CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận - Phê bình

KINH NGHIỆM HÀNH VĂN (KỲ III)

Thứ tư ngày 27 tháng 6 năm 2012 6:19 PM

5) Dẫn chứng, trích dẫn

a. Phân tích, bình luận tác phẩm tất phải có trích dẫn văn bản. Lập luận thì phải có luận cứ, phải tìm dẫn chứng để thuyết phục.

Nhưng viết nghiên cứu, phê bình không nên dẫn chứng nhiều. Nhà viết sử văn học nổi tiếng Lăng-xông (G.Lanson) viết về các nhà văn Pháp, phân tích tác phẩm của họ mà hầu như không trích dẫn một câu văn nào của ai cả. Vậy mà thế giới hình tượng của các nhà văn ấy vẫn hiện lên trước mắt độc giả với đặc điểm riêng, phong cách riêng rất cụ thể.

Nói như thế để thấy, phân tích văn mà trích dẫn la liệt là không hay ho gì. Chỉ nên trích dẫn khi rất cần thiết và câu văn trích phải rất chọn lọc, phải rất đắt.

Nói về khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam những năm chống Mỹ (1965 - 1975) mà dẫn bài Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân , tùy bút Đường chúng ta đi và truyện Rừng xà nu của Nguyên Ngọc thì thật đích đáng. Phân tích tâm lý lãng mạn của con người ta thời kháng chiến tuy dứng trong gian khổ mà tâm hồn luôn sống với lý tưởng, với tương lai, thiết tha tưởng không có bằng chứng nào hay hơn là mấy câu thơ Tố Hữu trong "Ba mươi đời ta có Đảng":

Củ khoai, củ sắn thay cơm

Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng

Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát

Trông trời cao mà mát tâm can.

Lấy cảnh nghèo đói của làng quê ta ngày xưa để giải thích cảm hứng dạt dào của Xuân Diệu trong baì Ngói mới, không gì thú vị bằng dẫn hai câu thơ lục bát của Trần Đăng Khoa:

Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Thấm bao mưa nắng mà thành quê hương![1]

Có trường hợp tôi phải tìm hiểu nhiều dẫn chứng để khẳng định một luận điểm. Ấy là trường hợp viết về Nguyễn Đình Thi. Tôi cho rằng Nguyễn Đình Thi có một vùng thẩm mỹ riêng, nghĩa là chỉ viết về đối tượng ấy thì mới có cảm hứng thật sự và viết hay. Ấy là đất nước đẹp trong đau thương, lam lũ, bất hạnh:

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.

Nhưng Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Ông viết đủ các thể loại văn và thơ. Vậy muốn thuyết phục được người đọc cũng phải tìm dẫn chứng trên đủ các thể loại sáng tác ấy. Tìm ra được những bằng chứng đích đáng, rất đắc ý:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác heo may...

Hình ảnh đất nước như một cơ thể bị cào xé, đau đớn:

(...) Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

                                                 (Đất nước)

Tượng trưng cho đất nước là những cô thanh niên xung phong vất vả lam lũ:

Em đứng bên đường

như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

                                                 (Lá đỏ)

Tiểu thuyết: Vỡ bờ tập I: đất nước bất hạnh viết hay hơn Vỡ bờ tập II: đất nước vùng lên, cách mạng thành công.

Kịch: Nguyễn Đình Thi dường như chỉ có cảm hứng "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", Nguyễn Trãi bị cầm tù, Thăng Long bị chiếm đóng; không có cảm hứng Nguyễn Trãi ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi anh hùng, đất nước chiến thắng.

Nhưng thú vị nhất là dẫn chứng này: trong một bài nói chuyện ở lớp viết văn Nguyễn Du khoa I, để minh họa một ý kiến nào đấy, Nguyễn Đình Thi đã thuật lại một đoạn văn của L.Tônxtôi trong Chiến tranh và hòa bình: "Nguyên soái Kutudốp chủ trì một hội nghị tướng lĩnh trong một cái lán của một nông dân Nga giữa cánh đồng. Ông có thói quen ngủ gật khi người ta bàn cãi về quân sự. Chợt ông tỉnh dậy, thấy ở một góc xó lán, có một em bé gái Nga lam lũ, tiều tụy, có đôi mắt rất sáng và hồn nhiên nhìn ông đầy thương mến. Ông xúc động, nói thầm với mình: Đây mới là nước Nga! Em bé gái kia mới đích thực là nước Nga, chứ không phải là lũ tướng tá đang ba hoa kia".

Nguyễn Đình Thi kể đến đấy, cảm động quá, ông khóc và dừng lại, không nói được nữa.

Như gặp một thời cơ may mắn, tôi "chộp" ngay lấy đoạn thuật kể trên của Nguyễn Đình Thi như một bằng chứng đích đáng. Vì L.Tônxtôi thực ra có viết như thế đâu! Không hề có em gái Nga ngồi ở góc lán trước mặt Kutudốp để vị nguyên soái nói thầm với mình một cách thiết tha: "Đây mới là nước Nga!".

Tôi kết luận: Đây là nước Nga của Nguyễn Đình Thi chứ không phải của Kutudốp - Nước Nga của Nguyễn Đình Thi mới nghèo khổ và lam lũ như thế!

Nói chung dẫn chứng phải đích đáng đã đành, nhưng còn phải đa dạng, mới mẻ, không được trùng lặp, đơn điệu hoặc quá quen thuộc, ai cũng có thể dẫn ra ngay được. Nghĩa là dẫn chứng phải là một phát hiện của riêng mình.

Trong bài viết về thơ Chính Hữu mà tôi đặt tên là: "Chính Hữu hành quân trên những trang thơ", tôi có nhận xét: thơ Chính Hữu luôn luôn nói đến hành quân, tiến quân. Và tôi rất sướng khi tìm ra được dẫn chứng này: dưới ngòi bút của nhà thơ, những con chữ vốn nằm im trên mặt giấy cũng có thể đứng dậy và hành quân: ấy là những con chữ trong một lá thư của một người vợ dân công gửi chồng bộ đội:

Viết thư cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công
Ánh mực lập loè đường xa lửa đuốc..."[2]

b. Viết văn nghị luận, phê bình nhiều khi phải dựa vào ý một nhà nghiên cứu nào đó làm luận cứ cho những phán đoán, những luận điểm của mình.

Nhưng cũng không nên viện dẫn nhiều. Sính trích dẫn sách vở chỉ là bệnh của bọn học trò khoe kiến thức mới học được. Theo Hoàng Ngọc Hiến, đọc sách đọc vở nhiều khi là rất cần, nhưng phải "nuốt" vào trong bụng cho nó tiêu hóa đi. Kẻ hay phô bầy sách vở là kẻ vừa ăn vào lại "nhả" luôn ra trên mặt giấy. Tức là chưa tiêu hóa để biến thành của mình. Chỉ nên "nhả" ra những ý kiến riêng của mình thôi.

Tuy thế đôi khi cũng phải trích dẫn. Mượn ý kiến người khác thì nhất thiết phải trích dẫn. Đấy là đạo đức khoa học. Nhưng theo tôi câu trích dẫn nên chia làm hai loại:

- Một là loại ý kiến nổi tiếng, giới văn học ai cũng biết cả - loại này, dù có biết đích xác xuất xứ cũng không nên nói rõ ra làm gì. Nói rõ những điều ai cũng biết, là sự cẩn thận của văn học trò, của luận án nghiên cứu sinh. Theo tôi chỉ nên viết thế này: "Người ta thường nói..." hoặc "Có ai đó đã nói thế này..." Cẩn thận hơn nữa thì viết: "Có một người Pháp hoặc có một nhà văn Nga phát biểu thế này...". Để làm duyên có khi lại giả vờ quên: "hình như có một người Pháp đã nói thế này...".v.v...Nếu câu trích dẫn hay bài văn trích dẫn quá quen thuộc, thì có thể chỉ trích nửa câu hoặc chỉ gợi ra một ý, một tình tiết nào đó thôi. Chẳng hạn có thể viết: "Tôi bỗng nhớ bài thơ "Bất tri tam bách" của Tố Như xưa... hoặc là: "Tôi bỗng liên tưởng đến nỗi lòng của Giang Châu tư mã trên bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị thuở nào...v.v.."

- Tuy nhiên có những ý kiến chẳng những phải trích dẫn đầy đủ mà còn phải nói rõ xuất xứ nữa. Đấy là những ý kiến ít người biết và nhằm làm luận cứ cho một luận điểm nào đó của riêng mình - một luận điểm mới mẻ, chưa dễ được chấp nhận ngay trong giới khoa học.

Chẳng hạn, để nói về quan niệm tình yêu đích thực có cơ sở quan hệ nhục thể giữa nam và nữ (trong bài viết về thơ Xuân Diệu), tôi phải trích dẫn Ănghen: ông "châm biếm thứ thơ tình của một nhà thơ đạo đức giả người Đức thế kỷ XIX mà ông gọi là "thơ tình của một người thiếu bộ máy sinh dục", và ông đã ca ngợi "thơ tình của Véctơ, một nhà thơ cách mạng, bạn chiến đấu của Mác và Ănghen đã "biểu hiện một tính nhục dục và những thèm muốn nhục dục thật là lành mạnh và cường tráng" (Về văn học nghệ thuật (C.Mác và Ph.Ănghen) Nxb Sự thật, Hà Nội 1958, trang 372)...v.v...[3]

6. Đặt câu, dùng từ.

Ở đây không nói chuyện viết sao cho đúng ngữ pháp, câu có đủ thành phần chủ vị, đủ mệnh đề chính, mệnh đề phụ. Ở đây chỉ nói yêu cầu viết sao cho hay. Cũng không nói chuyện phải dùng từ đúng nghĩa mà nói dùng từ sao cho hay. Đặt câu dùng từ cho hay, theo kinh nghiệm của tôi, nên đạt được những yêu cầu sau đây:

a. Hòa phối âm thanh, nhịp điệu:

Để câu văn dễ lọt tai người đọc, phải cân nhắc âm thanh nhịp điệu. Điều này đòi hỏi phải có vốn từ từ ngữ phong phú để chọn chữ chẳng những phải đúng nghĩa mà còn phải có thanh điệu trầm bổng nhịp nhàng. Điều này hết sức quan trọng đối với những câu dài, nhiều mệnh đề chồng chất. Phải vận dụng luật bằng trắc, vận dụng phép đối ý, đối thanh cho hài hòa. Không đạt được như thế thì câu văn trở nên lủng củng, ý nghĩa tối tăm, rối rắm. Đây là chỗ cần đến cái tai thẩm âm tinh tế của người viết văn nghị luận, phê bình. Nguyễn Tuân nói rất đúng: "Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó".

Đây là đoạn văn tôi so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hình ảnh Bác Hồ trong bài Tức cảnh Pác bó với hình ảnh Nguyễn Trãi trong Côn Sơn ca. Giống nhau ở phong thái ung dung, tâm hồn chan hòa với tạo vật trong cái gọi là "thú lâm tuyền". Nhưng đồng thời lại rất khác nhau:

"Dĩ nhiên giữa hai nhà thơ của hai thời đại, ta vẫn nhớ có khoảng cách dài dặc của mấy trăm năm lịch sử. Cho nên một người lấy đá Côn Sơn làm chiếu, một người lấy đá Pácbó làm bàn, tuy cùng chung một tình cảm gắn bó, chan hòa đối với tạo vật, nhưng thái độ xã hội, triết lý nhân sinh, vẫn có những chỗ khác nhau về căn bản. Người này tin ở thiên cơ, thiên mệnh, gặp khi thời thế đảo điên không thể phò đời cứu nước, đành lui về bầu bạn với mây ngàn hạc nội, phách suối đàn thông. Người kia nắm chắc quy luật khách quan của lịch sử, đoán chắc thời cơ cách mạng, mượn núi rừng làm nơi căn cứ địa để xây dựng lực lượng, nhen nhóm phong trào, chuẩn bị cho những cơn bão táp của lịch sử. Một đằng là triết lý của người ẩn sĩ, từng nếm trải bao phen vinh nhục, cảm thấy đời người như mây nổi, như chiêm bao, muốn dẫn mình trong chốn lâm tuyền, nhập thân vào giữa cái mênh mông vĩnh cửu của tạo vật. Một đằng là triết lý của người chiến sĩ, triết lý cải tạo thế giới để con người hoàn toàn làm chủ thiên nhiên, làm chủ lịch sử, làm chủ vận mệnh của mình"[4].

Tạo âm thanh, nhịp điệu, hay nói chung, tạo tính nhạc cho câu văn xuôi, có điều này rất nên cảnh giác với mình: nếu không cẩn thận, dễ tạo nên lối diễn đạt du dương dễ dãi với những từ ngữ 'văn vẻ" có tính "cải lương mùi mẫn" hết sức phản cảm đối với người sành sỏi văn chương. Điều kiện quyết định ở đây là phải có cái tai thẩm âm tinh tế.

(Còn nữa)



[1] Văn và dạy - học văn (Sách đã dẫn)

[2] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[3] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[4] Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu phân tích thơ Hồ Chí Minh (Sách đã dẫn)

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook