CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tuyển chọn Văn học Việt Nam qua ngôn ngữ của Molière - Bản Tiếng Việt

CUỘC ĐỜI KHỐN NẠN CỦA MỘT BẢN THẢO - LÊ ANH HOÀI

Thứ bẩy ngày 29 tháng 9 năm 2012 12:00 AM



Tôi là một bản thảo, một file document, một sản phẩm ảo trong thời đại hiện nay, trong điều kiện tôi khu trú trong bộ nhớ computer. Còn tất nhiên nếu được in ra trên giấy, tôi cũng có diện mạo gần như các bản thảo trên đời xưa nay.

Chủ nhân/ bố của tôi là một nhà văn trẻ (đấy là anh ta tự nghĩ thế). Ở cả hai khía cạnh tôi đều thấy bất cập: Trẻ ư? Anh ta đã gần 30 tuổi, râu ria rậm rì, với câu “tam thập nhi lập” của các cụ (bên giống người), tôi thấy không còn trẻ. Đấy là chưa kể anh ta lại còn già trước tuổi. Chắc do nghĩ ngợi nhiều đến nhân tình thế thái. Còn nhà văn ư? Ai công nhận anh ta là nhà văn? Tôi cũng đã có một thời ấu trĩ khi nghĩ rằng, những người viết văn đều có thể gọi là nhà văn, mãi sau tôi mới biết, ở xứ này, chỉ khi họ được kết nạp vào Hội nhà văn - họ mới được coi là nhà văn. Điều này đặc biệt quan trọng, khi trà lá bia rượu sa-lông văn nghệ cũng như khi viết điếu văn.

Sau này, tôi còn biết thêm một điều mà không phải người lăn lộn trong giới thì không thể biết: Khi được công nhận là nhà văn, thì trên 40 tuổi vẫn là “nhà văn trẻ”. Ở xứ này, nhà văn là một đối tượng đặc biệt, và những khái niệm bình thường lắp vào anh/chị ta bỗng trở nên dị dạng. Anh/ chị ta luôn tồn tại như cái bóng của chính mình. Và nhiều người lại khoái tình trạng này hơn.

Tôi phải biết ơn anh ta, vì có nghĩ ngợi nhân tình thế thái như đã nói trên, anh ta mới đẻ ra tôi (clowning/ sinh sản vô tính - còn những cách làm khác, kể cả anh ta thủ dâm với trang giấy, cũng không thể ra một sản phẩm là tôi).

Nhân đây, tôi cũng bày tỏ lòng căm ghét với những người coi chúng tôi là “đứa con tinh thần”. Chúng tôi chỉ là “con” nếu nhìn bề ngoài, còn thật ra, chúng tôi ngang hàng, thậm chí nhiều trường hợp, chúng tôi còn vĩ đại hơn tác giả. Không hiếm trường hợp, nhờ tác phẩm, nhà văn mới được đẻ ra.

Tôi ra đời vào một ngày đẹp trời, trên biển, tầm nhìn xa trên 10 ki-lô-mét, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo như thế. Anh ta sản sinh ra tôi rất vô trách nhiệm: thoạt đầu, anh ta viết phần đầu của tôi trên một tờ giấy bẩn thỉu, tờ giấy này bị vo viên, xào xáo lẫn lộn trong túi quần anh ta với tiền lẻ, chìa khóa, bao cao su và hàng loạt thứ vớ vẩn khác. Phải đến gần chục ngày sau, tình cờ tìm thấy tờ giấy, anh ta mới nhớ đến tôi, và vào computer gõ gõ đánh đánh. Cũng phải tiếp tục bốn ngày sau, với lối làm việc khá lộn xộn: khi sáng sớm, lúc nửa đêm, lúc dài vài tiếng, lúc chỉ mươi phút, anh ta dần tạo ra hình hài tôi. Về chuyện này, tôi thấy chẳng khác một đứa bé thành hình dần trong bụng mẹ. Như phượng hoàng sinh ra từ tro bụi, tôi uốn mình luồn lách qua những file khác trong bộ nhớ computer, mờ mờ như một bóng ma, tôi rõ nét dần, vươn mình ngóc cổ tìm một chỗ đứng cho mình.

***

Cũng phải nói rằng, anh ta (tác giả/ chủ nhân/ bố của tôi) là người có tính cầu toàn (khác với thái độ vô trách nhiệm khi xuất hiện ý tưởng về tôi). Tạo ra tôi rồi, anh ta nghiền ngẫm sửa lại từng chữ một, cắt những chữ thừa đi như trẻ mục đồng bóc đi những con ve bám vào bụng trâu. Có những lúc anh ta chau mày vò trán bứt tóc, delete cả một đoạn dài. Tôi đau đớn toàn thân nhưng về sau tôi hiểu, nếu để lại những đoạn đó, tôi sẽ như đứa trẻ sinh ra có bớt, có u, thậm chí tay có sáu ngón hay có đuôi.

Và thế là, tôi đã ra đời, như một câu chuyện hoàn chỉnh (anh tác giả gọi tôi là truyện ngắn) có đầy đủ đầu đề, mở đầu và kết thúc.

Tôi có cần giới thiệu về mình không nhỉ, một vài thông số như hoa hậu với số đo các vòng nhé: độ dài 3.425 từ, 11.667 ký tự, không kể dấu cách. Tôi được chia thành 24 đoạn và trong trường hợp để co chữ 14, tôi có 227 dòng, trải ra trên 6 trang khổ A4.

Tôi không để ý đến nội dung của mình cho đến khi một bản thảo khác cùng tác giả hỏi tôi. Khi tôi nói không biết, nó nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác đến. Nó gằn giọng:

- Đ.m mày chứ, cái đồ văn chương giẻ rách cũng làm ra bộ cao ngạo. Chúng tao là những bản thảo các bài báo của chủ nhân, chúng tao làm ra tiền, chứ mày làm ra cái đ. gì mà cũng lên mặt!

Suýt nữa thì nó thực hiện lời dọa “xé tan xác” tôi, dù biết nó không có khả năng đó, nhưng tôi vẫn rợn hết cả người.

Sau đó tôi để ý, mới biết mình kể về bộ râu của một nghệ sĩ, tôi tự hào: mình làm một công việc sang trọng, nhưng tôi vẫn muốn mình kể về cặp mắt hay trái tim của ông ta hơn!

***

Mọi chuyện khá rắc rối trước khi tôi hiểu ra mình khác các truyện ngắn khác, bắt đầu từ thái độ của nhà văn lão thành - biên tập viên của tờ báo quan trọng nhất Hội nhà văn, người mà nhà văn trẻ rất cung kính, đưa tôi đến để ra mắt.

Ông ta kẻ cả nhận lấy, đặt tôi (nói đúng hơn, là một hiện thân của tôi, được in ra giấy) lên chồng giấy tờ lộn xộn trên bàn. Sau vài ngày, nhiều thứ giấy tờ, trong đó có cả những bản thảo khác đã chen lấn, đẩy bật tôi ra gần mép bàn, 2/3 thân tôi lơ lửng ngoài không khí, như trong các bộ phim phiêu lưu mạo hiểm, tôi đứng trước nguy cơ rơi xuống vực sâu từ một triền núi cao và dốc.

Mãi sau gần một tháng, do tác giả của tôi hỏi nhiều quá, ông nhà văn lão thành đã lục tôi ra. Ông tìm tôi mất gần nửa tiếng, vừa lật các giấy tờ, ông vừa nhân tiện vo viên một số thứ, trong đó có cả những bản thảo chưa đọc như tôi. Điều đó làm tôi thót tim khi bàn tay chuối mắn của ông ta chạm vào tôi!

- À đây, bố khỉ. Viết báo không viết lại đi viết văn, mà cái gì? Bộ râu à? Sao đang tự nhiên lại râu với ria!

Chắc vì tò mò cộng với thương hại, ông ta đọc tôi đúng 16 phút, bỏ qua nhiều (khoảng 8) đoạn.

Hôm sau, ông gặp tác giả của tôi.

- Tôi đọc rồi, đọc kỹ ấy chứ.

Một khoảnh khắc im lặng nghẹt thở.

- Không được cậu ạ.

- ... ...

- Văn chương là phải hướng tới cái gì đẹp đẽ thanh cao, nói gọn lại là hướng thiện. Đây, cậu lại đi vào những chuyện tầm phào. Văn chương sang trọng nhất là mô tả thậm chí lột tả được tâm hồn con người, đây cậu lại đi vào chuyện râu với ria.

(Tôi biết ngay sai lầm của anh ta, tại sao lại không viết về đôi mắt của nhà nghệ sĩ?! Còn nếu có tài năng, anh ta phải biết chọn ngay tâm hồn, còn nếu tài năng tột đỉnh, anh ta phải biết sờ đến tâm linh).

- Với lại văn là phải đẹp, phải uyển chuyển, phải bay bổng. Cậu viết câu cú thẳng băng như viết báo ấy, chắc quen rồi hả? Đừng, đừng nghĩ thế, thế nào là vẻ đẹp văn chương? Cậu làm thế là tầm thường hóa văn chương...

- Với lại phải tìm điển hình, từ điển hình phản ánh được cả một lớp người, một thời đại. Cậu mô tả cảm xúc vớ vẩn của một ông nghệ sĩ để râu, rồi cạo râu, thế thì giải quyết được việc gì...

Tác giả của tôi thất thểu ra về, anh ta vuốt ve tôi như an ủi nhưng tôi cong người lên chống lại. Tôi nhục nhã. Dường như biết thái độ đó, anh ta nhún vai, những ngón tay anh ta nắm lại như định vò nát tôi. Tôi rợn người, một thùng rác ngay cạnh. Tất nhiên đây chỉ là hiện thân tôi - tức chỉ phần thân thể, nhưng một hành vi như vậy không thể không quan hệ đến linh hồn. Như một bãi nước bọt vô tình văng vào mặt một ai đó, vẫn là sự xúc phạm.

Lúc nào tôi được hiện hình trở lại?

Nhưng anh ta đã nới lỏng ngón tay rồi nhét tôi vào cặp.

Anh ta và tôi cùng thở dài.

***

Anh ta lại đưa tôi đi đến một tờ tạp chí khác, cũng của một cơ quan văn nghệ rất hách. Bà nhà văn biên tập viên thái độ xởi lởi:

- Này em, đang có cuộc thi truyện ngắn đấy, hay em dự thi luôn.

- Vâng, tùy chị ạ, nhưng em muốn chị đọc và góp ý cho em, thế là em mãn nguyện rồi.

- Đúng là lớp trẻ nhỉ, đất nước này, nền văn học này rất cần đấy.

Bà nhà văn đọc tôi rất kỹ, vài lần, bà tỏ ra tôn trọng tôi, bà cẩn thận xếp tôi vào một chỗ.

Trong một lần đọc, bà lẩm bẩm:

- Mới, ít người viết thế này. Một câu chuyện tưởng như chẳng có gì, nhưng lại gây ấn tượng...

Nghe thế, tôi cũng không biết đấy là khen hay chê.

Rồi bà ta đưa tôi đến chỗ một ông người gầy gò, hút thuốc liên tục. Nghe bảo ông là phó tổng biên tập. Ông ta nhận lấy tôi, cầm bút chấm sửa những dấu chấm phẩy bị mờ, tàn thuốc rơi vào tôi nóng rẫy.

- Truyện đọc cũng được, kiểu mới, ừ, đang bảo ưu tiên mới và trẻ. Ừ, cũng được.

Ông ta lại xếp tôi vào một cái cặp tài liệu, tôi vừa tràn trề hy vọng bỗng lại thất vọng não nề.

***

Tối om, một giọng điệu đà vang lên:

- Em viết về cái gì đấy? Chị, chị là một mối tình bi thảm, người ấy yêu một cô gái, nhưng cô gái lại bị một gã trai lão luyện là anh kết nghĩa của người ấy quyến rũ, gã quyến rũ chỉ vì gã căm thù phụ nữ. Sau...

- Thôi, im đi... cô thì cứ suốt ngày ca bài ca não tình. - Một giọng ồm ồm vang lên.

- Sao lại não tình, người ấy đau khổ bỏ đi nhưng sau vì tình yêu quê hương lại về cơ mà?!

- Vẫn là não tình. Yêu quê hương là phải chiến đấu, như tôi. Tôi là câu chuyện đầy chất anh hùng ca trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một câu chuyện đầy tình người nhưng không bi luỵ như cô.

Ồn lên, tiếng các bản thảo khác. Chúng rao lên nội dung của mình, như những người bán hàng rong. Chúng muốn bán mình. Chúng muốn thoát khỏi cái cặp. Tôi lạnh người.

Một tiếng nhỏ nhẹ vang lên ngay cạnh tôi.

- Em bị lạc, em là một câu chuyện thiếu nhi.

Tiếng khóc nức lên.

- Ít người được ra khỏi đây lắm. Nhất là em, ai biết là em ở đây?

Chỉ ít lâu sau, tôi đã được biết nhiều điều: như con mụ não tình đã được sáng tác cách đây 5 năm, đã bị vứt lăn lóc qua nhiều toà soạn báo. Mụ thì thào:

- Em ạ, thật ra có lần chị đã được đăng, trong một chuyên san về giới tính - tình yêu - gia đình. Chị chỉ nói với em thôi nhé!

Chính mụ đã loan truyền trong chiếc cặp tối om này về nội dung của tôi. Nó viết về râu, râu ấy và những cái gì giống râu... Từ đó tôi bị coi là một kẻ lập dị. Nhưng cũng vì thế, tôi được nhiều bản thảo khác để ý, thậm chí làm thân. Chốn này, người ta chuộng lạ, dù người ta luôn muốn “đại chúng”.

Còn lão già có giọng ồm ồm đã được sáng tác cách đây trên mười năm, lão tiết lộ:

- Tao được đăng mấy lần rồi, thoạt đầu tao là một bài ký về gương thương binh làm ăn sản xuất giỏi, sau tao được sửa thành một câu chuyện truyền thanh, tao đã được đọc trên đài tỉnh... Thằng tác giả của tao, nó thấy có cuộc thi, nó sửa tao. Mày yên tâm, tao sẽ ra khỏi đây sớm thôi. Tao thuộc loại dễ đăng, và lão tác giả của tao cũng sành điệu lắm. Lão biết tất cả các loại giám khảo!

Đa số các bản thảo khác tỏ vẻ bí mật về thân phận của chúng, và các mối quan hệ của tác giả chúng. Tuy nhiên dần dần tôi cũng biết hết những điều mà chúng úp mở. Gần như tất cả đều đã có quá trình vật lộn, biến đổi hình hài cho phù hợp với các loại báo và tạp chí. Đây là cơ hội đổi đời của chúng.

***

Tôi đổi đời. Đúng hơn, tôi sắp được ra đời.

Nói một cách đầy văn chương, tôi thấy chân trời bừng sáng.

Chuyện thế này. Cuối giờ chiều, khi tòa soạn đã lục tục ra về, chúng tôi nhìn nhau ngán ngẩm. Một buổi đêm dài vô vọng đang chờ đợi chúng tôi.

Bỗng tôi thấy tiếng đối thoại quen quen, tiếng của ông gày gò hút thuốc liên tục và của bà nhà văn đã nhận tôi từ tay tác giả.

- Này, số tới đăng cái râu ria cô đưa nhé.

- À vâng, lâu quá rồi. Thế để em liên lạc với tác giả.

- Bảo nó đưa ảnh nhé. Cuộc thi năm nay giới thiệu cả tác giả dự thi bên cạnh tác phẩm.

Không thể tin được dù đó là sự thật.

Bên trong cặp im lặng nén chặt.

Đã lâu, chưa ai ra khỏi đây.

Thằng bé truyện thiếu nhi túm lấy tôi, nó nức lên, phá vỡ im lặng:

- Đưa em theo với!!!

Tôi nhìn nó thương xót.

Mụ truyện não tình nghiến chặt răng, mụ nhìn tôi thù hận. Tôi làm gì mụ? Tôi cố ý vênh mặt lên.

Chỉ có lão già giọng ồm ồm có vẻ thân thiện:

- Chúc mừng, chúc mừng! Cứ đi trước đi, người sau sẽ là tôi!

Tôi nhìn lão, chẳng lẽ tôi cũng như lão? Ý nghĩ loé lên. Nhưng, sự mẫn tiệp trời phú giúp tôi phản ứng với một nụ cười lịch sự. Lão già hân hoan giả tạo:

- Cứ đi trước đi, người ta đang ủng hộ cái mới, cái trẻ. May đấy, nhưng tôi thì không ai bỏ được. Tôi là giá trị lâu dài.

Tôi hiểu ngay lão đang tự an ủi.

Tất cả những kẻ khác bẽ bàng.

***

Nhưng nói vậy, như lời một bài hát, “ngày vui còn xa”.

Sự bình yên chán chết hàng ngày lại trở về trong chiếc cặp, nếu không kể đến sự đắc thắng của một số kẻ nhằm vào tôi. Trong cuộc cạnh tranh sinh tử này, người khác sống là mình chết. Tôi đã hiểu chuyện đó. Người ngoài cuộc, có chăng, là đứa bé truyện thiếu nhi, nó không có khả năng cạnh tranh. Người ta phần nào thực lòng quan tâm đến nó, không phải vì nhân ái, mà vì nó vô hại.

***

Trong cặp có một thằng gầy rớt, được đánh máy bằng máy chữ loại cũ trông rất lèm nhèm. Nó luôn tỏ thái độ cung kính với tất cả, nó chào tất cả mọi người dù người ta không thèm nhìn nó. Vì tự trọng, tôi tỏ ra lịch sự với nó, dù tôi nghĩ nó cũng như thằng truyện thiếu nhi - một kẻ lạc loài.

Mụ truyện não tình biết tâm trạng của tôi, mụ xán tới an ủi:

- Em đừng lo, chị biết em có tài... mà người ta đã nói như thế. Tức là...

Tôi không thể yên tâm, tôi vặn vẹo, đau khổ. Mụ não tình vội nói:

- Chắc không có chuyện gì đâu... nhưng nếu có, em nên gặp một người có kinh nghiệm.

Mụ chỉ cho tôi thằng gầy rớt. Tôi không tin.

Nhưng rồi tôi vẫn gặp thằng gầy rớt. Hắn đến chỗ tôi. Vẫn cung cách thường ngày. Hắn nhỏ nhẹ:

- Tôi biết, số tạp chí này chưa lên khuôn.

- ...

- Như thế là mừng rồi. Tuy nhiên...

Tôi không thở nổi.

Hắn gần như thì thào:

- Tổng biên tập đang đi công tác. Ông ấy mới là người quyết định cuối cùng.

 ***

Thế ra chuyện của tôi không đơn giản. Số phận của tôi không đơn giản. Tôi oán giận. Nhưng rồi tôi lại hy vọng. Cứ thế.

Một đêm, khi tất cả đã ngủ yên, chỉ còn tiếng ngáy của lão già giọng ồm ồm, tiếng nức nở của thằng bé truyện thiếu nhi và tiếng nghiến răng ken két của ai đó trong giấc mơ, thằng gầy rớt bỗng đến gần tôi và buông ra một câu nhẹ như gió:

- Quý vị... (đây là đại từ nhân xưng nó dùng với tất cả mọi người, không riêng với tôi), quý vị rất khó được dùng (thở dài)... giống tôi...

Tôi giật nảy mình, nhát dao xuyên tim, thiếu chút nữa thì tôi gào lên “đồ khốn nạn, đồ khố rách áo ôm, đồ yếu sinh lý...”, nhưng tôi không thể thốt ra được. Thằng gầy rớt lại thì thào:

- Tôi trót sinh ra từ một tác giả “có vấn đề”, dù tôi chẳng có tội tình gì. Còn quý vị, tôi biết quý vị sẽ có vấn đề. Tôi xin lỗi, nhưng biết trước thì có thể đỡ đau...

Nó biến mất vào bóng tối.

Đêm đó, tôi thức trắng và do đó tôi biết thằng gầy gò cũng thức trắng, nó đã quen thức trắng. Một nỗi sợ to lớn nhưng vô hình bủa vây tôi, tôi oán trách tác giả của tôi. Đến gần sáng, trong tôi bỗng loé lên hy vọng: chưa phải đã hết, anh ta có thể sửa tôi. Tôi sẵn sàng chịu đau đớn để được sửa chữa. Tôi nghĩ đến các hoa hậu Venezuela, để đạt được số đo 90-60-90, chưa nói đến hình hài khả ái của các cặp nhũ hoa và cặp mông, họ phải giải phẫu. Mặt họ cũng giải phẫu.

Giải phẫu, tôi cần giải phẫu.

***

Điều thằng gầy gò tiên đoán đã ứng nghiệm ngay sáng hôm sau.

Một giọng nói rất khó tả vang lên ngay trên đầu chúng tôi, nó lạnh nhạt, không, nói đúng thì nó thiếu đi một cái gì đó. Mãi sau, lăn lộn thêm trên những cái bàn chất đầy bản thảo, tôi mới hiểu được cái thiếu đó gọi là bản sắc. Và rồi, lăn lộn thêm một thời gian dài nữa, tôi mới biết giấu được cái đó đi là cả một công phu ghê gớm.

Một điều lạ liên quan đến giọng nói ấy là nó phát ra ở một tầm khác thường. Sống trong bóng tối, chúng tôi đã quen phán đoán theo cách của người mù. Với giọng nói này, điều kinh dị là không thể biết nó được phát ra trong tư thế nào của người nói - đứng thì thấp quá, mà ngồi thì cao quá.

- Này, ông nghĩ thế nào mà lại đưa đăng truyện này?

Giọng có vẻ nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa sự đe dọa nào đó.

- Truyện được chứ anh... tinh tế - Tiếng ông gày gò, giọng hơi khê khê, nhưng không phải cái khê khê do ảnh hưởng thuốc lá mọi khi.

- Tinh cái con khỉ!

Như đùa, mà lại không đùa.

- ...

- Râu với chả ria, rồi chết vì những chuyện râu ria này đấy.

Lại càng như đùa, nhưng như có một viên đạn đang lơ lửng giữa tầng không, sắp đâm bổ xuống.

- Có một giáo sư toán học nổi tiếng, khi người ta góp ý về bộ râu của ông, ông cười nhạt: “Sao không nói cái gì quan trọng hơn, toàn chuyện râu ria?”

Tiếng ông phó tổng biên tập. Lấy lại cân bằng. Giữ vững hòa khí.

- Đấy là toán, còn đây là văn chương.

Viên đạn đã rít lên ngay trên đầu chúng tôi, làm rung lên vùng không khí giữa hai con người và cái cặp đựng bản thảo chúng tôi.

- Phải hiểu những ẩn ý bên trong một truyện ngắn hay một bài thơ có thể giết chúng ta! Chúng ta - tôi và ông - có thể chết chỉ vì một ẩn dụ bị suy diễn. Rồi mất chức! Rồi tù mọt gông!

...

- Sao cơ ạ?!

Ông phó tổng gầy gò lắp bắp. Tiếng nói của ông phát ra ở tầm cao hơn tiếng nói kia, nhưng như cánh dơi chấp chới, loạng choạng, chỉ vừa xuất hiện đã mất hút.

- Đấy nhé, may mà tôi về kịp, không thì sao? Chuyện xảy ra tôi chỉ cần giải trình tôi đi công tác, không liên quan. Các anh các chị có lãnh nổi không?! Lãnh nổi không?

Ông tổng biên tập dừng lại một chút, một khoảng lặng rất vừa:

- Rồi mất chức! Rồi tù mọt gông!

Rồi mất chức! Rồi tù mọt gông!...

Rồi mất chức! Rồi tù mọt gông!...

Rồi mất chức! Rồi tù mọt gông!...

Những tiếng ấy vang lên với một nội lực hùng hậu, bay quanh căn phòng nhỏ ẩm thấp đầy bản thảo và khói thuốc, có tác dụng trấn áp và cảnh tỉnh. Như tiếng chuông nhà thờ, nó đi thẳng vào lòng người. Chúng tôi, dù biết không thể “mất chức” và “tù mọt gông” thì chắc cũng chỉ như tình trạng hiện nay mà thôi, nhưng cũng thấy lạnh gáy. Lão già giọng ồm ồm cũng im re, không dám thở mạnh.

Một khoảng lặng dài.

***

Như một chương tiếp nối của bản giao hưởng, tiếng ông tổng biên tập lại vang lên, tha thiết, khoan hòa, như một giọng cello ngọt lịm biểu cảm:

- Truyện viết về bộ râu, đúng không? Nhân vật nổi tiếng để râu, rồi khi cạo râu đi thì mọi người không nhận ra nhân vật vĩ đại ấy nữa, đúng không?

- Không hẳn ạ...

Tiếng ông phó tổng lúc này cất lên, như một tiếng sáo đồng khe khẽ, yếu ớt, mong manh, xa xăm.

- Còn gì nữa? Tôi chưa đọc, nhưng tôi nghe qua là biết!

- Vâng...

Tiếng cello càng thiết tha, thậm chí da diết:

- Chuyện không vớ vẩn đâu, tư tưởng đấy! Nguy hiểm lắm!

- Một nhân vật nổi tiếng đến thế, mà không còn râu nữa lại chẳng còn gì. Thế thì (hạ một quãng tám) là rỗng tuếch à?!

- Vâng - Tiếng sáo vuốt ve, quanh quất.

- Một (rất khẽ) lãnh tụ, cũng có chòm râu đáng kính, chỉ... chỉ... chỉ (trở lại cường độ âm thanh ban đầu) có râu là giá trị thôi à?!

- Vâng - Tiếng sáo ngập ngừng, hoang mang.

- Vâng vâng cái con khỉ.

Tiếng đập mạnh lên mặt bàn, tất cả chúng tôi giật nảy. Tiếng đập hùng tráng như tiếng trống trong chương cuối bản Giao hưởng Chiến thắng.

- Đâu đâu, nó đâu?

Dập dồn gấp gáp, nghe như cả dàn nhạc rồ lên một lượt.

***

Mấy ngón tay đầy mùi thuốc lá lùa vào trong cặp. Tôi nhanh chóng bị nhấc lên. Choáng ngợp với ánh sáng bất ngờ và choáng váng với một dự cảm chết người, tôi chỉ kịp cảm nhận những ngón tay vàng khè khói thuốc đưa ngang tôi về phía một bàn tay có những ngón ngắn. Bàn tay này đón lấy tôi và gần như đồng thời, một bàn tay nữa cũng ngón ngắn vồ lấy tôi giữa không trung, thế đánh vu hồi, hai mũi giáp công. Thân thể giấy của tôi bị xoắn vặn xé toạc thành trăm mảnh nhỏ.

Linh hồn tôi vọt thoát ra khỏi mười đầu ngón tay chuối mắn, nhìn xuống tôi thấy một trận mưa vụn giấy choán hết không gian đẹp mê hồn.

 

Chú thích của tác giả: Tôi phải nghĩ rất lâu trước cái tên truyện này. Cuối cùng, tôi đã tạm bằng lòng với cái tên quý vị thấy. Dù nó hơi gợi lên âm hưởng cái tên tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (hay “Những kẻ khốn nạn”) của Victor Hugo, thậm chí nó còn khiến liên tưởng đến tên tờ báo Nguyễn Ái Quốc đã làm ở Paris (“Người cùng khổ”). Trước đó, tôi đã viết ra cái tên “Những truân chuyên của một bản thảo” (Âm hưởng “đời cô Lựu”); “Tự sự của một bản thảo” (Âm hưởng “Ký sự về một cái chết đã được báo trước” – G.G.Marquet)./.

L.A.H

Chia sẻ trên Facebook