Tuyển chọn Văn học Việt Nam qua ngôn ngữ của Molière - Bản Tiếng Việt
Một cái hốc rực sáng ven hồ. Tiếng nhạc léo nhéo vọng ra như từ sâu thẳm bóng đêm. Bài hát ca ngợi một thời xe đạp trong trẻo. Hai giọng ca, một nam, một nữ. Hòa vào nhau nhủng nhoẳng như sợi xích chùng lập cập ngoạm các bánh răng móm mém. Thời xe đạp đã xa. Với người hát. Với thành phố cơ giới và những phương tiện kĩ thuật cao đang dần xâm chiếm hết các khoảng không đô thị. Ban ngày và ban đêm. Nắng và mưa…
Nó phát hiện ra ánh đèn từ lúc còn đứng ở phía bên này của bờ hồ. Khoảng cách quang đãng không xa lắm qua mặt hồ lướt thướt gió. Những con sóng mọn rỉ rả ru. Cái hốc sáng trên mặt sóng nở phình ra rung rinh chao đảo như một nhát bút lông mềm mại lay động. Trong đêm, ngọn đèn hiếm hoi thời tiết kiệm điện ở thành phố trở nên cuốn hút mọi hiếu kì. Ít ra nó cũng chứng tỏ được sự quan trọng của một nơi cần chiếu sáng suốt đêm. Đó là một chiếc máy rút riền tự động. Nó nhận ra khi đã đi hết nửa vòng bờ hồ. Đến gần chiếc máy. Một cái hốc sáng lòa với những mặt đồng hồ hiện số và chữ. Hai cánh cửa kính trong veo nguyên tấm suýt làm nó cộc đầu. Một hàng chữ viết bằng hai thứ tiếng. Nó chỉ đọc được mỗi hai chữ, “kéo ra”. Một chiếc tay nắm bằng kim loại xám màu chì mòn rỉ vết tay người. Và giọng ca bơ phờ phát ra từ trong ô cửa kính. Không biết dành cho ai. Nhưng chắc chắn không phải dành cho nó.
Ở cái thành phố mấy triệu con người không một ai biết nó. Vậy mà lại có một bản nhạc được mở dành riêng cho nó vào lúc này? Chỉ một mình nó thôi. Và giọng hát của một cặp song ca nam nữ. “Quay đều, quay đều, quay đều, mối tình ngày xưa…”. Nó đánh bạo cầm tay nắm cánh cửa kéo ra ngó đầu vào tận bên trong. Cũng không một bóng người. Vậy là yên tâm rồi. Có chỗ trú ẩn nốt đêm nay.
Nó bị người ta đuổi khỏi chiếc ghế đá bên kia hồ khi vừa thiu thiu chợp mắt. Suốt một ngày tha thẩn khắp thành phố mù mịt những bụi. Và tiếng ồn như vít chặt hai lỗ tai. Đã khuya lắm rồi, ngả lưng trên chiếc ghế đá lạnh cóng. Còn hơn gà gật quanh các bãi cỏ đầy muỗi. Và đám thanh niên dặt dẹo luôn lộn trái tất cả các túi áo túi quần nó đang mặc trên người. Với một câu hỏi rắn đanh hăm dọa, tiền đâu? Nó rút kinh nghiệm từ sáng đến giờ. Không nhét các túi quần trở về chỗ cũ nữa. Cứ để chúng lòng thòng hai bên đùi như hai cái tai bò ve vẩy.
Minh họa: Đỗ Phấn
Giấc ngủ vừa đến. Đúng ra là một giấc mơ quái lạ. Nó mơ thấy mẹ nó đột nhiên quay về. Với một người đàn ông ăn mặc cũng luộm thuộm như những đàn ông ở quê nó. Lão ấy nói một thứ tiếng gì lạ lắm. Nó nghe lõm bõm lẩu, mẩu, tẩu, hảo à! Rất nhiều “hảo à!”. Nước mắt mẹ nó như mưa. Chỉ nhìn nó mà chẳng nói năng gì. Ngày mẹ nó bỏ đi cũng thế. Vào một buổi chiều sắp bão. Ráng vàng rực rỡ ma quái trên con đường cuối làng in bóng mẹ nó rung rinh chao đảo như sắp ngã. Nó biết mẹ nó đang khóc. Như mọi lần mẹ khóc, nó chỉ dám im lặng đứng nhìn.
Nó tin rằng khi hết bão, mẹ nó cũng lại trở về. Thơm tho lộng lẫy như những người đàn bà khác ở làng bỏ đi vào mùa mưa bão. Lúc về thể nào cũng có quà. Lại có cả em bé nữa. Thằng cu Khì bạn nó bảo rằng, mẹ nó cũng đi tìm em bé về. Em gái. Rất xinh. Ăn toàn sữa ngoại! Nó chưa bao giờ có em…
Nhưng mẹ nó bây giờ mới về. Chẳng mang theo một em bé nào cả. Lại có một người đàn ông đi cùng. Lão ấy bốc ra một thứ mùi tởm lợm. Như ở trong chuồng dê. Và giọng nói liến thoắng bằng một thứ tiếng nó chẳng hiểu gì. Và mẹ nó thì vẫn đang khóc. Giống hôm mẹ bỏ đi. Trong chiều sắp bão. Ánh nắng chói lòa vây quanh dáng mẹ vỡ vụn thành những mảnh nhỏ rơi không chấm đất.
Có tiếng quát đàn ông khàn đục ngay trên đầu. Nhóc con, ai cho mày nằm đây! Lần này thì nó hiểu. Bật dậy nhanh như một sợi chun con căng sẵn. Ngơ ngác nhìn lên. Không phải người đàn ông đi cùng với mẹ nó. Người đàn bà bên cạnh hắn có đôi mắt to tối thẫm đảo điên lòng trắng nhìn nó chằm chằm. Nó luống cuống thò tay xuống lôi lên hai cái túi quần lộn trái. Lùi một bước. Hai bước. Người đàn bà bỗng cười húc hắc, nó tưởng em đến mua hàng! Người đàn ông gầy quắt vòng tay dưới nách người đàn bà với lên một bên vú kéo cô ta ngồi xuống chiếc ghế còn ấm hơi người. Nó lùi đến một gốc cây khuất trong bóng tối ngồi xuống quan sát. May quá. Họ là những người lớn tuổi. Có vẻ như không thèm để ý đến mình. Chỉ để ý đến nhau. Người đàn ông ngả mình dang rộng hai cánh tay khẳng khiu đặt trên lưng tựa ghế đá. Bóng người đàn bà ngồi cạnh nhô lên hụp xuống đều đều khuất mặt. Có tiếng chép miệng. Khạc nhổ. Người đàn ông thỉnh thoảng rướn người xoa xuýt. Rất lâu. Cơn buồn ngủ của nó lại kéo đến. Không thể ngồi đây mà chờ. Nó đứng dậy bước sang phía bên kia hồ nước. Chỗ cái hốc sáng lung linh in bóng trên mặt hồ. Và giọng ca trễ nải như không muốn hát. Thì thào thì thào. Lào khào vấp…
***
Bên trong cánh cửa kính là một khoảnh rộng chỉ vừa chiếc chiếu đơn lát gạch men bóng. Chi chít vết chân người. Vết giày thì đúng hơn. Những vết bẩn chồng chéo lên nhau như gạch đá hoa. Càng bẩn. Những mẩu giấy nhỏ vun đống dưới chân chiếc máy. Lẫn với xác những con thiêu thân phờ phạc ngọ nguậy còn chưa chết hẳn. Những đôi cánh mỏng rũ tung bụi phấn theo nhịp bài hát phát ra từ chiếc máy rút tiền. “ Xin cho tôi cho tôi một đứa con trai…”. Nó phì cười. Ở thành phố cũng có người đi xin con? Giống như quê nó?
Nó chui hẳn vào buồng kính trong suốt của chiếc máy. Không khí ấm áp làm cho cơn buồn ngủ của nó lại kéo đến nặng trĩu mi mắt. Nền đất quá bẩn. Nó do dự. Chợt ngồi thụp xuống bới đống giấy vụn rải ra khắp lượt. Thế là có một chỗ nằm. Nó cuộn mình như một chú sâu nhỏ trong cái tổ kén sáng choang. Thiếp đi. Chẳng buồn để ý đến tiếng nhạc phát ra đều đều. Và tiếng đập cánh của loài thiêu thân giãy chết rè rè trong đám giấy như một lời ru tuyệt vọng.
Chẳng biết nó ngủ được bao lâu. Bên ngoài, trời đã lờ mờ sáng. Ô vuông cánh cửa nhìn ra mặt hồ lãng đãng sương. Có tiếng bước chân thậm thịch của những người đi tập thể dục quanh hồ. Bóng của họ chìm trong sương mù huyền ảo như đèn kéo quân. Người không rõ mặt. Trông hiền lành. Không có vẻ gì như là sắp đánh nhau. Sao ban ngày thấy quá nhiều bộ mặt hung tợn? Ở các nhà ga bến xe. Trong các hàng quán miên man trên phố vọng ra rất nhiều tiếng cãi vã mắng mỏ. Đã mấy lần nó toan mò vào hàng ăn định xin một việc gì đó làm. Bọn trẻ ở quê bảo thế. Cứ vào đấy người ta sẽ cho ăn và sai bảo làm vài việc lặt vặt. Nhưng hễ cứ nhìn thấy gương mặt tất tưởi chao chát của những người chủ, nó lại chùn bước. Cả ngày hôm qua nó chỉ được bà lão tốt bụng gần bến xe cho một chiếc bánh mì. Nhặt chai nước khoáng uống dở của ai không biết. Để trên chiếc ghế sắt nhà chờ xe buýt. Tạm no. Lại lên đường tha thẩn khắp nơi quanh phố. Có lúc hình như quay lại chỗ cũ. Cũng những thân cây sần sùi mấu sẹo ngả mình ra phía con đường. Những búi dây điện nhọc nhằn giăng mắc hình như chẳng của ai cả? Nếu có, làm sao biết được dây nào của mình? Và dòng người hối hả tuôn từ đâu ra không biết. Len lỏi chen chúc mà đi. Như một cơn bão người. Không kịp chào hỏi. Cũng chẳng nhường bước…
Bài hát vọng ra từ chiếc máy rút tiền bỗng im bặt. Một giọng đàn bà sáng sủa cất lên. Tin bão khẩn cấp, cơn bão số sáu, mười bốn giờ chiều nay bão số sáu đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía bắc. Sức gió mạnh nhất cấp mười cấp mười một. Vùng gần tâm bão đi qua cấp mười một mười hai. Giật trên cấp mười hai…
Cơn bão đã có những dấu hiệu từ mấy hôm trước. Lúc nó vẫn còn ở nhà với bà ngoại. Bà đã kêu mỏi lưng chóng mặt. Ráng chiều đã rợn vàng chói gắt sau rặng tre cuối xóm. Con mực bồn chồn ngóng mặt lên trời. Thỉnh thoảng phóng vút đi đâu không rõ. Một lúc lâu sau lại thất thểu quay về phủ phục trước hiên nhà. Nó trốn bà theo bọn trẻ đi làm ở thành phố lên tàu hoả. Chúng bảo tuần trước hình như gặp mẹ nó ở trên ấy. Hồng hào béo tốt. Ngồi sau một chiếc xe máy sang trọng. Dĩ nhiên không đứa nào kịp hỏi thăm gì cả. Chỉ nhìn thấy ngoài đường.
Xuống tàu, nó chia tay lũ trẻ. Một mình lang thang trên đường. Nhìn kĩ những người đi xe máy. Nhưng có quá nhiều người. Chắc chắn là nó đã bỏ sót một vài đôi ở những đoạn đường đông đến rối cả mắt. Phải tìm những con đường vắng hơn để kịp nhìn cho rõ. Đi gần hết một ngày không thể tìm ra con đường vắng ấy. Nhất là con đường mà bọn trẻ ở quê nói rằng đã trông thấy mẹ nó.
Bây giờ mới nghe đài báo bão. Mà cơn bão đã đến rất gần. Chiều nay chắc bà nó cũng hết đau lưng. Đang ở bên nhà dì nó. Bao giờ cũng thế. Mỗi lần có cơn bão, hai bà cháu lại dắt nhau sang nhà dì. Được ăn những món ngon. Lại xem cả tivi. Mình mẹ nó ở nhà. Chẳng biết để làm gì? Hết bão, bà cháu dắt nhau về. Mẹ bảo, sao bà không ở bên ấy luôn, mùa bão còn dài? Bà móm mém cười, tôi cứ nhà tôi tôi ở, việc gì phải đi đâu?
***
Có tiếng người nhộn nhạo rất gần. Nó choàng tỉnh. Cánh cửa kính đã bị ai kéo ra rộng ngoác. Lố nhố một đám người tóc tai rũ rượi. Áo quần xanh đỏ tả tơi. Trông cũng chẳng lớn hơn nó là bao. Giờ này đã lang thang trên phố. Không biết mẹ chúng có ở nhà? Mẹ nó lúc ở nhà không bao giờ cho nó bước chân ra đường vào buổi tối. Buổi tối ở thành phố đông nghịt đám trẻ choai choai trên đường. Ở thành phố cũng có những đứa trẻ bị bỏ rơi? Ngay trong ngôi nhà của chúng? Tha hồ tụ tập hẹn hò nhau chơi bời lêu lổng?
Hình như đám trẻ đã thức suốt đêm. Những nét mặt phờ phạc ngái ngủ. Những bước chân uể oải thả loanh quanh bên ngoài chiếc máy rút tiền. Một cô gái trẻ thơm mùi hoa quả chín bước lại gần chỗ nó nằm. Rút trong túi ra một mớ tiền nhàu nát. Chẳng buồn nhìn. Dúi vào tay nó, cho em, đi ăn sáng đi! Cả bọn cười như nắc nẻ. Một cậu trai lơ phơ mấy chiếc lông cằm đùa, cứ nằm đấy chơi em ạ, chị ấy mặc váy vào rút tiền, tha hồ mà…! Cô gái đấm thùm thụp vào vai anh chàng đang cuống quít chạy vòng vèo quanh đám người. Nó hiểu ý. Cầm mấy tờ tiền len lén rời khỏi chỗ nằm ấm áp. Đứng sát ngoài mép hè. Mắt vẫn không rời đám người vui vẻ. Rõ ràng đám này không phải là những đứa bị bỏ rơi. Họ có thể lấy được tiền từ cái khối sắt vuông vức kia? Đúng thế. Lúc cô gái quay mặt ra khỏi vùng sáng lờ nhờ xanh trước những bảng đèn. Trên tay đã vung vẩy một xấp tiền polyme bóng như ướt nước. Thật tuyệt vời. Nó nhớ đến những đồng tiền cô gái vừa cho. Mở ra xem. Mấy tờ hai nghìn. Một tờ năm nghìn. Chưa bao giờ nó có trong tay ngần ấy tiền. Nó lộn lại một bên túi quần vào trong. Ấn sâu những đồng tiền xuống tận đáy.
Những đám mây bỗng từ đâu dâng lên cồn cào. Ánh sáng nhờ nhợ của bình minh như đông đặc lại. Mặc cho tiếng máy xe đã nhộn nhạo lấp đầy không gian vọng xuống mặt hồ âm u bất tận. Không biết người ở đâu ra mà nhiều như thế. Mới sáng ngày ra.
Nó tưởng tượng ra bên trong những ngôi nhà lầm lì xám mặt phố kia phải là những cái tổ người khổng lồ? Người nêm chặt như trong tổ mối. Chẳng cần phải có một cơn bão nào thì mỗi sớm cũng đổ ra đầy đường cùng với xe cộ. Và những gương mặt cũng lầm lì câm lặng như mối. Thay cho lời chào hỏi là những tiếng còi xe nạt nộ chói tai. Nhưng hình như cũng không ai cảm thấy phiền phức. Dòng người bình thản nhích từng bước một. Cam chịu. Người thành phố còn nhiều chuyện phải quan tâm hơn bão. Nếu có phải bận tâm vì bão thì chỉ là sau khi cơn bão đã đi qua. Người ta nghe ngóng xem sắp tới phải đóng góp bao nhiêu tiền cho việc khắc phục hậu quả. Thường thì cũng không nhiều. Và cũng chẳng ai còn cảm thấy vinh dự khi làm việc từ thiện như vậy nữa. Mỗi năm có hàng chục cơn bão. Và mấy chục triệu tấm lòng…
Cơn bão số sáu đến sớm hơn dự báo. Chẳng biết do bão hay do dự báo sai? Đằng nào thì trời cũng đang trở gió. Từng cơn đột ngột trườn qua những vòm lá tuốt xuống đầy mặt đất. Lá xanh lá vàng rối rít cuộn từng vồng lớn đuổi nhau trên phố. Trùm lên những xe cộ. Những mặt người. Những áo quần. Len lỏi vào tất cả những khoảng hở có thể. Dòng người trên phố cũng như bị cuốn theo tốc độ của gió. Cúi rạp mình trên những chiếc xe máy. Lao cả lên hè đường tìm cách vượt qua người đi trước.
Phải trở về nhà vào lúc này. Nó thầm nghĩ và theo chân những người tránh gió men dọc các mái hiên đi về phía nhà ga thành phố. Những tiếng động lắc rắc cành cây gãy liên miên trên đầu. Thỉnh thoảng một ai đó hét lên, rơi đấy, tránh mau! Nhưng nhìn chung thì vẫn an toàn. Nhà cửa ở thành phố chắc chắn. Vài năm nay kể cả những phần cơi nới cũng đã được củng cố thêm nhiều. Không chỉ để cho vững chãi. Người ta sắp cấp sổ đỏ cho tất cả những phần đất lấn chiếm. Những cây cổ thụ đã được xén tỉa cho bớt rườm rà từ trước mùa mưa bão. Tất cả những cành những lá có thể gãy. Và có thể đẹp.
Cơn bão đã thực sự đổ về. Nhà ga xe lửa chật kín người. Có điều rất lạ. Trong số những người nằm ngồi ngổn ngang ở đây có những gương mặt không hề tỏ ra nóng ruột. Dường như chẳng có cơn bão thì họ vẫn có mặt ở đây từ rất lâu rồi. Và có vẻ như cũng chẳng định đi đâu. Trải manh chiếu gọn gàng vào một góc. Dép guốc và những bao tải căng phồng xếp xung quanh. Đàn ông và đàn bà ôm nhau thản nhiên đánh giấc giữa cái ồn ào không dứt của tiếng người, tiếng loa. Không có cảm giác nào về thời gian. Ban ngày hay ban đêm? Nắng hay mưa thì cái thứ ánh sáng vàng lởn vởn khói thuốc hắt ra từ mấy chiếc bóng đèn tròn như chính nó toát ra một thứ mùi nôn nao khó tả.
Nhà ga thông báo chuyến tàu Bắc - Nam bị chậm lại. Chờ cho đến khi có thông báo mới. Đường sắt bị ảnh hưởng cơn bão đã nhiều nơi bị ngập nước. Nó chưa thể về. Và cũng chẳng về làm gì. Đằng nào thì sớm nhất cũng phải sau cơn bão mẹ nó mới có thể quay về. Như tất cả người làng nó ra đi từ trước những cơn bão. Cũng có người đã qua mấy mùa bão vẫn chưa về. Có thể họ ở rất xa. Chẳng thể nào biết được ở nhà đã hết bão hay chưa?
Nhìn thúng bánh mì nghễu nghện trên đầu một người đàn bà lam lũ đang len lỏi qua những thân người ngả ngốn, nó thấy bụng ran lên. Cái đói từ chiều hôm qua bị những lạ lẫm phố phường khoả lấp bây giờ mới có dịp nhoi lên. Cồn cào. Rỗng. Nó tìm nắm tiền trong túi quần. Đủ để mua nhiều bánh mì. Nó chọn một cái to nhất. Nóng hổi. Mùi thơm ngầy ngậy khiến trong miệng nó ậng nước từ bao giờ. Chiếc bánh mì to tướng thơm lừng nhưng rỗng ruột. Người thành phố khảnh ăn? Nó ngạc nhiên khi ngón tay cái chui tụt vào bên trong chiếc bánh mỗi khi có ý định bẻ một mẩu. Và càng ngạc nhiên hơn khi cả chiếc bánh đã nằm yên trong bụng. Cái đói vẫn lởn vởn đâu đây. Phải làm thêm chiếc nữa. Xin bà hàng nước chè bán dạo một cốc nước nguội mới đủ no.
Những cơn gió mạnh dần lên xiết trên những mái nhà. Hạt mưa bay ngang đập rát rạt vào những tấm biển quảng cáo ngật ngưỡng. Thỉnh thoảng bóc ra từ đó những mảnh vụn thốc lên bầu trời xám xịt. Mưa bay qua những ô trống trên bức tường trang trí mặt ngoài nhà ga rơi xuống. Đám người vạ vật bên trong lùi dần. Nép vào nhau. Chẳng còn quen còn lạ. Nó nhỏ người, trèo lên quầy bán vé. Đủ rộng để có thể nằm xuống. Bữa ăn no và những tiếng ồn ào đều đều không dứt như ru ngủ. Ở những nơi quá dày đặc âm thanh vô nghĩa. Thật ngạc nhiên, người ta rất dễ đi vào giấc ngủ ngon lành.
Trong mơ, những ánh chớp nhì nhằng đứt đoạn sau rặng tre ngả nghiêng đầu xóm. Nó dõi mắt về phía ấy. Thầm mong mẹ đừng về vào lúc này. Cơn bão vẫn còn hung tợn trên những mái nhà sũng nước. Giọng bà nó ngắt quãng chập chờn theo nhịp võng đưa. “À ơi…gió đưa cây cải về trời…rau dăm ở lại…”. Những cái hốc tối tăm bên nhà dì nó thật đáng sợ. Dưới gậm bàn thờ. Hai khuôn cửa tò vò dẫn vào hai gian chái. Và cả những khoảng trống bên trên những vì kèo của ngôi nhà gỗ cổ. Trong chiếc khám trên ban thờ tối om sâu hút, cơn bão không len lỏi vào được. Mơ màng những sợi tơ nhện đung đưa. Bà nó chỉ cho quét một lần vào dịp Tết hàng năm.
Nó sợ hãi nép chặt vào người bà ngoại. Trong bóng tối. Mở to mắt nhìn rặng tre cuối xóm vật mình đứng thẳng. Im lìm. Rũ rượi. Cơn bão đã đi qua từ lúc nào. Không gian chợt nồng lên mùi lá cây. Nó ngửi thấy rất rõ mùi quả sung. Một khoảng trời lớn lộ ra sau vòm lá trắng âm u. Ở chỗ cành sung chi chít quả. Mọi ngày nó vẫn trèo lên hái…
Có ai đó đập mạnh vào chân nó. Một tiếng quát không có vẻ giận dữ, nằm dịch lên, cho con bé này nằm tạm! Nó mở mắt nhìn xuống dưới chân. Người đàn bà đầu tóc rũ rượi bẩn thỉu bế đứa trẻ đang ngủ ngặt nghẽo trên tay nhẹ nhàng đặt cô bé nằm dưới chân nó. Vẫn những tiếng người chật ních hỗn loạn trong ánh đèn vàng mù mịt khói thuốc. Tiếng loa ngái ngủ nhắc nhở mọi người cảnh giác trông coi đồ đạc của mình. Không thể biết ngoài kia cơn bão có còn vẫy vùng khi quanh nó dường như vẫn một cơn bão khác…
Đ.P