CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận - Phê bình

KINH NGHIỆM HÀNH VĂN (KỲ IV)

Thứ ba ngày 3 tháng 7 năm 2012 3:59 PM


b. Tạo hơi văn, giọng văn phù hợp.

Hơi văn, giọng văn phải phù hợp với nội dung truyền đạt. Chẳng hạn diễn đạt khí thế hành quân sôi nổi trong thơ Chính Hữu thì từ ngữ phải khỏe, phải mạnh, câu phải ngắn, nhịp văn phải dồn dập: "Chính Hữu có một hơi thơ sôi nổi nhiệt tình, khỏe, phăng phăng, hăm hở - một hình ảnh xuyên suốt: Đi, Hành quân, Tiến công...Thơ như thế thì không thể trói vào, giam vào trong lục bát, thất ngôn hay bất cứ điệu thơ có khuôn phép nhất định nào. Nó phải nói lời tự do. Vần không quan trọng. Nhịp thơ quyết định. Nhịp điệu phải có sức thôi thúc mạnh. Và mỗi câu phải một khẩu hiệu, mỗi chữ phải đúc lại để vang xa...

Đây là thơ hành quân, là những khúc quân hành. Một hình ảnh cũng thường trở đi trở lại trong thơ Chính Hữu: hình ảnh ngọn đèn. Nhưng là "ngọn đèn đứng gác", là con mắt không ngủ, là tâm hồn tỉnh thức. Tỉnh thức để thúc giục lên đường, kêu gọi hành quân:

Đi nhanh, đi nhanh
Chiến trường đã giục
Đầy núi đầy sông
Đèn ta đã mọc[1]

Còn đây là khí thế hừng hực căm thù của nhân dân Hà Nội trong một ngày lịch sử: “Hà Nội giải tù Mỹ qua phố Hà Nội”. Phải diễn đạt làm sao cho đúng với hơi văn của Nguyễn Tuân.

Chà! Cái ngày Hà Nội giải tù Mỹ thật là một ngày không quên được! Một không khí trang nghiêm lịch sử, một khí thế bừng bừng của thủ đô căm hờn như bốc dựng lên với sự kiện nước sông Hồng trong những ngày cao trào cách mạng, được nhắc đến từ nhà Bảo tàng lịch sử: Hà Nội trị thủy và trị Mỹ! Hà Nội cũng là lớp lớp thủy triều, bao đời nay từng dồn Pháp, đuổi Nhật, giờ đây lại đùng đùng những cơn sóng dữ muốn cuốn phăng đi những rơm rác Hoa Kỳ[2].

Có những nội dung lại cần đến giọng trữ tình xót xa, tha thiết. Trường hợp này phải tránh những từ ngữ diêm dúa và ồn ào. Nên sử dụng nhiều thanh bằng, nhất là thanh trầm bình với những từ gợi cảm, quý mến, xót thương.

Đây là những dòng tôi bình về đoạn thơ của Trần Đăng Khoa viết về lòng yêu quê hương của chị Mạc Thị Bưởi khi giặc giải chị trở về làng trước khi giết chị: “Khoa đã huy động những gì là sâu sắc nhất, là máu thịt nhất đã gắn bó em với làng xóm quê hương và do đó, với chị Bưởi - để làm điểm tựa cho trí tưởng tượng của mình. Ta hiểu vì sao thơ Khoa càng trở nên đằm thắm thiết tha hơn và nhân vật anh hùng cũng trở nên đậm nét và phong phú hơn, khi Khoa kính cẩn theo dõi bước chân chị Bưởi từ bốt giặc trở về làng. Người con gái tuyệt vời ấy đã tận dụng những giờ phút cuối cùng của đời mình để đánh giặc và nhờ thế mà có dịp gặp lại quê hương trước khi ngã xuống:

Khi bàn chân đặt lên đất của làng
Bàn chân tự biết
Hơi mát rất riêng ngấm vào da thịt
Và nhịp tim bỗng đập chẳng bình thường
Đây là quê hương. Đây là quê hương
Cả cơ thể rung lên điều ấy.

Và như thế là Khoa đã tìm được cách khơi thẳng vào cái mạch chủ yếu nhất, dồi dào nhất, đặc sắc nhất của thơ em để chứng minh cho cái em gọi là cả cơ thể rung lên điều ấy của Mạc Thị Bưởi:

Cô đã sống ở đây
Những đêm mưa rào. Những ngày nắng cháy
Nắng ngời ngời mặt lá ngọn cây đa
Mưa ù ù trên sông nghe rất xa.

Cứ như thế, lòng yêu quê hương thắm thiết và lòng biết ơn sâu nặng đối với người anh hùng đã hy sinh cho quê hương ấy đã bắc những nhịp cầu thời gian vững chắc cho thơ Khoa trở về với quá khứ, trở về với chị Bưởi, người con gái nông thôn cho đến lúc chết, tâm hồn vẫn còn muốn níu chặt lấy quê hương mình, níu chặt lấy những gì vì nó, chị đã không tiếc máu xương[3].

Có khi nội dung lại đòi hỏi một chất giọng rầu rầu tỏ ra cảm thông với  một tâm sự không vui. Trường hợp này, nhịp văn phải chậm, từng câu ngắn, thủng thẳng. Và cũng nên dùng nhiều thanh trầm bình. Đây là mấy dòng tôi viết về chân dung Nguyễn Đình Thi: ông “ngồi một mình, im lặng, đầu cúi như nhẫn nhục, chịu đựng một cái gì. Nhẫn nhục mà kiêu ngạo: đời nó thế, biết làm sao được, đành phải chấp nhận nó vậy (..) Công tác lãnh đạo đã ngốn của ông biết bao thời gian và tâm huyết. Mà lãnh đạo cái Hội nhà văn nào có nhẹ nhàng gì. Tôi không sao quên được cái dáng đi vất vả tất bật của ông, cái thái độ cam chịu và cái tài chèo chống của ông trong những ngày sôi sục của Đại hội nhà văn lần thứ tư. Tôi chắc những ngày ấy ông buồn lắm. Bọn trẻ bây giờ phức tạp quá, lắm kẻ nhố nhăng và ngỗ nghịch quá. Mà học vấn thì ít. Đọc ít quá. Chả biết Căng biết Nít-sơ là gì. Không có học thức thì làm sao phát huy được tài năng, làm sao gây dựng sự nghiệp cho ra trò. Tội quá! Thương quá![4]

Đây là cách đặt mình vào tâm lý của chủ thể sáng tác, nói bằng ngôn ngữ của chính ông ta. Phải am hiểu gan ruột của đối tượng mới có thể dùng thủ pháp này.

Có trường hợp phải dùng giọng say, bốc mới chuyển tải được nội dung ý tứ của mình. Trường hợp này có thể dùng những từ cảm thán như Ôi, Chao ôi, Chà, Trời ơi,.. Ôi, Quang Dũng! Người tráng sĩ, đấng trượng phu, từng hiên ngang Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.. ; Chà! Có những thằng tướng quỷ lộ ra ngay cả thần sắc, diện mạo, như thằng quan hai Cơ lác kia với bộ mặt như cái mặt nạ, trên đó cứ xanh lè hai cục mắt Mỹ..; Chao ôi! Vậy thì như thế nào mới là lành mạnh?; Trời ơi, cái đói và miếng ăn mà bảo là chuyện nhỏ ư?..v.v..

Tất nhiên không nên lạm dụng những từ cảm thán như thế, vì rất dễ gây cảm giác giả tạo, lên gân.

Có những trường hợp phải lấy giọng thân mật suồng sã thì mới hợp. Trường hợp này nên dùng những từ ngữ nôm na, những khẩu ngữ đời thường như vớ vẩn, Xôm trò, Văn mình vợ người; chẳng nói oan nói ức cho thằng nào con nào; khó vậy thay! Dễ ợt; té ra là thế này, thế kia; tôi với anh ta vẫn bia bọt lu bù; thằng cha thế mà tình tứ đáo để; kẻ đầu têu ra cái lý thuyết ấy hình như là nhà triết học Nitsơ..v.v..

Có khi lại phải lấy giọng trang trọng, đĩnh đạc. Trường hợp này nên khai thác kho từ Hán Việt, khai thác những thành ngữ Hán Việt có màu sắc cổ kính, cổ điển.

Tôi có một cái thú là học chữ trong từ điển Hán Việt. Người xưa chữ nghĩa rất đúc, tính hàm súc cao, chắc khỏe như khắc vào đá, hình ảnh lại đẹp, có một cái gì đài các, sang trọng, âm hưởng rất thích.

Nói chung mỗi bài văn có một giọng chủ. Nhưng như thế không phải từ đầu chí cuối chỉ có một giọng. Văn chương kỵ nhất là sự đơn điệu. Vì thế nên có nhiều giọng chuyển đổi lẫn nhau như trong một bản hòa tấu của nhiều nhạc cụ vậy.

Bên cạnh mấy giọng đã dẫn ra trên đây, tôi muốn kể thêm một chất giọng nữa mà riêng tôi rất thích. Ấy là giọng mỉa mai bóng gió pha chút gai góc. Bài văn có thêm giọng này như có thêm chất muối đậm đà hơn, sắc sảo hơn, như có che dấu một nụ cười châm chọc hóm hỉnh sau những dòng chữ. Đây thường là chỗ người viết trực tiếp tỏ bày tư tưởng của mình, sự yêu ghét, khinh trọng của mình với bạn đọc.

Chẳng biết bạn đọc có cho những đoạn văn trích sau đây là có chất giọng nói trên không:

“...thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng vô uý, cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loại quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người, phải biết kính sợ ba điều này: Cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy kẻ nào không biết sợ cái gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giầy xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất[5].

Cách đây vài chục năm, có một vị đàn anh trong nghề dạy tôi thế này: chúng ta là những con chuột, muốn an toàn phải đào nhiều hang. Mất hang này, ta chạy vào hang khác. Nguyễn Khải có cái hang sáng tác. Có biến, anh chui tọt vào ngay. Lý ra đã là người viết thì ai chả phải đào cho mình cái hang sáng tác. Nhưng đào có dễ đâu. Cho nên có những người mang danh sáng tác nhưng lại cứ phải đào cho mình những cái hang khác

Có một nhà nghiên cứu Thơ Mới đã phê phán câu thơ này là không được lành mạnh (Câu thơ Xuân Diệu;Tháng giêng ngon như một cặp môi gần). Chao ôi! Vậy thì như thế nào mới là lành mạnh? Tôi nghĩ chỉ có những tâm hồn chưa được lành mạnh mới không biết kính trọng câu thơ đẹp một cách thật là lành mạnh và cường tráng này..v.v..[6]

c. Học hỏi và tích lũy vốn phong phú về các kiểu câu, các từ ngữ.

Xây dựng một bài văn, một đoạn văn, không nên chỉ dùng một kiểu câu. Nếu không có dụng ý đặc biệt thì không nên dùng liên tiếp một dạng cú pháp gây cảm giác đơn điệu. Muốn thế phải có một cái kho câu, chữ các loại thật phong phú và đa dạng. Xây dựng cái kho ấy bằng cách nào? Chỉ có một cách là học, học trong sách vở, học trong giao tiếp, nghe ngóng, học trong đời sống. Vấn đề là phải có ý thức học tập thì mới tìm được nhiều câu, chữ đáng học để thu lượm, tích luỹ. Có khi học ở sách Pháp. Chẳng hạn tôi học được những chữ như imagination synthétique (sức tưởng tượng tổng hợp) để dùng vào bài viết về phong cách nghệ thuật Vũ Trọng Phụng: grisailles quotidiennes (Cái hàng ngày xám xịt) để dùng vào bài viết Sống mòn của Nam Cao; champ esthétique (trường liên tưởng thẩm mỹ) để dùng vào bài viết về cơ chế của xúc cảm thẩm mỹ; idée poétique (tư tưởng nghệ thuật) để dùng vào bài viết về phương pháp nghiên cứu nhà văn; épisode prophétique (chi tiết tiên tri dự báo) để dùng vào bài viết về tư tưởng Vũ Trọng Phụng .v.v... Tất nhiên học trong sách Việt nhiều hơn, nhất là trong sách của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao...

Một lần, nhân đọc bài Thời và thơ Tú Xương của Nguyễn Tuân, tôi vớ được chữ “giẫy nẩy” ông dùng để tả màu vàng những buồng chuối ngự Nam Định đựng trong những sọt lá chuối khô. Tôi bèn dùng vào trường hợp văn Nguyễn Huy Thiệp, cụ thể là đoạn bình luận về ngôn ngữ sinh động nhưng rất tục của một bà lão nông dân trong truyện. Những bài học nông thôn: đó là ngôn ngữ của sự sống, tuy lấm láp bùn đất nhưng cứ tươi rói và giẫy nẩy lên trên những trang sách”. Trong một bài viết về Nguyễn Khải  tôi lại dùng cụm từ “Khoán chui tư tưởng”, “Khoán chui ý nghĩ” mượn trong kho ngôn từ của quản lý hợp tác xã nông nghiệp.

Nguyễn Khải giống như một anh cán bộ xã hay huyện gì đó dám tổ chức khoán chui và khoán chui trót lọt trong thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp còn là một chân lý không ai được bàn cãi. Nhưng khoán chui ý nghĩ thì phải rào đón cho kín..”

Tóm lại học câu, học chữ ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, không biết thế nào mà nói cho hết được.

Người ta nói người viết văn là phu chữ, thợ chữ, nghề văn là nghề của chữ, là trò chơi của chữ .v.v... Không có một kho câu, chữ ra hồn thì làm ăn thế nào được.

7. Đọc lại bài viết và sửa văn.

Ở người khác thế nào thì không biết, riêng tôi có một cái thú là khi viết xong bài văn, ngồi đọc lại, duyệt lại để sửa sang câu, chữ của mình.

Khâu cuối cùng này thì chủ yếu không phải là sửa nội dung, sửa ý lớn ý nhỏ, cũng không phải là sửa bố cục, kết cấu bài văn nữa mà chủ yếu là sửa câu, sửa chữ, sao cho chính xác và hay. Phải tự mình đọc thầm câu văn lên, lắng nghe cho kỹ, thấy có chỗ nào từ trùng lặp thì phải tìm cách thay bằng một từ đồng nghĩa khác (trừ trường hợp từ cố ý để đạt một hiệu quả thẩm mỹ nào đấy). Đặc biệt phải lấy cái tai thẩm âm, tai âm nhạc của mình mà sửa câu chọn chữ cho âm điệu dễ lọt tai.

Kinh nghiệm của tôi và chắc cũng của nhiều cây bút khác: viết xong không nên đọc lại ngay. Tốt nhất là để một, hai ngày sau hãy đọc lại. Như thế được bình tâm tĩnh trí hơn. Và nhờ có khoảng cách thời gian đó, có thể khách thể hóa bài văn của mình để đánh giá nó một cách chính xác.

N.Đ.M

(Hết)



[1] Nhà văn Việt Nam hiện đại - Chân dung và phong cách (Sách đã dẫn)

[2] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[3] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[4] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[5] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[6] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

Chia sẻ trên Facebook