nào đó lương tâm người thày thức dậy. Hình như nó đã ngủ quên ít nhất hơn một thế hệ?

Bằng cấp được người ta mua bán tràn lan để dùng cho việc thăng quan tiến chức. Cũng không còn là chuyện tiêu cực nữa. Ai đó dùng chữ tiêu cực để gắn cho những hành vi tội phạm là đã cố ý xúc phạm thêm cái chữ vốn chả đẹp đẽ gì ấy. Thày giáo gạ tình nữ sinh khiến người ta phẫn nộ nhưng ai dám đảm bảo rằng không có chuyện ngược lại? Thiết nghĩ đã có những người thày như vậy thì việc “đào tạo” ra những học trò cũng như vậy chẳng khó khăn gì. Chuyện kể rằng ở một nghĩa trang ngoại thành có bọn người chuyên rình rập các đám bốc mộ. Những ngôi mộ được đào lên từ chiều hôm trước để sáng hôm sau làm cho kịp trước lúc mặt trời lên. Bọn trộm thừa cơ đêm hôm không có người canh gác lẻn xuống lấy trộm đầu lâu. Sáng ra đòi tiền chuộc. Ba mươi triệu. Khổ chủ không còn cách nào khác. Chẳng thể chờ đợi một cuộc điều tra nào cả. Phải trả tiền và đọc số điện thoại cho chúng. Chúng sẽ hướng dẫn chỗ tìm! Cứ theo những thống kê phổ cập giáo dục phổ thông thì bọn này ắt hẳn đã từng đến trường.

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du  mấy trăm năm trước từng dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đất nước hiếm người tài. Bằng chứng là hơn hai trăm năm sau vẫn chưa tìm ra được ai tài hơn cụ? Chữ “Tâm” còn khan hiếm hơn nhiều. Đến mức chính cụ Nguyễn Du còn phải ao ước.

Cái chữ “Tâm” vàng son lộng lẫy bán trên phố kia hóa ra cũng là đồ giả. Được làm bằng một kĩ thuật giả sơn mài. Sơn tây quang dầu bóng polysai của Nhật Bản. Đức Phật dạy “Đồ tể quăng dao thành Phật”. Cái chữ “Tâm” ở trong lòng mới thật sự là “Tâm”. “Phật tại tâm”! Chỉ có một chữ “Tâm” thôi. Bao trùm lên gần như tất cả mọi hành vi của con người. Thiện tâm. Ác tâm. Hảo tâm. Manh tâm. Rắp tâm. Đang tâm. Dã tâm. Thật tâm. Thương tâm. Đồng tâm. Nhiệt tâm. Thành tâm. Nhân tâm. Lương tâm. Cam tâm. Minh tâm. Từ tâm. Bình tâm. Nhàn tâm. Bận tâm. Tà tâm. Nhẫn tâm. Quyết tâm làm người lương thiện? Nhưng mà phải vững tâm! 

Đ.P

____________________________________________ 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook