CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận - Phê bình

KINH NGHIỆM HÀNH VĂN (KỲ II)

Thứ sáu ngày 22 tháng 6 năm 2012 7:06 AM

3. Đưa ra những tiêu chí để phân tích đánh giá, bình giảng.

Những tiêu chí nói ở đây đều bắt nguồn từ những nguyên lý triết học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học... nhưng phải được vận dụng một cách cụ thể, sáng tạo phù hợp với đối tượng phân tích, bình giảng, đánh giá...

Chẳng hạn tôi lấy  tiêu chí "độ phóng đại" để đánh giá nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng. Muốn gây cười, nhất thiết phải phóng đại. Nhưng phóng đại đến cái độ nào đấy thì phải dừng lại. Phóng đại chưa đến độ thì không đủ gây cười. Nhưng phóng đại quá độ thì không giữ được niềm tin ở độc giả. Nguyễn Công Hoan nhiều khi đã phóng đại quá cái độ ấy, nhất là khi ông viết về những phụ nữ có tư tưởng mới, đòi bình quyền, bình đẳng, đòi tự do luyến ái...v.v...Đọc những truyện ấy, người ta có thể buồn cười, nhưng không tin là có thật. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng thì khác: phóng đại dường như là hết sức thoải mái, tạo ra những nhân vật kỳ quái đến vô lý như Xuân, TYPN, Phó Đoan, Cố Hồng, ông Phán mọc sừng, Min đơ, Min toa, Văn Minh vợ và chồng, Lang Tỳ, Lang Phế, Cậu Phước em Chã... Vậy mà đọc đến trang cuối cùng, ngồi ngẫm nghĩ thì thấy, té ra nhà văn chẳng nói điêu cho thằng nào, con nào cả. Xuân tóc đỏ, Phó Đoan, Cố Hồng...chẳng những có thật mà còn đầy rẫy trong thiên hạ. Có nghĩa là thiên tài trào phúng của Vũ Trọng Phùng đã cảm nhận được đúng cái độ phải dừng lại kia của nghệ thuật phóng đại.

Khẳng định giá trị nghệ thuật nhân vật Văn Sĩ Hoàng của Nam Cao trong Đôi mắt và những nhân vật của Nguyễn Thi trong cuốn tiểu thuyết viết dở Ở xã Trung Nghĩa, tôi lại đưa ra tiêu chí về sự thống nhất biện chứng giữa cái ngẫu nhiên và cái tất yếu: "Có lẽ một trong những điều đặc sắc nhất của tác phẩm là sự kết hợp đến mức nhuần nhuyễn giữa cái vô nghĩa và cái có nghĩa, giữa cái ngẫu nhiên và cái tất yếu: Ông Tư Trầm thì phải có cái tên như thế. Thằng đại diện Hiếm thì phải có cái bộ quần áo và cái giọng nói như thế, nó phải ngồi gọn gàng trên cái xe đạp vừa chậm vừa nhanh để len lỏi lên họp quận. Còn thằng cảnh sát Âu thì nhất thiết phải cưỡi lên cái xe gắn máy vừa nhanh vừa chậm như thế và có cái thói quen thắng mạnh xe lại một cách đột ngột để cho cái hình đàn bà cởi truồng trước mặt nó phải bật ngửa ra tênh hênh tô hô như ăn vạ. Thằng chủ ấp Ba Sồi cũng vậy, nhất thiết phải có cái búi tóc hủ lậu bé choắt như trái cau và phải biết sợ vợ một cách khôn ngoan, cũng như vợ nó nhất định phải to xác, cả miệng và chột mắt: "Nhất voi một ngà, nhì đàn bà chột mắt"[1].

Bình bài thơ rất hay nhưng rất khó giảng là bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, tôi lại đưa ra khái niệm "siêu thơ". Tôi phân biệt hai phạm trù thơsiêu thơ. "Thuộc phạm trù thơ là những thi phẩm hay hoặc dở, nhưng đều có thể hiểu được, giảng được một cách rành mạch. Còn bước vào phạm trù siêu thơ là bước vào một thế giới khác, thế giới siêu nhiên, siêu thực. Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức (...). Đây là thế giới không tuân theo lô-gic thông thường, không nói năng bằng cú pháp thông thường. Lời lẽ, chữ nghĩa, hình ảnh như là phi lý, vô nghĩa (...) Lá Diêu Bông là gì? Có cái lá gì trên đời này là Lá Diêu Bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá Diêu Bông? Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó và cái âm hưởng của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng nói, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió...

Có phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của những thôn nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xuý Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hoà cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tỉếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:

Diêu Bông hời!... ới Diêu Bông!..

Vâng, tôi gọi thế là phạm trù siêu thơ"[2].

Tôi cũng hay vận dụng ý kiến của nhà văn Hêminhuê về phần nổi phần chìm của "tảng băng trôi" để phân tích tác phẩm của một số nhà văn Việt Nam, chẳng hạn như Nguyễn Tuân. Tôi cho rằng lối ăn nói ngông nghênh, khinh bạc, gai góc của ông chỉ là thuộc cái phần nổi của tảng băng trôi. Đọc Nguyễn Tuân, phải lắng sâu để hiểu được, bẩy phần chìm của tảng băng dưới nước. Ấy là tấm lòng tha thiết với những gì đã tạo nên truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời  trên đất nước này, đã tạo nên cái đẹp, cái sang, cái tài hoa thanh lịch của một dân tộc từng có hàng nghìn năm văn hiến...

Đề cập đến Xuân Diệu như nhà thơ lớn nhất của tình yêu trong văn học Việt Nam tôi khẳng định đóng góp to lớn của ông đối với lịch sử văn học là đã lần đầu tiên đưa tình yêu thật sự là tình yêu vào thơ ca nước ta. Luận điểm này buộc tôi phải định nghĩa thế nào là "tình yêu thực sự là tình yêu. Đấy cũng là một tiêu chí đánh giá thơ tình trong văn học hiện đại: tình yêu là sự kết hợp thống nhất hai quan hệ nam nữ: quan hệ nhục thể và quan hệ tinh thần. Đây là sự giao cảm tuyệt đối và tuyệt vời giữa "anh" và "em" từ thể xác đến linh hồn. Lần đầu tiên trong lịch sử thơ ca Việt Nam, Xuân Diệu đã nói được điều ấy một cách đầy ý thức và chân thật:

Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực

Hãy trộn nhau hai mái tóc ngắn dài...

(...) Trời cao trêu nhử chén xanh êm

Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm

Nên lúc môi ta kề miệng thắm

Trời ơi ta muốn uống hồn em...[3]

Để khẳng định vị trí không thể thay thế được của Nguyên Hồng và Nam Cao đối với lịch sử văn học dân tộc, tôi đưa ra tiêu chí sau đây: ..." muốn biết một nhà văn có vai trò như thế nào trong lịch sử văn học, nên trả lời câu hỏi này: giả sử không có cây bút ấy, thì bức tranh rộng lớn của văn học phản ánh xã hội, đất nước và tâm hồn con người qua các thời đại, có bị khuyết đi một chỗ vào đáng kể không? Nghĩa là đối với nhiệm vụ của nền văn học dân tộc, đấy có phải là một cây bút cần thiết không?'[4]

Vận dụng tiêu chí này, dễ dàng thấy được vai trò văn học sử quan trọng của các nhà văn nói trên. Không có Nam Cao thì lấy gì thay thế được bức tranh đầy ấn tượng của ông về tình trạng nông thôn Việt Nam vô cùng đen tối, ngột ngạt dưới ách Pháp - Nhật, đến nỗi người nông dân bị huỷ hoại cả nhân tính lẫn nhân hình và bị tước đoạt hẳn quyền làm người ?

Không có tác giả Cửa biển thì lấy gì thay thế được bức tranh đồ sộ hoành tráng của ông về thành phố Hải Phòng trong những ngày bão táp lịch sử trước Cách mạng tháng Tám, những ngày dân tộc quần quại dữ dội trong cơn trở dạ để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ?

4) Dựng không khí, diễn tả cảm xúc.

 Văn nghiên cứu, phê bình văn học gần với sáng tác chính là ở chỗ này đây. Nó đòi hỏi ở người viết phải có trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo được hình ảnh. Đây là hình ảnh chuyển tải cảm xúc thẩm mỹ.

Trước hết người viết phải có cảm xúc thật sự trước thế giới nghệ thuật của nhà văn (không có cảm xúc thật thì hình ảnh vẽ ra chỉ là giả tạo và vô duyên, đọc rất chối, thà đừng dùng hình ảnh còn hơn).

Đây không phải sự sao chép lại hình ảnh của nhà văn, nghĩa là trích dẫn dài dòng, la liệt. Đây là thế giới hình tượng của nhà văn được soi rọi qua hoạt động tư duy tổng hợp và tâm hồn của nhà phê bình và vì thế trở nên tập trung hơn, tổng hợp hơn, ngắn gọn hơn và nổi bật hơn.

Đây là đoạn diễn tả chất thơ rất khỏe trong tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng mà tiêu biểu nhất là chương mở đầu tập Cơn bão đã đến, kể chuyện mẹ La vượt ngục, một tứ thơ độc đáo, vô cùng mãnh liệt vút lên từ bóng tối khủng khiếp của nhà tù đế quốc: "...một đoạn thơ ca ngợi ánh sáng và sự sống. Nhưng nào phải ánh bình minh với những ngón tay hồng hay vầng trăng như liềm vàng đĩa bạc! Đây chỉ là một ngọn đèn dầu tù mù như chút linh hồn hấp hối trong cái bệnh xá khủng khiếp của nhà tù Hà Giang. Chao ôi! Cái ngọn đèn nhập nhoè, đùng đục ấy bỗng được vặn sáng lên vào một thời khắc nào đó, của những đêm đông dằng dặc nơi núi rừng, thì có khác nào ánh hào quang lung linh nơi toà sen bảo tháp đối với những người tù khổ sai đang tưởng mình bị vùi sâu dưới đáy cùng của âm ti địa ngục! Cái ánh sáng ấy lọc qua sương đêm buốt lạnh, lọt vào khe cửa nhà giam, đã thức tỉnh mẹ La từ cõi chết, làm sống lại trong tâm hồn người tù khổ sai này những kỷ niệm đầy chất thơ của tình mẹ con, tình chồng vợ, tình quê hương, làng xóm và đã làm bùng cháy trong trái tim người đàn bà vô cùng oan khổ này ngọn lửa căm thù mãnh liệt quyết chống lại số mệnh, chống lại bóng tối đầy tử khí của tiếng kẻng tù, trong nhạc điệu hoang dại của gió rừng thác núi hoà với tiếng rên rỉ của tù nhân và tiếng xích xiềng loảng xoảng"[5].

Còn đây, tôi cố dựng lên cái không khí bức bối toát ra từ ba chương cuốn tiểu thuyết viết dở của Nguyễn Thi: Ở xã Trung Nghĩa. Cái khó là phải vừa khái quát tổng hợp vừa bám vào những chi tiết tiêu biểu, dùng tưởng tượng, chắp nối các chi tiết ấy lại, tạo nên bằng lời văn gợi cảm của mình bức tranh có hồn thể hiện đúng cái hồn, cái không khí bao trùm lên những trang sách của Nguyễn Thi: "Biết nói thế nào về cái không khí này? Chỉ vài trang đầu thôi, người đọc đã cảm giác được cụ thể một cái gì đó vừa oi ả bức bối, vừa tởm lợm tanh tưởi bốc lên từ cái bến tắm sặc mùi cá chết của thằng Ba Kỳ dưới ánh nắng ban chiều còn nóng gắt. Cảnh vật thì trơ trụi, trống rỗng như cái mặt bàn rộng quá khổ đặt trước cái thân hình nhỏ choắt lại của lão đại diện Hiếm trong cái nhà công sở, tạo ra một khoảng trống vô nghĩa lý và "đầy sự phiền muộn", nhất là khi thằng cha bật ngửa người ra sau để tỏ vẻ ngạc nhiên một cách giả dối. Có một cái gì thật khó tả bao trùm cả không gian và thấm vào hồn người; nó heo hút, xơ xác, hoang vắng trên cái bóng lẻ loi của ông Tư Trầm, đầu lao về phía trước, đang ngật ngưỡng bước thấp bước cao đi đến nhà công sở. Nó vừa ảm đạm, buồn tẻ, vừa chập chờn hư thực một cách ma quái trong cái giọng nói của thằng đại diện. Cái thằng cha, sao nó lại mặc cái bộ bà ba trắng xác như giấy? Giọng của nó thì cứ đều đều rủ rỉ, nửa như tâm tình, nửa như đe doạ, nửa nói chuyện với người khác, nửa như độc thoại nội tâm, tác động một cách khó chịu mang tai ông Tư, gây ra cái cảm giác mà tác giả gọi là giống như đang ở trong cái không khí những buổi bắt tà của lão thầy pháp Rôn vào đấy"[6].

Thực ra viết như thế không hẳn chỉ là truyện kỹ thuật làm văn mà trước hết phải thực sự sống với cái không khí của truyện, thực sự hít thở trong không khí bức bối, ma quái rất khó chịu ấy toát lên từ những trang viết của Nguyễn Thi.                       

(Còn nữa)



[1] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[2] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[3] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[4] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[5] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (Sách đã dẫn)

[6] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (Sách đã dẫn)

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook