GS.TS Huỳnh Như Phương, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi; nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, hiện đang giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn thuộc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những tác phẩm lý luận-phê bình, Huỳnh Như Phương còn là tác giả của nhiều bút ký, tản văn nhẹ nhàng mà sâu lắng. Tập tản văn gần đây nhất của ông mang tên Bây giờ mà có về quê... (NXB Phụ nữ , 2011)
Một lần, nhân nói chuyện thơ ca mà “tranh thủ” quảng bá thắng cảnh quê mình, nhà thơ Tế Hanh kể rằng Quảng Ngãi có ba dòng sông bắt đầu bằng chữ Trà, tính từ Bắc vô Nam: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu. Sông Trà Câu nằm trên địa phận huyện Đức Phổ, chảy qua làng Tân Phong của nhà thơ Nguyễn Vỹ rồi xuống cửa biển Mỹ Á. Sông Trà Khúc chảy ngang thành phố tỉnh lỵ, ở giữa hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, đổ ra cửa Cổ Lũy, gần thị trấn Thu Xà của nhà thơ Bích Khê. Còn sông Trà Bồng chảy đến huyện Bình Sơn thì tách dòng làm đôi ôm lấy làng Đông Yên của Tế Hanh như ôm một hòn đảo nhỏ trước khi xuôi về cửa Sa Cần: “Tuổi nhỏ của tôi đã trôi qua giữa cái mùi mằn mặn của những mẻ cá và trong tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ. Trên làng tôi, quay mặt về phương nào cũng thấy những tấm lưới, những mái chèo và nhất là những cánh buồm căng gió…”.
Không có gì lạ khi cánh buồm trở thành một biểu tượng hùng tráng trong thơ Tế Hanh. Bài Quê hương viết khi nhà thơ vừa 18 tuổi: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:/ Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông. Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá/ Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo, vội vã vượt trường giang/ Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…Niềm vui của thiên nhiên miền sông nước và niềm vui của làng ngư dân tụ lại trong hình ảnh con thuyền; còn niềm vui của con thuyền thì tụ lại trong trong hình ảnh cánh buồm. Đó là một trong những bài thơ đầu tay trong tập Nghẹn ngào dự thi giải thưởng Tự Lực văn đoàn năm 1939, sau được đổi tên thành Hoa niên khi nhà Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1945.
So với bản thảo mà Hoài Thanh và Hoài Chân trích tuyển trong Thi nhân Việt Nam (1942), tác giả có chữa lại đôi chỗ: “hăng như con tuấn mã” thành “băng như con tuấn mã” và “mạnh mẽ vượt trường giang” thành “vội vã vượt trường giang”… Có lẽ chữ “băng” hợp hơn với chữ “nhẹ” và “vội vã” thì vừa hiệp vần với câu thơ trên vừa nói được nỗi nhọc nhằn của con thuyền vươn ra biển lớn. Nhưng trong cả hai trường hợp, cánh buồm đều là biểu tượng sức sống của dân chài, biểu tượng tâm hồn mở ra cùng nắng gió.
Tả cảnh thuyền về trong nỗi chờ đợi của dân làng trên bến sông, bài thơ tô đậm những món quà của biển không chỉ đằm trong khoang thuyền mà còn lưu dấu trên cơ thể người đi biển và con thuyền của họ: Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe/ Những con cá tươi ngon thân bạc trắng/ Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm!/ Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Cái “vị xa xăm” mà người ngư phủ mang về trong thịt da và hơi thở cũng hấp dẫn như mùi cá tươi và mùi muối biển ngấm vào vỏ thuyền. Tất cả làm nên đời sống và nhịp sống của một làng chài, kết nối cái làng cù lao đó với biển trời Tổ quốc, với chợ búa thị thành.
Miền Trung mùa này đang vụ cá, bão tố còn ở xa, nhưng biển Đông không bình lặng. Biển nổi sóng vì những lời đe dọa, vì những con tàu lạ, những con tàu ma. Thấy “chim bay dọc biển đem tin cá” mà nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng…đành cắn răng ngồi ngó mông ra biển hay đi vớt rong dọc bờ. Những chiếc thuyền nằm im không vì mệt mỏi, những con mắt thuyền thiếp ngủ giữa ngày lên. Người lái thuyền cũng ngủ say bỏ mặc những con thuyền trong vũng chật. Bây giờ những cánh buồm xếp lại cùng giấc mơ tuấn mã. Ngày nào, giữa khơi xa, chúng từng mơ giấc mơ “bốn biển là nhà”, “tứ hải giai huynh đệ”… Ai biết được những chiếc buồm bị vặt cánh còn nuôi nổi giấc mơ cho đến bao giờ?
Nhưng bài thơ của Tế Hanh vẫn không thôi nhắc nhớ giấc mơ của cánh buồm. Giữa thành Đông Kinh hoa lệ, giáo sư Hồng Lê Thọ một đêm nào thức giấc vì ám ảnh bởi những con thuyền không dám nhổ neo ra khỏi bến, ngồi chép lại bài thơ mà ông thuộc lòng từ hồi đi học gần nửa thế kỷ trước, gửi khắp bạn bè cho lòng nhẹ bớt nỗi ưu tư: Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ/ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi/ Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi/ Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Và lúc đó, ở căn nhà trên phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, tác giả bài thơ vẫn nằm bất động trong cơn bệnh dài ngày. Làm sao biết được bên trong đôi mắt mù lòa của ông có khi nào sáng lên hình ảnh chiếc buồm vôi căng giữa trời trong gió nhẹ nắng hồng cùng với giấc mơ lãng du thời trai trẻ. Bài thơ ấy ông làm năm 1939, đến nay vừa tròn 70 năm.
H.N.P - 2009