CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tin văn - Phê bình văn học

NHỮNG BẢN THẢO ĐẦU ĐỜI

Thứ ba ngày 24 tháng 4 năm 2012 12:00 AM

Nhiều nhân tài sớm bộc lộ thiên phú, nhưng không ít trong số họ thưở nhỏ chỉ mang lại phiền toái cho cha mẹ giống như Guistave Flaubert hay Jean Moulin, trong lớp chỉ mơ mộng như Saint-Exupéry, Claude Monet, thi tú tài trượt lên trượt xuống như Pasteur... Dẫu có một tuổi thơ êm đềm hay bão gió, họ đều mang một điểm chung: lặng lẽ sống và thể hiện niềm say mê một cách vụng về, ngây ngô, nhưng cũng hết sức dễ thương qua nhật ký hay các bức vẽ nguệch ngoạc ngang dọc, những lá thư cho cha mẹ, các bài tập ở trường...

"Ngay cả khi đã có một tác phẩm vô cùng nổi tiếng, ai mà không có lần tìm về, luyến tiếc bản thảo đơn sơ đầu tay của tuổi thơ thơm ngát hương hoa, sẽ nhanh chóng phai tàn theo năm tháng để không bao giờ tìm thấy nữa. Lẽ nào ta không trở lại tìm ở đó cái tự nhiên hơn cả ngây thơ, một phong cách không thể nào bắt chước được, một cái dịu dàng không thể có nữa của một lời hứa đầu tiên, của một lời thú nhận?" (Marcel Proust).

Đây là bản thảo "Quelle âme divine", của Louis Aragon (1897-1982) sáng tác lúc 7 tuổi.

Louis Aragon nhà thơ, nhà văn Pháp lớn của thế kỷ hai mươi đã lôi cuốn những người yêu mến ông bằng chính sự thái quá và tính trữ tình trong thơ ông. Theo trường phái Dada cùng André Bréton, ông là một trong những người sáng lập chủ nghĩa siêu thực mà tầm vóc của nó không thể tách rời được với lịch sử văn học nghệ thuật và chính trị nước Pháp. Ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp như phần đông các trí thức và nghệ sĩ thời ông. Trên đường thực hiện ý tưởng theo đường lối Xtalin, ông từng bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự tử.

Louis Agaron gặp Elsa Triolet, nhà văn Nga, chị gái của vợ Maïakovski. Khi Elsa mất, ông không thể yêu người phụ nữ nào khác mà tuyên bố thiên hướng đồng tính luyến ái của mình.

Hương vị tuyệt vời và hạnh phúc của tình yêu với Elsa trong những bài thơ ông viết cho nàng: Đôi mắt Elsa, Bàn tay Elsa, Elsa anh yêu em, Elsa ngồi trước gương ...đã đưa vẻ đẹp của nàng trường tồn qua thế kỷ. Mỗi bài thơ tình của ông là một đóng góp cho nghệ thuật của lịch sử thơ Pháp.

Bức thư của cô bé Françoise Dolto (1908-1988), sau này là nhà tâm lý, phân tâm học Pháp nổi tiếng, viết khi 7 tuổi thật dễ thương:.."Cậu Pierre yêu quý, hôm trước con đi thăm một xưởng sản xuất nhà bị chiếm bởi người Đức, những ngôi nhà rất đẹp, con chọn một nhà cho con và cậu, một nhà cho bốn đứa con của chúng ta. Con sẽ có hai con gái và hai con trai, và nếu cậu muốn, thì mỗi chúng ta sẽ có một con trai và một con gái , cậu ơi, cậu hãy nhanh nhanh xin phép cưới con vì con sắp phải đi Deauville..."

Người yêu (cậu Pierre) không may mất trong chiến tranh 1914-1918. Mới bảy tuổi rưỡi Françoise âm thầm tự cho mình là "góa bụa chiến tranh". Vài năm ngay sau đó là sự ra đi của người chị gái lúc bà 11 tuổi  làm cho mẹ bà bị khủng hoảng thần kinh trầm trọng. Từ đó Françoise mơ ước và quyết tâm trở thành bác sĩ tâm lý học. Bà là người đầu tiên mở hội nghị tại Rome về chủ đề «Trí tuệ và phân tích tâm lý». Bà đặc biệt quan tâm tới tâm lý học trẻ em và có nhiều công trình nghiên cứu phân tâm học giá trị.

Jules Verne (1828-1905) lúc 8 tuổi viết sai chính tả thậm tệ nhưng... lỗi của ông ngày xưa là ngôn ngữ của SMS hiện nay đang rất phổ biến của giới trẻ. Tình cờ, một lá thư gửi cho người dì của ông đã nhắc đến một khám phá khoa học thời đó: điện báo. Cha  là luật sư, mẹ ông là con gái một gia đình chủ tàu giàu có. Chắc chắn lúc nhỏ ông đã chăm chú nghe những cuộc nói chuyện của cha và say mê với những sáng tạo. Khi đó, Jules sống ở thành phố cảng Nantes ồn ào, tấp nập, hàng ngày nhìn qua cửa sổ những con tàu lướt qua sông, mơ những chuyến du hành xa xôi và tự tưởng tượng ra mình là thuyền trưởng của tất cả các con tàu trên thế giới.

Jules Verne là nhà văn tiên phong của văn học khoa học viễn tưởng Pháp, nổi tiếng với tác phẩm "Tám mươi ngày vòng quanh trái đất" (Le tour du monde en 80 jours), "Những cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Hatteras" (Les Aventures du capitaine Hatteras), "Từ trái đất lên mặt trăng" (De la terre à la lune), "Hai vạn dặm dưới biển" (Vingt mille lieues sous les mers)... Các tác phẩm của ông là những tiên đoán giá trị cho các thành tựu khoa học hiện đại thời nay.

Ba chủ đề lớn trong sự nghiệp sáng tác vô cùng phong phú của ông: đó là những cuộc du hành về mặt địa lý, tư tưởng, khoa học.

George Sand (1804-1876) trải qua một tuổi thơ đau khổ, in nặng dấu ấn của những trận cãi vã giữa bà và mẹ, ám ảnh bởi những câu chuyện khủng khiếp bất đắc dĩ của người lớn mà bà đã truyền cho quá sớm. Cha mất lúc còn nhỏ dại, G.Sand xa mẹ rồi lại xa bà để vào tu viện. Bức thư viết của bà khi 7 tuổi:

« Con thật tiếc khi không thể nói lời chia tay mẹ. Mẹ có hiểu bao đau buồn khi con phải xa mẹ. Tạm biệt mẹ, xin mẹ hãy nghĩ đến con và hãy tin tưởng con sẽ không bao giờ quên mẹ».

Vượt qua mọi thử thách cay nghiệt của cuộc sống, G.Sand trở thành một phụ nữ độc lập, kiên quyết và phóng khoáng. Bà lên tiếng chống lại những định kiến xã hội, đấu tranh cho quyền được yêu, được hạnh phúc của người phụ nữ bằng hơn 100 tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, kịch, phê bình văn học... . Cuộc tình với nhà văn Jules Sandreau đã định hướng con đường văn học của bà. Hai cuộc tình với Chopin, Alfred de Musset ảnh hưởng sâu sắc tới các tác phẩm.

Jean Giono, nhà văn Pháp (1895-1970), con trai của một người thợ giày và một phụ nữ thợ là, viết cho cha mẹ lúc năm tuổi:

"Cha mẹ kính yêu,

Con yêu cha mẹ, con kính chúc cha mẹ một năm mới tốt lành. Bàn tay nhỏ của con không thể phác họa được nhiều hơn, nhưng cha mẹ hãy đọc những điều còn chưa viết hết trong tim con và xin hãy trả lời con bằng một cái hôn dịu dàng."

Có lẽ chính do hoàn cảnh khó khăn từ thuở nhỏ, Jean đã có một cuộc sống nội tâm phong phú từ rất sớm. Khả năng tưởng tượng thế giới theo cách của riêng mình dựa trên nền tảng của cuộc sống thực tế thường ngày. Tác phẩm của Jean Giono vừa pha trộn giữa tính nhân đạo tự nhiên và sự bất bình mạnh mẽ trước xã hội cuối thế kỷ XX. Truyện "Colline" (Đồi) được giải thưởng Mỹ Brentano, và "Regain" (Cỏ hồi sinh) được giải Northcliffe, tiếp đến là giải thưởng văn học Hoàng tử Pierre của Monaco cho các tác phẩm văn học của ông. Ông được bầu vào Hàn lâm viện Goncourt.



Bức họa "Cô bé chân trần" của Pablo Picasso (1881-1973) lúc 14 tuổi.

Tuổi thành niên, Pablo Picasso đã cho ra đời không mệt mỏi một số lượng khổng lồ các bức vẽ chân dung, ký họa dưới sự dìu dắt của Le Greco, Vélasquez, Ribera và Goya. Ảnh hưởng của những người thầy vĩ đại được thể hiện qua tác phẩm «Cô bé chân trần», thấp thoáng một phong cách và chủ đề quen thuộc của một Picasso sau này, thể hiện hình ảnh người phụ nữ bần cùng.

Những bản thảo đầu tay cũ kỹ, vàng ố, đôi khi tơi tả, nét mực nhạt nhòa, hăng mùi mốc ẩm, luôn để lại trong tôi những bâng khuâng. Nhiều lúc, tôi tự hỏi liệu các nhà văn thời nay có vơi đi chút cảm xúc nào không khi bận tiếng lạch cạch trên bàn phím xen chen giữa dòng suy nghĩ?  Và con cháu đời sau liệu có còn cái hạnh phúc "dở hơi" như tôi khi được mân mê hà hít hay sở hữu những trang viết thơm thơm mùi thời gian nữa hay không?

*Bài và ảnh: Tổng hợp từ tư liệu lưu trữ Thư viện Quốc Gia Pháp.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook