CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Lý luận - Phê bình

KINH NGHIỆM HÀNH VĂN (KỲ I)

Thứ bẩy ngày 16 tháng 6 năm 2012 4:04 PM

I. Viết văn là quá trình phấn đấu quyết liệt và liên tục.

1. Có ý hay mà không có văn hay thì ý không nổi lên được, tất nhiên bài viết không hấp dẫn người đọc. Chế Lan Viên nói đúng: "Có những cái cày bừa tăng năng suất cho cây trồng. Có những cách dùng chữ, viết văn tăng năng suất cho ý".

Văn hay cũng có nhiều mức cao thấp khác nhau, phụ thuộc vào sự phấn đấu theo chỉ tiêu cao thấp khác nhau của ngươì viết. Đánh giá người viết văn giỏi, không nên căn cứ ở chỗ anh ta viết nhanh hay chậm, chữa bản thảo nhiều hay ít, mà ở chỗ anh ta đạt tới cái hay ở mức độ nào.

Nhiều nhà văn lớn viết rất chật vật, bản thảo chữa đi chữa lại rất nhiều lần, thậm chí có khi chữa mãi cũng chưa ưng ý thì vứt quách đi, không tiếc. Những tập bản thảo ấy, đối với người khác, có khi đã lấy làm thoả mãn lắm rồi. Đấy là do tiêu chí đánh giá cái hay của văn chương trong quan niệm của mỗi người viết có mức độ cao thấp rất khác nhau.

Viết văn nên phấn đấu theo tiêu chí cao, hướng tới người đọc ở trình độ cao - cao về văn, tất nhiên. Nghĩa là lấy mức văn của những ông ấy làm chuẩn. Khi viết, ta tưởng tượng những độc giả ấy sẽ đọc mình và cố sức viết sao cho các vị ấy chấp nhận là được.

Khi Nhà xuất bản Văn học quyết định làm tuyển tập Nguyễn Tuân, ông Giám đốc Lý Hải Châu đề nghị hai người (ông Vũ Ngọc Phan và tôi) để Nguyễn Tuân chọn lựa. Nguyễn Tuân đã chọn tôi. Vinh dự này khiến tôi phải cố hết sức viết bài giới thiệu sao cho nhà văn ưng ý. Bài giới thiệu chỉ hơn 60 trang mà phải viết trong gần 6 tháng. Viết xong, hai chân bị phù nề vì ngồi lâu, xuống máu.

Thực ra, "văn mình, vợ người", tự đánh giá đúng văn mình rất khó. Vì thế trong thời kỳ tập viết, nên đưa bài văn của mình cho những người có trình độ cao xem để họ đánh giá cho. Khi bài đã in ra, thì nên lắng nghe dư luận đánh giá thế nào để rút kinh nghiệm. Có bài mình viết xong tưởng là được. Té ra người ta chê không ra gì. Tất nhiên được những ông như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh... khen thì rất sướng và hoàn toàn có thể yên tâm. Cố nhiên không nên nghĩ rằng đã viết được một số bài khá thì sẽ tiếp tục viết khá. Mỗi bài viết lại là một cuộc vật lộn mới, một cuộc phấn đấu mới, nếu không cố gắng hết sức thì có thể viết xuống tay dần, nghĩa là thụt lùi một cách thảm hại. Thực tế, đã có những cây bút như vậy.

2. Nhưng văn hay phải có cái gốc tư tưởng vững. Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói với tôi: "Vốn văn hóa, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm sống, nếu chịu khó đọc sách, học hỏi, rút kinh nghiệm thì rồi sẽ có được. Nhưng điều quyết định là phải có cái gốc nhân tình thật vững thì mới viết được tốt và mới đi xa được."

Người ta thường nói văn phải có giọng riêng, văn phải có hồn. Hồn văn, giọng văn xét đến cùng, bắt nguồn từ thái độ tình cảm của người viết, nghĩa là từ tư tưởng riêng (không phải tư tưởng vay mượn) thể hiện ở thái độ khinh trọng, yêu ghét riêng. Diễn đạt thái độ ấy một cách chân thật thì tạo ra giọng văn riêng của mình. Đọc văn như thế, thấy có hình ảnh cái tôi của người cầm bút hiện diện qua lời văn, qua những dòng chữ, cho đến cả cách diễn đạt câu, dùng từ...

Mạnh Tử nói: "Lời nói không ngay thẳng biết có điều che ám, lời nói quá quắt biết có bị hãm về cái gì, lời nói cong queo biết có điều lìa lẽ phải, lời nói quanh quẩn, biết có điều cùng khốn". Từ Trình Khanh nói: "Nhân phẩm do sự tu dưỡng mà khác nhau, tài nghệ cũng do đổi đời mà trái hẳn, cho nên những nhân chính hiền sĩ, lời thuần mà khí bình, những anh hùng hào đại hiệp, lời hùng mà khí mạnh, những cô thần nghiệt tử, lời gắt mà khí gấp, những dật dân di lão, lời kín mà khí trầm, các nhà hiền lương văn học, lời nhã mà khí hoà, các bậc phi tần liệt sĩ, lời tôn mà khí nghiêm, những mị phu cận thần, lời lả lướt mà khí tục tằn, những tuấn nam kỳ nữ, lời dâm đãng mà khí hồi hộp"[1].

Tôi có đưa ra khái niệm "Sang" trong đánh giá văn chương - bên cạnh tiêu chí đúng sai, hay dở. Đúng vậy, gốc tư tưởng có tốt, gốc nhân tình có sâu tư cách người viết có đàng hoàng thì văn mới hay, mới sang được.

II. Một số thủ pháp hành văn cụ thể.

Tổng kết kinh nghiệm viết văn, tôi có rút ra được một số thủ pháp hành văn cụ thể. Thực ra khi viết chưa hẳn đã có ý thức dùng thủ pháp này thủ pháp khác. Chẳng qua là nội dung viết tự nó đòi hỏi phải viết như thế - nội dung quyết định hình thức.

1. Thủ pháp đòn bẩy

Muốn làm cho ý của mình nổi bật lên, gây được ấn tượng đậm nét ở người đọc, nhiều khi phải dùng thủ pháp đòn bẩy.

Thí dụ: Trong bài "Nguyên Ngọc, con người lãng mạn", để nêu bật cái ý mà tôi tự thấy là một phát hiện này: "Nguyên Ngọc không phải chỉ viết truyện sử thi, viết văn lãng mạn. Anh thật sự sống trong không khí sử thi và mang hẳn trong máu mình chất lãng mạn", tôi đưa cái ý nghĩa không đúng của mình trước đây về Nguyên Ngọc: "Về văn Nguyên Ngọc, thú thật tôi chỉ đọc có hai tác phẩm "Đất nước đứng lên" và "Rừng xà nu". Mà đọc không phải để nghiên cứu, nên cũng chẳng nghiền ngẫm gì nhiều, vì thế tôi cứ đinh ninh, đến thời đổi mới này, anh không thể viết được nữa. Anh chỉ có thể đổi mới bằng lý luận, bằng lý thuyết mới và bằng cách ủng hộ những xu hướng sáng tác mới. Cái tạng của anh chuyên viết truyện anh hùng, với ngôn ngữ sử thi tráng lệ hào hùng và cảm hứng lãng mạn sôi nổi, như "Đất nước đứng lên", như "Rừng xà nu", bây giờ viết sao được nữa!".

Ý nghĩ này chính là đòn bẩy, cũng có thể gọi là một thứ phục bút, để làm nổi hẳn lên cái ý mà mình rất tâm đắc sau đây: "Té ra tôi đã lầm, lầm to: anh vẫn viết, vẫn viết về người anh hùng, vẫn viết bằng cái văn ấy, bằng cái giọng ấy, bằng cái cảm hứng lãng mạn sôi nổi ấy"[2].

Về bài Dại khôn Nguyễn Khải, để nêu bật cái dại của nhà văn rất khôn này, tôi trước hết nói về cái khôn của anh đã. Lại khen cả cái "bốc" rất đáng yêu của anh khi phát hiện một tài văn mới. Đấy cũng là một thứ đòn bẩy để tô đậm cái dại của anh, khiến anh "bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết đi được"[3].

Cũng một cách ấy tôi so sánh tư tưởng của Ngô Tất Tố viết về cái đói và miếng ăn của người nông dân, để nêu bật tư tưởng rất khác của Nam Cao cũng viết về đề tài ấy: Ngô Tất Tố viết về cái đói, Nam Cao viết về miếng ăn. Ngô Tất Tố viết về cái khổ, Nam Cao viết về cái nhục, truyện Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, truyện Nam Cao viết là tiếng kêu hãy cứu lấy nhân tính, nhân phẩm con người đang bị miếng ăn hủy hoại...[4]

2. Lấy một hiện tượng trong thực tế đời sống quen thuộc có hình thức tương đồng để diễn đạt ý tưởng.

Nói về sự xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết nhiều tập vào những năm 60 của thế kỷ vừa qua, như Vỡ bờ, Bão biển, Những người thợ mỏ, Cửa biển...v.v, tôi hình dung các tác giả của chúng như những đấu thủ chạy đua dai sức nhiều vòng trên sân vận động - mục đích là để đánh giá cao sức viết rất khoẻ của Nguyên Hồng: "Đọc bốn tập truyện của Nguyên Hồng, tôi bỗng nẩy ra một ý nghĩ vui vui: viết truyện dài cũng có thể ví như người chạy đua dai sức chứ sao? Mỗi vòng đua có thể ví như một tập sách phải hoàn thành. Vậy thì chung quanh đề tài "Cửa biển", cho đến nay, dễ đã có đến bốn, năm người bước vào cuộc đấu. Ở vòng đầu, nói chung, ai nấy đều hăng hái. Có người chạy rất tốt và hứa hẹn nhiều triển vọng, đã được người xem cổ vũ nhiệt liệt. Nhưng đến vòng hai, xem ra đa số đều uể oải, có người đành phải bỏ cuộc. Riêng Nguyên Hồng thì cứ đều đều một mạch chạy suốt bốn vòng, khi tới đích, mệt thì có mệt, vẫn đủ sức giơ tay vẫy chào khán giả"[5].

Kết thúc bài viết về bộ tiểu thuyết Cửa biển, tôi lại nẩy ra một ý khác: so sánh sáng tác tiểu thuyết với việc tổ chức những trận đánh, nhằm tổng kết dưới hình thức ngắn gọn, dễ hiểu và vui về chỗ mạnh chỗ yếu cơ bản của ngòi bút Nguyên Hồng, đồng thời cũng nhân đó, đưa ra nhận xét một cách bóng gió về mấy nhà tiểu thuyết khác: "viết tiểu thuyết có thể ví như tổ chức một trận đánh trong nghệ thuật quân sự. Truyện ngắn, ấy là một trận nhỏ. Truyện dài, ấy là tiến hành một trận đánh lớn, một chiến dịch. Muốn tổ chức một chiến dịch đạt kết quả tốt, tôi nghĩ, một mặt phải có người chỉ huy giỏi, mặt khác phải có quân đội vững, hậu cần tốt. Xem xét một số "chiến dịch" tiểu thuyết của ta hiện nay, thấy có trường hợp người chỉ huy tỏ ra rất sắc sảo, đường lối quân sự nắm vững, kế hoạch tác chiến rất thông minh, nhưng trận đánh càng triển khai càng lúng túng, vì lương thực thiếu, quân lại không đủ mạnh, nhất là quân chủ lực. Trận đánh của Nguyên Hồng có lẽ thuộc trường hợp ngược lại. "Chiến dịch" "Cửa biển" như thế là đã kết thúc và có thể nói là đã giành được thắng lợi nhất định. Nhưng nếu như cũng quân ấy, hậu cần ấy, mà chỉ huy tốt hơn nữa, mục tiêu nắm chắc hơn, chọn binh tuyển tướng nghiêm khắc hơn, hành quân mau lẹ và phối hợp các binh chủng một cách chặt chẽ và khẩn trương hơn thì chắc hẳn "chiến dịch" sẽ diễn ra một cách nhanh gọn hơn và thắng lợi lại còn có thể lớn hơn". Tôi  cho rằng cách diễn đạt này đã làm sáng tỏ được chỗ mạnh chỗ yếu, nhìn trên nét lớn, của bộ tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng: vốn sống phong phú, hình tượng chồng chất, chi tiết bề bộn và sinh động, nhưng kết cấu không chặt, nhiều chương dài dòng luộm thuộm... ngược hẳn với chỗ mạnh, chỗ yếu của bộ tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi.

Nói về những bài thơ viết non, viết vội của Huy Cận trong tập Những năm 60, tôi đã ví nhà thơ giống như "một đứa trẻ háu ăn, cứ đi đi lại lại nóng lòng sốt ruột qua một cái vườn ấy, một gốc cây ấy của tâm hồn mình để chờ hái quả thơ vừa chín tới. Hái sớm, hái vội một chút, cố nhiên là không có lợi cho thơ. Cho nên cũng là một gốc cây Huy Cận đó thôi mà trái lần này xanh hơn, vị lần này nhạt hơn"[6].

Nhìn một cách khái quát chỗ đứng của các nhà văn trong lịch sử văn học, tôi cho rằng nhà văn chỉ có thể sống lâu dài với thời gian, nghĩa là có vị trí vững chãi trong văn học sử, khi tạo ra được những kiệt tác văn chương, những đỉnh cao nghệ thuật. Vì thế tôi đã lấy hình ảnh này để diễn đạt: "Đứng trước lịch sử văn học một dân tộc cũng giống như đứng trước một cảnh núi non trùng điệp chạy giật lùi về phía chân trời của quá khứ: người ta chỉ có thể nhìn thấy được những đỉnh cao mà thôi"[7].

Nghĩa là đối với văn học đương đại thì người ta có thể thấy được tất cả, dù chỉ là những gò đống. Nhưng lịch sử lùi xa mãi thì gò đống sẽ bị xoá đi hết, chỉ còn lại những đỉnh cao.

( Còn nữa )



[1] Dẫn theo Doãn Kê Thiện: Công dụng của văn học. Tiểu thuyết thứ bẩy số 6 (11 - 1944).

[2] Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách (Sách đã dẫn)

[3] Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách (Sách đã dẫn)

[4] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

[5] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (Sách đã dẫn)

[6] Nhà văn, tư tưởng và phong cách (Sách đã dẫn)

[7] Con đường đi vào nghệ thuật... (Sách đã dẫn)

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Chia sẻ trên Facebook